Kỷ niệm chiến đấu trong đội hình sư đoàn 1 (kỳ1)

Đại tá , Nguyễn Văn Khuynh,CCB Đặc Công Sư đoàn 1

14/12/2021 09:37

Theo dõi trên

Tháng 11/1969, ba tiểu đoàn đặc công Đoàn 429 (d3, d4,d5) do đồng chí Tư Cường (Nguyễn  Cụ,*) phó đoàn chỉ huy được điều xuống vùng Bảy núi (An Giang) mang mật danh T30, T40, T50 phối thuộc chiến đấu trong đội hình sư đoàn 1 bộ binh (qua các thời kỳ hoạt đông, sư đoàn này mang các mật danh: Đoàn Lê Lợi, Nông trường 1, Công trường 1, Đoàn 962c, Mặt trận Tây nam, Đoàn Phước long).

ky-niem-chien-dau-1639446149.png
AHLLVT Thiếu tướng Tư Cường ( Nguyễn Cụ ) nguyên Tư lệnh trưởng Binh Chủng Đặc Công -ảnh dưới ngoài cùng bên phải

 

Ba tiểu đoàn đặc công nêu  trên đã từng tham gia tổng công kích Mậu thân năm 1968, chiến  dịch xuân hè 1969 và lập nhiều chiến công vang dội ở Dầu Tiếng, Đồng Dù, Cà Tum, Téc ních, ngã ba Bà Chiêm,Phước Vĩnh, lai khe thuộc chiến trường Miền đông nam bộ. Chúng tôi được biết Sư đoàn 1 cũng là đơn vị chủ lực đầu tiên đã lập công xuất sắc đánh qụy lữ đoàn 173 lính thủy đánh bộ Mỹ hồi 1965 ở Tây nguyên khi quân Mỹ mới vào xâm lược Việt nam, nay được về chiến đấu cùng sư đoàn 1 ở chiến trường đồng bằng mới mẻ, đầy khó khăn, nhưng anh em rất tin tưởng và phấn khởi nhận nhiệm vụ,

Hành quân dòng rã đến tháng 2/1970, sau khi vượt qua tuyến phòng ngự của địch ngăn chặn ở Kênh Vĩnh Tế, T50 về ém quân  tại núi Cô Tô. Tại đay chúng tôi bí mạt xuất phát đén vị trí tập kết ở Núi Cấm cho đến đêm 28, rạng ngày 29/3/1970 bốn mũi đánh địch của tiểu đoàn phối hợp với một đại đội đặc công của địa phương mang mật danh C100 (thuộc tiểu đoàn A11) đột nhập căn cứ huấn luyện của Mỹ Ngụy tại Vĩnh Trung thuộc tỉnh An Giang, mở màn cho chiến dịch phá kế hoạch bình định của địch ở đồng bằng sông Cửu long

Vĩnh trung là căn cứ huấn luyện quân ngụy có trên 3000 quân, thường xuyên bổ sung cho các đơn vị địch trong vùng này, có cố vấn Mỹ chỉ huy, là vị trí quan  trọng trong tuyến phong thủ ở khu vực nên địch canh phòng và bảo vệ rất nghiêm ngặt với bốn lớp rảo kẽm gai đơn và bùng nhùng, cùng với tuyến lô cốt, công sự, chòi gác bố trí sát hàng rào trong cùng, nối với sở chỉ huy cách đó chừng trên 500m.

Tôi được phân công tổ trưởng cắt rào của mũi số 2 thuộc đại đội 47 (còn gọi là C2). Sau khi cắt được ba lớp rào, chỉ còn lớp trong cùng nữa là mở được của mở, thì xuất hiện tình huống khó khăn, đó là lớp rào này nằm sát dãy lô cốt phòng ngự, ánh điện  chiếu rất sáng, nhìn rõ lính địch gác, khi vào cắt rất có thể bị lộ. Tôi lui ra báo cáo mũi trưởng cho đội hình tiền nhập vào hết ba lớp rào đã cắt nằm chờ, nếu cắt rào mà lộ thì đánh theo phương án cường tập, sau đó đưa hai chiến sĩ cắt rào, cùng bộc phá ống bò sát vào hàng rào cuối cùng, vừa luồn bộc phá, vừa dùng kéo cắt. Do cỏ mọc dày, bộ đội ngụy trang bằng áo cỏ nên địch đứng gác trước mặt không phát hiện, tôi mừng lắm vì nếu cắt xong lớp rào này, việc đánh địch sẽ rất thuận lợi.. Hai chiến sĩ cắt rào mới cắt được một vòng, đồng thời kịp luồn bộc phá ống vào thì bỗng nhiên phía căn cứ Ba Soài (do tiểu đoàn T40 đánh) pháo sáng đồng loạt vút lên, tiếng bộc phá, xen lẫn súng các loại nổ dồn dập, thế là địch ở căn cứ này báo động, bắn pháo sáng tới tấp, bên trái mũi tôi, cách chừng 100m có tiếng nổ của B40, bọn địch trước mặt hô hét ầm ĩ đặc công...đặc công, thế là trận đánh được bắt đầu trước giờ G hơn 10 phút. Chiến sĩ cắt rào rút nụ xòe của bộc phá ống, nó nổ tung nhưng không phá hết nên dây kém gai còn còn lùng nhùng, mặc, đội hình đồng loạt lao lên, một số xông lên trước vào được bên trong đánh bộc phá, một số bị địch bắn chặn hy sinh ngay bên hàng rào, trong đó có hai chiến sĩ cắt rào. Tôi và mấy tay súng dùng B40, thủ pháo đánh tới tấp vào các ụ súng, công sự sát hàng rào vào chiếm dãy lô côt. Địch biết lực lượng ta ít nên chúng dồn quân từ phía trong ra chặn đánh quyết liệt, không sao tiến vào khu trung  tâm được. Chúng tôi cố thủ tại đó và không  liên lạc được với một số đồng chí đánh vào bên trong, rồi sau đó được lệnh rút cho pháo binh và bộ binh đánh tiếp. Lúc đó khoảng 4 giờ sáng, tôi gặp bộ phận chính sách vào lấy tử sĩ, cùng rất đông bộ binh của đơn vị bạn đến vị trí chuẩn bị đánh tiếp.

Trong kbi trận đánh  chưa đến hồi kết thì tiểu đoàn đặc công T50 chúng tôi rút về núi Cô Tô củng cố đội hình. Đơn vị bộ binh quần nhau với địch đến ngày 1/4 mới chiếm được căn cứ Vĩnh Trung, trụ lại đúng 15 ngày mới rút. Vĩnh trung được giải phóng, hàng loạt  cứ điểm khác trong khu vực cũng bị đánh chiếm, tuyến phòng thủ biên giới của địch hầu như bị phá vỡ, do vậy chúng phản ứng rất quyết liệt để chiếm lại.

Đầu tháng 4/1970, trong khi các đơn vị của f1 bám trụ đánh địch, thì tiểu đoàn đặc công chúng tôi nhận được nhiệm vụ đặc biệt, vượt biên giới sang CPC làm nghĩa vụ quốc tế, vì trước đó ngày 18/3/1970 Lon Non được sự hậu thuẫn của Mỹ tiến hành cuộc đảo chính lật đổ quốc vương Xi A Núc. Mục tiêu tấn công của chúng tôi là đánh thẳng vào thị xã TaKeo và cắt đứt đường giao thông số 2 nối thủ đô Nông pênh với thị xã. Để tổ chức trận đánh này tôi được đi trước cùng bộ phận trinh sát và điều nghiên của tiểu đoàn. Chiến trường mới mẻ, không ác liệt như vùng bảy núi, nhưng tác chiến đặc công  lại gập khó khăn khi địch  không có hàng rào kém gai bảo vệ quanh thị xã nên ban đêm chúng phải dàn quân ra chốt chặn bên ngoài như là hàng rào người, trong khi chúng tôi lực lượng ít, chỉ quen cắt rào, mở cửa đánh địch trong căn cứ vững chắc. Đây là một tình huống bất ngờ, không có trong tác chiến đặc công lúc bấy giờ, vì vậy ngay đêm điều nghiên đầu tiên chúng tôi chưa đột nhập được các mục tiêu trong thị xã đã gặp địch  chốt cách thị xã chừng 500m, hai bên bắn nhau một hồi và chúng tôi phải rút về, chuẩn bị phương  án tối hôm sau đột nhập hướng khác xem sao. Thế là ngay từ khi chuẩn bị đánh đã bị lộ rồi, lại còn một tình huống phức tạp là sau khi trạm súng với địch, có một trinh sát đến sáng không thấy về....(còn tiếp).

Bài viết  Đại tá Nguyễn Văn Khuynh đã đăng giới thiệu trên Trang (Tìm kiếm thông tin quy tập và  Mộ Liệt Sỹ Việt Nam)

- Trong khi các gia đình chờ thông tin liệt sĩ, cũng là để cung cấp thêm thông tin về thời gian, địa điểm diễn ra các trận chiến đấu của một số đơn vị thuộc sư đoàn 1 ở khu vực Miền tây nam bộ và tây nam CPC trong thời gian từ tháng 12/1969 đến tháng 9/1973, tôi sẽ lần lượt đăng bài viết này với tư cách một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận và năm 1975 trở về tiếp tục tham gia phục vụ quân đội đến 2010 thì được nghỉ hưu. Bài viết rất dài kể lại quá trình 6 năm tham gia chiến đấu trong đội hình sư 1, vì vậy, mỗi ngày tôi chỉ đăng một đoạn, mong thông cảm, nếu gia đình nào hỏi thông tin thì phải là những thông tin liên quan đến diễn biến trong bài viết, còn khác đi là không thể biết.

- Thành Đô biên tập  Phần  1 + 2 ( thành  mục 1 ) để độc giả theo dõi liên tục.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm chiến đấu trong đội hình sư đoàn 1 (kỳ1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn