Không chỉ là kỷ niệm

Tôi mở đầu dài dòng về chuyện ảnh ung không phải để lấy cớ khoe ảnh mình, vì ảnh tôi thời nào cũng xấu hết, mà để khoe một chuyện khác, chuyện về những năm học trường nhạc, tôi có may mắn chứng kiến sự ra đời của một số bài hát đi cùng năm tháng.
hoc-vien-am-nhac-1620403844.jpg
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Chẳng cứ gì các bà các cô mới thích khoe ảnh mình thời trẻ, các ông các anh cũng thế, chỉ có mật độ ít dày đặc hơn mà thôi. Hôm qua nhạc sĩ Văn Thành Nho khoe cái hình đang vác đàn ghi ta bước đi hùng dũng, anh chú thích là ảnh trong phóng sự âm nhạc của VTV3 năm 1998.

Bạn bè vào khen tưng bừng rối rít. Có người kêu lên: Ối giời ơi sao anh ngày xưa mỹ miều thế! Có người bảo đẹp như Tây lai. Có người khen đẹp hơn diễn viên điện ảnh… Lạ một điều là anh tỏ ra hờ hững với những lời khen đó, trong khi tôi không một lời nhắc tới cái ảnh thì anh lại vui vẻ tiếp chuyện, lại còn viết: Nhớ lắm nhạc viện ơi!

Tôi mở đầu dài dòng về chuyện ảnh ung không phải để lấy cớ khoe ảnh mình, vì ảnh tôi thời nào cũng xấu hết, mà để khoe một chuyện khác, chuyện về những năm học trường nhạc, tôi có may mắn chứng kiến sự ra đời của một số bài hát đi cùng năm tháng.

Thời ấy sinh viên Lý Sáng Chỉ (Tên gọi tắt khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy) chiếm phần lớn các phòng tầng trệt nhà tập thể của Nhạc viện Hà Nội. Phòng 5A chúng tôi án ngữ ngay chân cầu thang, các phòng 6A, 7A… trở vào chủ yếu dành cho các sĩ quan, như: Ánh Dương, Danh Viện, Quách Lý, Nho Van Thanh , Minh Vy Vu, Đào Hữu Thi, An Thuyên…

Ở phòng ngoài cùng có cái hay là ai bắt đầu đi đâu hay đi đâu về cũng tiện chân ghé vào nói vài chuyện dưới biển trên trời, trong trường ngoài phố, hết chuyện trời ơi đất hỡi rồi mới đụng đến âm nhạc. Một buổi chiều Văn Thành Nho xách cái cặp dày cộp vào, đặt đánh uỵch một cái xuống bàn, rồi trịnh trọng nói: Mời các nhà lý luận nghe bài mới toanh vừa viết nhé!

Anh e hèm dăm bảy cái rồi cũng cất lên được những câu đầu tiên: Ru con mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời/ Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời/ Mẹ Âu Cơ… Mọi người đầu tiên nghe chăm chú, nhưng về sau nhìn dáng điệu và nghe cái giọng khò khè cố hát lên những nốt cao thì không nhịn được nữa, cười phá lên. Tội nghiệp cho người nhạc sĩ đang cao hứng, anh xách cặp vùng vằng bỏ về. Đã thế, mấy ngày sau bọn tôi vẫn chưa buông tha, cứ gặp anh là giả giọng ả đào: Ru con mẹ ru con…

Bữa cơm trưa của phòng 5A hôm nào cũng đông vui xôm tụ. Chủ nhà chuẩn bị nồi canh, bữa thì mùng tơi, bữa rau đay, bữa tập tàng… anh em ngoại trú hết giờ học xuống, mở cạp lồng của từng người ra: thịt, tôm, cá, đậu phụ, giò chả, lạc rang muối. Nữ NS Le Giang Tran nhà ở Bát Tràng, trước khi vào trường đã nổi tiếng với “Ước mơ xanh”, thi thoảng cũng góp một món tự tay làm… Trong một bữa trưa như thế, Lệ Giang nghẹn ngào hát sáng tác mới “Đất nước tình yêu”, khiến ai cũng cảm động, không dám chê một nốt nhạc nào!

Vào một đêm rất muộn, nghe tiếng gõ cửa ngập ngừng, tôi mở cửa thì thấy anh An Thuyên. Anh bảo, đứa nào ngủ thì cứ ngủ, đứa nào thích nghe “Neo đậu bến quê” thì dậy mà nghe. Rồi anh cứ đứng dựa vào thành giường mà hát, một giọt nước mắt từ từ lăn ra. Hát hết bài anh nói: Có lẽ phải xa các bạn thôi, về quê thôi, Hà Nội không phải chốn của mình… Đêm đó giường nào cũng cọt kẹt vì những cái trở mình thao thức. Ai cũng nao nao nhớ về bến quê của lòng mình, nơi có người em gái thơ ngây đã trót trao gửi trái tim để rồi cứ đợi chờ mòn mỏi...