Kỷ niệm chiến tranh:

Nguyen van Noi

30/09/2021 08:57

Theo dõi trên

Sau hơn hai tháng huấn luyện, tôi cùng đồng đội được nghỉ phép về thăm gia đình trước khi hành quân vào miền Nam chiến đấu.

Hết phép, Mẹ tôi tiễn tôi ra bến đò (làng tôi ở cạnh sông Cầu - làng Thổ Hà); chỉ có mẹ tôi tiễn tôi vì bố tôi vẫn phải đi làm, em tôi đi học và các anh tôi người thì công tác, người thì bộ đội xa nhà cả. Dưới tán bàng già cạnh bến sông, trong khi đợi đò sang, Mẹ khẽ nhắc tôi: "đừng bỏ về con nhé" - "Bỏ về" tức là đào ngũ thời đó. Mẹ tuyệt nhiên không khóc và cứ lặng nhìn con đò đưa tôi ra xa. Mẹ tôi không biết chữ, không là Đảng viên, không tham gia tổ chức đoàn thể nào vậy mà lòng tự trọng, trách nhiệm của người Mẹ đối với đất nước thật đáng nể phục.

chu-lg-q2b-1632967015.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Cuộc chia tay chính thức của chúng tôi với miền Bắc để vào Nam chiến đấu diễn ra ở Ga Thường Tín (Hà Nội). Đến lúc đó tôi mới cảm nhận được sự chia tay của người lính với người thân trước khi ra trận (không hẹn ngày về). Chỉ có những người lính quê ở Hà Nội mới có người thân đưa tiễn, còn bọn tôi - những người lính không phải người Hà Nội thì không có người thân đưa tiễn vì lúc đó thông tin và đi lại thật khó khăn. Nhưng thật may cho tôi là không có Mẹ ở đó để Mẹ phải đau lòng như những người mẹ khác (khi cảm nhận có thể xa con mãi mãi). Có hình ảnh hai người mẹ của cuộc chia tay ấy mãi đọng trong tôi. Mẹ của P - bạn tôi; tôi và Phú ngồi trên tàu, cạnh cửa sổ; dưới sân ga là mẹ Phú với ánh mắt đau đáu nhìn con, bên cạnh là chị gái P bụng chửa vượt mặt và anh trai P. Người mẹ thứ hai là mẹ của anh BKĐ - SV khoa toán, bà cứ vật vã dưới sân ga và chạy theo đoàn tàu và gào lên "Đ ơi! mày đi thật đấy hả Đ?". Ánh mắt của mẹ P và tiếng gào của mẹ anh Đ cứ ám ảnh tôi cho đến bây giờ (thật may cả P và anh Đ đều trở về sau chiến tranh).

Sau hơn ba năm, tháng 12/1975, tôi được trở về nhà lành lặn sau chiến tranh. Người đầu tiên tôi gặp ở nhà cũng chính là Mẹ tôi. Mẹ tôi đang ngồi nắm than (giống như làm than tổ ong nhưng không có khuôn mà làm thành bánh dày khoảng 5 - 7 cm, phơi khô, khi dùng thì bẻ thành cục) trong bếp thì tôi chạy vào gọi "Mẹ", Mẹ tôi lặng người nhìn tôi rồi ôm tôi và khóc nức nở. Đến lúc đó tôi mới hiểu thế nào là "nước mắt dành cho ngày gặp mặt". Ba năm tôi không có tin tức gửi về nhà, chiến tranh chấm dứt mà mãi tôi cũng chưa thấy về nhà nên mọi người trong gia đình nghĩ tôi đã "hy sinh - chết".

Sau này tôi mới hiểu nỗi nhớ thương của các bà mẹ đối với những đứa con dứt ruột của mình. Mẹ không khóc khi tiễn tôi lên đường là để tôi khỏi mềm lòng chứ thực ra là "nước mắt chảy vào trong suốt ba năm trời". Mẹ tôi mất khi 96 tuổi (không một ngày đi viện, ra đi rất nhẹ nhàng như để không làm phiền con cái). Nếu như không có "nước mắt chảy vào trong" vì tôi suốt ba năm trời, chắc Mẹ tôi sẽ thọ trên trăm tuổi.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm chiến tranh:" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn