Xuống ga Vinh, anh và tôi cùng về nhà. Cả gia đình rộn ràng chào đón thân thiết. Khi anh chia tay, anh dặn ( - Ở nhà vui vầy cho thoải mái)
Ba ngày sau, anh đánh xe máy đến đón tôi vào một nhà dân ngay trong khu vực công an tỉnh Nghệ Tĩnh. Trong nhà chỉ có một người đàn ông mặc trang phục dân sự chừng 60 tuổi. Ông niềm nở chào tôi và nói:
- Chúng tôi rất mừng khi anh đã về với tỉnh nhà. Tôi là Chương trưởng phòng an ninh nội bộ công an tỉnh.
Ông chỉ ghế mời tôi hỏi tiếp: - Bố anh trước có là cảnh sát?
Tôi trả lời: - Vâng! Nghe nói là lứa Công an đầu tiên. Nhưng được một năm, do sức khỏe yếu bố về sống với gia đình.
- Ông hỏi: - Thế còn có chú ruột?
Tôi nói: - Chú tôi là Đặng Sĩ Quán tiếp chân bố tôi, nhập ngũ 1952. Đang ở bộ đội biên phòng, giỏi võ thuật, được điều ra bảo vệ cơ quan chính phủ cho đến nay.
Ông Chương nói: - Trước đây mình cũng ở với chú Quán của Ngọc đấy. Còn bây giờ thế này: - Như chúng ta đã biết đầu 1973 theo hiệp định Paris ta và đối phương có việc trao trả tù binh. Chúng ta đón nhận rất đông anh em từ các trại tù binh đế quốc về an dưỡng ở các tỉnh miền Bắc. Nay một số tạm thời về khu điều dưỡng thương binh (KĐZTB4) gồm anh em có quê từ Nam Thanh Hóa đến Phú Quốc. Bởi các tỉnh phía Nam hiện chưa có cơ sở đón họ về. Khi nhận cùng một lúc đồng loạt nên chúng ta chưa biết hết ai có công, ai chiêu hồi hoặc còn hoạt động cho địch. Nay anh về đó điều dưỡng rồi giúp công an theo dõi, báo cáo hàng ngày. Các nhân viên của chúng tôi sẽ giúp anh nhưng luôn giữ bí mật để an toàn cho công việc.
Ông nói thêm: - Nếu công an chúng tôi thường xuyên ở đó không lợi lắm.
Cuối cùng ông hỏi: Anh có ý kiến gì không?
Lúc này tôi nghĩ: Xưa nay chưa có việc gì được giao mà tôi không hoàn thành. Nay có nhiệm vụ mới lạ, tôi cũng trả lời: - Được ạ! Nhưng trước quân thù thì tôi quyết giữ bí mật, này sống với đồng đội, sự thật thà của tôi dễ để lộ bí mật lắm ạ!
Ông nói: Rồi anh em sẽ hướng dẫn giúp anh công tác
Nhiệm vụ cụ thể là vậy, chứ chẳng có đọc quyết định gì. Ngày hôm sau t KĐZTB 4 thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội (nay là trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ Tĩnh) đã nhận tôi làm điều dưỡng viên. Tôi tìm hiểu KĐZTB4 được Bộ Nội vụ thiết kế xây dựng từ 1969 trên phần đất xã Nghi Phong - huyện Nghi Lộc sát với thành phố Vinh về phía Đông Bắc, trên đường xuống cảng Cửa Hội - Cửa Lò. Diện tích rộng rãi, có bốn nhà hai tầng, mỗi tầng có 10 phòng, thiết kế vệ sinh 2 đầu đầy đủ. Một trong bốn nhà này là nhà làm việc của công nhân viên. Có một dãy nhà trệt rộng rãi cho xe lăn hoạt động, có hội trường, có nhà ăn và các dãy nhà cho những ai có gia đình đến ở. Thiết kế doanh trại cho khoảng 400 thương bệnh binh mất sức 81% trở lên. Nhưng khi tôi về đó trại đã phải chứa quá tải trên 800 người, trong số này có khoảng 200 các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt bớ, tù đày. Riêng Nghệ Tĩnh có khoảng 80 người, mỗi người có một thương tật khác nhau: người bị liệt toàn thân, người cụt hai chi, người bị mù hai mắt, người tâm thần…. có cả nam và chừng 20 nữ. Cuộc sống đầy thương yêu. Những người phục vụ là quân nhân nam nữ chuyển về. Những người trong đội quân chiến thắng trở về rất ít kể chuyện quá khứ bị tù đày, người nào giỏi bắt chuyện lắm các anh ấy mới kể hết. Kể về những tội ác của những tên đao phủ tay sai, họ nhớ nhiều tên khét tiếng tàn bạo, ác ôn nhưng cũng có lúc những tên đao phủ ấy đối xử tốt để mua chuộc bằng nhiều cách tâm lý chiến…
Đến sống ở khu điều dưỡng tôi tham gia hoạt động tất cả các phong trào cùng anh em như: văn hóa, văn nghệ, thể dục, lao động, trị liệu… Được tất cả thương bệnh binh và cán bộ công nhân viên phục vụ yêu quý. Họ bầu vào Chi ủy, Đảng ủy viên phụ trách đội phó của một đội, bầu vào hội đồng thương bệnh binh nên tôi được gần gũi, hiểu biết anh em dễ dàng. Thời gian khá dài nhưng không ai biết tôi làm việc gì cả ngoài một thương binh an dưỡng. Có được sự bí mật này là do các đồng chí công an viên phụ trách thay phiên giúp sức. Việc giữ được bí mật cũng là một nghệ thuật nghiệp vụ. Suốt thời gian đó tôi không phát hiện có ai hoạt động cho địch và trong số hàng trăm người chiến thắng trở về ấy có 4 người từng bị chiêu hồi. Không chịu được cực hình tra tấn, sợ chết nên đã làm theo kẻ địch. Khai báo, chỉ điểm và chào cờ cho đối phương. Việc đầu hàng, dành sự sống của những người này làm cho đồng đội, đơn vị của họ tổn thất không nhỏ. Nhưng khi về khu điều dưỡng họ đã băn khoăn, bứt rứt từ tâm can. Thấy mọi người đối xử tốt họ lại chịu khó, tích cực điều dưỡng như để chuộc lỗi lầm. Cũng có lúc bức xúc một điều gì đó trong nội bộ cá nhân với nhau họ lại tự tố cáo (Mày là thằng chiêu hồi)… Sau hàng chục năm, khi tôi đã ra quân. Cả bốn người này đã chết vì thương bệnh tật và có thể do day dứt trong lương tâm nữa. Còn tất cả những anh em được trao trả đã kiên cường, bất khuất, chịu đựng đau đớn, đoàn kết đấu tranh từ trong tù. Họ đều tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của chính nghĩa. Những gương dũng cảm hy sinh ấy được các đồng chí hoạt động bí mật trong tù này chịu trách nhiệm giới thiệu, kết nạp Đảng mà trong tù chưa kịp tổ chức. Đó là thương binh Nguyễn Trọng Thành, nhiều gương anh em được nghe kể mà thương xót như thương binh Khảm quê Đô Lương. Anh không phải diện trao trả, mà khi kẻ thù không khai thác được gì ở anh, địch đã phóng thích anh vào rừng vùng biên giới của ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia. Anh không gặp được quân giải phóng bơ vơ, bất vất, đói khát chết đi sống lại giữa rừng. May mắn được gặp nhân dân Campuchia cứu anh rồi gửi anh sang Lào. Nhân dân Lào lại gửi được anh về Việt Nam và cuối cùng được về khu điều dưỡng.
Tất cả những tình cảm buồn vui trên tôi chỉ để trong lòng. Mãi sau hàng chục năm tôi mới dám công khai. Sau đó nhà nước có chủ trương phát động toàn dân đón nhận thương bệnh binh có điều kiện thì về sống với gia đình. Các tỉnh phía Nam đã làm được trạm trại đón nhận anh em về quê hương nuôi dưỡng. Vì vậy quân số ở khu điều dưỡng thương binh 4 giảm dần.
Cũng là thương binh qua công tác cho an ninh tôi cũng thật sự thấy các nhân viên công an của tỉnh vô cùng thương yêu các anh thương binh nặng. Thấy lương thực, thuốc thang, điện nước trong sinh hoạt của anh em thiếu thốn thời bao cấp. Công an đã tìm hiểu rồi đề bạt báo cáo tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh cùng các ngành hữu quan cần ưu tiên cho khu điều dưỡng.
Việc góp công giúp ngành an ninh tôi chăm chỉ, coi đó là sự vinh dự của người lính chứ thực ra tôi chả có phụ cấp gì thêm ngoài trợ cấp thương tật như đồng đội.
Đến ngày chia tách hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tôi được nghỉ việc này. Nhìn lại tự thấy tôi đã rời đội ngủ một cách êm ái. Tôi xin về sống với vợ con. Nơi cư trú, bà con bảo tôi làm tổ trưởng tổ dân cư, đồng đội bầu vào ban chấp hành hội cựu chiến binh 4 khóa liên tục. Khi gia đình tôi sống trong cảnh bao cấp tôi đã chăm chỉ nuôi gà, nuôi lợn, làm xe đạp lai, làm bất cứ việc gì mà sức mình còn có thể làm được để có thêm cơm cho các con bớt độn. Tôi vẫn vui, vẫn hát ru con bằng bài hát “Vì Nhân Dân Quên Mình”
Theo Trái tim người lính