Ký ức chiến tranh: Vĩ Thanh - Phần cuối

Vương Khả Sơn

08/07/2023 06:06

Theo dõi trên

Có thể nói trong thế kỷ XX, nhân loại tiến bộ đã tin tưởng và chọn lựa để đặt lên vai dân tộc ta một trọng trách, một nhiệm vụ lịch sử to lớn, thiêng liêng, mang ý nghĩa thời đại.

Đó là phải đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới - những kẻ thù hung bạo và hùng mạnh vào bậc nhất thế giới - để khẳng định và chứng minh chân lý về "Quyền độc lập, tự do dân tộc"; "Quyền con người được sống và mưu cầu hạnh phúc". Chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng lịch sử ấy để rồi biết phát động và kết thúc chiến tranh một cách trọn vẹn nhất.

b1vks1qe-1688740878.jpg

Tác phẩm “ Ký ức chiến tranh “

 

Nếu chỉ tính từ sau Hiệp nghị Giơnevơ 20 tháng 7 năm 1954 đến 30 tháng 4 năm 1975 thì dân tộc ta đã phải trải qua hai mươi mốt năm gian khổ, chiến đấu, hy sinh. Hai mươi mốt năm ấy, đã có biết bao thế hệ kiên cường, bền bỉ cầm súng đánh giặc quên mình để có ngày toàn thắng. Lớp lớp những người con Việt Nam ưu tú đủ mọi lứa tuổi, giai tầng nối tiếp nhau cống hiến trọn vẹn tuổi hoa niên cho độc lập tự do của dân tộc. Trong số đó, hàng triệu người đã vĩnh viễn ngã xuống không tiếc máu xương của mình. Chúng tôi cũng thuộc một trong những lớp người như thế. Nhưng vinh dự hơn là được chiến đấu và có mặt trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng để giải phóng đất nước. Và cũng may mắn hơn so với rất nhiều đồng đội là còn sống sót trở về sau ngày toàn thắng!

Cuộc "đụng đầu lịch sử" giữa dân tộc ta - một dân tộc nhỏ bé nhưng gan góc dạn dày trước một siêu cường quốc hùng mạnh nhất thế giới; trong tương quan một thắng một ngàn là minh chứng hùng hồn và sinh động về sức mạnh của chiến tranh nhân dân kỳ diệu dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mac xít chân chính - Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã khẳng định trước nhân loại về chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Chân lý ấy luôn toả sáng cho mọi thời đại. Và vì nó mà con người Việt Nam không hề so đo, toan tính giữa cái chết với sự sống. Luôn ý thức: "Độc lập tự do hay là chết!". Sẵn sàng chiến đấu hy sinh không tiếc máu xương cho những giá trị vĩnh cửu ấy!

Từ cuộc kháng Pháp thần thánh chín năm (1945-1954) với kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội "chấn động địa câu" đã làm nên "vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại hai mươi mốt năm, đất nước ta đã trải qua trên mười ngàn ngày đêm chưa lúc nào ngưng tiếng súng! Sức chịu đựng kiên cường, bền bỉ, dám hy sinh có một không hai ấy đã trở thành biểu tượng về ý chí quật cường và sức mạnh "Không có gì quý hơn độc lập tự do" đối với các dân tộc bị áp bức trên hành tinh này...

Một triệu, ba trăm, năm mươi mốt ngàn quân nguỵ Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã. Một chế độ mà chính quyền Mỹ với 5 đời Tổng thống cố dựng lên và nuôi dưỡng hơn 20 năm đã sụp đổ tan tành. Chiến thắng vĩ đại này đã hoàn toàn chấm dứt 117 năm sự thống trị của các thế lực ngoại bang phương Tây. Tổ quốc, giang sơn đã được thu về một mối. Đất nước trọn niềm vui...! Vinh quang này vĩnh viễn thuộc về những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã cống hiến máu xương và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước!

... Chiến tranh đi qua, chúng tôi đã để lại sau lưng mình bao trận đánh vang dội cùng những năm tháng hào hùng đầy gian khổ, hy sinh để trở về với cuộc sống đời thường; nơi có tổ tiên, ông bà, cha mẹ cùng những người thân yêu nhất đang ngày đêm mỏi mòn, khắc khoải, ngóng trông những đứa con yêu còn lại, trở về từ các chiến trường...

Từ giữa 1976 đến cuối 1977, trước khi bè lũ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari (Campuchia), gây chiến tranh biên giới Tây Nam, chúng tôi lần lượt được giải ngũ, chuyển ngành sau khi đã tham gia làm kinh tế thời hậu chiến ở Long An và Đồng Tháp (Sa Đéc). Khá nhiều đồng đội tôi như Vũ Duy Tòng, Chu Văn Lương, Phạm Khắc Đính, Hồ Hữu Danh, Lê Văn Quyền, Nguyễn Quang Dĩnh, Trần Đức Khâm, Nguyễn Văn Kháng, Trần Lân, Nguyễn Văn Bính, Dương Huy Thẩu... và tôi cùng xuất ngũ, chuyển ngành một đợt. Riêng Nguyễn Viết Kỷ (C3, D7), Trương Thiên Lý và Nguyễn Hữu Lưu (C 25 đặc công), Nguyễn Đình Xưng (C 23 vận tải), Nguyễn Duy Hưởng (Can Lộc - C 23 vận tải)... cùng một số đồng chí khác lần lượt ra quân ở các đợt sau.

Nhưng có thể nói đó cũng là những người lính của Trung đoàn ra quân gần như đợt cuối. Số còn lại phải tạm tạm đình hoãn, tiếp tục tại ngũ để chiến đấu trừng trị bọn Pôn Pốt xâm lược, bảo vệ biên giới Tây- Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Tuy nhiên, số này khi kết thúc chiến tranh, rất ít người còn được trở về... Họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên đất bạn vì nhiệm vụ quốc tế cao cả của mình....

Còn chúng tôi.

Trở về với đời thường sau những năm tháng trận mạc đầy hy sinh gian khổ, chúng tôi lại phải đối mặt với cuộc chiến mới không tiếng súng - đói nghèo và lạc hậu - để tìm lối ra cho cuộc sống. Cái chết không còn rình rập như thời đạn bom, nhưng cái vất vả, nghèo đói, khốn cùng của một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh như một bức tranh hiện thực xã hội mà màu tối là gam màu chủ đạo, nổi bật. Hiện thực ấy đặt chúng tôi trước thử thách mới phải lựa chọn, cúi đầu chấp nhận hay nỗ lực, cố gắng để thoát ra khỏi nó! Bằng ý chí và bản lĩnh của mình, chúng tôi lại động viên nhau, nguyện tiếp tục phát huy bản chất người lính cách mạng, bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong đời thường; cùng nhau vượt lên khó khăn gian khổ để tồn tại, làm việc và đi tới cho đến ngày hôm nay...

Đã qua rồi những năm tháng đầy gian nan, thử thách. "Áo cơm ghì sát đất" ở cuối thập niên 70 và thập niên 80. Cuộc sống thường nhật với biết bao thiếu thốn khó khăn, tưởng chừng như không vượt qua nổi. Người bạn chiến đấu thân thiết gắn bó nhất của tôi - Vũ Duy Tòng - sau khi giải ngũ về quê hương, đã trở lại học tiếp lớp 10 (năm 1970 lúc nhập ngũ, Tòng đang học lớp 9). Sau đó thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội I. Hiện anh là giáo viên Ngữ Văn trường THPT Diễn Châu II, Nghệ An. Còn tôi năm 1978, sau một năm học tiếp lớp 10 như Tòng cũng thi đậu vào khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Vinh. Tuy nhiên, cùng lúc có giấy báo nhập học thì được lệnh tái ngũ vào một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Tuy nhiên sau đó, đơn vị xét hoàn cảnh đã cho phép tôi ra quân, trở về trường Đại học. Vừa chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa Đại học thì ngày 27 tháng 2-1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi lại có lệnh tái ngũ lần thứ hai cùng với 6 anh em của khoa Ngữ Văn năm ấy. Tuy nhiên, sau đó tình hình biên giới tạm ổn nên chúng tôi được gỡ bỏ lệnh tái ngũ, tiếp tục ở lại học tập… Như vậy tính đến thời điểm đó trong vòng 9 năm, tôi đã có 3 lần tại ngũ. Và nếu người khác chỉ mất 3 năm để hoàn thành chương trình trung học phổ thông, riêng tôi phải mất đến... 8 năm. Cuối cùng thì số phận cũng đã mỉm cười và cho tôi tiếp tục con đường "đèn sách" mà vì chiến tranh, tôi đã bao lần dang dở...!

Sau bốn năm Đại học với bao thiếu thốn, gian nan của thời kỳ bao cấp, tôi ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu. Liền đó, tôi có "Quyết đinh" vào dạy Sư phạm Quy Nhơn. Nhưng rồi gần như một định mệnh, tôi xin không nhận "Quyết định" công tác với lý do đơn giản là vừa ở chiến trường trở về, hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, không thể đi xa được. Rồi tiếp đó, Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh lại xin điều tôi về Tỉnh ủy. Nhưng một lần nữa, tôi lại phải từ chối với lí do " trái với chuyên môn" của mình (!?). Tháng 9 năm 1982, tôi xin về giảng dạy Ngữ Văn ở một trường miền núi, trường Cấp III Đồng Lộc, nay là trường THPT Đồng Lộc, cho gần nhà để có điều kiện chăm sóc , giúp đỡ vợ con, gia đình...

Sau gần 20 năm gắn bó với mái trường này cùng biết bao kỷ niệm vui, buồn đồng hành theo thời gian, với nhiều thế hệ học sinh thân yêu đi qua cuộc đời tôi mà trong đó không ít các em đã trưởng thành, đang tung cánh muôn phương để cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Tôi tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính trên mặt trận mới, không có tiếng súng! Tháng 9 năm 2001, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh điều tôi về công tác ở Sở...

... Trước khi kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam gần một năm, tôi đã ấp ủ một khát vọng là phải làm một việc gì đó, dù nhỏ để thể hiện những nỗi niềm và cảm xúc trong ngày vui chiến thắng. Đặc biệt là sự tri ân, sự đồng cảm sẻ chia với đồng đội thân yêu của mình; về những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh mà hào hùng đã qua. Tôi nghĩ, chỉ còn cách duy nhất là ghi lại quá khứ và cố gắng tái hiện trần trụi những hiện thực của chiến tranh mà mình và đồng đội đã từng nếm trải...

....Gần một phần ba thế kỷ đã đi qua kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, có những điều của quá khứ đã được khép lại hoặc lãng quên nhưng cũng có những điều thì vĩnh viễn toả sáng trong khối óc, con tim và lương tri của tất cả mọi người. Dù ai đó có cố tình lãng quên thì nó vẫn cứ mặc nhiên hiện hữu. Những gương mặt thân yêu của đồng đội; những sự kiện và tình huống; những con số và kỉ niệm; những hào sảng và bi thương... mà tôi ghi lại trong hồi ký này như mới diễn ra đâu đây hôm qua, và như nó vốn có! Dĩ nhiên với dung lượng khiêm tốn của cuốn sách này, tôi không thể nào diễn tả hết được tất cả! Bởi, trong cuộc chiến vĩ đại và đằng đẵng ấy có biết bao sự kiện đã xảy ra. Hồi ký này chỉ có thể chắt lọc những sự việc và con người điển hình mà thôi. Trên bề mặt của hiện thực chiến tranh, tôi đã cố gắng tái hiện nhưng cũng chỉ được một phần rất nhỏ mức độ ác liệt của đạn bom và tinh thần hy sinh quả cảm của đồng đội. Hồi ký được ghi lại theo trục thời gian thuận. Dĩ nhiên là sau hơn 30 năm, có thể đây đó, tôi không thể nhớ từng ngày, từng tình huống chiến đấu. Nhưng, những trận đánh, những tên đất, tên người và sự hy sinh quả cảm của đồng đội mà tôi đã chứng kiến và ghi lại trong hồi ký này bằng trí nhớ của mình là không thể nào sai lệch. Bởi một mặt, những kỷ niệm ấy với tôi vẫn tươi rói vì đã trở thành máu thịt. Mặt khách quan, là những đồng đội tôi sau ngày chiến thắng, may mắn còn sống, trở về với đời thường, thảng hoặc qua lại thăm hỏi, động viên nhau; ôn lại những kỷ niệm chiến trường, tôi đều tranh thủ tham khảo ý kiến của họ. Chỗ nào nhớ không rõ, tôi được anh em bổ sung để cố gắng hoàn thiện. Những đồng đội mà tôi có dịp điểm tên trong tác phẩm này tuy kẻ còn, người mất nhưng tất cả họ vẫn ở bên tôi như mới ngày hôm qua. Điều gì giúp tôi lưu giữ lâu bền và chi tiết những hình ảnh ấy?...

Vâng! Chỉ có tình đồng đội máu thịt cùng sẻ chia bom đạn cùng những hy sinh, mất mát, gian khổ, ác liệt ở chiến trường mới có thể có được! Bão táp thời gian và cuồng phong của lịch sử có thể sẽ làm lu mờ mọi thứ. Nhưng với tôi, kỷ niệm về những tháng năm binh lửa, trận mạc cùng những gương mặt đồng đội thân yêu thì vẫn vẹn nguyên và đã trở thành tiềm thức. Hình ảnh ấy tự nhiên trong tôi tự lúc nào và trở thành lớp trầm tích dưới vỏ não. Điều ấy, không chỉ riêng tôi mà là nét chung của tất cả những người cầm súng đi qua chiến tranh. Có thể nói đó là quãng đời đẹp nhất, đáng nhớ nhất của mỗi người lính trận chúng tôi.

Trong những ngày vui lịch sử, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chợt nhớ đến âm hưởng của một ca khúc được sáng tác ngay sau ngày toàn thắng. Có lẽ đó là cảm xúc dâng trào của người nghệ sỹ trước niềm vui bất tận ấy. Nhạc sỹ đã rất có lý khi viết giai điệu và ca từ để thăng hoa ca khúc của mình: "Ta đi trên đường mùa xuân. Đường vang muôn tiếng hát yêu thương. Trong ánh mắt nụ cười rạng rỡ. Quê hương ơi! Biết mấy tự hào. Ta chung xây đất nước mạnh giàu. Về đây Nam Bắc, cầm tay ca hát trên con đường vui. Trời quê hương lộng gió ngàn phương, không còn bóng mây mù che lối..." ; “... Những lứa đôi ước hẹn, tuy xa cách nhưng lòng vẫn nhắc nhau ngày toàn thắng..." và "Trong niềm vui hôm nay, ghi công ơn anh Giải phóng quân, Trong niềm vui hôm nay càng nhớ ơn anh Giải phóng quân; những chiếc mũ tai bèo thân thương. Anh qua bao suối, bao đèo muôn vàn gian khổ. Máu các anh đã đổ cho sông núi càng rực rỡ trong ngày toàn thắng...

Tổ quốc ơi! Có bao giờ đẹp như hôm nay! Ta đang sống những ngày chói lọi, của Tổ quốc yêu thương, Tổ quốc Việt Nam ngàn đời vẻ vang...".

..."Hôm nay...", như lời của bài ca, chính là ngày Ba Mươi Tháng Tư, Năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm. Ngày đất nước ta sạch bóng quân xâm lược và bè lũ tay sai. Ngày Tổ quốc và giang sơn thu về một mối để dân tộc ta ca khúc khải hoàn, bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của Độc Lập, Tự Do, Ấm No, Hạnh Phúc. Mà để có nó, biết bao thế hệ người Việt Nam, trong đó có những người lính chúng tôi đã phải đổ biết bao máu xương mới giành lại được.

V.K.S

(Nguyên chiến sỹ C4-D9, C2-D8 & C3-D7,

Trung đoàn 271 anh hùng

Quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vĩ Thanh - Phần cuối" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn