Ký ức chiến tranh: Vào trận - P41

Hậu quả của trận bị thương ngày 18-5-1972 cộng với quá trình chiến đấu bắn B40, B41 quá nhiều, nên từ đó đến nay, tai tôi luôn luôn như có con ve nằm kêu suốt ngày đêm trong đó. Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức khoẻ giảm sút, vết thương cũ tái phát, hành hạ, cơ thể đau nhức; tai tôi lắm lúc ù đặc, nghễnh ngãng, chẳng nghe thấy gì.

Cả ba đại đội địch đi càn, bị nhận chìm trên sông Vàm Cỏ Đông. Chỉ còn duy nhất một tên sống sót (theo cơ sở ta cho biết) chạy lên Toà thánh Tây Ninh trốn biệt. Chúng tôi được lệnh rút khỏi trận địa. Tôi chỉ còn khẩu B40 không đạn nhẹ tênh, chạy một mạch về "cứ", tắm giặt rồi mắc võng nằm, lúc ấy pháo từ Hiệp Hoà mới giã xuống trận địa. Ba mươi phút sau, hai chiếc A37 bay tới dội mấy loạt bom. Chúng tôi ở "cứ", cách đó hơn 1 km, trèo lên cây nhìn, vỗ tay reo!

Đài Phát thanh Giải Phóng, một ngày sau đó, đưa tin: "Ngày 12 tháng 3 năm 1974, Quân Giải phóng Trung Nam Bộ đã bắn chìm 3 tàu càn trên sông Vàm Cỏ Đông tiêu diệt 3 đại đội địch, với hơn 180 tên, trong đó, có tên tiểu đoàn trưởng ác ôn" (tức tên Nghĩa).

b1td1aq-1687348041.jpg

Tác giả đến thăm, tặng quà hỗ trợ đồng đội cùng tiểu đội Chu Văn Lương ở Thanh Chương, Nghệ An là TB nặng, nhưng thất lạc giấy tờ chứng thương, không được hưởng chế độ thương binh.

 

Con sông Vàm Cỏ Đông biết bao lần đã ghi dấu chiến tích của chúng tôi và đồng đội trong mỗi trận đánh, nhưng có lẽ lần này là chiến công chói lọi nhất. Có thể nói dòng sông luôn là đề tài sáng tác bất tận cho các văn nghệ sỹ và nhạc sỹ trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai..

Nhạc sỹ Trương Quang Lục đã thành công khi viết giai điệu chắp cánh cho lời thơ của Hoài Vũ để có bài hát nổi tiếng "Vàm Cỏ Đông". Với âm hưởng và ca từ giàu tính sử thi, đậm chất dân ca Nam Bộ mà mỗi khi cất lên, chúng tôi tự hào như thấy có hình bóng của mình trong đó:

"Ơi, Vàm Cỏ Đông, hỡi dòng sông! Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng. Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ xâm lăng... Có anh du kích dũng cảm kiên cường. Lẫn ánh trăng mờ băng lửa đạn qua sông. Giặc đi đời giặc, sông càng xanh trong!"...

...Trung đội được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Còn chúng tôi cũng vinh dự được nhận Huân chương Chiến công Giải phóng các hạng Nhì và Ba.

Có thể nói, trong lịch sử đánh tàu của đơn vị tôi, thì trận ấy đã ghi một chiến công chói lọi. Thắng lợi nằm ngoài sự mong đợi. Chúng tôi không phí một giọt máu nào.

…Mấy ngày sau, chúng tôi trở lại Gò Nổi đứng chân để nhận nhiệm vụ đánh bốt Rạch Gần (An Ninh). Đây là bốt do địch mới lấn chiếm sau Hiệp định Paris nhằm phong toả tuyến hành lang vào ấp chiến lược và ngăn chặn việc chuyển quân của ta từ Campuchia xuống theo hướng bưng Đức Huệ. Cấp trên giao nhiệm vụ, bằng mọi giá phải nhổ bằng được cái bốt này. Sau một thời gian dài điều nghiên, đêm 29/3/1974, chúng tôi hạ quyết tâm đánh bốt. Đó là một đêm tối trời. Hai mũi theo phương án đã định bò vào. Mũi 1 do đồng chí Nguyễn Văn Tám (quê Hải Phòng) quyền đại đội phó, làm mũi trưởng. Mũi 2 do Trương Thiên Lý (Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) là lính đặc công của đại đội 25, làm mũi trưởng (Lý hiện thường trú tại phường Nam Hà, thị xã Hà Tĩnh). Hợp đồng đến giờ G (1 giờ sáng) nổ súng. Nhưng khi đang cắt hàng rào thì không may mũi 1 bất ngờ đụng phải mìn sáng. Lửa magiê bắn ra chói sáng cả một vùng. Bị lộ, bọn địch trong lô cốt và các công sự xả đạn về phía đó. Mũi 2 của Trương Thiên Lý chuyển thành mũi chính, tổ chức đánh cường tập ngay lập tức. Nhưng do lộ quá sớm nên kế hoạch không thành. Mũi 1 có 3 đồng chí hy sinh và một số bị thương tại cửa mở. Tiểu đoàn ra lệnh phải tổ chức tấn công ngay để lấy thương binh tử sỹ ra. Sau mấy đợt phản kích, vẫn không giải quyết xong trận đánh. Không những không lấy được anh em ra mà số thương vong tăng thêm 7 người. Trời đã gần sáng, ta buộc phải rút sau khi đã đưa được một số thương binh, tử sĩ ra. Chúng tôi nhanh chóng lui ra bờ sông rồi xuống xuồng do du kích đón sẵn, trở về bên kia. Tôi kịp lên chuyến xuồng sau cùng trước khi trời sáng. Sau chuyến đó, xuồng không qua được nữa vì mặt trời đã ló lên phía chân trời. Đồng thời đã nghe tiếng trực thăng "cán gáo"phành phạch từ hướng Hậu Nghĩa lao tới. Rất nhiều đồng chí sang sông không kịp, kẹt lại bờ bên kia. Các đồng chí ấy, số thì "chém vè" (trốn) dưới bưng. Một số dũng cảm vượt sông trở về bên này. Nhưng thật đau xót, sông Vàm Cỏ Đông ở quãng này rộng chừng gần 200 mét nên nhiều đồng chí do đuối sức vì đói lả do đánh nhau suốt đêm qua, lại mang cả súng nên ra giữa sông thì chìm. Một số khác đội lục bình (bèo Nhật Bản) trên đầu để bơi, bị trực thăng phát hiện, bắn chìm luôn. Chính trị viên đại đội, đồng chí Tống Minh Sướng (Hà Bắc) may mắn thoát chết, bơi được sang bờ bên này, cố lết về đến chỗ trú quân ở "cứ". Một hình ảnh hết sức xúc động: khi anh về đến nơi, chúng tôi vừa ăn trưa xong. Cơm hết sạch. Anh phải dùng một cái gai, lẩy vào từng hột cơm còn sót lại trong rá để cầm hơi trong khi chờ chúng tôi nấu cơm. Cơm sôi, tôi múc vội một bát nước, bón cho anh, lát sau anh mới dần hồi tỉnh lại...

Bên kia sông, tiếng súng địch vẫn dội lại, bởi lúc này chúng đã kiểm soát hoàn toàn trận địa. "Cán gáo" tiếp tục quần thảo, đại liên xăm tỉa vào những nơi nghi có "Việt Cộng". Trận đánh tuy không thành nhưng tấm gương hy sinh của đồng chí Nguyễn Văn Định (Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh) thì đã trở thành bài ca bất tử về lòng dũng cảm vô song và ý chí tiến công địch đến hơi thở cuối cùng của người chiến sỹ Quân giải phóng.

Đêm ấy, trong đội hình tiến công, Định mang thủ pháo đầy mình để làm nhiệm vụ đánh lô cốt đầu cầu. Nhưng khi vào cửa mở, bị lộ. Địch tập trung hoả lực bắn dữ dội vào đó. Anh bị thương gãy đùi nằm tại chỗ. Chúng tôi mấy lần tổ chức phản kích để lấy tử sỹ và thương binh nhưng không thể được. Lại hy sinh thêm nhiều đồng chí nữa. Đành phải để lại. Sáng sớm, bọn địch nống ra giải toả. Chờ địch đến gần, Định giơ tay vẫy. Chúng tưởng anh xin hàng, liền nhào đến rất đông. Mười mấy thằng xúm lại vây quanh Định. Chỉ chờ có thế, trong chớp mắt, Định điểm hoả. Một tiếng nổ dậy đất. Toàn bộ khối thủ pháo dưới cơ thể anh bị kích nổ. Mười mấy thằng nguỵ quanh anh tan xác. Còn anh, thân thể đã biến thành tro bụi dưới sức nổ của hơn 8kg TNT. Bọn địch sống sót kinh hoàng, khiếp đảm và kính phục tinh thần hy sinh dũng cảm của anh. Mẩu chuyện tôi viết về Định, người đồng chí kiên cường của chúng tôi là dựa theo lời kể của cơ sở ta do bọn địch có mặt hôm đó kháo nhau về cái chết quả cảm của một "Việt Cộng" trong trận Rạch Gần.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính