Kiên Giang: “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Quốc Giang

17/12/2022 07:28

Theo dõi trên

Ngày 16/12/2022, tại Thành phố Phú Quốc, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”.

1-kien-giang-1671236738.jpg
Ông Nguyễn Lưu Trung- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thứ nhất từ trái sang) trao Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” cho đại diện thành phố Phú Quốc

 

Trải qua quá trình hình thành, xây dựng và phát triển thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” nói chung ngày càng vươn tầm xa hơn, được cộng đồng, các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế ghi nhận. 

Đây là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc, bảo vệ quyền lợi cho ngành nghề truyền thống đặc sắc không chỉ của Kiên Giang mà còn của cả nước. Tuy nhiên, để được có được kết quả đó, bằng những nỗ lực, kiên trì của những cơ sở chế biến nước mắm Phú Quốc nói chung và Hội nước mắm Phú Quốc đã chủ động cùng nhiều cấp, ngànhquyết tâm kiến nghị, đề xuất để “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” để được vinh danh:

Từ năm 2001 đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa “Phú Quốc” tại Việt Nam; Năm 2006 đăng bạ hồ sơ tại Châu Âu;

Ngày 08/10/2012, Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý và là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc liên minh châu Âu. 

Ngày 16/6/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc. 

Năm 2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhân Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 5107:2018);

Năm 2021, nước mắm Phú Quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng quốc gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ngày 27/5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”; 

Ngày 27/5/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”… 

Đó là những thành công trong việc ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ làm nước mắm Phú Quốc truyền thống- “Nghề” đã được nâng niu, gìn giữ trên 200 năm qua, góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị và làm cho hương vị nước mắm Phú Quốc ngày càng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Có thể nói, “nước mắm” là một gia vị không thể thiếu trong bữa cơm của gia đình người Việt. Từ thói quen ăn uống, nghề làm nước mắm đã trở thành một trong những nghề lâu đời của người Việt, nhất là ở những vùng ven biển, trong đó có nghề làm nước mắm Phú Quốc. 

Theo một số tài liệu của người Pháp, Phú Quốc là một trung tâm nước mắm nổi tiếng của Việt Nam và Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XIX, do nghề đánh bắt cá cơm của cư dân sinh sống trên đảo Phú Quốc và ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển Tây Nam đã có khá lâu đời, cho nên đó là một trong những điều kiện cần để làm ra nước mắm.

Với quy trình sản xuất truyền thống, hoàn toàn tự nhiên được bảo tồn và gìn giữ lưu truyền nhiều thế hệ của cha ông để lại, như: Cá Cơm Than sau khi đánh bắtsẽ được muối ngay trên tàu, đem về ủ chượp trong thùng gỗ thiên nhiên với những yêu cầu đặc biệt trong thời gian từ 12-15 tháng, sau đó cho ra thành phẩm nước mắm.Qua hàng trăm năm hình thành, phát triển, nghề làm nước mắm Phú Quốc ban đầu chỉ ở hộ gia đình, dần trở thành một nghề có tổ chức, có quy mô, được gọi là “nhà thùng”. 

2-kien-giang-1671236833.jpg
Ông Nguyễn Lưu Trung- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thứ tư từ phải sang) tham quan gian hàng của các cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc tại Lễ công bố

Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam- bà Hồ Kim Liên, cho biết: “Để có được tiếng nói chung của tất cả “nhà thùng” trong thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi trong sản xuất, chế biến nước mắm, nên Hội nước mắm Phú Quốc đã ra đời. Qua hơn 20 năm, đã ngày càng chứng minh tính hiệu quả trong hoạt động, kích thích sản xuất, sản lượng chế biến hàng năm đều tăng trưởng. Hiện nay, có hàng trăm “nhà thùng”, trên 7.000 thùng gỗ chượp cá, với mỗi thùng có sức chứa từ 12-15 tấn cá; sản xuất cho ra sản lượng hằng năm từ 20-30 triệu lít nước mắm tính từ 25o đạm trở lên…

Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ “nhà thùng” chưa tham gia vào Hội cũng còn nhiều, nên sẽ tiếp tục vận động; việc tiêu thụ trong năm 2022 là rất hạn chế, các cấp, ngành liên quan cần nghiên cứu, giúp hội đề ra các giải pháp để kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ nước mắm Phú Quốc”

Chủ cơ sở sản xuất Anh Duyệt- chị Trần Thị Huệ cho biết: “Tiếp nối truyền thống gia đình trong nghề làm nước mắm, bình quân mỗi năm cơ sở Anh Duyệt sản xuất trên một triệu lít từ 25 độ đạm trở lên, tuy nhiên cũng trong bối cảnh chung, năm 2022 sản lượng tiêu thụ sụt giãm nghiêm trọng, đề nghị cần có các giải pháp…”

Để phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh và mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, trong điều kiệnnước mắm Phú Quốc phải đáp ứng những quy chuẩn, quy định, những điều luật của quốc gia và quốc tế, nhất là quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo yếu tố quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc. 

Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Hiện nay, lượng nước mắm Phú Quốc sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với nước mắm cốt là: 5.925.718 lít, nước long (từ nước nhì trở đi) là 75.200 lít. Trong thời gian tới, việc phát triển tài sản trí tuệ  cần đưa ra các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Các “nhà thùng” cũng cần phải nâng cao vai trò của các tổ chức tập thể như Hợp tác xã, Hội... trong việc tập hợp hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết thống nhất trong các nhà sản xuất, kinh doanh để cùng khai thác có hiệu quả”

Cho dù trải  qua  biết bao thăng trầm của lịch sử thì nước mắm Phú Quốc vẫn trường tồn với thời gian, quy mô sản xuất ngày càng lớn hơn, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, bảo đảm đời sống cho hàng ngàn ngư dân, người lao động trong các “nhà thùng”. Riêng hạn chế tiêu thụ trong năm 2022 có thể xem như là một “điểm tạm nghỉ chân” để các cơ sản xuất nước mắm trên địa bàn thành phố Phú Quốc nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm trong tiêu thụ;  phát triển hội viên, tăng cường phối hợp liên kết, đề ra chiến lược sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; phát triển thêm cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đủ điều kiện theo quy định để đủ sức ngày càng “vươn ra biển lớn”, tham gia mạnh mẽ vào thị trường quốc tế”.

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn