Ký ức chiến tranh: Vào trận - P49

Hôm đó, khoảng 9 giờ, sau khi pháo kích dữ dội và trực thăng quần thảo, bắn rốckét và đại liên xối xả xuống trận địa chúng tôi, bọn bộ binh mới mò vào. Các công sự tiền duyên nổ súng mãnh liệt tiêu diệt bọn lính gần nhất.

Số còn lại chạy dạt ra. Trước công sự của Nguyễn Viết Kỷ và Nguyễn Văn Mậu (Minh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) có mấy cái xác lính. Kỷ trườn ra lấy được một khẩu AR15. Khoảng 13 giờ, địch mở đợt phản kích để lấy xác. Một trái M79 nổ trên nóc công sự, Mậu bị thương nặng vào đầu (Mậu nay là thương binh hạng 1/4 đặc biệt, đang sinh sống tại thị xã Hồng Lĩnh). Như vậy là công sự của Kỷ thiếu đi một tay súng. Trung đội trưởng Lưu Xuân Tiết truyền lệnh của đại đội, yêu cầu tôi thay Mậu. Công sự còn lại một mình Em. Tôi nói với Em: "Cậu ở lại, nếu địch phản kích thì phải phát huy hết hoả lực trung liên để chi viện cho bọn mình đấy". Nói xong, tôi ôm B40 trườn đến công sự nơi Mậu bị thương để thay thế Mậu và tăng cường cho Kỷ, trong khi trên đầu trực thăng quần thảo và pháo địch vẫn dồn dập bắn tới.

b1td1aqf1-1688120824.jpgTác giả CCB Vương Khả Sơn  trong dịp về Dâng hương viếng đồng đội là Liệt sỹ E271 nhân dịp 30/4/2023 .Một trong 2 gốc duối ấy đã bị trận gió lốc vài năm trước xô bật gốc, nay chồi mới mọc lên.

 

Tôi đặt Mậu nằm xuống hầm, băng bó lại vết thương cho cậu ta rồi chuẩn bị đánh trả đợt phản kích mới. Từ nãy, tiếng L19 đã vè vè. Bỗng, ụ…c... một tiếng, khói trắng trùm lên trận địa. Chúng tôi biết sắp có bom. Trên đầu đã nghe tiếng rít của A37, liền sau đó là liên tiếp những loạt bom giáng xuống trận địa, nhưng bom rơi ở cánh phải chúng tôi. Đã có mấy đồng chí ở trung đội 2 hy sinh vì loạt bom ấy. Đồng chí Nguyễn Văn Đức, quê Vĩnh Phú, nhập ngũ 1968 vừa từ đoàn quân "Chiến Thắng" do địch trao trả, bổ sung về đơn vị tôi làm trung đội phó, hy sinh ngay trong loạt bom đầu tiên. Đồng chí Thiện (quê Diễn Châu, Nghệ An), trinh sát tiểu đoàn vừa được điều về cũng hy sinh. Lúc này bọn địch đã lùi ra xa và tiếp tục gọi pháo dội đến. Pháo bắn chụm làm tốc mất nóc công sự của một số đồng chí. Đồng chí Báo, trung đội trưởng, sau đó cũng bị thương. Tôi chia tay anh từ sau trận đánh ấy cho đến bây giờ, chưa một lần gặp lại. Được biết hiện nay Anh là thượng tá, đã nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

Từ đó đến chiều, địch chỉ mở duy nhất một đợt phản kích nữa Nhưng chúng lại bị đánh bật ra. Sau đó thì chúng rút hẳn mang theo rất nhiều xác chết và đồng bọn bị thương...

Đêm ấy, sau khi chôn cất tử sỹ, chúng tôi xuống xuồng rút qua bên kia sông Vàm Cỏ. Đó cũng là trận đánh cuối cùng ở Gò Nổi và Lộc Giang để rồi sau đó, chúng tôi cuốn theo chiến dịch cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ sau giải phóng đến nay, tôi chưa một lần trở lại mảnh đất nhiều kỷ niệm ấy. Với Gò Nổi, tôi và nhiều đồng đội như vẫn còn mắc một món nợ lớn. Đó là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm sâu sắc trong quãng đời cầm súng của chúng tôi. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng cảm thức:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn

Mảnh đất ấy đã trở thành "một phần tất yếu trong cuộc sống" của tôi!...

Trở lại Hội Đồng Sầm để củng cố lại đội hình chiến đấu. Mấy ngày sau đó, chúng tôi được lệnh hành quân xuống Bến Lức để tổ chức các trận đánh địch để giải toả hành lang sông Vàm Cỏ Đông nhằm chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975.

Với tôi và nhiều đồng đội, Gò Nổi đọng lại biết bao kỉ niệm thân thương, buồn vui lẫn lộn, kể cả những kỷ niệm mà tình tiết của nó nghe như huyền thoại. Hồi ấy, ở Gò Nổi, trong đội hình đóng quân của đơn vị, tôi tìm được một nơi trú ẩn mà tôi cho là lý tưởng trong điều kiện bom pháo dày đặc như vậy. Mỗi lần trở lại sau chuyến công tác hoặc chốt lại lâu ngày, tôi đều đến đó. Chỗ tôi nằm là giữa hai cây duối cổ thụ. Qua năm tháng và đạn bom, trên mình nó đã đầy thương tích. Nơi này chỉ trừ trường hợp bom hay pháo "đánh đáo" trúng thì tôi mới chết, nếu không thì đó là nơi che chắn an toàn nhất. Giữa hai gốc duối là một đám cỏ xanh tốt, nõn nà. Tôi thường trải tấm tăng nilon lên đó rồi vùi vào giấc ngủ ngon lành sau mỗi lần hành quân đến hay sau mỗi đêm công tác vào ấp chiến lược trở về. Có những thời điểm chúng tôi ở lại Gò Nổi gần 3 tháng. Ngày cũng như đêm, tôi vẫn nằm trên đám cỏ ấy. Cho đến một hôm, trong một lần phối hợp tác chiến, một đồng chí du kích địa phương cho tôi hay là giữa hai cây duối đó, năm 1972, họ mai táng một nữ du kích hy sinh. Vì sợ bọn lính nguỵ càn ra phát hiện được, chúng sẽ dùng chất nổ quật xác lên, nên sau khi hạ huyệt, họ lấp đất rồi khoả bằng lại. Lâu ngày cỏ mọc xanh tốt. Ôi!Thật không ngờ, suốt một thời gian dài, tôi lại nằm ngay trên mình đồng chí nữ du kích ấy. Tự nhiên, tôi thấy gai gai, rồi chợt hiểu vì sao giữa hai cây duối lại có một bãi cỏ xanh tốt đến lạ kỳ như vậy! Nhưng kỳ lạ hơn là suốt quãng thời gian dài như vậy mà tôi không hề thấy chiêm bao hay báo mộng bất cứ một điều gì! Tôi hoang mang thật sự vì không thể giải thích được. Ngay chiều hôm đó, tôi vội chuyển vị trí của mình. Đêm hôm sau vào ấp An Thuận, tôi đến thẳng quán Sáu Tiệm - một cơ sở cách mạng của ta - mua một nắm nhang lớn đợi sáng sớm hôm sau đến bên mộ cô gái - người liệt sỹ chưa biết tên đó, thắp nén nhang tạ tội. Tôi cúi đầu lầm rầm khấn: "Xin đồng chí hãy rộng lòng tha thứ. Thời gian qua, vô tình tôi đã làm một một điều lẽ ra là không thể. Đó là việc nằm ngoài ý muốn chủ quan của mình vì tôi hoàn toàn không ngờ tới. Xin đồng chí sống khôn, thác thiêng, độ lượng bỏ quá cho tôi. Tất cả cũng vì nhiệm vụ đánh giặc, giải phóng đất nước. Xin đồng chí hãy phù hộ độ trì cho anh em chúng tôi, tai qua nạn khỏi. Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn đồng chí, người con ưu tú đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của dân tộc!". Vừa dứt lời, một cơn gió thoảng qua, bó trầm tự nhiên bùng cháy. Bấy giờ tôi cũng không để ý, nhưng sau đó, kể lại chuyện này, mọi người ai cũng bảo lời khấn của tôi đã ứng nên bó nhang mới cháy thành lửa ngọn như vậy. Tôi không biết nên tin hay không nhưng chợt thấy vừa an lòng lại vừa lo. Có lẽ, cô gái dưới mộ kia - người đồng chí của chúng tôi - đã phù hộ độ trì cho tôi tránh khỏi mưa bom bão đạn nơi Gò Nổi ác liệt này (!?)

.(Còn tiếp)

Trái tim người lính