Ký ức chiến tranh: Vào trận - P39

Nhận nhiệm vụ nặng nề đó, chúng tôi cùng trinh sát đặc công mất nhiều thời gian ban đêm bò vào điều nghiên, thăm dò nhằm tìm ra phương án tác chiến khả thi nhất để nhổ bốt An Sơn.

Công việc điều nghiên phải được tiến hành vào những đêm tối trời. Vì trăng sáng, địch dễ phát hiện được. Mỗi tháng chỉ có hai dịp thượng và hạ tuần. Sau gần hai tháng điều nghiên vất vả, chúng tôi đã nắm được cơ bản toàn bộ sự bố phòng của địch. Xong xuôi, tổ chức lên sa bàn cụ thể và hoạch định phương án tác chiến tỷ mỉ.

Chúng tôi nhổ bốt An Sơn vào một đêm cuối tháng 10 năm 1973. Hai mũi đột kích vào hai hướng. Tôi vào hướng đông với mũi trưởng là anh Báo (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Hướng đông nam mũi trưởng là anh Lưu Xuân Tiết (Hoàng Quế, Đông Triều, Quảng Ninh). Mìn ĐH10 được đặt ở những vị trí quy định như trên sa bàn. Chúng tôi người trước, người sau thành một dây. Vừa bò vừa dò mìn đồng thời cõng trên lưng trái mìn định hướng 10 kg, mồ hôi vã ra như tắm. Định vị xong mìn, chúng tôi bò giật lùi và cẩn trọng dòng dây điện ra theo...

b1asb5-1687183121.jpg

CCB Vương Khả Sơn đứng giữa mặc quân phục trong một sự kiện

 
 

... Giờ G đã điểm. Từ hai hướng, mìn ĐH10 đồng loạt nổ dậy đất, mấy dãy hàng rào "bùng nhùng", "cũi lợn" bị thổi tung, khai thông một lối lớn. Chúng tôi xông lên. Hoả lực B40, B41, trung liên RPD kiềm chế các các lô cốt đầu cầu. Mọi người dùng thủ pháo tung xuống những chỗ nào có tiếng la hét. Trận đánh kết thúc nhanh chóng. Bốt An Sơn bị diệt gọn. Một đại đội địch bị xoá sổ. Ta hy sinh hai đồng chí. Tôi nhớ rõ một tình huống. Anh Trần Đức Khâm (Sơn Tân, Hương Sơn, hà Tĩnh hiện là Phó Viện kiểm sát Hương Sơn), khi trận đánh giải quyết gần xong, bỗng nghe có tiếng người nói dưới hầm, Khâm nghi ngờ bọn lính ẩn nấp ở đấy. Thay vì đánh thủ pháo xuống, sẵn AK (báng gập), anh quạt luôn một loạt xuống đó. Không ngờ, phía bên kia một tên lính còn sống sót trông thấy, liền ném một quả lựu đạn gần chỗ phát ra ánh sáng đầu nòng AK. Khâm không chết, nhưng bị thương. Một mảnh gang găm vào cánh tay. Anh phải đi viện. Đó là một bài học kinh nghiệm trong tác chiến công đồn ban đêm cho chúng tôi sau này...

... Cuối năm 1973, bất ngờ, trung đoàn 271 nhận lệnh: Để lại một tiểu đoàn bổ sung cho bộ đội chủ lực địa phương Long An (thuộc tỉnh đội Long An). Các đại đội trực thuộc và hai tiểu đoàn còn lại, nhanh chóng hành quân ra chiến trường Quảng Đức, Bù Đăng (Bình Phước) nhận nhiệm vụ mới.

Một cuộc chuyển quân và xáo trộn về quân số, dẫn đến sự xáo trộn về tư tưởng và tâm lý. Lúc bấy giờ, có nhiều tin đồn là "trung đoàn được điều ra Bắc để rút kinh nghiệm đánh địch đồng bằng". Chúng tôi, ai nấy đều muốn đi theo đội hình Trung đoàn. Không ai muốn ở lại chiến trường Long An. Nhưng, như một định mệnh, Trung đoàn quyết định để tiểu đoàn 7 ở lại, đồng thời cử các đồng chí Lê Văn Hàn (Yên Định - Thanh Hoá), Tiểu đoàn trưởng; Nguyễn Sỹ Nghi (Đức Thọ - Hà Tĩnh), Chính trị viên; Nguyễn Văn Hảo (Tiền Hải - Thái Bình), Tiểu đoàn phó; Nguyễn Huy Cơ (Nam Hà), Chính trị viên phó chỉ huy tiểu đoàn. Rất nhiều người đã bỏ tiểu đoàn 7, chạy theo Trung đoàn vì cứ tưởng sẽ được ra Bắc. Các đồng chí Hàn, Nghi, Cơ, Hảo sau giải phóng vẫn còn sống đủ. (đồng chí Nghi hiện nghỉ hưu tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An; đồng chí Hàn nghỉ hưu tại quê nhà, đồng chí Hảo nghỉ hưu tại Thái bình nhưng được tin đã mất, còn đồng chí Cơ không rõ).

Tôi cũng nằm trong số những anh em được điều động từ các tiểu đoàn 8, 9 và các đại đội trực thuộc bổ sung cho tiểu đoàn 7. Có thể nói, đây là một tình huống đầy khó khăn, thử thách về lập trường tư tưởng đối với những người ở lại như chúng tôi. Như vậy tính đến thời điểm này, tôi đã có mặt và chiến đấu trong đội hình của 2 tiểu đoàn 9 và 8 từ tháng 3-1972; giờ đây tôi được điều về từ tiểu đoàn 8 để bổ sung cho tiểu đoàn 7, làm bộ đội chủ lực địa phương Long An. Thực tình, lúc ấy tôi cũng dao động, muốn theo Trung đoàn chứ nào muốn ở lại Long An! Tuy vậy, vì yêu cầu nhiệm vụ, vì vai trò Đảng viên nên tôi phải chấp hành.

(Còn nữa)

Trái tim người lính