Nhà báo Phấn Đấu (Báo Hà Nội mới) viết về người đồng nghiệp Nguyễn Chính đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có Nội san Thông tấn số 29 - Quý 3/2002 cho rằng: “Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, diễn ca tiến thêm một bước mới, nói đúng hơn là một bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi bộ mặt thể loại này: “Ảnh diễn ca” ra đời. Nhà báo Nguyễn Chính, người sáng tạo “Ảnh diễn ca”, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thư “Thân gửi anh Nguyễn Chính đề ngày 7/5/1994”, từng nhận xét “ Tôi đã nhận được tập Diễn ca ảnh ‘Âm vang Điện Biên’. Rất đẹp và độc đáo”.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh trong Công văn số 5199/KVVX, ngày 19/9/1994 gửi tác giả Nguyễn Chính nhấn mạnh: … Hoan nghênh các tác giả đã cố gắng tìm được hình thức thích hợp là “Diễn ca ảnh” để chuyển tải thông tin bằng cảm xúc nghệ thuật, góp phần vào việc giới thiệu, tuyên truyền giáo dục nhân dân và thế hệ trẻ nước ta về truyền thống cách mạng Việt Nam…
Phóng viên - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính - Người chủ biên và các đồng nghiệp đã sáng tạo gần 20 tác phẩm Ảnh Diễn ca, với các nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quân đội anh hùng, cuộc sống muôn mặt yêu thương…
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương phát biểu tại Hội thảo ngày 5/4/1997 do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) phối hợp tổ chức đã đánh giá: Qua các tập diễn ca ảnh “Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” và “ Bài ca Người giữ nước”, “Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ngoài việc phổ biến ở trong nước chắc chắn cần dịch ra tiếng nước ngoài để thế giới, đặc biệt các nước Đông Nam Á gần chúng ta hiểu chúng ta. Đây là một việc làm sáng tạo, một công trình nghệ thuật, một hình thức báo chí mới cần được Nhà nước giúp đỡ, trước hết là Bộ giáo dục và Đào tạo.
Cựu Trưởng Ban Khoa giáo Thành ủy Hà Nội Lưu Minh Trị cũng cho rằng: Ban khoa giáo Thành ủy chúng tôi được anh Nguyễn Chính và Viện Thông tấn- TTXVN kết hợp đưa các tác phẩm diễn ca ảnh xuống cac cơ sở của thành phố Hà Nội. Qua 2 năm chúng tôi thấy diễn ca ảnh ( ảnh kèm theo văn vần, thơ, họa và nhạc) là loại hình thông tin truyền thống có tác dụng tốt trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, và Nhà nước, giới thiệu lịch sử và danh nhân nước nhà. Thể loại này đặc biệt có tác dụng tốt ở các trường học, các xã, quân đội, công trường, nhà máy. Còn ở các phường và thành phố trình độ dân trí cao phần tác dụng có mức độ. Ở các xã, phường, quân đội, nhà máy mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trao đổi mọi người đều rất hồ hởi đón nhận. Thanh niên, Thiếu nhi và đặc biệt các em học sinh rất tập trung xem và lắng tai nghe diễn ca. Nếu ở mỗi xã, mỗi trường học, mỗi doanh trại quân đội, phòng truyền thống có diễn ca ảnh về các đề tài Bác Hồ , quân đội, Đại hội Đảng thì rất tốt, sử dụng những ngày lễ kỷ niệm, sinh hoạt Đoàn, Đội làm cho các buổi sinh hoạt chính trị có nội dung và hấp dẫn…Chúng tôi hoan nghênh cảm phục tâm huyết nhiệt tình của đồng chí Nguyễn Chính và các cộng sự làm diễn ca và coi đây là thành công bước đầu.
Nhắc lại như vậy để chúng ta hình dung được nét tài hoa của cố phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Chính vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (18/6/1937 – 18/6/2021). Trái tim nhiệt thành của người làm báo, nghệ sĩ với “Cây bút và chiếc máy ảnh”- Nguyễn Chính đã lặng lẽ ngừng đập, chỉ cách ngày sinh lần thứ 85 chưa đầy 150 ngày !Tử biệt sinh ly dẫu là lẽ thường, những người làm báo đam mê với nghề lại là niềm trăn trở và tiếc nuối! Bởi không còn cơ hội trở lại thăm các địa danh, những nhân chứng với bao kỷ niệm được lưu giữ bằng những “cú bấm” máy xuất thần.
Kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông, chúng ta cùng nhớ lại cuộc đời và sự nghiệp của phóng viên -nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính tài hoa của đất Hà thành. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng Nguyễn Chính mồ côi mẹ từ thuở lên 3 - bù lại được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ và dạy bảo hết sức nghiêm khắc của Người Cha - cũng là người Thầy đầu tiên truyền cảm hứng đam mê nghệ thuật, kỹ thuật nhiếp ảnh và tình yêu nước cho Nhà báo Nguyễn Chính và các con cháu sau này.
Phóng viên ảnh Nguyễn Chính, tức Nguyễn Đức Chính, sinh ra tại Nghĩa Đô, Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy), Hà Nội trong một gia đình nho giáo, yêu nước. Thời Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, Nguyễn Chính học tại trường Chu Văn An và theo cha học nghề ảnh, tham gia in ảnh Bác Hồ tại Cửa hàng Ảnh phố Gia Lâm, Bát Đàn và Hàng Ngang... bí mật gửi đến cho các tổ chức Cách mạng thời Hà Nội.
Năm 1960, Nguyễn Chính trở thành phóng viên ảnh của TTXVN khi mới hơn 20 tuổi. Duyên may trong cuộc đời với tinh thần tự học, luôn quý trọng và gần gũi các nhân sĩ, trí thức và các nhà báo hàng đầu của Việt Nam… Phóng viên Nguyễn Chính đã có cơ hội được học hỏi, bộc lộ và phát huy khí chất của người làm báo nhiếp ảnh, xông pha chiến trận, đau đáu với nghề “chép sử bằng ảnh” vừa làm phóng viên chiến tranh, vừa sáng tác ảnh nghệ thuật. Là phóng viên ảnh chuyên về văn hóa xã hội, với chiếc xe đạp và máy ảnh, phóng viên Nguyễn Chính đã có mặt trên mọi nẻo đường từ mảnh đất địa đầu tổ quốc ở Hà Giang, Lai Châu đến tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh trong những tháng năm gian lao kháng chiến của cả nước.
Ông đã chụp được những bức ảnh thời sự hết sức đắt giá súc tích, giàu chất báo chí và nghệ thuật tạo dấu ấn như tác phẩm: “Cấy lúa bên hố bom” (ảnh trên), “Máy bay thứ 1.300 của giặc Mỹ bị trừng trị ở Hà Bắc”; đoạt Giải thưởng quốc tế và trong nước: “Giữ bàn tay em sạch” (UNESCO), “Chân dung Giáo sư Tôn Thất Tùng” (Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam).
Ngã Ba Đồng Lộc là nơi, phóng viên Nguyễn Chính thường xuyên vào ra bằng chiếc xe đạp cà tàng để cùng sống với những khuôn hình đặc tả “Mười cô gái Thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc”, suýt chết theo các O. Những tấm ảnh đó của phóng viên Nguyễn Chính còn sống mãi với quê hương, đất nước, là biểu tượng kiên cường đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc”; về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc khi tuổi mới mười tám, đôi mươi.
Sau năm 1975, thống nhất đất nước, phóng viên Nguyễn Chính lại hăm hở với những chuyến đi lên vùng cao phía Bắc hay xuống vùng sông nước phía Nam phản ánh công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ đất nước. Ông đã ghi lại cuộc chiến chế ngự dòng sông Đà hung dữ để xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình, tố cáo tội ác của quân xâm lược biên giới phía Bắc đối với đồng bào ta tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang... Phóng viên ảnh Nguyễn Chính lại hăm hở với những chuyến đi Tây Nguyên ngút ngàn xanh, rồi xuống miền sông nước đồng bằng Sông Cửu Long trù phú với những miệt vườn, cánh đồng thẳng cánh cò bay để sáng tác. Ông từng nói với vợ con rằng, trong kháng chiến mình đã không cầm súng đánh giặc thì nay mình cầm máy ảnh cũng là đánh giặc, cũng là dựng xây đất nước. Chính vì vậy, ảnh của phóng viên, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Chính còn mãi trong sự nghiệp của ngành Thông tấn, của giới nhiếp ảnh Việt Nam. Phóng viên Nguyễn Chính đã được sống và cống hiến hết mình cho nghề, cho niềm đam mê với nhiếp ảnhcủa mình đấy là hạnh phúc lớn nhất của ông.
Tình yêu nhiếp ảnh và thơ phú cùng với sự sáng tác không ngừng nghỉ đã thôi thúc phóng viên ảnh Nguyễn Chính chủ biên cùng với các tác giả biên soạn một loại hình diễn ca kết hợp giữa thơ và ảnh thành những bộ ảnh diễn ca (ảnh kèm chú thích bằng thơ và minh họa bằng nhạc). Đặc biệt, tác phẩm diễn ca ảnh “Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà Văn hóa lớn”, được phát hành 79 ảnh, mỗi tấn ảnh kèm 4 câu thơ. Các tác phẩm diễn ca ảnh “Âm vang Điện Biên”, Bài ca “Người Giữ nước”, “Việt Nam trên con đường CNH, HĐH”… đã trở thành công cụ truyền thông hữu ích, được ngành văn hóa thông tin truyền thông ( nay là Bộ Văn hóa và Thể thao và Du lịch) phát hành hàng vạn bản. Ấn phẩm đã trở thành phương tiện truyền thông rộng rãi tại các trường học, các nhà văn hóa thôn, xã, các đơn vị quân đội, biên giới hải đảo, miền núi xa xôi trên mọi miền Tổ quốc, góp phần vào việc giới thiệu, tuyên truyền giáo dục, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống Cách mạng Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo và các học giả đều khen các ấn phẩm diễn ca là một loại hình “rất sáng tạo, hình thức thích hợp”. Nhiều người cho rằng “thơ thổi sức sống vào ảnh”, “ảnh tạo nét đẹp cho thơ”. Các bộ “Ảnh diễn ca” trong đó tác phẩm “Hồ Chí Minh Anh hùng Giải phóng dân tộc” do ông chủ biên đã được TTXVN chọn làm sản phẩm tặng hơn 1000 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh thơ có băng nhạc kèm theo, hấp dẫn người đến xem, giống như một triển lãm nhỏ, nhất là tại các phiên chợ vùng cao và các trường học và địa phương, các đơn vị quân đội và cộng đồng trong những năm cuối thế kỷ 20, khi các phương tiện truyền thông còn hết sức khiêm tốn.
Không chỉ hăng say, ham mê với nghề nhiếp ảnh, phóng viên - nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Chính là người còn hết sức hiếu thảo với cha mẹ, chỉn chu, lo toan công việc của dòng họ, gia đình, có quan hệ bạn bè, rộng rãi, phóng khoáng, quảng giao say mê nghề, yêu điều thiện và luôn giữ nét tinh tế của người Tràng An! Trong những năm gian khó của đất nước, Ông luôn rộng mở, gần gũi, trân trọng các nhân sĩ, trí thức... và bạn bè, đồng nghiệp cùng chia sẻ chén rượu cay nồng tình bằng hữu, được nhiều người quý trọng.
Đúng như cố phóng viên TTXVN, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh Trường - tác giả bức ảnh nổi tiếng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phới phới dậy tương lai” đã nhận xét: Với cá tính mạnh mẽ, thẳng thắn, bộc trực, sắc sảo và hết sức bản lĩnh trong nghề nghiệp và cuộc sống mang đậm phong cách Nguyễn Chính phố hàng, nhưng cũng hết sức chân tình và hào sảng, chu toàn với bạn, người đồng nghiệp. Trước lúc quay về Huế, ông khắc họa chân dung Nguyễn Chính trong bữa tiệc chia tay:
Đôi mắt tinh đời mắt khổ đau
Mắt nhìn bén lửa tỏ trước sau
Miệng cười khinh bạc tỏ đời oan trái
Nhấc chén ly sầu ta biết nhau!
Cho đến những ngày cuối đời, Nhà báo Nguyễn Chính vẫn luôn đau đáu ước vọng khôi phục, lưu giữ lại gần 20 Bộ ảnh diễn ca và ảnh báo chí.
Một số đồng nghiệp thân thiết vẫn nhắc lại tự sự của phóng viên ảnh Nguyễn Chính, tháng 8/2020, trước khi ông rời cõi tạm gần 5 tháng để về với tiên tổ. Ông bộc bạch vì sao suốt gần 30 năm cuối đời vẫn luôn đau đáu, ăn ngủ, sống cùng Diễn ca với ước vọng khôi phục, lưu giữ lại gần 20 Bộ ảnh diễn ca và ảnh báo chí mà ông từng gắn bó, tâm huyết, sáng tạo:
Vì sao tôi viết Diễn ca
Vì hồn dân tộc hiện ra thành lời
Kể từ Thánh Gióng ra đời
Bà Trưng, Bà Triệu sáng ngời quê hương
Diễn ca Thời đại Bác Hồ
Nối nghìn xưa với mai sau nghĩa tình
Cần trải ra bốn phương đất nước
Về miền quê non nước sông sau
Để dân ta hiểu vì đâu
Một nền độc lập xây bằng máu xương
Để dân ta hiểu vì đâu
Một nền văn hiến đậm màu thời gian!
Tiếc rằng công việc chưa hoàn tất thì ông đã vội đi xa! Ông yên tâm! Con cháu nối nghiệp đang thực hiện ước vọng đó, lựa chọn hàng trăm bức ảnh trong những năm tháng cầm máy của ông hiện lưu giữ tại kho tư liệu ảnh Quốc gia của TTXVN và gia đình sẽ làm sống mãi cùng thời gian như ông hằng mong muốn.
85 năm cuộc đời! Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Chính với tâm hồn nghệ sĩ bay bổng và trải tim nhiệt huyết đã để lại cho cuộc đời tình yêu cuộc sống, lòng yêu nghề báo, yêu nghệ thuật nhiếp ảnh qua hàng trăm những bức ảnh lưu trữ tại TTXVN và gần 20 bộ Ảnh Diễn ca cùng khát vọng cháy bỏng cho niềm đam mê đến ngày cuối cùng.
Trân quý tình yêu nghề của các phóng viên TTXVN qua các thời kỳ, trong đó có nhà báo Nguyễn Chính để chúng ta vững tin vào nguồn sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhật Linh
17:34 17/06/2021
Các ơn tác giả Xuân Bân đã có bài viết khá sâu lắng, sinh động chân dung nhà báo- nghệ sĩ nhiếp ảnh của TTXVN Nguyễn Chính trong dịp 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam! Chúng tôi rất tự hào về các thế hệ làm báo Việt Nam qua các thời kỳ!