Kiên Giang: Khi dịch Covid -19 diễn biến phức tạp cần linh hoạt trong dạy và học trực tuyến

Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 hiện nay, việc dạy và học trực tuyến được chú trọng và là giải pháp cho các em học sinh lĩnh hội kiến thức.
1-kien-giang-khi-1630381441.jpg

Tình hình đăng nhập Hệ thống học tập trực tuyến ViettelStudy khi học sinh phải nghỉ học để phòng, chống bệnh Covid -19 năm học: 2019 - 2020.

Giáo dục trực tuyến là hình thức học diễn ra trên Internet. Nó thường được gọi là “elearning” trong một số các thuật ngữ khác. Tuy nhiên, học trực tuyến chỉ là một loại “học từ xa” - một thuật ngữ cho bất kỳ việc học nào diễn ra trong khoảng cách xa và không theo phương thức truyền thống của lớp học.

Nội dung tài liệu học tập có thể được cập nhật từ các phần mềm học trực tuyến và các ứng dụng di động khác. Đặc điểm vượt trội của đào tạo qua mạng đó chính là tính tương tác cao và đa dạng giữa giáo viên và người học. Theo tính năng đó, giáo viên và người học có thể trao đổi trực tiếp với nhau thông qua các ứng dụng: chat, zoom, email, diễn đàn,…

Giáo dục trực tuyến cho phép đào tạo mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng. Học sinh có thể truy cập khoá học bất kỳ nơi đâu, uyển chuyển và linh động trong một ngày, trong tuần, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, dễ dàng tạo và cho phép học sinh tham gia học, theo dõi tiến độ học tập, kết quả học tập của mình.

Từ 7 giờ ngày 28/8 đến 19 giờ ngày 28/8/2021, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh là 35 ca, nâng tổng số ca mắc tính từ ngày 21/6/2021 đến 19 giờ ngày 28/8/2021 lên 1.251 ca. Bệnh viện đa khoa: 62 ca, Bệnh viện Lao phổi: 08 ca, thành phố Rạch Giá: 595 ca, thành Phố Hà Tiên: 28 ca, thành phố Phú Quốc: 05 ca, Giồng Riềng:117 ca, An Biên: 09 ca, Vĩnh Thuận: 118 ca, Tân Hiệp: 10 ca, An Minh: 15 ca, Gò Quao: 79 ca, Kiên Hải: 07 ca, Châu Thành: 168 ca, Hòn Đất: 16 ca, Kiên Lương: 06 ca, U Minh Thượng: 03 ca và Giang Thành: 05 ca.

Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021, dạy học trực tuyến hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông giúp cơ sở giáo dục phổ thông nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi nơi, mọi lúc và nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Cũng trong Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) , điều 2 Giải thích từ ngữ, quy định: (2). Dạy học trực tuyến là hoạt động dạy học được tổ chức thực hiện trên hệ thống dạy học trực tuyến. (3). Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông là hình thức dạy học trực tuyến thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục phổ thông. (4). Dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông là hình thức dạy học trực tuyến thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Tại văn bản số 1940 hướng dẫn tổ chức dạy học năm học 2021-2022, ngày 17/8/2021, trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp của Sở giáo dục tỉnh Kiên Giang yêu cầu giáo viên phải xây dựng các phương án thực hiện kế hoạch giáo dục kết hợp đồng thời giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến với 03 phương án. Phương án 1: Xây dựng kế hoạch mỗi môn học có 10% nội dung được tổ chức dạy học trực tuyến. Phương án 2: Xây dựng kế hoạch mỗi môn học có 30% nội dung được tổ chức dạy học trực tuyến và Phương án 3: Xây dựng kế hoạch mỗi môn học có 50% nội dung được tổ chức dạy học trực tuyến.

Mỗi môn học xây dựng cả 3 phương án, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, các đơn vị sử dụng lần lượt các phương án phù hợp.

Nếu giáo viên làm kế hoạch theo văn bản số 1940 của Sở thì không phù hợp với khoản (4) điều 2 Giải thích từ ngữ của Thông tư 09. Còn “dạy học trực tuyến thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông” theo 10%, 30%, 50% nội dung như văn bản số 1940 thì giáo viên sẽ dạy và học sinh sẽ học như thế nào khi mà “Dạy học trực tuyến chỉ được coi là hỗ trợ dạy học trực tiếp”? Ở đây có thể hiểu là dạy học trực tuyến một phần nội dung bài học hoặc chủ đề sau khi các em đã được học trực tiếp ở trên lớp, ở trường, bởi khi học ở trên lớp các em đã nắm được các kiến thức cơ bản của bài học, từ kiến thức cơ bản đó làm nền tảng để các em học trực tuyến các đơn vị kiến thức còn lại. Hoặc cũng có thể hiểu là dạy trực tuyến 10%, 30%, 50% nội dung bài học, các nội dung còn lại học trực tiếp ở trên lớp. Như vậy, nếu dạy theo cách này thì khi dạy trực tiếp ở trên lớp sau khi hết dịch Covid -19 thì giáo viên lại phải quay lại các bài trước để dạy những nội dung chưa được dạy trước đó, hoặc cũng có thể hiểu là dạy trực tuyến 10%, 30%, 50% của tổng số tiết của một môn học,...

Còn khi các em không đến trường học mà phải học trực tuyến thì phải dạy toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, tức là theo khoản (4) điều 2 Giải thích từ ngữ của Thông tư 09.

Khi mà dịch Covid -19 bùng phát, không ít giáo viên lúng túng về kỹ thuật thực hiện vì khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả, lúng túng hoặc không tự tin khi triển khai bài giảng.

Mặc dù học sinh khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo, nhất là đối với những trường học, gia đình có điều kiện kinh tế đầu tư trang thiết bị học tập phục vụ giảng dạy, đầu tư cho con cái. Nhưng cũng có không ít gia đình có hoàn cảnh gia đình khó khăn khó có thể lo được cho con cái được trọn vẹn.

Đồng thời, trên thực tế hiện nay tình hình trang bị máy vi tính để học online là điều khó thực hiện được bởi máy vi tính dùng để học online phải có cấu hình tương đối tốt, có đầy đủ camera, webcam, âm thanh phải đảm bảo. Ở vùng quê, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, việc gia đình sắm được máy vi tính, điện thoại thông minh cho con em mình học tập là không nhiều, nhất là gia đình đông con, trong khi tình hình dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công nhân không có việc làm, sản phẩm nông nghiệp không tiêu thụ được, kinh tế giảm sút, không có thu nhập... nên việc mua sắm máy vi tính, điện thoại thông minh cho con học là rất khó khăn.

2-kien-giang-khi-1630381441.jpg

Học trên truyền hình HTV7 cũng đã được tỉnh khuyến khích học sinh khi phải nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid -19 năm học: 2019 - 2020.

Bên cạnh đó, việc học trên điện thoại thông minh sẽ gây khó khăn trong việc ghi chép bài, thị lực, trí não và tâm lý, sức khỏe của các em cũng bị ảnh hưởng. Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh không đảm bảo khi đường truyền yếu.

Để đảm bảo việc dạy và học online từng bước đảm bảo và chất lượng được nâng lên, Sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị trường học để xây dựng kế hoạch, lựa chọn công cụ dạy, học qua Internet phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường. Khuyến khích học sinh học trực tuyến tại trang học trực tuyến Toliha.vn tại địa chỉ đăng ký tài khoản: https://toliha.vn. Đồng thời cần thống nhất lựa chọn một trong hai hệ thống ViettelStudy(viettelstudy.vn) hoặc VNPT E-learning (lms.vnedu.vn) để hướng dẫn tổ chức dạy học qua Internet và nhiều trang học trực tuyến khác,…

Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm việc quản lý, giám sát cũng như kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh tại đơn vị. Khuyến khích giáo viên có thể sử dụng các ứng dụng khác để hỗ trợ việc dạy và học qua Internet như: Zoom; Google Hangouts Meet, Trans, Skype, Email, Shub - Classroom, Google Classroom; Zalo, Viber; Messenger,...

Cùng với đó là dạy học qua Truyền hình. Các đơn vị Sở giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên và học sinh tại các địa phương học tập theo lịch phát sóng các bài học của các khối lớp đã được Bộ GDĐT cập nhật thường xuyên tại địa chỉ https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/lich-hoc-truc-tuyen.aspx. Tổ chức trao đổi, thống nhất lựa chọn kênh phát sóng phù hợp với đơn vị để hướng dẫn học sinh tham gia học tập. Chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể từng lớp học, môn học theo lịch phát sóng các bài học; phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách môn học theo lớp học; xây dựng kế hoạch bài học để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học được phát trên truyên hình.

Đối với các cơ sở giáo dục hiện chưa đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến hoặc chưa tổ chức các hoạt động học qua truyền hình thì thực hiện hình thức dạy học qua video hoặc tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn học để chuyển tải đến học sinh. Dạy học qua video là hình thức tổ chức cho giáo viên quay bài giảng của mình để đăng lên website hoặc các nền tảng chia sẻ video; giáo viên hướng dẫn học sinh xem video đồng thời yêu cầu học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập kèm theo video.

Đối với các học sinh không có điều kiện tham gia các hình thức học tập qua Internet, qua truyền hình hay qua video, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm biên soạn và sao chụp hướng dẫn học và câu hỏi, bài tập theo từng nội dung bài học để hướng dẫn học cho từng học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh trong việc giao, nhận bài giảng, tài liệu học.

Để mọi học sinh được tiếp cận với bài học thì nên cho học sinh học bài qua truyền hình là phù hợp nhất hoặc lựa chọn 01 đơn vị cung cấp bài dạy qua Internet và yêu cầu học sinh truy cập trang mạng đó để học bài. Trang mạng đó phải là trang mạng mở, tức là truy cập vào là được ngay, không bị rườm rà bởi các thao tác kĩ thuật.

Ngày 26/8/2021 Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản số 2018 quyết định không tổ chức dạy - học qua môi trường Internet, thời gian thực học bắt đầu từ ngày 20/9/2021. Nhưng khi dịch Covid -19 diễn biến phức tạp thì cần linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, tránh gây áp lực lên phụ huynh học sinh khi mà họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.