Kiên Giang: Vì sự phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội góp phần làm cho kinh tế, đời sống nhân dân ổn định và phát triển. Năm 2021, ước giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 1%.
1-kien-giang-vi-su-phat-trien-1642554474.jpg
Tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường cho sự phát triển bền vững

 

GRDP ước đạt 63.153,65 tỷ đồng

Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản.

Trước những khó khăn, thách thức, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời, có hiệu quả với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, sử dụng giống lúa chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”; phát triển chăn nuôi theo hình thức tập trung, trang trại, gia trại; khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học.... góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong tỉnh và xuất khẩu.

Năm 2021, tuy tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt như kỳ vọng nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, sự đồng hành của các doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của Trung ương, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 63.153,65 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 0,93%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,25%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 0,14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bằng 94,08%.

Cơ cấu kinh tế thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 41,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,5 %; khu vực dịch vụ chiếm 32,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,25%. Tổng thu nhập bình quân đầu người ước 58,1 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh cũng đã triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng với 12 dự án. Các công trình hạ tầng thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư; hạ tầng truyền dẫn quang, truyền dẫn viba được triển khai đến hầu hết xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã biên giới, hải đảo như: Thổ Châu, Nam Du, An Sơn, Tiên Hải,…

Hạ tầng bưu chính, viễn thông được triển khai đồng bộ, phủ rộng, khép kín đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc trong quản lý, kinh doanh và đời sống xã hội của người dân.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; đặc biệt, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi cho đối tượng chính sách, người có công được quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quyền lợi và chế độ thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người tham gia từng bước được nâng lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 10,54%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,2%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 83,57%. Chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên, đầy đủ, kịp thời cho 53.934 người, với tổng kinh phí 339.538 triệu đồng.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ nhà người công với 3.800 căn, trong đó xây mới 2.150 căn và 1.650 căn, tổng vốn 200.000 triệu đồng. Toàn tỉnh đã gửi tặng 21.685 suất quà cho gia đình chính sách, người có công với tổng kinh phí 6.583,8 triệu đồng; truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 54 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và tặng thưởng 22 Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ hy sinh và có con duy nhất là liệt sĩ.

Tỉnh cũng đã tăng cường quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, thực hiện các giải pháp linh hoạt đã giúp các doanh nghiệp từng bước ổn định hoạt động trở lại; đồng thời, dự báo trong những tháng cuối năm, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ có bước tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng trong những dịp lễ, tết, đặc biệt là đối với ngành dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản,... nên dù ước cả năm xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, đạt 695 triệu USD; nhập khẩu ước đạt 125 triệu USD.

Tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu vì sự phát triển bền vững của tỉnh nhà, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 25/7/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Cùng với đó tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Kiên Giang để thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2025 và năm 2030.

Đồng thời rà soát những mục tiêu có khả năng không đạt để đưa ra các giải pháp kịp thời, đảm bảo đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong đó, tập trung vào những giải pháp trọng tâm như: Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch,... có liên quan đến việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững để chủ động điều chỉnh cho phù hợp. Huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách có hiệu quả. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tăng cường khả năng chống chịu, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh và tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển bền vững; tăng cường nâng cao nhận thức, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội để tạo sự lan tỏa trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.