Ký ức chiến tranh: Vào trận - P31

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

12/06/2023 06:21

Theo dõi trên

Ít ngày sau, chúng tôi được lệnh quay về địa bàn Tân Phú. Lúc này đã gần đến Tết Nguyên đán Quý Sửu (1973). Tất cả đơn vị được quán triệt về tình hình Hội nghị Paris để thấy được thế và lực cũng như tương quan lực lượng của ta và địch trên chiến trường.

Đặc biệt là thảm bại của Mỹ trong trận "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không" suốt 12 ngày đêm với hàng trăm lần chiếc "pháo đài bay B52" rải thảm huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng; buộc Mỹ phải kí kết Hiệp định Hòa bình. Tất cả chúng tôi ai cũng tự hào phấn chấn, tin tưởng pha lẫn đau xót và căm thù.

Ở chiến trường, chúng tôi nghe tin không quân Mỹ trở lại tập trung đánh phá Ngã Ba Đồng Lộc quê tôi và các vùng phụ cận hết sức dữ dội và ác liệt bằng máy bay chiến thuật lẫn “pháo đài bay” chiến lược B52, tàn sát bao thường dân vô tội. Phá hủy bao công trình và nhà cửa mới được dựng lên sau năm tháng 11 năm 1968, khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Nỗi đớn đau và căm thù uất nghẹn càng giục giã chúng tôi xốc tới chiến đấu để trả thù cho đồng bào đồng chí!.

b1td1ad-1686485382.jpg

CCB Vương Khả Sơn thắp hương cầu siêu cho đồng đội

 

Những ngày này cả nước và nhân loại tiến bộ sục sôi căm hờn trước tội ác dã man của giặc Mỹ, những kẻ tự xưng là văn minh, nhân đạo đã nhẫn tâm dùng B52 dội hàng vạn tấn bom huỷ diệt và hòng đưa thủ đô của một đất nước luôn khát vọng hoà bình như Việt Nam về “thời ký đồ đá”!?.

Trào dâng cảm xúc trước nỗi đau và lòng căm hận giặc Mỹ cướp nước, Nam Hà - nhà thơ - chiến sỹ viết ngay bài thơ “báng súng" Gửi Hà Nội. Cái đêm chúng tôi trên đường hành quân từ Campuchia về đất Mẹ, bài thơ được giọng trầm hùng của một nam nghệ sỹ nào đó vang lên trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam lúc 22h30. Chỉ một lần nghe mà tôi thuộc lòng ngay. Tiếng thơ như tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; là lòng căm thù tội ác giặc Mỹ, đan xen niềm tự hào, hạnh phúc được cầm súng ra trận để trả thù cho đồng chí và đồng bào vô tội bị bom Mỹ sát hại; để không hổ thẹn với lịch sử dựng nước 4000 năm thề giữ vững giang sơn gấm vóc mà tiền nhân trao lại cho thế hệ hôm nay:

Đêm hành quân mải miết giữa rừng dày

Chiến sỹ bỗng thấy tim mình ngừng đập

Những trái bom của quân thù xâm lược

Ném xuống rồi Hà Nội đó trái tim ơi!

Tiếng thét vang vang lay chuyển đất trời

Hãy nghe đây! Hỡi chúng mày quân cướp nước!

Trái tim ta đau và căm thù đã bầm gan tím ruột!

Chiến sỹ lại đi hăm hở dưới trời mây

Câu thơ xưa đã vọng lại rồi đây

Nghe tha thiết mỗi đường đi, nước bước.

"Từ thuở mang gươm đi mở nước

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long…"

Hà Nội ơi, có biết suốt đêm ngày,

Chiến sỹ lắng nghe từng lời giục giã !

Tiếng Tổ quốc, tiếng ngày xưa

Tiếng mai sau và tất cả...

Tiếng mẹ hiền dìu dặt giữa trời quê

Tiếng nước non, năm tháng đi về...

Tôi chưa một lần ra thăm Hà Nội

Nhưng tôi sinh một ngày...Và Hà Nội

Ngập Ba Đình nắng đỏ rực cờ bay

Tóc Bác Hồ đẹp tựa áng mây...

Nghe mẹ nói, mẹ cười

Mẹ hướng tôi nhìn ra phía Bắc

Mẹ nuôi tôi và bây giờ tôi đi giết giặc...

Tôi chưa một lần ra thăm quê Cha

Nhưng câu thơ xưa đa thánh máu chan hoà

Yêu Hà nội như yêu mẹ hiền nắng mưa tần tảo...

( Gửi Hà Nội - Nam Hà)

Ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Việc gì đến phải đến. Hiệp định Hòa bình Paris sau hơn 4 năm đàm phán kết hợp với sức mạnh “quả đấm thép” trên chiến trường của quân và dân ta đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại vào bàn để chính thức ký kết.

Hai bên ngừng bắn tại chỗ và cam kết tôn trọng các điều khoản trong Hiệp định.

Phải thừa nhận một thực tế bộ đội ta không những chiến đấu ngoan cường, dũng cảm mà còn rất nhạy bén về chính trị. Tuy vậy, đây đó trên những địa bàn khác nhau vẫn có những đơn vị và cá nhân do chủ quan và ảo tưởng trước dã tâm của kẻ địch nên đã phải trả giá.

Trung đoàn được lệnh cấp trên là ngay trước thời khắc Hiệp định được ký kết phải đứng chân bằng được ở các vị trí đã quy định. Bởi vì từ sáng 27 tháng Giêng trở đi, máy bay của Phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên sẽ bay thị sát, vẽ bản đồ để công nhận các vùng kiểm soát của hai phía. Theo tinh thần của Hiệp định Pari thì sau 27 tháng 1 năm 1973, ở miền Nam Việt Nam sẽ song song tồn tại hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P31" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn