Còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu bền vững
Du lịch cộng đồng mang lại tác động tích cực đối với cộng đồng địa phương trên rất nhiều phương diện, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua việc bán các sản phẩm du lịch cho du khách bên cạnh những thu nhập từ công việc truyền thống của mình. Từ đó, tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt của địa phương.
Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật được đầu tư dựa trên sự chung tay của cộng đồng địa phương cũng như nguồn quỹ cộng đồng thu được từ hoạt động du lịch hoặc nhận được viện trợ, đóng góp của các du khách cho địa phương.
Liên kết nhiều ngành kinh tế lại với nhau, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tạo nguồn vốn đầu tư trở lại để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Nâng cao năng lực về du lịch và quản lý cho cộng đồng địa phương. Đánh thức những giá trị của cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng, quảng bá hình ảnh của địa phương, của quốc gia đến với bạn bè trên toàn thế giới.
Lợi ích của du lịch cộng đồng là không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu là hoạt động kinh doanh của từng hộ dân, chưa hình thành sự liên kết, phối hợp giữa các hộ dân làm du lịch trong cộng đồng.
Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa chuyên nghiệp, chưa có sự sáng tạo, độc đáo nên chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Lượng khách đến du lịch tuy có tăng nhưng không ổn định và thiếu tính bền vững.
Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là các địa bàn nông thôn, hải đảo. Nguồn nhân lực tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại Kiên Giang còn thiếu về số luợng, rất ít người được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ.
Các chủ thể tham gia hoạt động du lịch cộng đồng còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phục vụ kinh doanh du lịch, cơ chế phối hợp giữa các hộ dân và các bên tham gia trong du lịch cộng đồng còn chưa cao; vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là việc thu gom và xử lý rác thải tại các địa bàn du lịch cộng đồng chưa được giải quyết đúng mức; thiếu các chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng; vai trò của chính quyền và doanh nghiệp du lịch trong du lịch cộng đồng chưa được phát huy và nhận thức của người dân về du lịch còn hạn chế.
Hệ thống văn bản pháp quy về phát triển du lịch cộng đồng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên chưa có chính sách mang tính đột phá, chưa huy động được nhiều nguồn lực từ cộng đồng xã hội và các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại Kiên Giang.
Thay đổi tư duy, chia sẻ lợi ích
Để phát triển du lịch cộng đồng một cách có hiệu quả rất cần có sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân. Tăng cường xúc tiến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch để thu hút khách đến tham quan; huy động sức dân tự nguyện làm du lịch để tăng thu nhập của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Không phát triển du lịch cộng đồng ồ ạt, theo phong trào, cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là việc tìm hiểu thị trường, quảng bá và các điều kiện phục vụ du khách.
Thay đổi tư duy làm du lịch cộng đồng, đó là, du lịch cộng đồng phải làm cho du khách có cảm giác như “về nhà”. Ở đó, du khách có người trò chuyện cùng, có chỗ nghỉ ngơi thoải mái như trong gia đình. Điều đó không có nghĩa là du lịch cộng đồng có gì thì làm nấy mà phải đổi mới tư duy nhận thức làm du lịch cộng đồng, hướng tới tư duy sáng tạo đưa ra ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương. Phải tính toán sao cho không chỉ duy trì tính nguyên bản của điểm đến mà còn làm cho du khách cảm nhận được đầy đủ các giá trị văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng.
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, là tuyên truyền cho người dân trực tiếp tham gia du lịch cộng đồng để họ tham gia một cách tự giác, tích cực và hiểu được ý nghĩa của phát triển du lịch cộng đồng, đổi mới tư duy và hành động với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.
Tích cực giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng phong cách ứng xử có văn hóa, thân thiện đối với khách du lịch theo phương châm “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, cởi mở, thân thiện “Đón khách như đón người thân trở về”.
Tập huấn, hướng dẫn người dân về cách làm du lịch cộng đồng, các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch như: lễ tân, buồng, bàn, bếp, hướng dẫn du lịch... kiến thức tiếng Anh giao tiếp; kiến thức về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho du khách nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực làm du lịch; nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển du lịch.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và một số trang mạng xã hội như: Phần mềm quản lý du lịch (ứng dụng app), cổng du lịch thông minh, trang thông tin điện tử du lịch... các trang Youtube, Fanpage, Facebook, Zalo chuyên biệt về du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác, phát huy hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch truyền thống như: tham gia một số Hội chợ, triển lãm, liên hoan, hội nghị xúc tiến du lịch; tuyên truyền trực quan trên pano quảng cáo tấm lớn; xây dựng bản đồ du lịch, tờ gấp giới thiệu, sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch, kênh thông tin truyền thông cơ quan báo chí để quảng bá.
Có sự khen thưởng, động viên khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp làm tốt du lịch cộng đồng, có sự đóng góp tích cực cho xã hội; nhân rộng điển hình trong tỉnh, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ngoài tỉnh để làm tốt hơn du lịch cộng đồng.
Cần có các chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng như chính sách thuế, chính sách cho vay nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp.
Có sự chia sẻ lợi ích đối với các thành viên trong cộng đồng, kể cả trực tiếp, gián tiếp và cả những người không tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch.