Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập TTXVN (15/9): " Giữ lấy những gì mà ta yêu quý " !

Đó là lời trong ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" của cố Nhạc sĩ Hoàng Vân 

Đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thân mến !

Hôm nay, Kỷ niệm Ngày truyền thống của Ngành ta . Dân tộc ta trải qua bao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc . .. có bao giờ như hôm nay; vật vã trong cuộc chiến “không tiếng súng “ với “ quân địch vô hình“ COVID-19 – đau thương , nghịch cảnh ?

Chúng mình phải cách ly nhau – Bắt gặp ý thơ của Lecmantov về cung bậc tình yêu …

Họ liếc nhìn nhau

Đôi mắt lảng tránh như lánh mặt kẻ thù

Không đến được với nhau trong NGÀY VUI mỗi năm có một lần ?

ttx1a-1631692615.jpg

 

Hôm tôi đến thăm Cụ Tám – “ Tám – Chân “ * – cháu Nguyễn Thị Hòa có hỏi tôi hình như chưa ai viết về Bác Hoàng Tuấn, chú nhỉ ? Cháu Hòa là trưởng nữ thủ trưởng Lê Chân của tôi.

"Thời nào kim cương nấy " . Tôi đọc cuốn sách quý của cơ quan " 70 NĂM TTXVN 1945-2015 " dày ngót năm trăm trang, ngoài ảnh chân dung, hai tấm ảnh minh họa ( Hoàng Tuấn ), chỉ ít dòng - chưa đầy trang - viết về các Anh Hoàng Tuấn, Lê Chân .

Khi cầm bút viết bài này, tôi có nói với anh Đức Giáp rằng; tay mình run **, mình sẽ không “ lên gân “ để viết về thủ trưởng mà buông thả lòng mình theo dòng cảm mến thủ trưởng, người Thầy đầu tiên đời nghề mình... làm rõ tính cách, phong độ Hoàng Tuấn.

ttx-1b-1631692481.jpg
Hai ảnh trên: Anh Hoàng Tuấn trên diễn đàn và Anh (áo trắng) cùng đồng nghiệp trẻ thân thiết (hồi ở chiến khu Việt Bắc).

 

THƯƠNG NHỚ ANH HOÀNG TUẤN

Mỗi độ thu về, trong không khí chuẩn bị ngày truyền thống của Ngành (15-9) tôi lại nhớ tới anh Hoàng Tuấn – người Anh – người Thầy đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi. Anh vừa là người chỉ đạo vừa là giảng viên chính lớp phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) khóa 1 của chúng tôi (anh Đào Tùng được Anh giao trực tiếp phụ trách lớp học này).

Anh Hoàng Tuấn được Đảng giao gánh vác xây dựng và phát triển VNTTX (nay là TTXVN) từ 1947 -1965.

Tôi về làm việc ở TTXVN được 10 năm thì Nhà nước điều động Anh sang làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thông Tin . 10 năm làm việc “dưới trướng” Anh để lại dấu ấn và những kỷ niệm vui buồn không thể phai mờ trong tôi .

Là người con của “Xứ Đoài mây trắng” *** và là cháu thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu; có lẽ vì thế mà trong Anh mang cái chất hào hoa , lãng tử chăng ? Đang là cậu Tú, gia đình muốn anh tiếp tục con đường khoa cử nhưng với tâm trạng chung của lớp trí thức trẻ yêu nước lúc bấy giờ muốn tự khẳng định mình, khát vọng tìm đường phụng sự cho lý tưởng cách mạng. Anh kể lại lúc ấy, Anh viết cho người anh trai một lá thư dài bằng tiếng Pháp bộc bạch tâm tư, nguyện vọng của mình. Từ một công chức của ngành nông lâm thời Pháp thuộc, Anh bứt phá, sống cuộc đời tự do phóng khoáng vào Nam ra Bắc. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Anh hăng hái tham gia phong trào. Anh cùng các anh Trần Kim Xuyến, Trần Lâm được tổ chức giao gánh vác công tác thông tin tuyên truyền của chính quyền cách mạng khi còn trứng nước. Rồi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lên Việt Bắc, Anh được Đảng giao trọng trách lớn lao xây dựng nền móng đầu tiên cho ngành Thông tấn xã Việt Nam.

Nói đến Hoàng Tuấn, ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là một cán bộ rất “chuyên”.. Nhớ cốt cách của Anh trên bục giảng, trên diễn đàn thời sự và lúc duyệt tin, bài của phóng viên. Vầng trán cao, đôi mắt thông minh, tiếng nói lưu loát (có thể nói là thao thao bất tuyệt) ; Anh tạo nên sức hút đối với cử tọa. Lớp thanh niên học sinh “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) chúng tôi được Anh gần gũi, dìu dắt trưởng thành. Có nhiều kỷ niệm về nghề nghiệp với Anh tôi nhớ mãi…

Đó là thời kỳ miền Bắc nước ta hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế. Cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tỉnh nghèo Hưng Yên nổi lên mấy phong trào hay: làm thủy lợi, khai hoang, thâm canh phát triển nông nghiệp để “đuổi kịp mức sống trung nông”. Tỉnh ủy có những chủ trương và phương pháp lãnh đạo rất sáng tạo, được Bác Hồ về thăm động viên, khích lệ.

Anh Hoàng Tuấn giao nhiệm vụ tôi về Hưng Yên viết tin, bài, phỏng vấn đồng chí Lê Quý Quỳnh, Bí thư Tỉnh ủy.

Còn trẻ, tuổi nghề còn non, nhiệm vụ lại nặng nề, tôi rất run. Tôi dè dặt hỏi Anh về nội dung phỏng vấn ? Anh nghiêm khắc bảo: Đó là nhiệm vụ của một phóng viên. Cậu về tỉnh nghiên cứu, nắm tình hình, dự kiến nội dung câu hỏi thông qua tôi, sau đó tiến hành. Còn tin, bài có tài liệu đến đâu, cứ viết. Nói vậy nhưng Anh vẫn tạo điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi được biết Anh điện trực tiếp cho đồng chí Lê Quý Quỳnh, giới thiệu tôi. Anh bảo anh Lê Bá Thuyên (lúc đó là Trưởng phòng Tin trong nước) đưa tôi mượn cuốn sổ tay của anh ghi chép trong chuyến đi công tác Hưng Yên để tôi đọc. Phải nói anh Thuyên là mẫu mực về tính nghiêm túc của một nhà báo. Nhờ sự ghi chép rất kỹ của anh Thuyên mà tôi rút ngắn được thời gian chuẩn bị nội dung phỏng vấn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên là một cán bộ lãnh đạo có tác phong "xắn quần lội ruộng" . Anh được bà con thân quen như người nhà. Trước khi vào cuộc phỏng vấn, anh đưa tôi đi thăm phong trào từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Nhờ vậy mà tôi được tiếp xúc với những điển hình của địa phương. Nửa tháng trời lặn lội với đồng ruộng; với các làng nghề truyền thống ở Hưng Yên tôi đã viết được một số tin, bài và phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy; giới thiệu phong các lãnh đạo độc đáo ở Hưng Yên.

Để động viên phong trào, tỉnh tôn vinh những “kiện tướng” làm thủy lợi; những phụ nữ đảm đang “đưa khoai nước lên ngôi”, nuôi “gà mái, chó cái, lợn nái” giỏi trở thành “hoa khôi” và được tỉnh mời lên thăm thị xã, thăm các công trình mới xây dựng của tỉnh; được ăn tiệc và xem văn công, được khen thưởng xứng đáng…

Đó là chuyến đi đem lại cho tôi nhiều cảm xúc về nghề nghiệp, thôi thúc tôi say mê viết tin , bài và cả bút ký văn học. Giáp Tết năm ấy tôi có lộc, đồng chí Bí thư tỉnh ủy gửi qua cơ quan cho tôi chút quà Tết; đặc sản của Hưng Yên: long nhãn, mật ong.

Tôi về cơ quan sau, được nghe các bậc đàn anh kể lại anh Hoàng Tuấn là một trong những cây bút viết phóng sự giỏi hồi kháng chiến chống Pháp. Bài “Giải phóng Điện Biên Phủ” của Anh còn lưu lại trong giáo trình đào tạo của TTXVN. Anh có vốn tiếng Pháp rất cừ. Còn nhớ, hôm cơ quan mời bà Ba-Bát, trưởng phân xã TTX Ba Lan đến nói chuyện về nghề nghiệp, Anh trực tiếp phiên dịch tiếng Pháp; dịch đuổi mà sinh động, lưu loát như chính anh là diễn giả. Những tin, bài anh duyệt chỉ có phần cắt gọn, gọn nữa; mà ít khi thêm thắt ý chủ quan. Nhất là tin lễ tân, anh nhắc phải ngắn gọn, tránh viết dài mà dại !

Anh chị em lớp trẻ trong cơ quan lúc bấy giờ thường nói vui với nhau “phong cách Hoàng Tuấn”. Chắc chẳng mấy ai quên căn phòng làm việc của Anh, bên phải bậc thang cao mái vòm. Ô cửa sổ có bóng cây sấu già trông xuống đại lộ Lý Thường Kiệt. Từ bộ sa lông da cũ kỹ đến cái bàn nhỏ, bộ ấm trà da lươn và rất riêng, góc tối có dựng cái điếu cày…Cách pha trà, uống trà của Anh rất sành điệu và chuyện đời, chuyện nghề bên ấm trà của Anh thật có duyên !

Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh  ngành rất quí mến Anh. Các đồng chí Nguyễn Thành Đô – Bí thư; Hoàng Quy – Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Quý Quỳnh – Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên…thường mời Anh về thăm, nghe Anh nói chuyện thời sự.

Nhớ nhiều buổi nói chuyện thời sự tất niên ở tỉnh Phú Thọ. Khi ấy tôi thường trú tại tỉnh này, Được điện thủ trưởng Hoàng Tuấn lên làm việc với Tỉnh ủy Phú Thọ, tôi rất lo vì thế nào cũng phải báo cáo với Anh về tình hình địa phương, trả lời những câu hỏi về phong trào thi đua sản xuất. Khi đón Anh, tôi dụt dè thưa: “Anh có yêu cầu gì để em chuẩn bị ?” Anh xua tay “ thôi thôi, khỏi ! “ , rồi Anh bảo : lãnh đạo tỉnh mời Anh lên nói chuyện thời sự ; năm hết Tết đến rồi chú xem có điểm nào hay thì dẫn Anh tới thăm.

Tôi dẫn Anh về thăm vùng chè huyện Thanh Ba; thăm hợp tác xã nông nghiệp Nam Tiến (xã Cao Mại, huyện Lâm Thao), một điển hình thâm canh lúa, nuôi cá giỏi.

Về Nam Tiến hôm ấy, Anh gặp lại Anh Tuế, chủ nhiệm hợp tác xã, vốn là chiến sỹ Điện Biên Phủ. Anh Tuế quen biết Anh từ hồi ở chiến trường Điện Biên Phủ nên hai người ôm chầm lấy nhau rất mừng. Gặp lại cố tri, anh Tuế đánh cá ao nhà lên “chiêu đãi anh Tuấn”. Một con cá mè to tướng, có dễ đến dăm cân. Gỏi cá, rượu quê cất từ nếp cái hoa vàng thơm phức –bữa cơm ấy nhớ đời …

Lần đầu tiên được ngồi xe với thủ trưởng rong ruổi trên đường dài. Mùa xuân về sớm, cảnh sắc trung du đẹp như tranh thủy mặc . Anh ngẫu hứng ôn lại những kỷ niệm hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp qua đây…rồi miên man sang cái tuổi học trò tinh nghịch ở vùng quê núi Tản sông Đà; cái thời trai trẻ bồng bột yêu đương…Tôi còn nhớ câu thơ Anh ngân nga:

“Thuở em còn trèo cây khế/Vin hái quả xanh bên tường/Có phải chúng mình còn bé/Nên đời rất thơm hương…”

Thật tài là cái trí nhớ của Anh, bác Phạm Đình Đăng kể lại ở chiến khu Việt Bắc, sinh hoạt tập thể, Anh kể vanh vách chuyện Tam Quốc. Nhưng hôm ấy, Anh đọc làu làu thơ tình Xuân Diệu, thơ sầu Huy Cận, thơ say Vũ Hoàng Chương…Anh bảo: hồi ấy lớp trẻ chúng mình vào đời, làm công chức cho Tây thấy thân phận mình bèo bọt, nhiều lúc chán chường, bế tắc. Đúng như tâm trạng Vũ Hoàng Chương, muốn say, say đến đất trời nghiêng ngả… mà chao ôi, “thành sầu” chưa đổ … !

Buổi nói chuyện thời sự tất niên của Anh với cán bộ chủ chốt tỉnh Phú Thọ hôm ấy liền một mạch tiếng rưỡi, cuốn hút người nghe, dừng đúng lúc “để các đồng chí chuẩn bị về ăn Tết”. Trước khi rời Phú Thọ, anh Đô và anh Hoàng Quy sang nhà nghỉ chào Anh. Cô bạn bên Ty văn hóa nói nhỏ với tôi: Thủ trưởng của Anh nói chuyện hấp dẫn quá và rất là “rô-măng”. Chả là lúc tới thăm nhà thơ BÚT TRE (tên thật là Đăng, Trưởng Ty Văn hóa }. Bước lên bậc thềm cơ quan gặp bông hồng nhung trong chậu cảnh, Anh cúi xuống nâng nhẹ bông hồng một cách rất tự nhiên và thốt lên: “Chà, hồng đẹp quá !”.

Vẫn là câu chuyện quan hệ giữa Anh với cấp ủy địa phương. Chủ nhật hôm ấy, đồng chí Lê Quý Quỳnh, Bí thư tỉnh ủy mời Anh về thăm Hưng Yên. Ngày nghỉ, anh Quỳnh đích thân “chỉ đạo” bữa cơm thết anh Hoàng Tuấn. Bữa cơm có “mộc tồn”, có chè sen long nhãn đặc sản của Hưng Yên. Anh Quỳnh thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn VNTTX quan tâm động viên phong trào sản xuất ở địa phương.

Ngoài công việc, những lúc ngồi bên ấm trà hoặc trên đường công tác, có dịp tiếp xúc với Anh, tôi thấy Anh thường bộc lộ rất thật tính cách của mình, không giả tạo. Rất ít nghe Anh dẫn cấp trên nói thế này, cấp trên nói thế kia. Anh là người có bản lĩnh, độc lập suy nghĩ. Ở Anh rõ lên một cán bộ lãnh đạo khẳng khái, vô tư.

Dương Tường, Nguyễn Đình Soạn **** mắc những lỗi lầm, Anh nghiêm khắc khuyên bảo, “giơ đầu chịu báng” và rồi sau đó rộng lòng bỏ qua. Sau này tôi mới hiểu có lẽ vì thế mà cho tới cuối đời Anh vẫn nghèo, “con đường công danh " của Anh có phần lận đận so với bạn bè cùng trang lứa.

Năm 1947, Anh đã giữ chức phó Giám đốc Nha Thông Tin, phụ trách VNTTX. Vậy mà hơn 20 năm sau Anh vẫn là phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thông Tin. Cơ quan Tổng cục lúc ấy mới thành lập còn nghèo. Anh được phân hai căn phòng tầng trệt khu C tập thể Kim Liên. Về già Anh mang trong người nhiều bệnh. Tôi đến thăm Anh, vẫn bộ sa lông da cũ kỹ bạc màu nhiều chỗ vá víu. Anh vẫn lạc quan với đời, với bạn bè; nhắc lại những chuyện vui buồn của “ngôi nhà Thông Tấn”; nhắc tên từng người, hỏi thăm từng người. Chị Phú (vợ Anh) biết tôi tần tảo nuôi lợn giỏi, cải thiện đời sống, chị rất mừng và hẹn vui: “Khi nào bán lợn chú nhớ thết anh chị bữa cháo lòng tiết canh nhé !”

Anh Hoàng Tuấn ơi, Anh xa cơ quan ta đã lâu rồi; xa cuộc đời này đã lâu rồi. Nơi vĩnh hằng Anh có biết mỗi độ thu về có một người em nhớ Anh, thắp nén hương lòng bằng mấy trang tâm sự…

-------------------

* Xin lỗi ! Thời ở Chiến khu , sinh hoạt đời thường tếu táo khi vui , anh chị em cứ hay đùa gọi tên liền "Tám Chân "

** Tay run vì bị packinson .

*** Tên thật Anh Hoàng Tuấn là Nguyễn Văn Minh, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây cũ, nay là Hà Nội

**** Anh Dương Tường nay là nhà thơ, dịch giả nổi tiếng; Nguyễn Đình Soạn một thời làm chuyên viên kinh tế, báo chí tỉnh Tiền Giang.

Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945), Nhà nước Cách mạng giao Anh Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông phụ trách một nhóm ( section ) anh chị em kỹ thuật thu phát tin, biên soan tin do Anh Lê Chân trực tiếp chỉ đạo . Trong nhóm có các anh Nguyễn Tư Huyền , Nguyễn Hữu Bản ( sau hy sinh ở Bắc Kạn ) cùng một số kỹ thuật điện báo viên từ Đài Phát thanh chuyển sang … Đó là những người đầu tiên khi Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) còn phôi thai . Sau đó Nhà nước quyết định cho ra đời Hãng Thông tấn quốc gia lấy tên là VNTTX và lấy ngày 15-9-1945 là ngày ra đời Hãng Thông tấn Quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam...

Anh Trần Kim Xuyến sớm hy sinh ( 3-3-1947 ) , Anh Hoàng Tuấn được giao thay anh Trần Kim Xuyến làm Phó Giám đốc Nha Thông tin nhưng cụ thể hơn , không “ phụ trách” mà là “ “ trực tiếp “ chỉ đạo nhóm này . Anh Hoàng Tuấn được Đảng giao gánh vác xây dựng và phát triển VNTTX (nay là TTXVN) từ 1947 -1965 ( 9 năm cấp phó ) . Anh Đào Tùng từ 1955-1990 (3 năm cấp phó).