Ký ức chiến tranh: Vào trận - P28

Sau trận thi hành bản án tiêu diệt tên ác ôn Sáu Đởm, chúng tôi chia tay với ông Năm Châu, Sáu Luật và anh chị em du kích cùng với mảnh đất An Ninh, Lộc Giang, Tân Phú, Hoà Khánh đầy ắp kỷ niệm. Họ ở lại bám dân, bám đất tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Còn chúng tôi được lệnh rút lên Campuchia, củng cố lực lượng, chuẩn bị đánh trận Xa Thia - Công Pông Tra Béc lịch sử. Không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp họ. Từ bấy đến nay, không rõ ông Năm cùng các đồng chí du kích và giao liên một thời gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu và công tác những năm tháng ấy hiện ra sao? 33 năm đã trôi qua, bão táp thời gian có thể làm đổi thay mọi điều?!...

Riêng Sáu Luật, đã anh dũng hy sinh trong một trận phục kích của địch sau đó không lâu, khi anh vào lại ấp chiến lược trong một chuyến công tác. Tôi cúi đầu, ngậm ngùi, đau xót trước hung tin quá đột ngột ấy. Sáu Luật là một chiến sỹ trinh sát du kích mưu trí, dũng cảm, kiên cường. Một người đồng chí thuỷ chung, tận tuỵ. Năm đó Luật mới 17 tuổi...

b1td1aqs-1686238054.jpg

CCB Vương Khả Sơn tại Sa Vĩ, Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh.

 

Cuối tháng chín, năm 1972, chúng tôi nhận nhiệm vụ giải phóng căn cứ Xa Thia - Công Pông Tra Béc giúp bạn. Căn cứ này vốn trước đây, nhiều lần cả ta và bạn hiệp đồng tác chiến để giải phóng, nhưng chưa lần nào dứt điểm vì nó là một căn cứ có vị trí gần như một ốc đảo. Xung quanh là đồng bưng và đầm lầy, chỉ có con đường độc đạo chạy qua, được bọn Lon Nol cố thủ vững chắc. Quyết tâm của Trung đoàn 271 là bằng mọi cách phải nhổ bằng được căn cứ này. Trước đó cả mấy tháng, trinh sát các tiểu đoàn và đại đội 25 (đặc công) và các tiểu đoàn đã vượt bưng vào bí mật điều nghiên khá kỹ lưỡng, rồi vẽ sơ đồ và lên phương án tác chiến tỉ mỉ. Ban tham mưu và tác chiến Trung đoàn thống nhất duyệt phương án đánh địch lần cuối, đồng thời hạ quyết tâm giải phóng Công Pông Tra béc.

Đêm 30 tháng 9 năm 1972.

Các đơn vị bí mật tiếp cận mục tiêu theo phương án đã định. Đại đội 25 (đặc công) và tiểu đoàn 9 sẽ đánh vào hướng chủ yếu. Tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 dự bị, sẵn sàng chi viện cho đơn vị bạn lúc cần thiết. Còn ít phút nữa là đến giờ G. các đơn vị đã ém gọn theo các vị trí định sẵn, chỉ chờ hiệu lệnh là đồng loạt công kích giải phóng căn cứ này. Đại đội 25 chịu trách nhiệm phát hoả trận đánh.

01 giờ 30 phút ngày 01 tháng 10 năm 1972, những tiếng nổ dậy đất của mìn ĐH10 (mìn định hướng 10 kg) do đặc công bò vào cài dưới các chân rào bùng nhùng, cũi lợn, mái nhà... thổi bay tất cả các loại hàng rào ấy, khai thông một lối lớn vào căn cứ để cùng bộ binh lọt vào tung thâm, tiêu diệt các lô cốt đầu cầu, cùng những ổ đề kháng và hoả lực mạnh của địch.

Anh Nguyễn Đình Diệu, quê Sơn Tiến, Hương Sơn, cũng là lính đặc công đại đội 25 ngày ấy, nay là Đại tá, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh cũng tham gia một mũi thọc sâu đánh vào tung thâm. Bây giờ, thi thoảng anh em chúng tôi vẫn ngồi ôn lại kỉ niệm về trận đánh lịch sử năm ấy...

Bộ binh của tiểu đoàn 9 tràn lên, đánh chiếm căn cứ. Trong vòng chưa đầy 40 phút, ta đã giải quyết xong trận đánh. Dưới ánh hoả châu, bộ đội ta bắt tù binh, thu vũ khí rồi chất thành mấy đống lớn, dùng bạt che lại để chuẩn bị chuyển đi. Thắng lợi đến nhanh hơn cả dự định. Thương vong không đáng kể. Mọi người đang hân hoan, say sưa với chiến thắng...

Bỗng,… đại liên, 12,8 li, M79, M72, súng bộ binh, rồi cối 81 li ầm ầm trút đạn về phía chúng tôi. Được thể, bọn địch xung phong, tấn công dồn dập. Bị bất ngờ vì không có phương án dự phòng nên chúng tôi trở tay không kịp, nhiều đồng chí hy sinh tại chỗ. Trời rạng sáng. Đại liên địch bắn như mưa rào vào đội hình chúng tôi. Cối 81 li nổ chát chúa. Nhiều người nữa gục xuống. Trời sáng dần. Đây là lợi thế của địch vì chúng lật ngược thế cờ, nắm hoàn toàn thế chủ động và quan sát rất rõ. Cũng còn may là ở chiến trường Campuchia nên địch không có trực thăng như chiến trường miền Nam của quân nguỵ Sài Gòn. Nếu không, chúng tôi sẽ chẳng còn một ai sống sót. Hoặc, nếu ai may mắn thoát chết, sẽ bị trực thăng đổ chụp bắt làm tù binh. Chúng tôi cố thoát ra khỏi làn mưa đạn của các loại hoả lực, hy vọng vượt qua quốc lộ I phía trước mặt (đường nối từ Gò Dầu lên PhNôm Pênh). Nếu qua được bên kia đường sẽ có cơ may thoát chết. Đoạn đường này cao hơn mặt ruộng khoảng 1,5 mét. Nó chắn hết các loại đạn bắn thẳng. Biết ta cố sức vượt qua đường, bọn địch tập trung hoả lực đại liên và 12,8 li rà sát mặt đường. Đạn cày trên mặt đường nhựa toé lửa như trong lò gang. Nhiều đồng chí hy sinh ngay tại chỗ. Chúng tôi ở trong thế bị dồn đến chân tường. Mặt đường thì đạn thẳng. Sau lưng và trước mặt là các loại hoả lực như M79, M72, cối 81, pháo 105 ly... nổ dồn dập. Tôi không thể giải thích nổi là tại sao mình cùng một số rất ít đồng đội, cơ may nào mà đã vượt được qua bên kia đường trong làn hoả lực khủng khiếp ấy. Tôi cũng không tin được anh Diệu và một số anh em đặc công hôm ấy cũng may mắn thoát được sang bên kia đường?!...

Thất bại nào cũng có nguyên cớ của nó!

Đó là... quá trình điều nghiên căn cứ địch, cánh trinh sát đặc công và các tiểu đoàn không phát hiện ra được tuyến hầm ngầm phòng thủ của chúng. Tình báo của ta và bạn đều không có tài liệu nào cho thấy sự bố phòng bí mật ấy. Do vậy đó không dự kiến hết tình huống, dẫn đến kết cục đau đớn và bi thảm đó!

Tôi nói "trận đánh lịch sử" bởi nó mang ý nghĩa như vậy!

Giờ đây, sau 33 năm, chiến tranh đã lùi xa, thời gian đang xoa dịu dần nỗi đau mất mát, chúng tôi mới có dịp nói về sự thật lịch sử của trận Công Pông Tra Béc năm nào. Không biết bao nhiêu máu xương của đồng đội tôi đã đổ xuống vì sự chủ quan, bất cẩn như thế trên đất nước Chùa Tháp xa xôi này? Máu họ vẫn cứ tiếp tục đổ ở những trận tiếp theo cho đến khi chúng tôi có lệnh rời Campuchia để trở về miền Nam, chiến đấu bảo vệ Hiệp định Paris 27 tháng 1 năm 1973.

Gần đây, qua con số thống kê đang lưu giữ ở quân lực Trung đoàn, tôi mới được biết trong các trận chiến đấu cũng như hành quân trên Trường Sơn, Trung đoàn chúng tôi vẻn vẹn còn chưa đầy 300 người trên tổng số hơn 2600 người lúc bắt đầu vượt Trường Sơn. Đã có trên 1300 người hy sinh, số còn lại bị thương. Trong đó, chỉ mới quy tập được 543 bộ hài cốt vào 13 nghĩa trang. Số còn lại còn nằm rải rác đâu đó trong lòng đất lạnh trên các chiến trường từ Lào đến Campuchia hay các vùng bưng biền Nam Bộ như Long An, Tây Ninh, Kiến Tường, Mỹ Tho và Đồng Tháp cho đến Quảng Đức, Bình Phước, Bù Đăng, ... (số liệu do đồng chí Nguyễn Đình Xưng, nguyên đại đội trưởng đại đội 22 vận tải của trung đoàn cung cấp. Nay anh phụ trách công tác chính sách thương binh xã hội phường Đại Nài, thị xã Hà Tĩnh).

(Còn nữa)

Trái tim người lính