Đoàn quân nghìn người hành quân dưới mưa rừng; những con đường đất sũng nước được hàng nghìn bước chân dẫm đạp tạo thành một lớp bùn đất ngập ngang bàn chân người lính. Anh lính nào đi giày, biết điều thì tháo giày vắt ba lô để đi dép đúc vào mới đi nổi; cố tình đi giày là đôi giày đó bị bùn đất giữ lại với rừng ngay.
Đi dép cũng không dễ gì, mặc dù dép cao su độ bám dính cao, ít trơn trượt; nhưng bùn đất ngập chân sẽ làm dép tuột ngược lên bụng chân; gỡ được dép ra để đi lại thật cơ khổ. Những anh bộ đội tinh ranh, dám “hy sinh” thì phải lồng vào chân đôi tất trước khi đi dép, như vậy chân nhờ có tất tăng ma sát nên đỡ tuột khỏi dép. Tất phải là tất phát cho bộ đội đi B, loại tất có mộ lớp tơ tằm óng vàng nằm ở phần đáy tất mới sử dụng được để lội bùn và có thể dùng được nhiều lần. Đồng đội tôi; Nguyễn Khánh Thụy, một chàng trai Hà Nội; lính sinh viên khoa văn (K16; ĐHTH Hà Nội) là trường hợp đặc biệt nên dùng tất mà dép vẫn tuột lên bắp chân; trời không mưa dép vẫn cứ thỉnh thoảng tuột khỏi chân. Thụy không có gót chân ở cả hai bàn chân; dị tật từ nhỏ mà tại sao vẫn trúng tuyển bộ đội, chắc là anh ấy quyết đi. Vì không có gót chân nên đi dép rất khó; quai dép không có gót chân giữ nên dép rất dễ tuột. Trời không mưa Thụy còn đi giày được; nhưng trời mưa thì cả giày lẫn dép đều không giúp được Thụy nên anh đành đi tất không để hành quân. Tất của Thụy “nhờ vậy” mà nhanh bị loại bỏ và anh đành phải nương nhờ đồng đội; được cái đồng đội của anh đều là bạn cùng trường nên luôn sẵn sang chia sẻ tất cho anh. Thụy luôn lạc quan và luôn sáng tác thơ để đọc cho đồng đội nghe ở mỗi chặng dừng chân; đồng đội nghe thơ anh người khen kẻ chê anh đều vui vẻ nhận về mình. Thật tiếc là Thụy đã hy sinh ngay gần 30/4/1975; nếu không thì bạn đọc sẽ được đọc nhiều bài thơ, bài viết của anh về Trường Sơn, về chiến tranh sống động, chân thực. Nếu Thụy còn sống chắc tôi cũng không viết nữa mà chỉ ngồi đọc những dòng anh viết là đủ. Tôi luôn nhớ cái dáng nhỏ nhắn; chân cao chân thấp, tay sách dép, bước nhanh như chạy; quần áo bê bết bùn đất vì ngã lên ngã xuống và cái miệng luôn cười trên khôn mặt luôn ngơ ngác của Thụy.
"Anh dắt em đi trời sắp sáng rồi;
Mà trong tim anh gà chưa muốn gáy" là một cáu thơ lãng mạn về tình yêu tưởng tượng của Khánh Thụy đấy.
Tôi nhớ một đêm phải mắc vóc ở bãi khách vừa bị bom B52; bãi khách là một sườn đồi trơ trọi vì cây cối hầu như bị bom cắt ngang thân nham nhở. Tôi lựa chọn mãi mới mắc được võng và treo được tăng thì trời đã tối; tôi trèo lên võng và đắp tấm chăn, bên ngoài là màn tuyn chống muỗi. Ngày hôm ấy chặng đường hành quân tương đối dài (phải vượt trạm để tránh B52 rải bom) nên tôi thiếp đi ngay. Tôi giật mình tỉnh giấc vì lạnh; trời mưa to, gió thổi mạnh làm một trong bốn dây căng tăng của tôi bị đứt, nước mua cứ thế xối vào đầu võng làm chăn màn của tôi và một phần quần áo của tôi ướt nhẹm. Đêm tối đen; không có đèn đuốc nên tôi không thể xuống để buộc lại dây tăng; vậy là tôi cuốn cả chăn màn vào người để cố gắng ngủ tiếp. Thật may mưa cũng ngừng rơi; chắc trời thương tôi; sáng tôi lại quấn đống chăn màn, võng tăng ẩm ướt đó nhét vào ba lô và tiếp tục hành quân cùng đồng đội. Thật lạ là tôi không bị cảm lạnh sau vụ mưa rừng đêm ấy; nhưng cái cảm giác rét run vì mưa rừng Trường Sơn vẫn còn đến tận bây giờ.
11. Muỗi; Vắt, Rắn lục và Ong rừng: Ba trong bốn loại ấy luôn rình rập tấn công bộ đội hành quân trên dãy Trường Sơn. Anh bộ đội nào đã từng hành quân đi B2; B3 chắc đều được hưởng “đặc ân” của muỗi, vắt và nếu bạn giỏi khơi gợi thì các anh ấy có thể kể cả ngày không hết các kỷ niệm của mỗi người với muỗi, vắt.
Muỗi Trường Sơn to gấp đôi muỗi Hà Nội hay tp. HCM; giỏi đánh hơi người kinh khủng. Bộ đội đi B thường được phát mỗi người một lọ dầu xoa chống muỗi; cái mùi dầu (nhơn nhớt) giống mùi Axeton ấy đến người còn sợ chứ nói gì đến muỗi. Lúc hành quân thì nhờ mặc quần áo dài và chuyển động liên tục nên ít bị muỗi đốt; tối ngủ thì nhờ có màn tuyn và võng bạt nên muỗi cũng khóc (mấy ông nằm võng nilon hay võng dù nghe nói còn bị muỗi đốt xuyên qua võng). Nhưng lúc đi đại tiện là lúc khó chống đỡ nhất đối với lũ muỗi Trường Sơn; anh vừa kéo quần ra, chưa kịp xoa dầu chống muỗi là hàng trăm con muỗi thay nhau tấn công anh luôn; xoa được dầu rồi thì đỡ hơn, đỡ hơn thôi vì lũ muỗi khôn lắm, nó chọn được chỗ chưa bôi dầu ở mông anh, ở lưng anh để đốt. Chính vì muỗi đốt nên mặc dù mỗi ngày, mỗi tuần bộ đội đều uống thuốc Ký ninh và B1, nhưng rồi cũng lần lượt bị sốt rét. Tôi nhờ sức khỏe tốt, uống thuốc đều đặn và ra sức ngăn chặn muỗi nên hơn một năm sau mới bị sốt rét, ở rừng cao su Lộc Tấn (Bình Phước). Sốt rét cũng rất lạ và đáng sợ; lúc rét run đắp bao nhiêu chăn cũng vẫn rét, lúc ấy chỉ mong có người ôm mình cho ấm lại; lúc nóng thì kinh hoàng không kém cứ luôn 40; 41 độ hầm hập suốt ngày đêm; có lúc bên ngoài nóng mà bên trong lại rét. Sốt rét hủy hoại sức khỏe bộ đội rất nhanh; chỉ cần một đợt sốt là từ trai tráng thành bủng beo ngay. Tuy nhiên; tôi cũng đã từng chứng kiến sự kiên cường của các bộ đội với sốt rét. Những người khỏe thì mang giúp ba lô (hai ba lô là khoảng 40kg), những người đanng sốt thì tay chống gậy cố gắng lê bước đi theo đồng đội; nếu anh không đi nổi thì phải hai người khác cáng và rồi phải nằm lại đơn vị thu dung. Tôi đã từng thấy một anh bộ đội ngồi đánh cờ bình thản trong khi nách vẫn cặp nhiệt kế thủy ngân, xem kết quả đo sau đó thấy nhiệt độ của anh lên gần 42 độ (đến giờ tôi vẫn không giải thích được tại sao; vì theo y học thì lên đến nhiệt độ đó thì người bệnh sẽ hoảng loạn rồi; chẳng lẽ nhiệt kế sai?)
Vắt rừng Trường Sơn cũng khác hẳn vắt rừng miền Bắc; chúng mảnh mai hơn nhưng điêu luyện hơn trong việc “săn bắt con mồi”. Những anh bộ đội hành quân đi đầu thường đỡ bị vắt cắn vì vắt chưa kịp đánh hơi; những người đi sau thì ăn đủ vì vắt từ hai bên cánh rừng đều hướng đến đường mòn mà đoàn quân đang nối nhau đi trên đó. Vắt đuổi theo người là có thật; chỉ di chuyển bằng cách nhún mình như đỉa mà sao vắt di chuyển nhanh đến vậy; nếu ai đi chậm là vắt đuổi kịp đấy; và khi đã bám được lên người thì chúng sẽ tấn công bất cứ chỗ nào da thịt hở ra. Khi phải hành quân qua những vùng đất ẩm nhiều vắt, bộ đội thường đi tất và lồng ống quần vào tất để tránh vắt bò vào; vắt liền leo lên cây và buông mình từ những cành cây để tấn công vào vùng đầu, cổ của anh bộ đội; nhiều anh đã bị vắt bò vào tai, vào nách để hút máu. Tôi đã từng nhìn thấy cả vài chục con vắt di chuyển hướng về tôi với tốc độ đáng nể; và khi chúng cậy đông và đồng loạt ngóc đầu hướng về anh thì anh chỉ có cách là tránh xa càng nhanh càng tốt. Muỗi rừng đốt đau và nạn nhân biết ngay; nhưng vắt thì bám và hút máu êm ái lắm; khi ta thấy ngứa thì chúng đã no căng và vết cắn thì chảy máu liên tục đến 10 phút sau; rất đáng sợ.
Rắn lục: Rắn lục là loại bò sát nguy hiểm đối với bộ đội hành quân ở Trường Sơn bởi vì nọc dộc của chúng có thể giết chết hoặc làm tổn thương nặng nạn nhân. Màu của rắn lục cùng màu với lá cây nên khi bám trên cây chúng ta khó phát hiện ra chúng. Rắn lục không chủ động tấn công bộ đội như muỗi, vắt nhưng nếu vô tình đi ngang chúng mà chúng cảm thấy bất an là chúng tấn công ngay. Rắn lục ở dưới đất thì còn dễ phát hiện để mà tránh; nhưng nếu chúng buông từ cành cây xuống vùng đầu, cổ của bộ đội thì “bất khả kháng”. Đã có những anh bộ đội phải ở lại với Trường Sơn vì sốt rét hoặc bị rắn lục cắn; các trạm giao liên thường có thuốc giải khi bị rắn cắn, khưng không phải trường hợp nào cũng kịp cấp cứu.
Ong rừng: Ong rừng là loài côn trùng ít nguy hiểm với bộ đội; nhưng bộ đội vốn nghịch ngợm và thích lấy mật ong để ăn, để tăng cường sức khỏe nên chúng sẵn sàng tấn công chống trả để bảo vệ tổ ấm và đồng loại của mình. Có lần tôi thấy một anh bộ đội trèo lên cây lấy mật ong mà bùi nhùi bị tắt; cả đàn ong vây lấy anh mà đốt; anh cố tuột xuống gốc cây và nhờ đồng đội hỗ trợ anh mới thoát khỏi đàn ong. Mặt mũi, cổ, lưng của anh cứ từng cục sưng lên. Anh lịm đi vì nọc độc của ong; chúng tôi nhổ nọc ong còn bám trên mặt, trên người anh ra mà thấy nể đàn ong, mỗi nọc ong là một con ong phải cảm tử; xác ong nằm đầy dưới gốc cây. Một lần khác, cả đơn vị đang hành quân dưới tán của một cánh rừng già; ở trên cành cao của một cây cổ thụ có một tổ ong to bằng cái thúng (ong bám đầy); một anh bộ đội ngứa tay dương sung AK hướng về tổ ong bóp cò. Nghe tiếng súng, mọi người ngước nhìn lên, những giọt mật ong rơi xuống và cũng là lúc đàn ong lao xuống tấn công đáp trả; cả đơn vị chỉ còn cách tháo chạy. Có anh bộ đội bị ong đuổi ra tận bờ sông, anh phải nhảy xuống sông ngụp lặn mà ong đâu chịu buông tha. Đàn ong cứ bay trên mặt sông chờ anh chàng nhô lên là đốt; cũng may anh ấy là người giỏi bơi lặn nên phải lặn ra xa mới thoát được đàn ong. Bộ đội được bài học nhớ đời.
12. Những bữa ăn độc lạ của bộ đội: Bộ đội khi hành quân trên Trường Sơn được ăn tiêu chuẩn 24kg gạo một tháng vậy mà lúc nào cũng cảm thấy đói. Cái ăng gô đựng được cơm nấu từ 250 gram gạo, cái ngăn đựng thức ăn bé xíu chẳng bao giờ có thức ăn ngoài 20-30 gram ruốc thịt (chà bông) với tỷ lệ 1/3 thịt; 1/3 muối; 1/3 mì chính (bột ngọt) dùng cho bữa trưa vậy mà lúc nào cũng hết veo. Thức ăn cho bữa sáng và bữa tối là nồi canh rau rừng; rau tàu bay là chủ đạo và đương nhiên là canh rau suông với muối và mì chính. Bây giờ người ta sợ ăn mì chính chứ với bộ đội trên đường hành quân nhờ có mì chính nên mới nuốt nổi cơm; mỗi anh được cấp 200 – 300 gram mì chính trước khi vào Trường Sơn, vậy mà khi ra khỏi Trường Sơn chẳng ai còn lấy một hạt. Ngoài rau tàu bay còn có rau mồng tơi; rau môn thục; cao cấp hơn là rau Dớn (ngọn một loại dương xỉ); các trạm cuối được đóng quân trong rừng tre thì có thêm món măng tre, măng le. Măng tre, măng le xào là món ăn đặc sản của bộ đội trên Trường Sơn; gọi là xào chứ làm gì có mỡ, chỉ là măng luộc kỹ, tước nhỏ, xào với muối và mỳ chính thôi. Ở mặt trận Quảng Đức thì có thêm món lá Bép thần thánh; bây giờ là đặc sản cho khách du lịch Tây Nguyên. Cây lá Bép còn có dấu ấn khó quên đối với các chiến sỹ trinh sát mặt trận Quảng Đức; mấy anh trinh sát đi điều nghiên (điều tra; nghiên cứu trước trận đánh) thường phải cắt rừng mà đi (không đi theo lối mòn có sẵn) thường phải bẻ ngọn cây Bép để đánh dấu đường đi (cây Bép thường cao khoảng 50cm -100cm) để tránh bị lạc đường.
Ăn đến tám lạng gạo mỗi ngày mà bộ đội hành quân trên Trường Sơn luôn cảm thấy đói; mấy anh đi lấy gạo bổ sung dọc đường hành quân hay tìm cách “trộm” thêm gạo ở các kho bằng cách dùng các ống nứa cắt vát một đầu chọc vào các bao tải đựng gạo ở kho cho chảy vào ruột tượng gạo; thật tội cho cả bộ đội hành quân lẫn bộ đội giữ kho. Tôi nhớ một kỷ niệm khá bi hài khi đơn vị tôi mới trở về lãnh thổ Việt Nam sau mấy tháng hành quân trên đất bạn; chúng tôi đóng quân trong rừng tre ở Cà Tum (Tây Ninh), sát biên giới Việt Nam – Campuchia. Mấy tuần liền chúng tôi phải ăn đỗ xanh; lạc khô thay gạo (vì hậu cần hết gạo để cấp). Mới đầu thì hồ hởi lắm, vì đỗ xanh ngoài Bắc là của hiếm khi đó; chỉ Tết đến mới có đỗ xanh để gói bánh chưng; cháo đỗ xanh hay chè đỗ xanh chỉ người ốm mới được ăn. Đỗ xanh nấu cho nở bung lên như cơm chỉ ăn được một hai bữa là ngán không thể nào nuốt nổi; đến khi được phát lạc khô nguyên vỏ để thay thế đỗ xanh và gạo thì còn khổ hơn. Ngày đầu nhận được lạc khô thì ai cũng vui vì sợ đỗ xanh quá chừng rồi; hý hửng bóc lạc để rang ăn và nghĩ rằng dễ nuốt hơn đỗ xanh. Vậy mà không, lạc rang chỉ ăn chơi thôi chứ ăn thay cơm sao nổi; vậy là mấy anh bộ đội lại có sáng kiến mang lạc khô ngâm cho thấm nước rồi luộc cả vỏ để bóc ăn như lạc luộc. Những ngày ấy bộ đội chỉ ước có củ khoai củ sắn để ăn thay cơm thôi; sau này về học lại ĐH, phải ăn bobo thay gạo mà vẫn thấy tuyệt vời hơn ăn đỗ lạc thay cơm nhiều.
Một lần anh tiểu đội trưởng tiểu đội tôi cùng mấy đồng đội đi lên suối Ngô để lĩnh gạo; kho gạo lại gần trại tăng gia của đơn vị coi kho nên tiểu đội trưởng và mấy anh đi lấy gạo “nhanh tay” lấy thêm ít gạo và mấy quả bí mang về để cho tiểu đội được “ăn tươi”. Vụ việc bị lộ; mấy anh ở đơn vị coi kho phản ánh đến cán bộ khung của đoàn chúng tôi (cán bộ khung là cán bộ huấn luyện quân ở ngoài Bắc; dẫn quân vào chiến trường để giao quân, giao xong lại quay ra Bắc ngay. Cán bộ khung thường từ Trung đội đến tiểu đoàn); tiểu đội tôi phải kiểm điểm trước trung đội và cán bộ khung. Tiểu đội trưởng tiểu đội tôi lúc ấy là đối tượng chuẩn bị kết nạp Đảng, nếu dính kỷ luật là việc kết nạp Đảng của anh ấy sẽ bị kéo dài. Tôi lúc ấy cũng là cảm tình Đảng nhưng vì hay cự lại Trung đội trưởng (cán bộ khung) nên khả năng kết nạp Đảng trước khi giao quân cho đơn vị chiến đấu là không thể. Mặc dù tôi không nằm trong số mấy anh đi lấy gạo nhưng tôi và Vũ An Ninh (cũng không đi lấy gạo) bàn nhau và cùng đứng lên nhận khuyết điểm thay cho tiểu đội trưởng và mấy đồng chí đã vi phạm. Nhờ hai chúng tôi nhận khuyết điểm và chịu kỷ luật cảnh cáo thay nên tiểu đội trưởng của chúng tôi đã được kết nạp Đảng trước khi giao quân. Vũ An Ninh, sau khi thống nhất đất nước, trở về trường ĐHTH Hà Nội nhưng anh không học Vật Lý nữa mà chuyển sang học kinh tế. Vũ An Ninh học giỏi nên đã được kết nạp Đảng ngay khi còn là sinh viên; anh còn được một “cháu” gái cùng lớp, người Hà Nội mê tít và bây giờ là vợ của anh ấy. Tôi thì vất vả hơn vì việc điều tra lý lịch nên được đứng trong hàng ngũ của Đảng sau Vũ An Ninh khoảng 10 năm.
Mấy ông cán bộ khung đã kỷ luật chúng tôi trước khi giao quân thì lại định chôm bộ đồ cắt tóc của đơn vị chúng tôi để mang ra Bắc (ngoài Bắc hồi đó cái gì cũng thiếu nên kéo cắt tóc cũng có giá trị); bộ đội phát hiện được làm ầm lên, các ông tẽn tò trả lại dao kéo và lặng lẽ trở ra Bắc không một cái bắt tay đưa tiễn.
P/S: Tôi đã định kết thúc loạt bài viết “Kỷ niệm Trường Sơn” ở bài viết trước. Tuy nhiên qua bình luận của các bạn đọc, nhất là các bạn đọc trên trang TTNL, tôi thấy còn nhiều kỷ nệm về Trường Sơn, về chiến trường nên viết ra để cho các đồng đội đã trải qua thì nhớ lại. Các bạn đọc chưa biết thì biết thêm những điều rất lạ, rất khác với phim ảnh hay là trí tưởng tượng của các bạn về bộ đội đi B để mà cảm thông, để mà thấu hiểu. Cám ơn các bạn nhiều
Theo Trái tim người lính