Kỷ niệm mối tình nữ sinh Sài Gòn (Kỷ 1)

Sau 30 tháng Tư năm 1975, đơn vị tôi được chuyển từ rừng Đồng Xoài về ở trong nhà dân khu vực Bông Trang – Nhà Đỏ (tỉnh Sông Bé – Thủ Dầu Một). Tôi chia tay với giường võng, nhà tăng sau hai năm rưỡi gắn bó dưới những tán rừng Trường Sơn; Quảng Đức; Lộc Ninh; Phước Long; Bình Long… 

b1noi1a-1698677272.jpg

Ảnh tác giả chụp tại Sài Gòn tháng 5 năm 1975.

 

Những tưởng được trở về nằm phản, nằm giường sẽ sướng lắm nhưng không phải vậy. Hai bờ vai luôn được cánh võng ôm ấp khi ngủ nay đau nhừ vì nằm phản, phải sau vài tuần thì giấc ngủ mới ngon trở lại. Những anh bộ đội đã nằm võng chín mười năm chắc còn phải trằn trọc lâu hơn hoặc rất muốn quay lại với võng, tăng. Những người dân ở Bông Trang – Nhà Đỏ cũng gần giống với những người dân ở nông thôn miền Bắc giai đoạn ấy, chân chất, thật thà; sống trong nghèo khó nhưng luôn tràn ngập tình thương. Khu vực đơn vị tôi trú quân nằm ngay đường lộ, nhà của dân đa phần là tuềnh toàng, vách gỗ, mái tôn. Trong nhà chẳng có tài sản gì đáng giá nên chẳng sợ trộm cắp và hình như cũng chẳng có trộm cắp, cảm giác luôn bình yên. Nông dân miền Nam tuy nghèo nhưng không phải lo lắng cuộc sống thường nhật nhiều như nông dân miền Bắc. Không có bão lũ, rét mướt nên chẳng phải lo làm nhà chắc chắn, kín đáo, làm giàu thì khó nhưng đói ăn thì không. Tôi và một đồng đội ở nhà một má có anh Ba và Bé út (16 tuổi). Bé út thường làm bánh bèo (không nhân) cho hai đứa tôi ăn. Đồng đội tôi có vẻ thích Bé út còn tôi thì thích đi bắt chim sẻ với anh Ba. Cách bắt chim sẻ đồng ở Bông Trang – Nhà Đỏ đơn giản lắm. Cứ tối đến với một cái đèn soi trên trán (dùng ắc quy) và một cây tre dài, ở đầu cây tre là một vành tre tròn đường kính khoảng 1,5m – 2m có phủ lưới đánh cá (mắt dày). Đèn soi lên những vạt cỏ, chim sẻ trú đêm ở đó sẽ bắt đèn, lóa mắt và tấm lưới được anh Ba chụp xuống. Tôi đến gỡ từng con cho vào giỏ, chỉ cần khoảng 2 giờ là chúng tôi đã bắt được lưng giỏ chim sẻ, ngày hôm sau là cả nhà được bữa ăn tươi. Từ những ngày đấy tôi ít được gọi bằng tên mà được gọi bằng thứ theo kiểu miền Nam là thằng Sáu, chú Sáu, anh Sáu. Ngày nay, đôi khi thấy ai đó gọi thằng Sáu, anh Sáu trong phim trên TV, tôi lại giật mình tưởng ai đó gọi mình; quá khứ đâu dễ quên.

           Chế độ ăn uống của chúng tôi sau 30 tháng 4 năm 1975 được cải thiện nhiều, cơ thể không bị ớm nắng như ở trong rừng nên sức khỏe mau hồi phục. Quần áo sau khi giặt được phơi nắng nên không còn mùi khét như các má, các chị nói lại cảm giác khi tiếp xúc với chúng tôi trong những ngày đầu, chúng tôi gọi đó là mùi rừng. Những tuần đầu khi chúng tôi mới về trú quân; các má, các chị thường giữ khoảng cách, ít tiếp chuyện mà dõi theo để khám phá nhiều hơn. Tuy nhiên, với bản năng anh Bộ đội chúng tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình, gần gũi với các má, các anh chị, các em. Má kể là thấy tôi mượn cái thau để rửa mặt, cái thau lúc đó để ở dưới gốc cau trước sân nhà, tôi dùng thau xong liền mang thau để lại chỗ cũ, không quên đổ vào thau một lượng nước như trước khi mượn thau. Với tôi đó là thói quen nhưng với má là điều chưa từng thấy.

      Sau gần một tháng đóng quân ở Bông Trang – Nhà Đỏ, chúng tôi được xe đưa về sân bay Tân Sơn Nhất và đóng quân trong khu doanh trại cũ của quân đội Sài Gòn. Ngoài suất ăn được tăng cường, chúng tôi được phát thêm sữa hộp và thuốc lá Ruby quân tiếp vụ. Sữa hộp thì chúng tôi pha vào thau nước đá để uống còn thuốc lá thì bở mấy ông nghiện thuốc thôi. Tôi không hút thuốc mà được phát mấy cây thuốc một lần, bán thì không bán được vì cấm trại, cho thì không ai lấy vì ai cũng có, vậy là đành bóc ra hút thử và dần thấy hút thuốc Ruby quân tiếp vụ ngon thật. Hút nhiều thuốc lá quá tưởng tôi sẽ nghiện thuốc, vậy mà đến giờ tôi cũng chẳng nghiện, chắc do cơ địa tôi như vậy. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng được phép ra phố chơi tự do để khám phá TP. Sài Gòn. Tôi nhớ những lần đi xe bus vào phố; hành khách đi cùng chuyến luôn nhìn tôi với ánh mắt tò mò nhưng thân thiện; có những hành khách nam (chắc là trí thức của Sài Gòn) muốn mời tôi về chơi với gia đình họ nhưng tôi luôn từ chối. Cứ ăn ngủ, dạo phố như vậy hơn một tháng trời nữa mà chẳng phải tập tành gì; sau này tôi mới biết chúng tôi là lực lượng chuẩn bị hỗ trợ cho Ủy ban quân quản Sài Gòn trong chiến dịch cải tạo tư sản mại bản và đổi tiền ở TP. Sài Gòn vào tháng 9 năm 1975.

     Tôi được phân công vào một Đội khai thác thông tin từ vợ một Chủ tư sản ngành bột cá. Từ doanh trại ở Tân Sơn Nhất, tôi được xe đưa đến một chung cư cao tầng ở quận 5. Chung cư cao mười mấy tầng, nằm cạnh một vườn hoa to (tôi không nhớ tên phố, tên vườn hoa, chỉ nhớ nó ở quận 5). Căn hộ gia đình Chủ tư sản ngành bột cá nằm ở tầng 8, mặt chính hướng ra vườn hoa. Căn hộ có 3 phòng ngủ, một phòng khách, khu bếp và sân trời. Đội chúng tôi có 5 người và hai phiên dịch phối hợp. Hai chỉ huy đội (hai sỹ quan thay nhau chủ trì hỏi đáp), hai thư ký ghi chép là anh NA (thượng sỹ) và tôi (hạ sỹ), một anh nuôi. Hai phiên dịch được Ủy ban quân quản cử xuống, một nam một nữ. Vợ Chủ tư sản ngành bột cá là người Hoa, ngoài 30 tuổi có 3 đứa con (2 trai 1 gái, đứa lớn hơn 5 tuổi, đứa nhỏ mới chập chững biết đi). Chủ tư sản ngành bột cá được cách ly nơi khác để khai thác thông tin nên tôi chưa từng gặp.

      Những ngày đầu được về ở Quận 5 thật ngỡ ngàng đối với tôi. Tôi như lạc vào một thế giới khác, khung cảnh, con người, sinh hoạt… đều khác lạ. Tôi đứng hàng giờ dưới phố để xem có ai mặc quần áo giống nhau về kiểu dáng, màu sắc không mà hình như không thấy. Những chiếc xe đạp mi ni, những thiếu nữ mặc váy ngắn, chân trần lần lượt lướt qua tôi rất đẹp, rất thật mà như không thật.

       Đội chúng tôi được ở trong căn hộ cao cấp của một tư sản người Hoa nhưng chỉ được sử dụng nhà tắm ở phòng bếp chứ không được sử dụng các đồ dùng trong bếp của chủ nhà, quy định dân vận là vậy, chúng tôi luôn tuân thủ. Anh nuôi của chúng tôi phải nấu cơm và thức ăn bằng nồi quân dụng, bếp đun là ba ông đầu rau kê ở sân giếng trời tầng chệt, củi đun là những mảnh gỗ từ những đồ gỗ được vứt bỏ la liệt hồi ấy. Đến bữa ăn, tôi thường xuống bê giúp anh nuôi cơm và thức ăn lên căn hộ ở tầng 8 (đi bằng thang máy, trong thang máy luôn có một cô bé 13-14 tuổi đứng bấm nút điều khiển). Tôi đã nhiều lần chứng kiến các cô gái trẻ của cộng đồng vô gia cư ở tầng chệt trêu chọc anh nuôi (người Thanh Hóa) của Đội: 

 

- Anh Hai ơi! Để mấy em nấu dùm cơm cho anh Hai nhé?;

 

 - Bộ đội Giải phóng trông dễ thương quá à - anh nuôi của chúng tôi chỉ cười hiền đáp lại. Những nụ cười hiền đó như càng làm cho các cô gái thích thú hơn, tăng cường tán tỉnh hơn.

 

      Vợ của Chủ tư sản ngành Bôt cá Sài Gòn lúc đầu khá e dè khi làm việc với Đội chúng tôi, nhưng rồi cách ứng xử của chúng tôi, phương thức làm việc của chúng tôi đã giúp chị bình tâm trở lại. Chị trả lời khá chi tiết, đầy đủ các câu hỏi của mấy anh chỉ huy thông qua phiên dịch. Tôi không biết chị có biết tiếng Việt không, chắc có biết đôi chút nhưng chị luôn thể hiện là không biết. Rất lạ là tôi không thấy mấy đứa con của chị quấy khóc trong thời gian chúng tôi ở đấy, chúng đã được giáo dục tốt từ tấm bé. Hai ngày đầu, Đội chúng tôi, chị chủ nhà (có sự chứng kiến của một cán bộ Quân quản phường) tiến hành kiểm kê các tài sản trong nhà, chủ yếu là kê biên vàng tiền nếu có. Lần đầu tiên tôi được thấy tủ quần áo với hàng chục bộ comple, hàng tá cà vạt của chủ nhà. Hồi ấy tôi cứ nghĩ tại sao họ lại cần nhiều quần áo như vậy để làm gì bởi vì tôi chỉ có bộ nghiêm bộ nghỉ cũng thấy đủ mà (ngây ngô vậy đấy). Tôi phát hiện trong một tủ quần áo có một thỏi vàng, chúng tôi cân lên được khoảng 200 gram. Tôi gói lại và để lại chỗ cũ sau khi đã ghi vào biên bản, tất cả các tủ sau khi được kiểm kê đều được dán niêm phong. Sau mỗi ngày làm việc, phụ trách các đội mang biên bản đi nộp cấp trên và họp giao ban chuẩn bị nội dung cho ngày làm việc tiếp theo. Hỏi đáp các đối tượng được cách ly, tìm các mâu thuẫn trong các câu trả lời để khai thác các đối tượng nhằm tìm kiếm các tài sản có giá trị được các nhà tư sản mại bản cất dấu đó là một trong các mục tiêu của “Chiến dịch cải tạo tư sản mại bản” (đó là nhìn nhận sau này của tôi, chứ lúc đó tôi chỉ nghĩ là làm xong nhiệm vụ để trở về trường học tiếp). Anh NA chữ đẹp, viết nhanh hơn tôi nên thường phải ngồi viết biên bản, tôi chỉ ngồi lắng nghe và quan sát. Phía bên kia bàn là vợ nhà tư sản và phiên dịch, các cuộc hỏi đáp thường bắt đầu từ 8:00 sáng đến 11:30’; buổi chiều từ 14:00 đến 17:00’. Có một ngày anh NA đi với anh chỉ huy từ sang đến chiều tối mới về (hôm đấy chúng tôi được nghỉ hỏi đáp).

     Các cuộc hỏi đáp ngày càng trở nên nhàm chán vì các bà vợ của các nhà tư sản người Hoa đâu có biết nhiều công việc của chồng mình làm mà trả lời. Trong thời gian nghỉ giả lao, tôi, anh NA, vợ nhà tư sản và phiên dịch còn chơi bài tây để thư giãn. Hai phiên dịch, một nữ sinh năm thứ hai ĐH Khoa học Sài Gòn và một nam sinh lớp 12 thường thay nhau phiên dịch, cuối ngày được về nhà; họ đều là người Việt gốc Hoa. Cô nữ sinh phiên dịch cao khoảng 1,6m, người mảnh mai, tóc ngắn kiểu SITON (mốt của nữ sinh Sài Gòn hồi đó, chị Võ Thị Thắng cũng có mái tóc ấy trong bức ảnh nổi tiếng – Nụ cười chiến thắng). Da trắng, sống mũi cao, khóe mắt sâu với ánh nhìn thông minh, môi hồng hơi cong dễ thương, không sử dụng mỹ phẩm. Em luôn mặc áo dài màu trắng ngà không cổ hoặc cổ ngắn, tà áo ngắn; áo em mặc không mới nhưng luôn phẳng phiu, sạch đẹp. Buổi trưa, em thường kê ba chiếc ghế tựa bàn ăn sát nhau để nằm nghỉ trưa trước hiên phòng khách, hai chân em hơi co lại, hai tay để trên bụng và nằm yên như vậy trong hơn 1 giờ. Tôi không ngủ trưa nên thường bắc ghế tưới giàn Phong lan gần 20 giò của gia đình tư sản ở khoảng sân nhỏ của căn hộ. Giàn Phong lan bị gián đoạn chăm sóc (vì chủ nhà không còn người giúp việc và đâu còn tâm trí để chăm sóc cây hoa trong thời điểm nhiều biến động như vậy) đã bắt đầu khô héo. Tôi xót cho giàn Phong lan mới hành động như vậy chứ đâu có ai bắt. Sau mấy ngày được tôi chăm sóc, các giò Phong lan đã có dấu hiệu hồi phục. Tôi vui lắm, vợ nhà tư sản cũng vui và điều tôi bất ngờ nhất là vị nữ sinh tưởng nằm ngủ nhưng lại luôn quan sát hành động của tôi. Giàn Phong lan hồi sinh cũng là lúc tôi và em nữ sinh đó thân thiện với nhau hơn; cùng là sinh viên nên chúng tôi dễ chung cảm nhận. Em ngạc nhiên vì không ngờ sinh viên ngành Vật Lý của miền Bắc mà đọc nhiều sách văn học và hiểu biết nhiều đến vậy. Em ít nằm nghỉ trưa hơn mà thích ngồi nói chuyện với tôi hơn. Tôi cũng vậy, chỉ mong đến giờ nghỉ để được nói chuyện cùng em (chúng tôi luôn ngồi hai phía bàn hoặc cách nhau một chiếc ghế để mọi người không để ý). Thỉnh thoảng chúng tôi cùng đi xuống phố, lang thang một lúc rồi lại trở về căn hộ tầng 8.

      Một buổi trưa, sau khi hai đứa lang thang dưới phố rồi trở về để chuẩn bị cho buổi chiều làm việc; tôi và em quyết định leo cầu thang bộ lên tầng 8. Cầu thang bộ của khu chung cư ấy ôm quanh cầu thang máy, rộng chừng 1,5m, luôn vắng vì dân cư ở tòa nhà đã bỏ đi nhiều và mấy ai lại leo cầu thang bộ trong khi thang máy hoạt động liên tục; chỉ có chúng tôi hâm như vậy. Em bước trước, tôi bước theo sau, rồi em chạy và tôi đuổi theo. Đến chiếu nghỉ tầng 5 hay tầng 6 gì đó, em mệt quá nên không chạy được nữa nên dừng lại để thở, hai tay để sau lưng dựa vào tường để áo dài không bị bẩn. Tôi đang đà chạy lên nên “vấp” phải em. Mắt em khẽ nhắm, đôi môi hồng không thoa son hé mở như mời gọi. Tôi chạm môi mình vào môi em như vô thức, chỉ khẽ chạm mà tôi đã cảm nhận sự rung động từ trái tim em. Đó là nụ hôn đầu của tôi trao cho một cô gái, nụ hôn của cảm xúc, nụ hôn của mối tình đầu. Với em thì không, em đã từng yêu một bác sỹ quân y của quân đội Sài Gòn (là sau này em kể lại cho tôi nên tôi mới biết. Một đại úy, bác sỹ quân y lớn hơn em 7 tuổi); nhưng em cảm nhận được nụ hôn trinh trắng của anh Giải phóng quân trao cho em và anh Giải phóng quân ấy cũng nhận được nụ hôn thanh khiết nơi em.

       Sau buổi trưa ấy, chúng tôi quan tâm đến nhau nhiều hơn dù luôn cố gắng không thể hiện trước mọi người. Ngồi ở phía đối diện nên ánh mắt em luôn hướng về tôi, tôi và em nói chuyện với nhau qua ánh mắt mỗi khi ngồi làm việc. Em đưa tôi về thăm nhà em ở 173 đường Tân Hòa Đông, quận 6. Bố em là người Hoa, mẹ em là người Nam Định. Em có ba cô em gái với ba cái tên rất đẹp là Lý Thanh Lê, Lý Ấu Lê, Lý Mỹ Lê và hai cậu em trai; em là chị cả - Lý Chi Ly. Tôi đã ăn một bữa cơm tại gia đình em nhưng chỉ có tôi và em. Mẹ em đang kinh doanh ở chợ; bố em và mấy đứa em chắc muốn tôi được tự nhiên nên cũng không ngồi ăn cùng.

Mấy anh trong Đội rồi cũng cảm nhận có gì đó đang xảy ra giữa tôi và em. Anh bạn phiên dịch dù ít tuổi hơn em nhưng có vẻ cũng ghen với tôi nên xa lánh tôi hơn. Còn vài ngày nữa thì kết thúc chiến dịch nhưng tôi được lệnh điều động trở về doanh trại ở Tân Sơn Nhất mà không kịp chia tay em; quân nhân luôn là vậy. Tôi tưởng không được gặp em nữa vậy mà chỉ sau hai ngày; một buổi chiều, tôi được cảnh vệ khu vực doanh trại báo có khách đến thăm, khách đó chính là em. Không hiểu bằng cách nào mà em biết được địa chỉ nơi tôi đóng quân ở cái sân bay to rộng đến vậy; không biết bằng cách nào mà em khiến cho cảnh vệ phải đi tìm tôi để cho em gặp. Gọi là khách đến thăm chứ thực ra tôi và em chỉ thấy nhau qua những vòng kẽm giai chặn ngang cổng đường vào sân bay. Tôi với em đứng cách nhau khoảng 5m, nói chuyện và nhìn nhau qua không gian kẽm gai đó; với tôi như vậy cũng quá hạnh phúc. Từ nhà em ở quận 6 đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng phải mười mấy km nên em đi bằng một chiếc xe Honda nữ 50 phân khối. Tôi nhớ khi chia tay, em đạp cần khởi động mãi mà xe không nổ máy. Em quay lại nhìn tôi cười mà mặt em mếu như sắp khóc:

 - Anh ơi! Chiếc xe nó cũng không muốn về - tôi ở trong hàng rào đâu có giúp gì được cho em, với lại khi đó tôi cũng không biết đi xe máy nên đâu biết gì để mà giúp em.

(Còn nữa)

N.V.N