Hà Nội cũng là nơi có số lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước, với hơn 60 địa điểm, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; kiến trúc, thiết kế, thủ công; không gian làm việc chung, hỗ trợ khởi nghiệp… Đây là một trong những nhân tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa tầm nhìn khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bức tranh sáng tạo đa sắc
Trước năm 2016, người Hà Nội chưa thể nghĩ sẽ có một không gian vui chơi, giải trí đậm sắc màu văn hóa vào mỗi ngày cuối tuần, đến khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm xuất hiện. Ngay khi đưa vào vận hành, người dân và du khách đều nhiệt tình ủng hộ, vì địa điểm này chính là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa đặc sắc Hà Nội. Đến đây, họ được hòa mình các chương trình văn hóa nghệ thuật của Hà Nội và các vùng miền khác trên cả nước; trải nghiệm các hoạt động dân gian; ngắm nhìn kiến trúc cổ kính của các di tích, khu phố cổ; được thưởng lãm không gian huyền ảo của hồ Hoàn Kiếm về đêm; được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Trong khi Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng, nhất là các không gian vui chơi về đêm thì không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm như giải “cơn khát” cho người dân.
Hay như phố bích họa Phùng Hưng đã làm sống lại đoạn phố gầm cầu vốn bị bỏ quên trong sự nhếch nhác nhiều năm qua. Các nghệ sĩ đã thổi hồn vào nó để biến nơi này trở thành một khu phố nghệ thuật công cộng, một điểm nhấn văn hóa thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Gần đây nhất là dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã biến toàn bộ khu vực bờ bãi chạy dọc sông Hồng vốn rất ô nhiễm trước đó thành khu vực sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời chạy dọc hơn 500 mét ven sông. Một bến sông lịch sử, cửa ngõ giao thương của đất Thăng Long - Kẻ Chợ một thời, nay đã được hồi sinh bằng một luồng sinh khí nghệ thuật. Còn không gian đi bộ Trịnh Công Sơn là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan sinh thái ven hồ Tây, các giá trị văn hóa nghệ thuật và ẩm thực Hà Nội.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội: “Những dự án mang yếu tố cảnh quan và cộng đồng như vậy đã làm cho không gian vốn chật hẹp, ngổn ngang của khu vực trung tâm thành phố được cân bằng trở lại và tìm được sức sống mới ngay trên chính những di sản không gian, di sản kiến trúc đậm tính lịch sử”.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng mong muốn được thưởng lãm các dự án nghệ thuật đương đại có khả năng đối thoại và thúc đẩy những tương tác văn hóa với người xem ở Phố cổ Hà Nội. Anh hy vọng, từ cảm hứng của một Thành phố sáng tạo, tới đây các không gian nghệ thuật công cộng cùng với các không gian nghệ thuật và di sản đình, đền trong Phố cổ Hà Nội, sẽ tạo thành một mạng lưới dày đặc trên bản đồ nghệ thuật của thành phố, tạo nên sức hấp dẫn mới cho đô thị này.
Có thể nhận thấy, không gian văn hóa nghệ thuật, nhất là không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Hơn cả, nó tạo sức hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho thành phố vốn cần nhiều “bức tranh” sáng tạo đa sắc màu như không gian đi bộ, phố bích họa hay con đường nghệ thuật. Đưa văn hóa, nghệ thuật vào không gian sống không chỉ làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp, mà còn tạo ra bản sắc mới cho thành phố. Chính các không gian này còn thúc đẩy ngành du lịch Thủ đô phát triển khi ngày càng có nhiều du khách tìm kiếm các trải nghiệm thông qua văn hóa truyền thống và nghệ thuật đương đại.
Lan truyền cảm hứng sáng tạo
Với đa dạng các loại hình hoạt động, cùng những sáng tạo trong cách thức tổ chức, thực hiện và sáng tạo trong cách sắp đặt, bài trí, các không gian sáng tạo tại Hà Nội đang lan truyền cảm hứng cho đông đảo người dân. Bên cạnh khả năng làm phong phú đời sống tinh thần cho cộng đồng, các không gian sáng tạo còn giúp mọi người thay đổi nhận thức về hoạt động sáng tạo và vai trò ngành sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Điều đó có thể nhìn thấy tại các không gian: Liu lo Art, Six Space, CuCa, Hub Café, Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại Vicas Art Sudio, Vụn Art... Một số không gian còn làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống như: Ơ kìa Hà Nội, Tổ Chim Xanh, Zó Projet...
Hợp tác xã Vụn Art được hình thành từ cái nôi làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, chuyên làm tranh ghép vải, sản phẩm thời trang, quà tặng ghép vải, đồ gia dụng trang trí tranh ghép vải, theo quy trình sinh thái tận dụng vải vụn thu gom từ làng nghề. Nhưng đây thực sự là một doanh nghiệp đặc biệt, bởi có sự phối hợp giữa những người nghệ sĩ và những người khuyết tật.
Đến thăm hợp tác xã vào một ngày hè, dù thời tiết oi bức nhưng những người khuyết tật vẫn say mê làm việc. Họ đang tích cực hoàn thành đơn hàng là 200 tranh ghép vải cho một cơ quan ở quận Hà Đông. Từ đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn trong trẻo của những người khuyết tật, nhiều bức tranh được tạo ra từ những miếng vải vụn rất có hồn và sinh động.
Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cho biết, sản phẩm của Vụn Art gắn liền với sản phẩm truyền thống, hoàn toàn làm bằng thủ công và mang đậm văn hóa dân gian Việt Nam. Việc tái sử dụng nguyên liệu thừa từ làng nghề có ý nghĩa không nhỏ trong hoạt động bảo vệ môi trường. Mọi người đến tham quan còn được trải nghiệm làm tranh ghép vải và được mang về các sản phẩm do chính mình làm ra.
Chiếm phần lớn trong các không gian sáng tạo tại Hà Nội là các không gian dành cho hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, mô hình ươm mầm tài năng. Người trẻ được truyền cảm hứng sáng tạo từ các chương trình triển lãm, biểu diễn và trao đổi, tương tác tại các không gian này. Ở đây thường là môi trường mở, tạo sự thân thiện để mọi người gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân. Nhưng cũng từ các không gian này, công chúng tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động sáng tạo, kết nối bản thân với mọi người và giữa công chúng với nghệ sĩ không có ranh giới nào.
Các không gian làm việc chung, một loại hình tiêu biểu của không gian sáng tạo, cung cấp nền tảng về cơ sở vật chất để những người theo nghề nghiệp sáng tạo hiện thực hóa các dự án, ý tưởng của mình, đồng thời hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật, kiến thức và kỹ năng bổ trợ khác. Các không gian làm việc chung góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và chủ động theo đuổi các ngành nghề công nghiệp sáng tạo.
Chẳng hạn, không gian sáng tạo Toong là nơi cho thuê chỗ làm việc cho các công ty, tổ chức, cá nhân có nhu cầu, nhưng mỗi vị trí được thiết kế trên cơ sở kết tinh yếu tố văn hóa của khu vực đó. Cụ thể, Toong, số 8 Tràng Thi là một biệt thự Pháp cổ nhưng thay vì làm mới kiến trúc, người ta lưu giữ nét đẹp khu vực đó, có làm mới theo xu hướng hiện đại nhưng không làm mất đi yếu tố truyền thống. Chị Nguyễn Thu Giang, phụ trách Toong, số 8 Tràng Thi, cho biết nơi này không chỉ cung cấp chỗ làm việc trong một không gian mở mà còn có hoạt động trưng bày nghệ thuật, tổ chức các hoạt động văn hóa và mọi người đều đón nhận mô hình này, bởi nó sẽ tăng cảm hứng làm việc, cảm hứng sáng tạo.
Các không gian này góp phần kích thích sự sáng tạo của xã hội và tạo nên một bản sắc mới. Nhiều không gian văn hóa đa sắc màu được hình thành, nhiều mảng màu cũ được hồi sinh khiến cho Hà Nội thêm sinh động, cân bằng giữa cũ mới, truyền thống và hiện đại, thúc đẩy thành phố phát triển bền vững.
Bài 3: Hồi sinh những mảng màu cũ