Kiệt sức vì Covid-19, nhiều nhà hát "dứt ruột" chia tay các diễn viên

An Chi

27/05/2021 15:48

Theo dõi trên

Điều buồn nhất là vừa rồi, do quá khó khăn, Nhà hát phải cắt hợp đồng ngắn hạn, chỉ còn hợp đồng thời vụ. Đó đều là những người đi làm vì đam mê, coi nghề diễn là nghiệp... Nhưng nay họ cũng chỉ có thể đến Nhà hát nếu có công việc cần mà thôi”, diễn viên Nguyệt Hằng tâm sự.

“Cú đấm kép” của đại dịch Covid-19 đã khiến cho không chỉ các ngành nghề, dịch vụ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, mà ngành sân khấu - với đặc thù gắn bó với khán giả, đã lâm vào cảnh điêu đứng đầu tiên. Sân khấu tắt lịm ánh đèn, nghệ sĩ người ngồi im kiên nhẫn đợi dịch đi qua, người phải bỏ nghề. Hàng loạt các chương trình nghệ thuật hủy, hoãn, hoặc đã phát hành vé phải xin lỗi và trả tiền lại cho khán giả…

Tại tọa đàm trực tuyến về giải pháp thu hút khán giả và khó khăn của sân khấu trong dịch Covid-19, Bộ VH,TT&DL thông tin, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phải hủy toàn bộ các suất diễn phục vụ chính trị và hợp đồng cũng như lưu diễn ở các tỉnh; chương trình làm theo đơn đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến diễn vào tháng 5 cũng dừng lại. Còn kế hoạch phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa của Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng trùng vào những đợt căng thẳng nhất của dịch bệnh nên cũng đã bị hoãn lại.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết ông không khỏi xót xa khi phải hủy các đêm diễn ít ỏi mà khó khăn lắm mới ký được hợp đồng. Các Nhà hát lâm vào cảnh bế tắc, “án binh bất động”, chưa biết sẽ phải trả lương các nhạc công, diễn viên bằng cách nào… Còn NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt chia sẻ: "Sân khấu múa rối không hoạt động, khó khăn nhiều thứ. Chúng tôi xác định rõ tư tưởng chống dịch còn lâu dài, nhưng cũng lo lắng cho phát triển của sân khấu múa rối…”.

Diễn viên Nguyệt Hằng hiện đang công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ tâm sự: “Đặc thù Nhà hát Tuổi Trẻ phục vụ đối tượng chính là các em thiếu nhi, lượng suất diễn phục vụ khán giả nhí chiếm đến 60%. Tất cả các dịp lễ quan trọng như Tết Trung thu, Tết thiếu nhi hoặc nghỉ hè, chúng tôi đã tập dượt, chuẩn bị sẵn nhiều chương trình để phục vụ các con, nhưng đã bị đình hết lại. Anh em nghệ sĩ vốn rất năng động, trong Nhà hát còn có đoàn ca múa nhạc nữa, nay phải ngồi nhà chờ dịch đi qua đều rất buồn… Điều buồn nhất là vừa rồi, do quá khó khăn, Nhà hát phải cắt hợp đồng ngắn hạn, chỉ còn hợp đồng thời vụ. Nhiều năm nay, đó đều là những người đi làm vì đam mê, coi nghề diễn là nghiệp, bởi đồng lương sân khấu đâu đủ nuôi sống họ, đâu thể đem lại vị trí chắc chắn… Nhưng nay họ cũng chỉ có thể đến Nhà hát nếu có công việc cần mà thôi”.

Cùng chung nỗi niềm, diễn viên Ngọc Quỳnh của Nhà hát kịch Hà Nội chia sẻ: “Toàn bộ các hoạt động như công tác biểu diễn, chuẩn bị cho hội diễn liên hoan sân khấu, hội diễn toàn quốc… đều đã dừng lại. Khó khăn chồng chất khó khăn, song tôi nghĩ việc quan trọng nhất hiện nay là thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19, mỗi người nâng cao ý thức để nhanh chóng đẩy lùi dịch, cuộc sống nhanh trở về bình thường.

Theo tôi được biết, Nhà hát Kịch Hà Nội vừa rồi cũng đã phải “dứt ruột” chia tay những diễn viên đã gắn bó lâu năm nhưng có hợp đồng ngắn hạn. Quỹ lương của Nhà hát không cho phép chi trả lương, nhiều diễn viên phải chuyển sang hình thức cộng tác làm bao nhiêu trả bấy nhiêu mà thôi. Đó là thực tế cực kỳ khó khăn của anh em nghệ sĩ, bởi có những người đã hàng chục năm cống hiến với nghề nay đã phải dứt áo ra đi…”.

Cũng tại buổi tọa đàm, NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đề nghị, nếu như trong năm 2020, Bộ đã hỗ trợ mỗi nhà hát một đêm diễn ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thì năm nay, Cục NTBD tiếp tục kiến nghị Lãnh đạo Bộ VHTT&DL hỗ trợ như vậy. NSND Thanh Ngoan cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các nhà hát cần chủ động xây dựng, biểu diễn các chương trình, phát online phục vụ khán giả, không thể để sân khấu "đóng băng".

Còn NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đưa ý kiến: "Thay vì ngân sách cấp cho các nhà hát 1 năm dựng 2 vở như hiện nay thì chỉ đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Dựng 2 năm 1 vở thôi. Nhưng phải thật hay, thật sự đỉnh cao. Có nguồn cung là ngân sách đó, còn nguồn cầu là đưa tác phẩm đến các khu công nghiệp, các trường học. Bên cạnh đó, các nhà hát nếu chủ động được kinh phí thì vẫn thực hiện các vở diễn khác, còn ngân sách nhà nước thì chỉ điều phối như thế".

Được biết, trong tuần tới, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL sẽ gặp mặt các nhà hát để lắng nghe những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đưa sân khấu vượt qua ảnh hưởng của đại dịch.

Bạn đang đọc bài viết "Kiệt sức vì Covid-19, nhiều nhà hát "dứt ruột" chia tay các diễn viên" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn