Ký ức chiến tranh: Vào trận - P37

Sau một quá trình điều nghiên, chọn lựa mục tiêu, tiểu đoàn quyết định giao cho chúng tôi tập kích bằng hoả lực vào bốt Rạch Nhum.

Hôm ấy, tôi và Nguyễn Hữu Dĩnh (Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh) bắn B41. Vũ Duy Tòng bắn B40, Chu Văn Lương (Thanh Khai, Thanh Chương - Nghệ An) và Đào Xuân Nhuận bắn trung liên. Phạm Khắc Đính, Nguyễn Viết Kỷ và Nguyễn Văn Tý phụ trách cối 60 ly.

Đường tiềm nhập vào bốt phải vượt qua một quãng bưng chừng 300 mét trống trải. Nước sâu đến bụng, có chỗ đến ngực. Liều phóng B41, B40 phải dùng ni lon gói chặt, buộc kín khỏi ngấm nước. Mọi người đội cỏ lên đầu để nguỵ trang. Súng và đạn phải dìm xuống nước rồi kéo theo người. Chúng tôi tổ chức tập kích ban ngày nhằm tạo yếu tố bất ngờ.

b1td1ad-1687010707.jpg

Tác giả Vương Khả Sơn tại mũi Sa vĩ, Trà Cổ, Móng Cái

 

13 giờ, tất cả lấy lại đồng hồ và xuất phát, hẹn đúng16 giờ nổ súng. Chúng tôi chia thành ba mũi để tránh bị lộ mục tiêu. Bưng biền trống trải. Tên lính gác trên chòi mải nhìn ra hướng bờ sông mà không để ý gì phía sau nơi chúng tôi đang tiềm nhập. Chúng hoàn toàn không ngờ bị tập kích từ phía sau. Chúng tôi nhích từng tấc một. Chỉ khoảng trên 300 mét mà phải vận động mất gần ba tiếng đồng hồ mới vào được đến chân hàng rào thứ nhất (nếu vận động nhanh rất dễ bị phát hiện). Da bị ngâm nước lâu nên dợt dạt ra và rất lạnh. Tôi lợi dụng một gốc tràm nép vào. Phía tay phải tôi, Dĩnh và Tòng cũng đã vào đến chân hàng rào. Chúng tôi liếc nhìn đồng hồ. Còn 10 phút nữa sẽ đến giờ nổ súng. Cẩn thận, mọi người gỡ liều phóng ra khỏi bao nilon rồi lắp hết vào đuôi đạn, đặt sẵn bên cạnh để khi nổ súng là bắn hết. Khoảng cách từ chỗ chúng tôi bắn đến chỗ bọn lính chừng 80 mét.

Lúc này, nhìn vào trong sân đồn gần đống bao cát, thấy bọn lính, một số đang ăn uống gì đó, một số khác đang đánh bài, sát phạt nhau. Có mấy tên đang ngồi trên nóc lô cốt, nghêu ngao ca vọng cổ...

Liếc nhìn đồng hồ rồi nhìn nhau, chúng tôi khẽ gật đầu. Chiếc kim nhích từng nấc một. Còn mấy giây nữa... Tôi nhấc B41 lên vai, đứng thẳng dậy dựa vào cây tràm, hướng đầu đạn B41 vào sân đồn ngắm vào bọn lính nhốn nháo, há miệng, bóp cò (há miệng để tránh sức ép). Một tiếng nổ chói tai. Quả đạn xé không khí lao đi. Ánh chớp màu da cam và khói trùm lên tốp lính. Nhiều cái xác tung lên. Những tiếng nổ tương tự cũng phát ra từ chỗ Dĩnh và Tòng nện vào lô cốt. Tên lính gác lộn nhào từ trên mi-đo (chòi gác) xuống, trông rất rõ. Chúng tôi bắn liên tiếp vào mấy cái lô cốt và mi-đo đến hết cơ số đạn. Tôi và Dĩnh bắn B41, mỗi người 4 quả, Tòng B40 6 quả. Phía sau, Nhuận, Lương bắn hết 2 "nồi" (băng) trung liên, khoảng 600 viên. Đính, Kỷ và Tý cấp tập gần ba chục trái cối 60 ly vào đồn, dìm đầu bọn sống sót để chi viện cho chúng tôi quay trở về công sự. Vì vướng cỏ và bưng nước sâu quá, nên vừa bơi vừa lội. Còn khoảng 50 mét nữa là về đến nơi thì pháo chụp từ Hiệp Hoà bắn đến. Từng quầng lửa loé sáng trên không và tiếng nổ chát chúa. Mảnh găm xuống rào rào như mưa. NHưng thật kỳ lạ, không một ai hy sinh hay bị thương gì cả. Đáng mừng hơn là tất cả vừa về đến công sự, kịp kéo lá nguỵ trang lại thì trực thăng phành phạch lao tới. Chỉ chậm chút nữa thì chúng tôi chẳng còn một ai. Trực thăng sẽ "xơi tái" hết. Ai nấy tưởng chừng như đứt hơi vì mệt. Chiếc "cán gáo" quần thảo một lúc, xả đại liên và chỉnh pháo bắn vào những chỗ nghi ngờ rồi chuồn thẳng về phía Hậu Nghĩa.

Khi trận đánh xảy ra, có một tình huống hy hữu, hết sức buồn cười mà sau đó chúng tôi mới được biết. Số là, trước khi nổ súng, ở bên kia sông, anh Đinh Văn Luận, đại đội phó (Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An nay là trung tá, về hưu tại khối 12 phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh) đã trèo lên một cây rất cao để quan sát. Khi thấy chúng tôi bắn trúng vào chỗ bọn lính đang ngồi và mấy cái lô cốt, Luận khoái chí, quên mất mình đang ở trên cây nên thả tay ra để hoan hô, cổ vũ. Anh rơi từ độ cao chừng 8 mét xuống. Nhưng rất may, ở bên dưới là sình lầy, nên không việc gì. Luận bị giắt sâu xuống bùn, ngoi mãi mới lên được. Địch bị tiêu diệt gần hết. Số bị thương và sống sót hoảng loạn mất hết tinh thần. Ta phá huỷ hai lô cốt và bắn sập chòi gác. Chiều tối hôm ấy, bọn tàn quân vội vã tháo chạy bằng đường sông khỏi cái bót mới lấn chiếm.

Hồi đó, tôi bị chứng "mề đay" hành đến khổ sở. Lúc còn ở nhà, tôi được bà ngoại chữa cho bằng nhiều loại thuốc Nam như vỏ cây khế mọc phía Tây, gà lông trắng... nhưng mãi vẫn không khỏi. Khi vào chiến trường, do lội bưng, ngấm nước nhiều nên bị “lặm”, đau bụng liên tục. Người nổi sần sùi, ngứa ngáy hết sức khó chịu. Lần ấy sau khi nhổ xong bốt, cơ sở cách mạng của ta ở Tân Phú ra thăm và tặng quà chúng tôi. Chú Ba và má Sáu là những người thương tôi nhất vì trong mắt họ, tôi là người nhỏ dẻ và dễ thương, lại luôn bị chứng "mề đay" hành khổ. Chú Ba chỉ vào tôi bảo: "Thằng Hai Sơn nhỏ con, ốm nhách và bịnh như vầy, tụi bây giao B41 cho nó, làm sao nó bắn?". Tôi chỉ cười. Quả thật, bắn B41 rất hại sức khoẻ. Tiếng nổ tuy không chói tai như B40 nhưng rất lớn. Chỉ cần bắn một trái là máu tai đã chảy ra rồi. Trong khi B40 phải ba trái mới chảy máu tai. Biết tôi bị chứng "mề đay", chú hứa: "Thôi được, để hôm nào tao chữa cho!". Nói vậy nhưng ngay hôm sau, thấy chú mang ra một "xị" (250 ml) rượu đế cùng một vật gì đen đen như hạt đậu đen. Chú bảo: "Mày nuốt đi cùng với xị rượu này, sẽ khỏi ngay!" Tôi hỏi: "Gì vậy, chú?". "Thì mày cứ làm như tao biểu!" - chú nói. Tôi chần chừ nhưng rồi cũng đành nhắm mắt, đưa vật lạ ấy vào miệng, hớp một ngụm rượu rồi nuốt nhanh vào bụng. "Uống thêm ngụm nữa"- chú giục. Tôi làm theo lệnh chú. "Vậy là ổn rồi đó nghen!". Chú cho biết: "Đó là cái mật rắn hổ mang". Má Sáu kể: "Ngay sau khi ở bưng trở về, cả buổi chiều hôm đó, ổng tất bật đi tìm hang rắn, cuối cùng đào được con rắn đó. Thịt thì buổi tối ổng nhậu, còn mật thì sáng nay, mang ra cho mày đó". Điều chú nói quả không sai, từ đó đến nay đã 32 năm có lẻ, tôi không hề bị chứng "mề đay" làm khổ nữa. Quả là thần dược!

(Còn nữa)