Nhà của nội
Sinh ra khi đất nước có chiến tranh, bố mẹ tôi theo đơn vị công tác đi sơ tán nên gửi tôi về ở với ông bà nội, một vùng quê mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá - đó là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo.
Nhà nội tôi ở làng Hạ, nơi có vùng cam Bố Hạ nổi tiếng những năm 1980 của thế kỷ trước. Thời gian tôi sống với ông bà cũng không rõ là bao lâu thì tôi không còn nhớ, nhưng những kỷ niệm thời ấu thơ thì tôi chẳng thể nào quên. Thậm chí đã hơn 50 năm qua đi, nhưng cái khung cảnh của ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái với những tấm cửa gỗ bức bàn và một khoảng sân gạch đỏ rộng, rộng lắm mà ngày nhỏ thì tôi chỉ thấy cái sân nhà ông nó to như cái sân hợp tác xã, còn bây giờ thì tôi đoán cái khoảng sân ấy cũng tới 300 - 400m2. Từ con đường của xã đi vào thì nhà ông nằm ngay đầu làng Hạ với một con đường nhỏ uốn quanh là rặng tre cao vút và một ao cá chạy dọc theo. Tôi đã từng nhìn thấy hoa tre từ khi mới là cô bé chừng 4 - 5 tuổi và đã rất thích thú khi nhìn thấy nó. Thậm chí cái vị của búp tre ngày xưa tôi hay rút để nhấm nhấm cái phần nõn thơm thơm ngai ngái đến giờ thi thoảng gặp cây tre trên đường đi công tác tôi vẫn hay có động tác rút cái búp tre đưa lên miệng như để tìm một cảm giác rất đỗi thân quen. Đôi khi bị bụi bay vào mắt, ông hay bà cũng lấy cái búp tre đó để gạt bụi trong mắt tôi. Đi hết con đường cổng thì tay phải là một cái sân và giếng gạch có thành cao lúc ấy tôi đứng ở giếng thì cái thành giếng cao ngang vai của tôi. Xung quanh giếng là những bụi hoa dâm bụt màu đỏ cao um tùm và quanh năm rực rỡ hoa. Nhuỵ hoa râm bụt cũng là thứ tôi rất hay rút cái nhuỵ để hút chút mật thơm mát và ngọt thanh. Giếng nhà ông khá sâu, nhìn không thấy đáy nên được thiết kế một chiếc gầu cao su với dây thừng to và dài mắc vào một cái cần tre và được buộc bằng dây xích sắt lên một chiếc cột chôn ở góc sân giếng. Dưới chân cái cần nước còn được buộc vào mấy quả cân và một cục đá xanh để khi kéo nước lên làm cho nhẹ và dễ kéo hơn. Cái giếng ấy có rất nhiều mảng rêu xanh bám ở cả thành giếng và sân giếng nên tôi cũng rất nhiều lần trượt chân ngã ở đó… Sau khoảng sân giếng thì phía tay phải là nhà chính, giữa là khoảng sân còn tay trái là một cây muỗm to, cao hơn nóc nhà kho và bếp rồi đến khoảng vườn chạy dọc theo khoảng sân rộng. Ngày nhỏ tôi chỉ nghe người ta xì xào ông nội tôi là địa chủ, nhưng sau tôi hiểu từ địa chủ ở đây là người có nhiều đất chứ không phải là địa chủ theo kiểu cường hào ác bá. Bởi ông bà tôi có 3 người con trai thì hai chú tôi đều cắt máu viết đơn xin nhập ngũ bảo vệ tổ quốc và ông bà cũng rất hay giúp đỡ người nghèo. Thậm chí ngày đó các chú bộ đội về đóng quân ở xã cũng được ông bà tôi nuôi. Nhà chỉ có mình tôi là trẻ con nên những lúc nghỉ ngơi tôi toàn được các chú bộ đội cõng đi chơi hoặc dắt ra vườn hái quả.
Tuổi thơ tôi thơm mùi cây cỏ
Bà nội tôi ngày ấy buôn bán nhỏ ở chợ, lúc nhà có mớ rau, con cá, hay quả na, mít, ổi chín thì bà mang bán; những lúc không có thì bà đi gom của hàng xóm và gánh ra chợ bán. Ngày nào cũng vậy và ngày nào cũng cứ từ 11-12h trưa là tôi hóng ra cổng để mong bà về chợ, bởi vì chẳng có ngày nào bà quên mua quà cho tôi. Khi thì cái bánh rán, bánh rợm, lúc thì túi bỏng ngô hay cái kẹo mút, que kem… đôi khi là quả thị và kèm theo cả cái túi đựng thị mà trong lúc ngồi bán hàng bà tranh thủ dùng sợi đay buộc hàng để làm túi đựng thị cho tôi. Cảm giác háo hức ấy đến giờ sau hơn 50 năm ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn thấy bồi hồi xúc động.
Bà tôi với tôi thì như vậy, còn ông nội tôi ư? ai cũng bảo ông tôi khó tính, nhìn ông sợ không dám gần, nhưng với ông tôi là số 1. Vì thế, tôi có làm gì, muốn gì ông cũng chiều tất. À mà có lẽ khi trưởng thành tôi yêu Radio và đã có gần 24 năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có lẽ xuất phát từ việc ông nội tôi rất yêu radio. Ông tự chế những cục pin, cuốn cuốn buộc buộc thế nào đó tôi không nhớ chỉ nhớ cái đài của ông có mấy cục pin to tướng buộc phía sau. Ông nghe đài suốt từ 5h sáng đến nửa đêm, cũng vì thế mà ngày nhỏ tôi được nghe những bài hát thiếu nhi trên làn sóng điện từ rất sớm và thuộc rất nhiều bài. Rồi chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền”, chương trình “Giao hưởng thính phòng” và đặc biệt là “ Câu chuyện cảnh giác” vào tối thứ 7 hàng tuần...
Mỗi ngày khi bà đi chợ thì ông thường ở nhà nghe đài, làm các việc vặt, đan cái rổ, cái rá, chăm sóc cây cảnh, chứ việc đồng áng ông bà toàn thuê đổi công cho những người hàng xóm chứ ông bà không trực tiếp cấy cày. Tôi cũng được ông đan cho 1 chiếc giỏ mây (góc ao có một bụi mây to, tôi cũng từng ăn quả mây khi nó chín nhưng vẫn có vị chát), chỉ để đựng quà khi bà đi chợ về và đặc biệt là ngày nào tôi cũng xách chiếc giỏ ấy ra vườn để hái quả chín. Vườn na nhà ông có đến vài chục gốc, lúc ấy cái mùi na chín cây, nhất là những quả na bở sao nó có mùi vị quyến rũ đến lạ lùng mà sau này, năm nào tới mùa na tôi cũng phải lùng bằng được vài bận na bở để đi tìm cái mùi vị ngày xưa ấy. Cả một mùa hè của tôi ngày nào cũng lang thang ở vườn na từ lúc na còn xanh để ngắm những quả na lớn dần, hít hà cái mùi thơm ngai ngái ấy, rồi chờ đợi cho tới khi chúng bắt đầu chín. Cảm giác được hái những quả na chín và ăn tại vườn nó phê gì đâu… thơm, ngọt, thanh, mát, mịn, cái vị ngọt nó cứ như còn đọng ở cổ họng khiến tôi cứ hay nhớ về.
Tôi nhớ, lần ấy ông cưa một cây mít to nhưng bị sâu thân, ông đẽo cho ông một đôi guốc mộc đóng quai cao su và cũng không quên đẽo cho tôi một đôi guốc hơi có gót cao khá điệu. Thay vì làm quai cao su, ông dặn bà đi chợ mua cho tôi một đôi quai nhựa trong có vẽ hình hoa lá. Về ông đóng vào đôi guốc đã đẽo và dùng giấy giáp mài rất kỹ, thậm chí còn dùng dầu chuốt cho bóng đẹp. Tôi thích quá cứ ôm đôi guốc trên tay mà không nỡ đi sợ nó bẩn. Ai hỏi tôi guốc ai làm, tôi đều trả lời rất điệu - Guốc ông đe… é…õ ( đẽo) nhưng chữ đẽo tôi nói điệu tới mức mà nó thành dấu sắc và sau một hồi kéo dài nó mới về đến dấu ngã. Ha ha. Mặc dù cả nhà nói tôi từ bé đã nói rất sõi, không biết nói ngọng bao giờ, nhưng riêng kỷ niệm về đôi guốc ông làm cho tôi và câu chuyện này thì cả họ nhà tôi, thậm chí ở làng Hạ ngày ấy nhiều người biết và mọi người còn cố tình hỏi để tôi trả lời và rồi sau câu nói của tôi thì mọi người cùng cười vui vì tôi nói điệu quá. Ha ha và nó trở thành câu chuyện để mọi người cố tình hỏi cho tôi nói và cùng cười vui nhưng lúc ấy tôi không ngượng và cũng không giận chỉ thấy mình được cưng chiều.
Sau này, khi bắt đầu đi học, bố mẹ tôi đưa tôi xuống thị xã Bắc Giang (bây giờ là thành phố), thi thoảng tôi vẫn được Bố mẹ đèo xe đạp đi 18 km để về thăm ông bà. Có lần nghỉ hè, nhớ ông bà nội, chị gái tôi rủ 2 chị em trốn bố mẹ đi bộ, rồi đi nhờ xe đạp, xe máy của người đi cùng chiều được đoạn nào hay đoạn đó và có lần cũng có mấy bác tài xế xe tải chở gạch ở xí nghiệp gạch Ngọc Lý (nơi dành cho những phạm nhân cải tạo lao động), chở được một quãng đường xa để về quê thăm ông bà.
Khi lớn hơn, 8 tuổi tôi được ra Hà Nội để ôn thi vào Nhạc viện Hà Nội ngày ấy, tôi về ở nhà chị gái của Bố tôi ở Khu chuyên gia Kim Liên. Thi thoảng ông bà nội tôi lại ra ở chơi 1 tuần, có khi 1 tháng ở đó cùng tôi... cho tới khi ông bà rời cõi tạm.
Tôi yêu từng ngọn cỏ
Sinh ra ở quê, tuổi thơ tôi được sống trong tình yêu thương của ông bà cha mẹ nơi miền quê yêu dấu nên khi trưởng thành, đi làm, tôi cũng chỉ mong được ở quê. Nhưng rồi quan niệm của các cụ: cho con ăn học bằng người cũng chỉ mong con có công việc ổn định ở thành phố, nên việc tôi ước mong trở về quê đã không thực hiện được. Càng lớn tuổi, tôi càng mong có một góc sân nhỏ trồng vài cây hoa, vài cây ăn quả. Và rồi tôi quyết định ở xa trung tâm thành phố vừa tránh khói bụi, tránh ô nhiễm tiếng ồn, vừa có cho mình một khoảng xanh dưỡng phổi cho dù có phải đi làm mỗi ngày ngót 100 cây số. Và ước mơ ấy đã thành hiện thực bởi nhu cầu vật chất của tôi khá đơn giản nên mọi chi phí cũng chỉ trong mức cho phép của một công chức nhà nước.
Sau ba năm vất vả xây dựng, cải tạo, tự trồng, tự chăm… tôi đã có một vườn hồng và các loại hoa theo mùa, có cây sim tím để thi thoảng đỡ nhớ những vạt đồi nơi ngôi nhà cũ của bố mẹ tôi ở khi tôi 6 tuổi và tôi đã gieo những hạt na trên mảnh đất mà tôi đã gom góp cả một đời công tác để có được.
Hôm nay, nhìn những bông hoa na bung nở, những quả na xanh bằng đầu ngón tay đang căng tràn nhựa sống, tự nhiên mùi thơm của vườn na nhà ông nội ùa về trong ký ức khiến tôi ngồi viết liền một mạch giữa lúc cả nhà chờ cơm đã quá trưa…
Ngày Phật đản cũng là ngày Nhật kỵ của bà nội, na chưa kịp chín nhưng chắc chắn những quả chín đầu mùa sẽ là những trái ngọt cháu dâng lên ông bà.
Nhớ quá nội ơi!!!