Kiên Giang: Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa năm học: 2022-2023

Sách giáo khoa được lựa chọn trong năm học 2022 -2023 phải có tính ổn định, không gây xáo trộn và mang tính liên thông.
1-kien-giang-to-chuc-lua-chon-1648024049.jpg
Thầy Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

 

Sắp tới, từ ngày 04 đến ngày 08 tháng 04 năm 2022, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa năm học 2022-2023 sẽ bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại Sở giáo dục và Đào tạo. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có 11 Hội đồng cấp Trung học cơ sở và 16 Hội đồng cấp Trung học phổ thông.

Hiện nay, các đơn vị trường, phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang tiến hành nghiên cứu sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10 thuộc các bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo,… để lựa chọn bộ sách phù hợp.

Sở giáo và đào tạo tỉnh yêu cầu các thầy cô giáo nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa cần bám sát Quyết định số 02 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đó là:

Tiêu chí thứ nhất: Phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội. Nội dung sách giáo khoa mang tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, cộng đồng dân cư và mang tính chất mở, tính phân hóa cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, tổ (nhóm) chuyên môn và giáo viên trong việc điều chỉnh, bổ sung những nội dung thích hợp, gắn với thực tiễn đảm bảo phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh của địa phương.

Hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động được thể hiện với các mức độ khác nhau phù hợp với đặc điểm, trình độ đối tượng học sinh và đặc điểm kinh tế, xã hội vùng miền. Sách giáo khoa được in ấn chất lượng, có giá phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.

Tiêu chí thứ hai: Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Nội dung sách giáo khoa được triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác của cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ trợ cho sách giáo khoa đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác sử dụng.

Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa được diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, đảm bảo đúng quy định về chính tả và ngữ pháp; kênh chữ và kênh hình được bố cục hài hòa, đảm bảo tính thẩm mỹ; hệ thống ký hiệu, biểu tượng, đơn vị đo lường, bảng, biểu, đồ thị, bản đồ chính xác; kiểu chữ, cỡ chữ, các chữ viết tắt, phiên âm, tranh, ảnh, hình vẽ phù hợp với các đặc trưng môn học và tâm lý lứa tuổi học sinh.

Các chủ đề, các bài học trong sách giáo khoa được thiết kế phù hợp với nội dung chương trình môn học và tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục theo điều kiện của từng trường, từng địa phương; tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 năm học: 2022-2023 phải mang tính ổn định, không gây xáo trộn và phải mang tính liên thông của các cấp, cập nhật và kế thừa phương pháp giảng dạy mà các em đang được học.

Trong 02 năm lựa chọn sách giáo khoa, đối với lớp 2, năm thứ nhất, Sở giáo dục tỉnh lựa chọn được 02 bộ sách. Bộ sách thứ nhất là Kết nối tri thức với cuộc sống, có 260/320 đơn vị giảng dạy, bầu chọn bộ sách này, chiếm tỉ lệ 81,25%. Bộ sách thứ hai được lựa chọn là bộ sách Cánh Diều, có 59/320 đơn vị giảng dạy, chiếm tỉ lệ 18,43%.

Năm thứ hai, tăng lên 28 đơn vị lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tăng từ 81,25% lên 90%. Bộ sách Cánh Diều đang ở tỉ lệ 18,43% giảm xuống còn 10%. Đối với lớp 6, số đơn vị lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chiếm tỉ lệ 95%, còn bộ sách Cánh Diều chiếm tỉ lệ còn 4,6%.

Từ đó, chúng ta lựa chọn sách giáo khoa lớp 7 và lớp 10 phải làm sao có tính chất ổn định, kế thừa, liên thông, làm sao cho học sinh tiếp thu phương pháp học tập liên thông. Do đó, việc lựa chọn làm sao để dễ cho mình, phù hợp thực tế xã hội của địa phương, thuận lợi trong giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn và phù hợp với đội ngũ của nhà trường,… là quan trọng.

Thầy Trần Quang Bảo mong rằng các thầy cô giáo trong hội đồng lựa chọn sách giáo khoa năm học 2022 - 2023 nghiên cứu để lựa chọn sách giáo khoa một cách khoa học nhất, phù hợp nhất và phục vụ kết quả giảng dạy cao nhất.