Lại Hồng Khánh: Đời và thơ

Có thể nói về Lại Hồng Khánh với ba chữ “Làm”: Làm lính, làm quan và làm thơ. Anh có năng khiếu thơ từ nhỏ. Vì thế những năm tháng tuổi trẻ Lại Hồng Khánh lên đường cầm súng chiến đấu, nhưng anh cũng không rời cây bút.

dt1af-1706842318.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

1. Mấy năm gần đây tôi mới có nhiều dịp được gần gũi anh, hiểu và thông cảm hơn với một nhà thơ “quan chức” như Lại Hồng Khánh. Hồi còn Hà Tây, cứ mỗi dịp anh em văn nghệ sỹ đi dự trại sáng tác hay đi thực tế ở đâu đó, Lại Hồng Khánh thường ghé thăm và có đôi lời phát biểu. Kết thúc dăm ba phút phi lộ, anh đọc thơ và ...chào tạm biệt. Chủ tịch hội Dương Kiều Minh đáp từ ông Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy và chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo. Hội viên vỗ tay. Lão giơ tay chào và rút êm. Vài lần như thế, tôi khó chịu nhưng chẳng “đến tai” Lại Hồng Khánh. Gặp bạn văn thân thiết, tôi nói ra điều này thì mọi người đều bảo “lão ấy tốt, tuy bận rộn công việc mà vẫn quan tâm đến với anh em mình như thế là quý rồi...”. Gần đây, tôi đã nói tất cả những suy nghĩ đó cho lão nghe. Lão cười, thời gian có thế, chú mà không thông cảm thì anh chịu. Quan trọng là anh đến với anh em thật lòng...

Tôi biết Lại Hồng Khánh qua thơ trước khi biết anh. Những năm 1980 của thế kỷ trước, tôi nhiều lần được đi dự trại viết của quân đội tổ chức. Được gặp và trở nên thân thiết như anh em với nhà văn Thái Vượng. Anh và Lại Hồng Khánh là lính miền đông Nam Bộ những năm chống Mỹ. Có lẽ họ cũng chưa quen biết nhau nhiều, nhưng Thái Vượng đã yêu mến Lại Hồng Khánh qua thơ. Sau này cũng vậy, tôi chỉ đọc những trang viết của Lại Hồng Khánh chứ chẳng mấy khi có dịp trò chuyện với anh. Nhờ có Thái Vượng (nhà văn mặc áo lính đã qua đời vì bạo bệnh), tôi mới biết Lại Hồng Khánh với “Trắng câu gọi đò”.

Có thể nói về Lại Hồng Khánh với ba chữ “Làm”: Làm lính, làm quan và làm thơ. Anh có năng khiếu thơ từ nhỏ. Vì thế những năm tháng tuổi trẻ Lại Hồng Khánh lên đường cầm súng chiến đấu, nhưng anh cũng không rời cây bút. Khi mặt trận ngớt bom rơi đạn nổ, Lại Hồng Khánh đã “Ghi dọc cánh rừng”. Từ chiến trường trở về, anh tiếp tục học đại học rồi trở thành ông cán bộ huyện. Nhưng thơ vẫn luôn đeo bám anh. Có lẽ, “chất lính” và nhà thơ Lại Hồng Khánh đã giúp anh làm tốt mọi công việc. Và vì thế chất Người trong Lại Hồng Khánh không bao giờ phai nhạt. Nhà thơ và “quan chức” Lại Hồng Khánh đã hòa làm một. Tiếp xúc với anh, mới biết anh đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho biết bao nhiêu bạn bè và đồng đội, đồng nghiệp bằng tấm lòng và sự tử tế theo đúng nghĩa của từ này. Công việc cho anh đi nhiều, biết nhiều và cảm thông với mỗi số phận mà anh từng đặt chân đến. Thời còn làm Giám đốc Sở Du lịch Hà Tây, Lại Hồng Khánh luôn quan tâm đến việc tuyên truyền quảng bá về vùng đất này. Anh đã tạo dựng được “Du lịch làng nghề”. Những làng nghề của người Hà Tây đang ngày một phát triển. Sau này, khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội để trở thành công dân thủ đô, Lại Hồng Khánh là ủy viên thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy. Tuy bận rộn công việc nhưng với thơ đã là “nghiệp chướng”. Nhiều bài thơ được anh sáng tác trong những chuyến đi. Có thể nói, đến đâu Lại Hồng Khánh cũng để lại những bài thơ dung dị mà sâu lắng. Trong chuyến công tác thăm các chiến sỹ ở Đảo Trường Sa hồi tháng 4 năm 2009, cảm xúc về một thời quân ngũ lại ùa về, anh viết:

Trường Sơn xẻ dọc thuở nào

Hôm nay rẽ sóng ta vào Trường Sa

Mát xanh những rặng phong ba

Nụ cười của đảo mặn mà biển khơi

Đây là Tổ quốc của tôi

Một miền biên viễn rạng ngời niềm tin

Việt Nam đất nước rồng – tiên

Vững vàng cất cánh trên miền biển Đông.

(Ghi ở Trường Sa)

Bây giờ bài thơ “tốc ký” Ghi ở Trường Sa không chỉ là thơ nữa, mà nó đã trở thành bài học truyền thống cho các chiến sỹ hải quân và những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Đến Đà Nẵng vào mùa hè 2011, Lại Hồng Khánh có bài Ghi ở Sơn Trà:

Về đây với biển Sơn Trà

Lắng nghe con sóng Hoàng Sa dội về

Dập dờn con nước Mỹ Khê

Một thành phố trẻ làm mê hồn người

Ngũ Hành Sơn sáng giữa trời

Cho ta đọng mãi nụ cười Hội An

Bà Nà mây quyện không gian

Mỹ Sơn trầm mặc gửi ngàn năm xa.

Bài thơ đã đến với ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ông đã viết thư Gửi lời cảm ơn sâu sắc về những tình cảm chân thành mà ông (Lại Hồng Khánh – QT) dành cho thành phố Đà Nẵng. Mong rằng, những tình cảm đó ngày càng thắm đượm và ông tiếp tục có những bài thơ hay về thành phố Đà Nẵng đang từng ngày đổi mới, phát triển.

Nhưng có một vùng đất mà Lại Hồng Khánh luôn quan tâm, đó là xứ Đoài. Hà Tây (cũ) là hợp lưu của hai dòng văn hóa. Văn hóa làng nghề và Văn hóa xứ Đoài. Khi hợp nhất về Hà Nội, hai dòng văn hóa ấy đã làm nên dòng chảy của Văn hóa Thăng Long. Hiện vùng đất này có Câu lạc bộ Văn nghệ sỹ xứ Đoài, được thành lập đã gần 20 năm nay, với hàng trăm hội viên. Vị chủ nhiệm mẫn cán và được mọi người kính trọng là họa sỹ Phan Kế An. Cụ là người vẽ chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên trên chiến khu Việt Bắc. Những tập Xứ Đoài thơ, những cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật hàng năm vẫn diễn ra đều đặn. Những cuộc hội ngộ đầu xuân của CLB, Lại Hồng Khánh luôn dành thời gian đến dự. Nhưng gần đây anh mới nhận ra, CLB tồn tại được đều phải đi vận động, quyên góp của các nhà tài trợ, những “Mạnh thường quân” mới có đủ kinh phí quá khiêm tốn để hoạt động. Có lần Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương, hiện là chủ nhiệm CLB phải thốt lên rằng, cứ đi xin thế này có lẽ tôi cũng không dám làm chủ nhiệm nữa...Câu chuyện ấy làm Lại Hồng Khánh phải suy nghĩ. Rồi một ngày đầu năm, anh cùng Ban Chủ nhiệm CLB VNS Xứ Đoài lên gặp Bí thư thành ủy Hà Nội. Có thể lắm, rồi đây CLB sẽ có nhiều điều kiện và kinh phí để hoạt động, góp phần không nhỏ, tạo dựng và phát huy một văn hóa Thăng Long tiên tiến, đậm đà bản sắc của các công dân Hà Nội.

2. Đầu xuân Quý Tỵ, tại Khu du lịch Tanda spa resort dưới chân núi Tản đầy thơ mộng, nhà thơ Lại Hồng Khánh cho ra mắt tác phẩm thơ văn chọn lọc “Với trắng câu gọi đò”. Bạn văn chương và người thân đến dự, chia vui cùng anh. Đặc biệt có cả bạn đồng niên, đồng ngũ. Lại có ông trưởng thôn ở quê lên, cả tổ trưởng dân phố nơi anh thường trú. Bạn bè bảo, ông Khánh làm “mặt trận” giỏi. Nhưng tôi nghĩ, đó là sự quảng giao và sống gần dân anh mới làm được như thế. Buổi ra mắt ấy vui từ đầu cho đến khi mãn tiệc. MC là nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà thơ Quốc Toản. Họ thỏa sức thăng hoa. Có lẽ mấy ai có được buổi ra mắt tác phẩm đông vui đến vậy. Mọi người đến với Lại Hồng Khánh không chỉ là văn thơ, mà đến với anh bằng tình bạn, tình người. Họ không chỉ bình những bài thơ đã đi vào lòng độc giả, mà họ còn đọc thơ chúc mừngbằng nghĩa tình bè bạn. Giờ đây, Lại Hồng Khánh đã nghỉ hưu, nhưng thời gian dành cho thơ và các cuộc đi sẽ chẳng bao giờ dứt. Và như thế, anh là một người hạnh phúc.

Tác phẩm “Với trắng câu gọi đò” được chia làm 3 phần. Phần 1 “Nỗi nhớ tháng năm” là những bài thơ trong mấy chục năm cầm bút của Nhà thơ Lại Hồng Khánh. Phần 2 là văn xuôi “Ghi dọc cánh rừng”. Lại Hồng Khánh nói về một thời tuổi trẻ và những năm đầu cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền đông Nam Bộ. Phần 3 là “Với bạn bè” của 20 tác giả viết về Lại Hồng Khánh trong nhiều năm qua.

Có thể nói, thơ và văn của Lại Hồng Khánh rất nặng tình, đầy trách nhiệm công dân. Đọc bài nào cũng vậy. Anh viết bằng cảm xúc được dồn nén để rồi bật ra những con chữ đầy vơi nỗi niềm. Thơ anh chân thật, giản dị, không cầu kỳ. Thậm chí đôi khi giản lược mà vẫn thắm tình. Vẫn biết, để nhớ được tên tác giả, người ta thường nhớ đến một câu thơ, hay một bài thơ của tác giả ấy. Lại Hồng Khánh đã có những câu thơ gieo vào lòng độc giả: “Nhớ ngày đồng trắng... lúa đâu/ Trắng trời, trắng nước, trắng câu gọi đò”. Tôi nghĩ, chỉ có người sống ở đồng chiêm trũng như Lại Hồng Khánh mới có được câu thơ đắng đót đến thế.

Lại Hồng Khánh đã bộc bạch, thưa cùng bạn đọc:

“Từ miền quê đồng chiêm nhọc nhằn lam lũ mà hiếu học, thảo thơm, thấm đẫm tình người. Tôi đến với văn học theo một lẽ tự nhiên của sự đam mê và một chút thi lộc trời cho như bao bạn bè cùng trang lứa.

Để rồi phù sa cuộc đời lắng lại, bồi đắp dưỡng dạy qua từng trang viết của mình. Ở đó có quê hương, người thân, đồng đội, tình yêu cùng bao miền đất mến thương và có cả những chân trời mới lạ...”

Và những lời mộc mạc, chân tình ấy, Lại Hồng Khánh đã thể hiện qua thơ như một lẽ tự nhiên. Thơ Lại Hồng Khánh là nỗi niềm về quê hương, tình yêu, đồng đội. Có những bài thơ “tốc ký” ngẫu hứng. Có bài thơ xót xa, đắng đót mà không bi lụy. Có bài đầy tính triết lý. Và những câu thơ như thế đã tạo nên chân dung nhà thơ Lại Hồng Khánh.

Mở đầu tác phẩm Với trắng câu gọi đò là bài thơ Rét đồng chiêm. Bài thơ anh viết về người cha lầm lũi ra đồng cùng chiếc riu tôm đã cũ trong cái rét cắt da cắt thịt để đổi lấy mấy lạng gạo sùng (thứ gạo rẻ tiền ở vùng đồng chiêm những năm 1960). Người đọc sẽ không khỏi xúc động khi đọc bài thơ này. Nơi ấy Lại Hồng Khánh sinh ra, lớn lên và cầm súng: Cánh đồng chiêm thân thuộc của ta/ Nơi nuôi sống bao cuộc đời lam lũ/ Nơi thắp sáng màu xanh xứ sở/ Nơi yên lành nhận giấc ngủ cha tôi.

Nhớ về mẹ. Lại Hồng Khánh liên tưởng tới Chiếc đòn gánh. Chỉ những người người mẹ, người chị, người em tảo tần, lam lũ mới gắn bó với nó: Đòn gánh mảnh/ Vít cong thời son trẻ/ Áo mồ hôi/ Muối đọng ngấn rồi.

Nghĩ về con. Trong một lần Con đi chợ huyện một mình, Nhà thơ nhắn nhủ và tiếp lửa cho con cần có nghị lực sống, vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời.: Cuộc đời những nắng, những mưa/ Gập ghềnh bao nẻo bất ngờ con ơi/ Đời đâu chỉ có nụ cười/ Mà còn nước mắt đẫm trời đó con.

Với tình yêu. Lại Hồng Khánh dường như trẻ lại. Và có lẽ Nỗi nhớ không tên sẽ là mạch nguồn cảm xúc cho anh làm thơ: Biết là chẳng thể gặp nhau/ Màn đêm thì mỏng nỗi đau thì dày/ Biết là tay chẳng trong tay/ Sao hơi thở ấy ấm đầy tóc anh.

Nhớ về đồng đội, Lại Hồng Khánh có Nỗi nhớ tháng năm. Sau ngày toàn thắng, người còn người mất, anh đã viết bằng nỗi xúc động và ám ảnh của người trong cuộc: Xin nhớ về đồng đội của tôi/ Hai mươi năm! Ai còn, ai mất/ Đang cùng những buồn vui thường nhật/ Có nhớ về một thuở miền Đông.

Cũng cần nói thêm rằng, thơ Lại Hồng Khánh đã được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc. Tập Giai điệu tháng năm gồm 36 bài thơ được các nhạc sĩ đồng điệu chắp cánh cho thơ. Phó Giáo sư, NGND Dương Viết Á nhận xét: Lại Hồng Khánh đã biết kế thừa và tiếp nhận văn học dân gian, âm nhạc dân gian, kho tàng vô giá của cha ông để lại. Song, đâu phải mọi con dân Việt nam đều là thi sĩ? Vẫn cần phải có (và không thể thiếu) một chút-hoặc một chút xíu - tài hoa, hay tài năng nữa. Lại Hồng Khánh đã cơ bản đạt tới 1% nghiệt ngã đó.

Với trắng câu gọi đò, có thể chọn ra được nhiều bài thơ hay, câu thơ hay. Việc này xin dành cho độc giả. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về Lại Hồng Khánh. Chỉ biết rằng anh đã sống, chiến đấu, công tác và làm thơ với một trách nhiệm công dân cao cả.

Đời và Thơ đến với Lại Hồng Khánh tự nhiên, trong sáng và mạnh mẽ. Tôi tin, trong một đêm bão gió, lặng lẽ và cô đơn Lại Hồng Khánh Không nhìn vào đâu cả. Nhưng anh đã nhận ra mình, nhận ra cuộc đời này rất cần những nhà thơ luôn cảm thông, chia sẻ với mỗi số phận con người: Khi không nhìn vào đâu cả/ Là lúc ta nhìn thẳng chính mình.

Q.T

Trái tim người lính