Ký ức chiến tranh: Vào trận - P45

Lại quay về Gò Nổi. Nhiệm vụ chủ yếu lúc này vẫn là bám, nắm theo dõi tình hình địch ở các đồn bốt mới lấn chiếm. Đồng thời, lúc cần thiết thì tổ chức đánh nhỏ, lẻ nhằm tiêu hao lực lượng và ngăn chặn không cho địch tiếp tục đóng thêm các đồn bốt khác.

Hôm ấy, Nguyễn Quang Dĩnh (Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh), cùng Chu Văn Lương (Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An) và tôi nhận nhiệm vụ bám địch ở đồn Lớn (Lộc Giang). Cách đồn chừng 600-700 mét có một cây mức (lồng mức), tán lá rất dày và xanh. Chúng tôi thường trèo lên đó để quan sát địch từ ngay trong sân đồn. Địch ra đến đâu, chúng tôi bám theo rồi rút đến đó. Đến chỗ thích hợp, bất thần nổ súng vào đội hình chúng rồi rút lui.

b1td1aqe-1687695396.jpg

Tác giả cùng anh Nguyễn Đức Thọ CCB Lữ đoàn Đặc Công biệt động 316 bên cầu Rạch Chiếc ,người bắn phát súng B41 đầu tiên chiếm đánh cầu Rạch Chiếc đêm 29/4/1975. Ảnh chụp ngày 27/4/2023

 

Tôi leo lên cây lồng mức từ khi còn mờ sương. Khoảng 7 giờ, đã thấy bọn lính đi lại lố nhố trong sân đồn khá đông; tôi nghĩ, "hôm nay chắc chúng càn ra". Đang mải nghĩ phương án đánh chặn nếu chúng nống ra, bỗng có tiếng đề pa (tiếng nổ đầu nòng) rất tròn của cối 81 ly. Nhưng tôi đoán có lẽ chúng bắn đâu đó. Bỗng, rít... xoẹt... Ầm...! Một tiếng nổ lớn cách gốc cây lồng mức chừng 3- 4 mét, gần dưới chỗ tôi ngồi. Khói trắng cuộn bốc lên che kín tán lá. Tôi biết ngay là trái cối điểm (chỉ điểm mục tiêu). Lợi dụng khói, tôi nhảy đại ngay từ trên ngọn cây chừng 4 mét xuống đất, chụp vội lấy B40 dựng ở gốc cây, không thấy Lương, Dĩnh vội hét: "Lương, Dĩnh đâu? Chạy!" Cả ba chúng tôi cắm đầu chạy như ma đuổi khỏi chỗ trái khói vừa nổ. Kinh nghiệm cho hay, nếu không nhanh chóng rời ngay khỏi đám khói đó thì chỉ một hai phút sau (thời gian đủ để chúng chỉnh tầm, hướng) cối sẽ cấp tập vào ngay lập tức. Đúng như chúng tôi dự đoán, chạy được chừng 300 mét thì cối từ đồn Lớn liên tục dội xuống chỗ khói vừa bốc lên. Hú vía! Tôi nói với Lương và Dĩnh: "Nếu quả đạn ấy mà là cối mảnh thì giờ đây chắc chúng mình đã nằm lại dưới gốc cây lồng mức cả rồi!". Cả ba cùng cười ngặt nghẽo rồi rút về "cứ". Hôm đó, bọn địch nống ra Gò Nổi thăm dò, nhưng chúng sợ, không dám liều lĩnh mò vào. Qua ống nhòm, địch phát hiện ra tôi ngồi trên ngọn cây. Có lẽ khi ngồi trên đó, ngọn cây rung lắc nhiều quá, làm chúng chú ý và phát hiện ra tôi (?!)

Mấy hôm sau, trung đội lại tổ chức vào Lộc Giang thực thi nhiệm vụ dân vận và móc nối với cơ sở để lấy lương thực, thực phẩm, thuốc men. Hôm ấy, tôi bị mệt do vừa đi công tác về nên trung đội không bố trí vào ấp. Khoảng 4 giờ chiều, trời mưa, anh em tranh thủ bám địch để đi sớm hơn dự định. Lưu Xuân Tiết (B trưởng) hôm ấy cũng ốm không vào ấp cùng anh em được, nên đã cử Nguyễn Duy Từ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), B phó đi thay.

Bây giờ ở "cứ", chỉ còn tôi và Tiết. Về chiều, mưa càng nặng hạt và buồn. Tôi thấy bụng đói cồn cào mà gạo thì đã gần hết. Tôi nghĩ, trong khi anh em đi công tác, họ cũng đang đói, mình ở nhà nấu cơm ăn một mình, không nỡ. Tôi bàn với Tiết: "Thôi, ông đang mệt, ở nhà, tôi đi nhổ sắn về, anh em mình luộc đánh chén cho đỡ đói." (ở Gò Nổi, dân cách mạng trồng mỳ (sắn) không nhằm mục đích thu hoạch mà chủ yếu lấy cớ đi làm, để liên lạc, cung cấp tin tức cho cách mạng. Mặt khác lo lương thực tại chỗ cho bộ đội, du kích phòng khi không có tiếp tế).

Cởi bỏ hết đồ dài, trên mình chỉ còn độc một chiếc quần đùi, quàng thắt lưng với dao găm cùng một quả "da láng" MK8 (lựu đạn mỏ vịt của Mỹ) cùng một sợi dây dù (dây võng), tôi len lỏi giữa những lùm cây lúp xúp để đến được nương mỳ. Cách chỗ tôi nhổ mỳ chừng 500 mét, có một cái bốt mới đóng trái phép, bốt Lộ 8. Tôi trông khá rõ tên lính gác ngồi trên mi- đo (chòi gác). Còn nó, không để ý chỗ tôi. Hơn nữa do trời mưa, tôi lại luồn lách, lom khom đi giữa những luống mỳ nên dù có chú ý cũng không thể thấy được. Tôi đã nhổ được một ôm khá to rồi. Đang định ra về, chợt nhìn sang bên cạnh, thấy một luống cây rất tốt, nghĩ bụng: "Có lẽ củ to và nhiều lắm đây!" rồi vội bước lên một lùm cỏ xanh rờn qua bên đó để nhổ thêm vài gốc nữa. Ôi! Tôi bỗng thấy hun hút... hun hút... như đang rơi vào khoảng không. Ù...m...! Và chìm nghỉm xuống dưới mặt nước… liền đó tôi trồi lên. Tôi nhận ra mình đã bị rơi xuống một cái giếng bỏ hoang lâu ngày. Ngước mặt nhìn lên miệng giếng, tôi thấy cỏ đã phủ kín và nước mưa nhỏ long tong trên mặt. Tôi nghĩ nhanh, "Thế là hết! Mình sẽ vĩnh viễn gửi lại bộ xương nơi lòng giếng này!". Tôi gắng sức hét lên một tiếng thật to thử xem có ai có thể nghe được không? Nhưng tiếng hét của tôi không thể lọt ra khỏi lòng giếng. Lúc này, tôi thực sự hoảng loạn. Có lẽ, trong đời quân ngũ, chưa bao giờ tôi lại bị cú "sốc" tinh thần lớn như vậy! Kể cả những lúc bom đạn ác liệt và đối mặt với cái chết đến trong gang tấc, tôi vẫn không nao lòng. Bởi lúc ấy, tôi còn có đồng đội bên cạnh. Còn giờ đây, tôi thực sự đơn lẻ. Chẳng có ai ở gần tôi. Nỗi trống vắng xâm lấn tâm hồn và làm cho tôi hoảng sợ thực sự... Nhưng rồi trạng thái tâm lý ấy cũng nhanh chóng qua đi, nhường lại là sự tỉnh táo của lý trí. Một phản xạ tất yếu của người lính từng hứng chịu mưa bom bão đạn như tôi và trước sự lựa chọn giữa cái chết với sự sống, tôi nghĩ nhanh: "Mình không thể chết đói, chết rét dưới lòng giếng này được! Nếu không còn phương án nào khả dĩ thì mình sẽ rút chốt lựu đạn để kết thúc cuộc đời trước khi cái chết mòn kéo đến!". Tôi nổi trong lòng giếng như con ếch và tiếp tục nghĩ cách thoát ra. Bất chợt một tia hy vọng loé lên trong đầu. Tôi nghĩ nhanh: "Dân ở đây, khi đào giếng thường đào bậc so le hai bên thành giếng để tiện lên xuống" (đất ở Gò Nổi có kết cấu khá vững chắc, rất nhanh phong hoá). Tôi sờ tay vào thành giếng. Đúng như dự đoán. Hai bên đều có bậc. Nhưng lâu ngày nên bậc bị mòn và rêu bám trơn tuột. Tôi chợt nghĩ: "Mình sẽ dùng dao găm đào bậc để lên. Vậy là không chết nữa rồi!". Tôi thầm reo lên và thấy tinh thần phấn chấn vô cùng. Nó như động lực, tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Lấy hơi, tôi hụp lặn xuống mò dao găm dưới đáy giếng. Tôi chợt rùng mình khi tay chạm phải cái cọc sắt khoảng phi 12 ở giữa lòng giếng. Nhưng may mắn thay, do lâu ngày nên nó đã rỉ ngang mặt đất rồi đổ gập về một phía. Nếu không, tôi đã bị xâu như con ếch từ đít lên đầu bởi thanh sắt ấy rồi! Tôi dùng dao găm, đào khoét theo bậc, hết bên này đến bên kia; gạt hết rong rêu rồi bám theo đó, nhích lên. Cứ đào xong một bậc bên này, tôi lại cho bàn chân vào rồi dùng hai khuỷu tay khuỳnh ra hai bên để tạo lực và điểm tựa nhích dần lên để đào bậc bên kia. Rất may là lòng giếng hẹp. Nếu rộng quá độ dài của hai cánh tay thì chắc chắn tôi sẽ không có cách nào lên được. Tôi không biết mình đã đào bao nhiêu bậc. Mãi thật lâu, mới lên đến gần mép giếng. Đu người, nắm lấy búi cỏ, tôi kéo mạnh lên rồi bám lấy một búi khác, trườn nhanh lên thành giếng. Thế là thoát chết! Tôi thở phào…

(Còn tiếp)

Trái tim người lính