Lá mọc xanh rừng

Rừng này là “Rừng quốc gia Cúc Phương” trên mái nhà tôi đó. Nó đã thay đổi khá nhiều sau những trận mưa gần đây, đặc biệt là trong sự chuyển đổi thời tiết hướng về mùa thu đang đến gần (Lập thu sẽ vào 7-8-2021).
la-moc-xanh-rung-1627958191.jpg
Rặng Mùng Tơi (mang lên từ quê hương Nguyễn Bính) thực sự làm cho khu vườn vừa xanh, vừa mát, vừa hữu ích.

Như đã nói “Công nghệ Israel” xanh hoá sa mạc đã được ứng dụng. Ở đây không có sa mạc mà chỉ có sân thượng tầng 3 (nhưng khô và nóng chẳng khác gì Sa mạc Sahara).

Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì yêu cầu đầu tiên là phải trồng sao cho cây sống được cái đã, còn “sống vui, sống khoẻ, sống có ích” tính sau. Vì vậy, tất cả những cây cảnh thuộc dòng “tiểu thư trướng rủ màn che” sẽ bị loại. Nếu có, các “nàng” này phải núp bóng những cây có sức chịu đựng tốt (chứ phơi mặt ra giữa trời thì các nàng chỉ còn cách sống cùng Chử Đồng Tử). Tôi sẽ trồng làm sao khi lên mảnh vườn sân thượng, mình sẽ có cảm giác “Em đi trong tươi xanh/ Chim hoà bình tung cánh/ Mênh mang một bầu trời.”

Chị Khế thực sự đã trở thành “focus” (điểm nhấn) của khu vườn, với dáng cao, tán rộng, cành lá sum suê. Nhưng không gian này không đại diện cho “Quê hương là chùm khế ngọt” bởi anh Vối Trẻ và chị Chanh đã thực sự hiện diện một cách rất xứng đáng. Anh Vối Nếp đã khác nhiều so với năm ngoái: cao, nhiều cành, đang vươn cao vượt qua mái che ra ngoài. Còn chị Chanh (có lần tôi đã nói), đã chững chạc với “đàn con” 12 quả đáng yêu, lại trổ nhiều cành lá non xanh, sẵn sàng phục vụ món thịt gà luộc (Thịt gà ta luộc để nguội, chặt khéo, chấm muối hạt vắt chanh và dĩ nhiên là rắc lá chanh thái nhỏ thì có lẽ vua Bảo Đại (sống theo kiểu Pháp) ngày xưa cũng chưa được nếm). Chị Chanh không đơn độc vì có thêm mấy anh Húng Chó (đêm nằm mơ tiết canh lòng lợn) và mấy dàn Lá Lốt lá to đùng (cũng đang chờ món chả thịt hay chả ốc…).

Rặng Mùng Tơi (mang lên từ quê hương Nguyễn Bính) thực sự làm cho khu vườn vừa xanh, vừa mát, vừa hữu ích. Nắng mấy mùng tơi vẫn xanh. Mưa xuống thì chỉ sau một đêm, chúng đã thi nhau trổ ngọn vươn lên trên thách thức bầu trời. Mùng Tơi đã tham gia Chiến dịch chống covid-19 vô cùng tích cực. Nhờ có loại rau dân dã, dễ nấu và ngọt lành này mà “giãn cách có thể kéo dài 5 ngày, 10 ngày, 20 ngày hoặc lâu hơn nữa”, tôi (và bà xã) vẫn cứ ung dung ngồi xem Olympic Tokyo mà không cần dùng đến phiếu đi chợ.

Tuyệt vời nhất là mấy anh Hoa Giấy. Khi mới mua về, bốn chậu hoa giấy đang trổ hoa tứ tung (nhà hàng họ cố tạo ra hoa để bán cho dễ), nhưng sau khi thay vào hộp xốp (với lượng đất nhiều hơn hẳn), được tưới nước mát sớm chiều, được “nghe thơ bóng đá”, chúng đã “bỏ hoa thay lá”. Những ngọn lá xanh non đầy sức sống mọc nhanh trông thấy sau cơn mưa (chẳng khác gì cỏ non trỗi dậy trong truyện ngắn Cỏ non của Hồ Phương, sau một đêm mưa đã nảy lên tua tủa trên triền đồi). Với đà này, chẳng bao lâu nữa, những “cột” hoa giấy hình nấm sẽ chiếm lĩnh không gian tầng mái cho mà xem.

Ngoài thời gian ngồi lì trên máy, tôi luôn chạy lên chạy xuống để thăm “mảnh vườn riêng ta với ta”. Hết xách nước lên tưới lại thay đất, bón phân, tỉa cành, che mưa và che nắng cho cây. Có hôm, đang ngồi ở cơ quan thấy mây đen kéo đến, tôi cũng vội phóng xe trong mưa về căng bạt cứu cây (mưa to quá cây rau hoặc cây non dễ hư nát hoặc úng). Gần chục bao tải dứa luôn luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” cùng gia chủ che nắng lúc trưa (ngay cả mấy cây hoa giấy chịu nắng giỏi cũng cần che).

Như nhiều người, nhất là như nhiều nhà nông Việt Nam khác, tôi cảm thấy thư thái, vui vẻ, yêu đời khi hoà mình vào cây cỏ (Ở đây sống giữa thiên nhiên/ Người lớn tuổi có thể quên mình già – Nguyễn Đình Ảnh). Tôi vừa chăm cây vừa ngâm nga những câu thơ của Hoàng Trung Thông:

Bàn tay lao động

Ta gieo sự sống

Trên từng đất khô

Bàn tay cần cù

Mặc dù nắng cháy

Khoai trồng thắm rẫy

Lúa mọc xanh rừng

Hết khoai ta lại gieo vừng

Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta.

(Khoai chẳng thấy, vừng cũng không

Nhưng ta vẫn có cánh đồng riêng ta).