Ký ức chiến tranh: Vào trận - P25

Lúc này khoảng 10 giờ 30. Có tiếng máy bay. Tôi nghĩ nhanh, "Thế là ăn bom rồi!" Thò đầu ra khỏi hầm nhìn lên, tôi thấy bốn chiếc A37 rầm rộ lao tới đảo mấy vòng rồi bổ nhào theo trái khói chỉ điểm của chiếc trinh sát L19 vẫn dõi theo chúng tôi từ sáng sớm. Tiếng bom rít, xé không khí như xé lụa.

Tiếp theo là những quầng lửa màu da cam và cột khói hình nấm trùm lên cùng tiếng nổ lộng óc. Đất rung chuyển dưới chân và trên đầu chúng tôi. Bùn, đất, cây cối bị hất tung lên rồi rơi xuống che lấp cả miệng công sự. Tôi có cảm giác như hầm mình đang sập. Loạt thứ hai, rồi thứ ba. Bốn chiếc thi nhau bổ nhào dội hết cơ số bom mang theo. Sau đó, chúng mở rộng cua, lượn thêm mấy vòng nữa rồi chuồn thẳng. Khu vườn bây giờ chỉ còn lại là những hố bom. Khói lửa trùm lên mù mịt. Nhiều đồng chí nữa lại hy sinh.

b1td1as-1685967154.jpg

CCB Vương Khả Sơn viếng nhà tưởng niệm 62 liệt sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 hy sinh tại Long An ngày 12/5/1972. Ảnh do tác giả cung cấp

 

Cậu Trọng, quê Yên Thành, Nghệ An làm quản lý đại đội cũng hy sinh vì mấy loạt bom ấy. Chắc bọn địch nghĩ rằng với mức độ bom đạn khủng khiếp như vậy, chúng tôi sẽ chẳng một ai có thể sống sót nổi! Chúng lại mở đợt tấn công thứ 3. Đội hình chúng tôi đã mỏng nay càng mỏng thêm. Nhiều công sự bị bom vùi, anh em tự mình bới đất chui ra rồi tiếp tục chiến đấu. Băng quấn đầy mình vẫn kiên cường đánh trả. Cả một vùng lúa đang chín, giờ đây đã bị san phẳng bởi chi chít hố pháo, hố bom. Kẻ địch quyết tâm tiêu diệt và bắt sống chúng tôi. Vẫn thứ "giáo án" chiến thuật cũ rích là xả súng không tiếc đạn rồi mò vào. Bùn đất, cây cối ngổn ngang của trận bom lúc nãy là sự nguỵ trang tự nhiên và hết sức bất ngờ đối với bọn lính. Chúng vào sát công sự rồi mà vẫn không phát hiện ra đối phương. Khi chợt nhìn thấy họng súng chĩa vào ngực thì há hốc mồm ra, rồi đổ vật xuống trong cái chết kinh hoàng bởi loạt AK găm thẳng, xé nát lồng ngực chúng. Bị bất ngờ, bọn còn lại tháo chạy thục mạng trở ra sau khi đã để lại nhiều xác chết và những tên bị thương. Pháo địch lại cấp tập, trận địa cối 106,7 li của địch từ Hậu Nghĩa giờ mới dõng dạc lên tiếng. Những trái cối khổng lồ lao xuống trận địa chúng tôi như những đợt bom chùm. Tiếng rít đặc thù của nó không có ngôn ngữ để diễn tả. Thật kinh khủng. Ai đã một lần trong đời ngồi chịu trận vì loại "bom mặt đất" ấy, sẽ không bao giờ quên được tiếng rít, tiếng nổ xé tai và sức sát thương kinh hoàng của nó.

Địch cay cú vì một lực lượng quân lính và hoả lực hùng hậu như vậy mà không thể bóp chết một số lượng con người và vũ khí nhỏ hơn chúng nhiều lần. Chúng tập trung trong nỗ lực lần cuối, hòng tiêu diệt chúng tôi. Tất cả các loại trọng pháo, cối, đạn M72, M79, đại liên, rốckét từ trực thăng... lại thi nhau đổ vào trận địa. Có thể nói chưa có trận đánh nào từ trước đến đó mà một xung lực và hỏa lực bom pháo, súng đạn được địch huy động với tần suất và cường độ lớn đến như vậy nhằm hủy diệt chúng tôi! Và cũng kỳ lạ thay! Chúng tôi vẫn trụ bám kiên cường đến như vậy!

15 giờ 30 đột nhiên tiếng súng im bặt.

Quả nhiên, lợi dụng khi trọng pháo liên tiếp dội vào dìm đầu chúng tôi, lực lượng bộ binh còn lại của chúng rút lui ra xa. Chúng tôi, những người còn sống sót thở phào. Thế là mình còn sống. Mặt mũi ai nấy sạm đen vì khói đạn và bùn đất. Bom đạn kẻ thù đã cướp đi của đại đội tôi 11 đồng chí. Họ đã anh dũng hy sinh trước một trận đánh không cân sức. Rất nhiều đồng chí khác bị thương nặng.

Trận Hòa Khánh mặc dù tổn thất rất lớn nhưng có thể nói, chúng tôi đã thắng. Thắng vì đã thực hiện đúng ý đồ chiến thuật của cấp trên. Một lực lượng nhỏ xọc vào sát nách địch để căng kéo lực lượng của chúng, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn rút lui chiến thuật được an toàn. Bởi địch đang có kế hoạch chuẩn bị một lực lượng lớn để bao vây, đánh úp tiêu diệt Trung đoàn chúng tôi. Nhưng cái giá phải trả không hề rẻ. Có thể hiểu chúng tôi là lực lượng cảm tử, chấp nhận hy sinh để cứu cả Trung đoàn. Sau này chúng tôi mới được biết, theo yêu cầu chỉ đạo chiến thuật của cấp trên, chỉ cần chúng tôi trụ vững được một ngày, coi như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trận ấy, chúng tôi được cấp trên đề nghị Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.

Đêm ấy, sau khi giải quyết xong công tác thương binh, tử sỹ, chúng tôi rời vùng tử địa Hoà Khánh để trở về "cứ" ở bưng An Thuỷ. Tòng và Kỷ không may bị lạc đơn vị. Khoảng 8 giờ tối, hai người dò bám vào ấp để tìm kiếm cái gì khả dĩ lót dạ vì đánh nhau cả ngày đói lả, họ tóm được một chú vịt Xiêm (ngan) bị lạc của dân đã bỏ chạy đêm trước. Sau khi làm thịt, luộc ăn xong, họ cắt góc phương vị rồi tìm đường về bưng An Thuỷ giữa đồn bốt giăng giăng của bảo an, dân vệ. Rất may là không bị phục kích hoặc vướng mìn clâymo do địch gài lại. Bây giờ mỗi khi có dịp gặp nhau, ôn lại kỷ niệm chiến trường, nhớ lại trận Hoà Khánh ác liệt với tấn suất bom đạn khủng khiếp ấy, ai nấy đều nổi da gà!

Trở lại bưng An Thuỷ được hai hôm, chúng tôi được lệnh di chuyển xuống bưng Tân Phú. Nhiệm vụ lúc này là ban ngày phục kích tàu địch trên sông Vàm Cỏ; ban đêm, tập kích bằng cối 82 vào bốt địch. Có những đêm vào ấp chiến lược để móc nối với cơ sở để lấy gạo, nhu yếu phẩm, thuốc men hoặc làm công tác dân, binh vận...

Ở An Thuận, có nhiều cơ sở kiên trung, một lòng theo Đảng, theo cách mạng như gia đình chị Tư Lâp, Sáu Tiệm, gia đình Út Ư, Út Mắc, Lệ Thuỷ, v.v... Riêng tôi, thực sự có cảm tình với Lệ Thuỷ (nếu không nói là yêu). Đó là một cô gái mới học lớp 12, xinh đẹp mà đôn hậu, hết lòng vì mọi người (và em cũng dành tình yêu cho tôi). Những ngày chúng tôi tác chiến chống càn ở đây, ban ngày em phải theo gia đình di tản. Khoảng 5 giờ chiều, khi bọn lính đã rút hết, mặc dù pháo vẫn còn bắn đến, vậy mà em vẫn liều lĩnh đội pháo về với chúng tôi. Trên tay, lần nào cũng một làn nhựa với đủ bánh ngọt, trái cây, xà bông, kem đánh răng, khăn mặt... Khi pháo bắn, thì cùng chui xuống công sự với chúng tôi. Hầm chật nên không tránh khỏi sự đụng chạm vô tình… Nhiều khi tôi thấy ngượng vì chúng tôi quần nhau cả ngày với địch, mồ hôi, bùn đất, khói đạn quyện lại thành một thứ mùi rất khó chịu. Trong khi, từ thân thể con gái tuổi 18 phổng phao, một mùi thơm dìu dịu quyến rũ toả ra làm chúng tôi như ngây ngất. Tôi đành phải nói thật ý nghĩ của mình. Thuỷ hờn dỗi: "Sao anh nói vzậy. Sự hy sinh xương máu của mấy anh còn không tiếc thì sự giúp đỡ và chịu đựng chút xíu của em thì ăn nhằm gì! Anh Hai nói nữa, làm em buồn đó nghen! Lần sau không được nói vzậy nữa nghe hôn?". Rồi gần như suốt cả đêm, em lo sửa soạn, giặt giũ áo quần, gần sáng lo nấu cơm cho chúng tôi. Xong, lại vội vàng di tản, tránh càn...

... Xin được "bật mí", không phải ngẫu nhiên sau này, khi vợ chồng tôi có con gái đầu lòng, tôi đặt tên cháu là Lệ Thuỷ! Nguyên nhân sâu xa của cái tên Lệ Thuỷ - con gái tôi - là vậy đó. Hình ảnh Lệ Thuỷ của ấp An Thuận năm nào vẫn vẹn nguyên và để lại trong tôi cả khung trời kỷ niệm. Lệ Thuỷ ơi! Anh xin phép em cho anh được đặt tên con gái mình bằng chính cái tên mà anh yêu, anh quý năm nào: Lệ Thuỷ... Chắc em sẽ bằng lòng và vui phải không? Anh vẫn tin như vậy...

... Giờ đây sau 33 năm, kể từ ngày ấy, chiến tranh đang dần đi vào cổ tích. Hẳn giờ này, em đang sống trong một gia đình hạnh phúc? Và anh nghĩ, có thể em đã lên thiên chức làm nội, làm ngoại rồi. Nhưng, trong miền ký ức của riêng anh cũng như các anh lính miền Bắc năm nào vào Nam đánh giặc để giải phóng quê em, thì em vẫn là một Lệ Thuỷ hồn hậu, thuỷ chung, trong trắng mà mãnh liệt của mảnh đất "Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc". Thuỷ ơi! Trong niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống hoà bình hôm nay, có lúc nào em chợt nghĩ về những tháng ngày gian khổ, ác liệt của quá khứ chiến tranh, nơi chúng mình đã có những kỷ niệm của một thời máu lửa?!...

(Còn nữa)

Trái tim người lính