Ký ức chiến tranh: Vào trận - P43

Đúng như dự kiến, tàu địch bắn loạn xạ một lúc rồi chạy thẳng một mạch lên phía Gò Nổi, nơi có trung đội đánh tàu đang phục kích, tổ chức càn quét trên đó. Nhưng trung đội đó đã rút từ đêm qua!

Mặc dù chủ động và có sự chi viện tối đa của các loại hoả lực nhưng bọn địch rất sợ, không dám liều lĩnh càn vào. Chúng chỉ dùng trực thăng và pháo bắn vào trận địa để thăm dò. Chúng tôi phải căng thẳng đợi địch suốt cả ngày hôm đó.

Có thể nói, trong quãng đời quân ngũ của mình, chưa có thời điểm nào tần suất công việc cũng như sức lực lại được huy động đến mức tối đa như vậy và cơ thể cũng mệt mỏi, rã rời đến như vậy! Tuy vậy cái mệt cũng nhanh chóng qua đi. Có lẽ một phần do bom đạn; phần nữa, do tuổi trẻ hăng hái nên sức khoẻ phục hồi khá nhanh.

b1td1adf-1687529992.jpg

Tác giả dâng hương trước nhà bia tưởng niệm 62 Liệt sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 hy sinh ngày 11/5/1972 tại An Hiệp, An Ninh, Đức Hòa Long An trong trận đánh càn sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn.

 

Ở Hội Đồng Sầm có rất nhiều tre, sau vài trận mưa đầu mùa, măng mọc lên như nấm. Thức ăn chính của chúng tôi là măng. Ngày nào cũng măng. Hết luộc đến xào. Hết măng đến rau càng cua. Hai thứ đó làn nguồn thực phẩm chủ lực tại chỗ. Chúng tôi nằm chờ địch ở đây khá lâu. Nơi này có một thân cây giống như cây đa rất lớn, đã chết khô. Chúng tôi gọi là cứ "Cây Khô". Hôm ấy, đại đội chúng tôi vẫn phục kích địch như thường lệ. Gài mìn ĐH10 rồi ngụy trang dây điện dòng vào công sự chờ, nếu địch đến thì bấm mìn rồi tập trung xung, hoả lực tiêu diệt. Chừng 11 giờ, tình hình vẫn yên ắng. Tất cả chúng tôi cho rằng đã hết giờ cao điểm (8 đến 11 giờ) nên tập trung vào sau bụi tre, nơi có công sự chiến đấu và trú ẩn, chia bài ra đánh. Đang mải say sưa, sát phạt nhau, bỗng “pằng, pằng, pằng…” một loạt 3 viên AK nổ. Tiếp đó là đạn AR15, phóng lựu M97 nhằm vào hướng chúng tôi nổ loạn xạ. Tôi chụp vội B40 và mấy quả đạn nhào ra thì thấy mấy tên lính nguỵ từ phía sau bụi tre chỗ chúng tôi ngồi, chạy bật trở ra. Tôi không kịp bắn, mà cùng Tòng chạy dạt ra phía bưng vì lúc ấy nghĩ rằng chúng đã chiếm được mấy công sự gần đó rồi. Phát hiện thấy chúng tôi chạy, các loại đạn thi nhau đuổi theo. Cỏ bưng lút ngang đầu, tôi bảo Tòng chạy khom xuống. Tòng nghe theo. Một lúc, không thấy chúng bắn nữa. (chắc chúng nghĩ chúng tôi đã chết). Thì ra, lúc mọi người chủ quan không cảnh giới, địch mò vào. Chúng đã phát hiện và cắt dây điện để vô hiệu hoá mìn ĐH10 rồi áp sát bờ tre. Thiếu tý chút nữa thì cả bọn chúng tôi "ăn" lựu đạn của chúng (tre kín quá, chúng chưa tìm được cách để ném lựu đạn tiêu diệt chúng tôi). Rất may hôm đó, chúng tôi như được trời cứu. Số là, lúc ấy Tòng đang ngồi trên bờ kinh (kênh) cách đó không xa, bỗng thấy một đôi cá lóc (cá chuối, cá quả, cá tràu, Nam Bộ gọi là cá bông vì sống lâu ngày nên trên mình nó mốc meo như có bông (hoa)), lớn như bắp đùi lượn lờ dưới kinh, tìm chỗ đẻ. Tiếc rẻ, Tòng làm luôn một loạt AK. Hai con cá chết nhưng chúng tôi đã được cứu. Súng nổ, địch tưởng ta biết chúng mò vào nên nổ súng trước. Chúng tháo chạy trở ra rồi quay lại nã đạn vào chúng tôi. Chính Tòng cũng không biết địch vào. Hai con cá ấy trở thành vật "hiến tế" để cứu mạng mấy cha "Việt Cộng" chủ quan. Nghe súng địch nổ hướng chúng tôi, phía trung đội bên kia biết địch đã lọt được vào phòng tuyến của chúng tôi, Trần Quốc Em (Hậu Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) người sau này lúc đi bám địch, bất cẩn dẫm phải trái B40 do du kích địa phương gài để bẫy địch. Bị thương nặng cụt mất một chân, mất quá nhiều máu .hy sinh) đã dùng trung liên RPD quạt tạt ngang sườn địch buộc chúng tháo chạy khỏi trận địa để chia lửa cho chúng tôi. May hôm đó không một ai thương vong. Nếu có, chúng tôi sẽ ân hận suốt đời và chắc chắn sẽ bị kỷ luật! Đó là một kỷ niệm không quên giữa tôi và Vũ Duy Tòng cùng Nguyễn Viết Kỷ, Đào Xuân Nhuận tại "cứ Cây Khô" năm 1974...

… Chúng tôi trở lại "cứ" Tân Phú một thời gian không lâu sau đó.

Đêm 27 tháng 5, chúng tôi gần một trung đội gồm cả bộ đội và du kích Tân Phú vào ấp 3 để nhận thực phẩm từ cơ sở và làm công tác dân vận. Trong đội hình hành quân đêm ấy có Phạm Khắc Đính. Đính đi trước tôi chừng 25 mét. Vào đến giữa ấp, chúng tôi ai cũng nghĩ, thế là an toàn rồi. Vì thông thường, bọn địch chỉ phục kích ở bìa ấp thôi, ít khi chúng phục kích giữa ấp.

Đang đi... Bỗng nhiều ánh chớp và tiếng nổ chát chúa phía trước đội hình. Mảnh bay rào rào. Có tiếng la của bộ đội và du kích bị thương. Chúng đánh toàn lựu đạn, không hề bắn một phát súng nào. Tôi nghe rõ tiếng Đính: "Sơn ơi, tao bị thương rồi!". Tiếp theo lại tiếng lựu đạn nổ gần chỗ Đính. Địch ném tiếp vào chỗ có tiếng la. Dứt tiếng nổ, tôi vội nhào đến, dùng tay bịt mồm Đính, rít qua kẽ răng: "Im mồm! Tao đưa ra! Mày la nữa, nó bồi tiếp lựu đạn, chết cả lũ!". Đính im bặt. Tôi ghé sát tai Đính hỏi nhỏ: "Bị thương ở đâu? Lấy tay bịt chặt vết thương lại!". Tôi xốc nách Đính, bảo nằm lên lưng mình, tay phải xách B40 và giá đạn ba trái của tôi cùng AK của Đính, rồi quàng tay trái giữ Đính trên lưng, chạy ra. Máu Đính rơi trên vai tôi nóng hổi. Chạy được khoảng 50 mét, chúng tôi gặp ngay một cái hố. Cả hai nhào xuống. Vừa lúc ấy, địch tung pháo sáng lên rồi xả súng bắn vào những người đang chạy dạt ra phía sau. Tôi bảo Đính: "Yên trí! Nếu M79 hoặc đạn cối rơi vào hố thì cả hai cùng chết. Đạn thẳng thì yên tâm!". Lợi dụng ánh hoả châu, tôi băng bó cho Đính. Cậu ta bị một mảnh lựu đạn găm vào gò má bên trái, máu tuôn ra đầy mặt. Tôi bảo Đính bỏ tay ra (từ nãy đến giờ, Đính dùng ngón tay bịt chặt vết thương). Máu chảy tràn lên mặt. Tôi lấy băng buộc chặt vết thương, cầm máu cho Đính trong khi đạn vẫn chíu... chíu... vèo...vèo… bốp… bốp… trên đầu. Bây giờ, tôi mới có thời gian quan sát. Chúng tôi đang đứng giữa một cái hố khoảng 6 mét vuông đầy gai tre, ngập đến bụng. Dân chặt tre xong, quẳng gai xuống gần đầy một hố. Cơ thể chúng tôi bị gai đâm nát mà không hề thấy đau. Tiếng cối 81 ly và pháo địch giã theo phía anh em mình vừa chạy ra sau. Tôi cầm AK của Đính, cảnh giác đề phòng bọn địch có thể liều lĩnh xông tới. Nhưng chúng không dám. Chờ cho cối và pháo chuyển làn, tôi đẩy súng đạn lên bờ, sau đó ngồi xuống bảo Đính đứng lên vai mình rồi nâng dậy để cậu ta leo lên (hố sâu quá đầu chúng tôi). Tôi trèo lên sau, bảo Đính: "An toàn rồi, bây giờ cậu bá vai mình, mình dìu đi chứ không thể cõng được nữa! Mệt quá rồi!". Đính nghe theo, cậu ta quàng chéo AK vào vai rồi cà nhắc bước theo tôi. Men theo hướng đường cũ, quay lại. Đến một nhà dân, chúng tôi vào gõ cửa nhưng không ai dám ra, vì sợ. Tôi biết lúc này họ đang ở dưới hầm (trảng xê) trong nhà. Chúng tôi gặp mấy anh em vừa chạy đến, họ cho biết đã có mấy đồng chí hy sinh nhưng không lấy ra được. Trận ấy bọn địch xảo quyệt, ném toàn lựu đạn mà không hề bắn một viên đạn nào nên ta không xác định được vị trí để phản kích. Đến lúc chúng tung pháo sáng lên, phát hiện thấy anh em mình thì đồng loạt nổ súng. Chúng tôi bị động hoàn toàn, đành phải tháo lui...

Ngày hoà bình trở về, tôi và Đính kể lại trận đánh ấy cho ông bà Phạm Cư (ông bà cụ thân sinh Đính) nghe, họ xúc động: "Gia đình ơn con để đâu cho hết, nếu không có con cõng ra thì giờ đây đâu còn thằng Đính! Con là người đã sinh ra nó lần thứ hai cho bố mẹ đó!". Từ đấy, ông bà và gia đình coi tôi như con đẻ.

Bây giờ thì Đính không còn nữa! Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của cậu ta. Trớ trêu thay! Chiến trường gian khổ, bom đạn ác liệt như vậy mà không hy sinh, nay trở về trong thời bình, Đính lại chết trong oan ức, tức tưởi. Ngày Đính mất, tôi đến thắp hương khấn, rồi khóc và nói những điều này trước mộ cậu ta...

Trận ấy, chúng tôi thương vong 9 đồng chí. Có 3 đồng chí du kích hy sinh, trong đó có Hồng (tên thật là Mò) và Trớ. Bình sinh, Hồng vẫn thường tâm sự với tôi. Hồng cho biết gia đình anh có 5 người con (Lần, Mò, Trong, Giỏ, Trắng). Hồng là con thứ hai. Chúng tôi thường gọi là Ba Hồng. Nhà Hồng ở đâu vùng Lộc Giang? Trước đó, Hồng và tôi đã tham gia trận đánh phục kích trên Gò Nổi, gần đồn Lớn. Chúng tôi ngồi chung công sự. Hồng rất gan dạ. Anh phụ trách mìn ĐH10. Chờ bọn địch vào gần mới điểm hoả, xé nát đội hình địch. Số còn lại tạt ngược vào chỗ chúng tôi, Hồng và tôi dùng AK và B40 tiêu diệt những tên chạy vào gần công sự. Nhớ nhất là hình ảnh lúc chờ địch vào, mặt Hồng đỏ gay, mồ hôi chảy thành dòng trên má. Khi nổ súng, tự nhiên mặt tái xám lại.

Hồng hy sinh ở tuổi 19.

Khác với Hồng, Trớ lại là con út của một gia đình cách mạng ở vùng Đức Hoà. Trớ kể, gia đình cậu có 7 anh chị em cũng có những cái tên rất ngộ: Đang, Ngồi, Ỉa, Cứt, Chảy, Trấn, Trớ. Trước đó hai người anh ruột đi giải phóng cũng đã hy sinh. Bây giờ đến Trớ. Hồ Hữu Danh (Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh) hễ gặp Trớ lúc nào là trêu đùa về 7 cái tên gọi ngộ nghĩnh của gia đình cậu ta.

Như vậy, đến thời điểm đó, gia đình Trớ đã có ba người con hy sinh vì Tổ quốc. Một tổn thất quá lớn đối với một gia đình!

Theo nguyện vọng, chúng tôi chuyển thi hài của Hồng và Trớ giao cho du kích địa phương, bí mật đưa về các gia đình và thân nhân của các anh để an táng tại quê nhà…

Có thể nói, giai đoạn từ sau Hiệp định Pari đến đó, liên tục chúng tôi phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đây là thời kỳ hết sức căng thẳng và ác liệt. Tổng số quân thương vong cũng khá lớn, tuy cục bộ từng trận thì không nhiều. Quân số không những không được bổ sung, ngược lại còn bị tiêu hao qua các trận chiến đấu. Duy nhất, tiểu đoàn chúng tôi được bổ sung một đợt quân gồm những đồng chí được phía chính quyền Sài Gòn trao trả sau Hiệp định Paris được gọi là đội quân "Chiến thắng". Đại đội tôi được bổ sung một số người gồm anh Năm (quê Thái Bình), anh Hà, anh Đức (quê Bắc Thái) và mấy anh em khác nữa... Họ là những người không may bị Mỹ nguỵ bắt làm tù binh trong các trận chiến đấu ở những năm trước đây. Sau Hiệp định Paris, lần lượt được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Long) hoặc một số địa điểm khác tại Tây Ninh hoặc Long An do hai bên quy định. Trong số đó, Đức được bổ nhiệm làm B phó (trung đội phó). Sau này anh hy sinh ở trận Gò Nổi (1974).

(Còn tiếp)

Trái tim người lính