Ký ức chiến tranh: Vào Trận - P46

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập- giới thiệu)

27/06/2023 06:08

Theo dõi trên

Lúc này, trời đang nhá nhem tối và tôi đã thấm mệt. Tay nắm dao găm, một mạch chạy về theo lối cũ và cố tránh xa những nơi cỏ mọc xanh tốt. Đúng là "kinh cung chi điểu". Con chim bị bắn tên chết hụt, nhìn thấy cành cây cong tưởng đó là cánh cung.

Còn tôi cứ thấy những lùm cỏ xanh là tránh, sợ đó lại là miệng giếng (?!) Cái giếng nơi tôi rơi xuống sâu đến trên 13 mét. Chứa khoảng gần 2 mét nước. Nếu giếng không có nước, chắc chắn tôi chỉ còn là một đống thịt xương lẫn lộn!

Thấy tôi đi đã quá lâu, mãi đến gần 7 giờ tối mới lục tục chạy về, Tiết hỏi ngay: "Sao lâu thế? Chờ sốt cả ruột! Tớ tưởng cậu bị địch bắt rồi!". Tôi thuật lại cho Tiết nghe, vẻ mặt cậu ta xúc động thật sự, rồi an ủi tôi: "Không chết là may rồi. Nếu không lên được thì bọn tớ cũng chẳng biết đâu mà lần, đành phải báo mất tích thôi!". Tôi bảo: "Thôi, ông đi cùng tôi, ra lấy sắn và các thứ về đi!". Tiết không ngần ngại, rút trong ba lô ra thêm sợi dây dù rồi với tay xách khẩu AK theo tôi, trở lại chỗ cái giếng.

b1td1qdf-1687786541.jpg

Tác giả thắp hương tại bia tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Cầu Rạch Chiếc ngày 27/4/2023

 

Chúng tôi chạy một mạch đến nơi. Lúc này trời đã tối hẳn. Tiết đứng giạng chân trên bờ, cầm sợi dây dù dòng xuống để tôi bám vào đấy thả mình xuống lòng giếng. Được hai phần ba, dây dù trơn làm tôi tuột tay rơi xuống. Tôi lặn mò bó sắn và lựu đạn rồi bảo Tiết kéo lên. Tiết vốn to con (khoảng 70 kg) nên việc kéo tôi lên không khó khăn gì. Lên được hai phần ba giếng, tôi lại tuột tay rơi xuống lần nữa. Trầy trật mãi, một lúc sau, cộng với sức kéo của Tiết tôi mới bám được bờ leo lên. Sau này mọi người cứ hỏi tôi tại sao lại ngớ ngẩn và đãng trí thế! Việc gì lại phải xuống giếng thêm một lần nữa trong khi chỉ có một trái lựu đạn và một bó sắn (!?) Nếu lần này xuống mà gặp điều rủi ro thì sao?!... Tôi cũng không giải thích điều gì nhưng chắc chắn trong ý thức thường trực của mình, tôi luôn nghĩ là dù hoàn cảnh nào cũng không để mất vũ khí!

Chúng tôi về đến cứ. Trời vẫn mưa. Không có củi khô, tôi chẻ một cây sào phơi quần áo để làm củi rồi cùng Tiết nấu sắn ngay trên giường ngủ dưới tán tăng nilon. Tôi tháo lưỡi xẻng kê lên để khỏi cháy giường.

Hai chúng tôi ăn hết một xoong sắn lớn. Sau đó nằm nói chuyện chờ đến lúc anh em từ ấp chiến lược về. Tuy vậy, cái giá phải trả cho bữa sắn ấy là quá đắt. Với tôi, đó lại là một kỷ niệm nhớ đời.

Câu chuyện sau đó đã trở thành một giai thoại trong đơn vị. Mãi đến bây giờ mỗi khi gặp lại đồng đội cũ, họ đều nhắc đến tình huống hy hữu đó.

Cũng như lần vớt gạo trên sông Xê Rê Pốc ở Trường Sơn, tôi nghĩ, có lẽ tổ tiên đã dõi theo từng bước để phù hộ độ trì cho tôi dưới trời lửa đạn hay trong những phút giây hiểm nghèo nhất tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi...

... Càng ngày, bọn địch có vẻ như càng nhận thấy sự hiện diện của một lực lượng quân sự bí mật nào đó ở khu vực Gò Nổi đang ngày đêm uy hiếp chúng mà chúng cần tìm hiểu. Bọn chỉ huy cấp trên đốc thúc lính ở các đồn bốt và lực lượng Bảo an, địa phương quân tăng cường nống ra thăm dò để phát hiện. Do vậy nhiệm vụ bám, nắm địch của chúng tôi ngày một nặng nề hơn.

( Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào Trận - P46" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn