Kiên Giang: Biến tiềm năng lợi thế thành tiềm lực phát triển

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước và là 01 trong 07 tỉnh, thành phố ven biển của Vùng ĐBSCL với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, đảo đã đạt mức tăng trưởng khá tốt, từ 1,21% năm 2021 lên 7,7% năm 2022 và ước năm 2023 đạt 6,79%.

3-kien-giang-1707497151.jpg

Tỉnh Kiên Giang quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ theo quy hoạch được duyệt, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Đỗ Thanh Bình, nêu rõ, Kiên Giang là tỉnh có địa bàn rộng về diện tích đất liền và không gian biển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quy hoạch và quản lý lãnh thổ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, do đó, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, trên tinh thần tiếp thu, quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập quy hoạch với sự huy động của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu góp ý, phản biện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang, bởi, Quy hoạch Kiên Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là giá trị pháp lý cao nhất ở cấp tỉnh, thể hiện khát vọng và tầm nhìn mở rộng không gian, định hình các động lực phát triển mới để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Để thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh Kiên Giang khai thác hiệu quả lợi thế biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển của Quốc gia. Phú Quốc là đô thị biển đảo độc đáo, đặc sắc, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển - đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phát huy tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối, thúc đẩy giao lưu, giao thương quốc tế với các nước trong khu vực. Tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội giữa đất liền với hải đảo. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm đầu mối, cảng biển và cảng hàng không; hình thành các hành lang kinh tế mới, vừa gắn kết với các hành lang kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, của Quốc gia, vừa kiến tạo các không gian phát triển mới tại vùng U Minh Thượng, Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung mọi nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.

Cùng với đó Kiên Giang phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và trên biển; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

5-kien-giang-1707497375.jpg

Kế thừa và phát huy truyền thống, giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc

 

Kiên Giang tăng cường bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu; kế thừa và phát huy truyền thống, giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc; đẩy mạnh giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Kiên Giang...; gắn kết phát triển văn hóa, thể thao với phát triển du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình văn hóa, thể thao quan trọng, tiêu biểu như Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc, Quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện, xã có đủ cơ sở vật chất thiết chế văn hóa. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch.

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có chất lượng sống cao, là trung tâm kinh tế biển; có 34 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I là TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc, 01 đô thị loại II là TP. Hà Tiên, 01 đô thị loại III là thị xã Kiên Lương, 10 đô thị loại IV và 20 đô thị loại V. Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế.

Tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới tư duy, tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xác định thứ tự ưu tiên và phân bổ nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ theo quy hoạch được duyệt, xây dựng Kiên Giang phát triển nhanh và bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP của tỉnh, trong đó xuất khẩu nông, thủy sản tăng trưởng gần 12%/năm; tăng trưởng ngành du lịch gần 16%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 35%/năm đã đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng chung của tỉnh. Nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2025, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng Kiên Giang đã vượt qua thách thức để phục hồi và phát triển, đạt mức tăng trưởng khá tốt, từ 1,21% năm 2021 lên 7,7% năm 2022 và ước năm 2023 đạt 6,79%.