Lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam xanh

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) khẳng định, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, là một phần của con đường phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030" với những định hướng phát triển cụ thể theo hướng tăng trưởng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng là vấn đề được toàn ngành quan tâm thực hiện để phát triển bền vững.

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1962-9/7/2022), phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết chủ đề “Du lịch bền vững” nhằm làm rõ những nỗ lực, hành động của ngành du lịch, các địa phương trong việc phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và thúc đẩy chuyển đổi số.

baicon-dao-09072022-1657449525.jpg
Toàn cảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo và trung tâm hành chính huyện Côn Đảo. Ảnh: TTXVN/phát


Cụm từ “du lịch xanh” gần đây đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Du lịch xanh – một hướng đi có trách nhiệm, phù hợp với xu hướng chung của toàn cầu vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều đáng nói là ngành du lịch Việt Nam đã sớm hưởng ứng và thực hiện xu hướng này bằng những việc làm cụ thể để lan tỏa một hình ảnh Việt Nam xanh.

Hành động vì môi trường du lịch xanh

Côn Đảo – điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam mới đây đã khởi động chiến dịch giảm rác thải nhựa với thông điệp "Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương" với  nhiều hoạt động thiết thực. Đó là  triển lãm "Du hí biển nhựa" kết hợp "Ngày hội đổi rác lấy quà"; phát sổ tay giảm nhựa với thông điệp "Tôi chọn giảm nhựa" khi du lịch Côn Đảo tại một số khách sạn. Đây là chuỗi hoạt động bước đầu để mỗi cá nhân, mỗi khách du lịch khi đến Côn Đảo đều có thể đóng góp trách nhiệm xây dựng hình ảnh Côn Đảo tươi đẹp, giảm nhựa, sạch và trong lành.

UBND huyện Côn Đảo đã cam kết đưa nơi đây thành điểm đến giảm nhựa với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường vào năm 2025, trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Tập đoàn khách sạn Mường Thanh cũng là đơn vị tích cực áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả năng lượng điện, nước, hạn chế phát sinh rác thải gây ô nhiễm môi trường. Họ đã từng bước đưa các vật liệu thân thiện với thiên nhiên vào sử dụng trong hoạt động kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực tới môi trường và hệ sinh thái du lịch.

Trong tháng 7-8/2022, Tập đoàn Mường Thanh thực hiện chiến dịch hành động vì môi trường với thông điệp “For green world - Cho một Trái đất xanh”. Bà Lê Thị Thu Nguyệt, Giám đốc Marketing và Truyền thông của Mường Thanh: Điểm nổi bật của chương trình năm nay là chuỗi các hoạt động theo từng chủ đề cụ thể. Đó là “Green day - Green energy” đạp xe diễu hành xung quanh khách sạn và các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong khách sạn. Green life thực hiện dọn rác tại bãi biển, xung quanh khu vực khách sạn. Green dream trồng cây tại khuôn viên khách sạn... Đặc biệt, dự án trồng cánh rừng 30 năm "Ước mơ xanh" tại Mường Thanh Greenland Diễn Lâm (Nghệ An) sẽ góp phần khẳng định định hướng phát triển kinh doanh du lịch xanh, du lịch bền vững gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường của đơn vị.

Nhiều năm qua, Tập đoàn Mường Thanh đã rất tích cực triển khai các chiến dịch hành động vì môi trường… Trong đó, chiến dịch “Nói không với đồ nhựa- No plastic for green life” đã được thực hiện trong toàn hệ thống với việc thay thế toàn bộ ống hút nhựa bằng ống hút giấy; toàn bộ túi ni lông giặt là sang túi vải thân thiện với môi trường; cốc nhựa, hộp nhựa thay bằng cốc giấy, hộp giấy. Toàn bộ túi đựng ni lông các đồ dùng trong phòng lưu trú tại khách sạn được chuyển sang túi giấy thân thiện môi trường (túi đựng bông ngoáy tai, dao cạo râu, lược)... Giải chạy của đơn vị này cũng thu hút nhiều cá nhân tham gia, tổng số km chạy được quy đổi sang số tiền tương ứng, tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Bà Phi Thị Thu Khuyên, Giám đốc Marketing Paradise Vietnam chia sẻ, đơn vị đã được trao Giấy chứng nhận nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” vì thực thi tốt về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững,  đảm bảo thực hiện những giải pháp bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Đơn vị là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực tàu nghỉ dưỡng 5 sao trên biển nên luôn cố gắng giảm thiểu tác động tới môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững ở bất kỳ nơi nào một cách hợp lý nhất.

Đơn vị này đang vận hành quỹ “Green Halong Bay- Vì một Hạ Long xanh”, dành  ngân sách tài chính hàng năm để trang trải chi phí liên quan đến môi trường phát sinh từ hoạt động hàng ngày của tàu thuyền và văn phòng quản lý. Giấy báo cũ, tạp chí cũ không sử dụng được dùng để tái chế bọc vào thùng đựng rác khô  hoặc bọc một số  vật dụng khô. Ngoài ra, đơn vị cũng tái chế kính, pin, đèn huỳnh quang và bóng đèn dài, lon và hộp mực. Toàn bộ cán bộ công nhân viên và khách  du lịch của Paradise Vietnam  đều được khuyến cáo thực hiện chính sách “tắt khi không sử dụng” nhằm tiết kiệm điện năng, an toàn về phòng chống cháy nổ. Hóa chất làm sạch độc hại được thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các loại giấy tái chế bằng bìa xi măng, túi ti xăng để làm menu lịch trình đặt trong các  phòng, túi đựng đồ cho khách sử dụng...

Nhiều địa phương khác cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như Lâm Đồng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Lào Cai, Lai Châu,  Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp...

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho thấy, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm; khách không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày, trong đó tác thải nhựa chiếm khoảng 60%. Việc các điểm đến, cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành, du lịch thực hiện du lịch xanh là đã góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển bền vững, hài hòa

ch1lang-co-31032022-1657449758.jpg
 Phía hai chân đèo Hải Vân là phong cảnh hữu tình, thơ mộng, đậm chất quê với bờ cát trắng xóa, thuyền ngược xuôi, những chiếc lưới bung mở sẵn chờ cá. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

 

Sau đại dịch COVID-19, yếu tố bền vững, yếu tố xanh trong du lịch càng được coi trọng hơn trước. Nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn đã đi tiên phong trong du lịch xanh và bền vững, từ đó góp phần tạo ra xu hướng, làn sóng để toàn ngành phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, coi chất lượng môi trường, điểm đến làm tiêu chí sống còn tạo nên sức hấp dẫn. Đó là nền tảng vừa là mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu chia sẻ:  Thông điệp du lịch xanh thể hiện rõ nội hàm của du lịch bền vững, dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam, coi trọng yếu tố cân đối; không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá mà hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường. Trong ngành du lịch, sản phẩm du lịch xanh phát huy được thế mạnh yếu tố văn hóa bản địa, mang lại phúc lợi cho người dân, góp phần tạo diện mạo văn minh đô thị nông thôn. Du lịch xanh còn mang lại thông điệp hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân ở điểm đến với du khách...

Năm Du lịch quốc gia 2022 do Quảng Nam đăng cai tổ chức đã lựa chọn chủ đề "Điểm đến du lịch xanh". Đây là thông điệp lan tỏa cho toàn ngành du lịch, để thế giới biết đến Việt Nam về hình ảnh du lịch bền vững, du lịch xanh.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch): Quảng Nam là địa phương giàu tài nguyên du lịch, sở hữu 2 Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là  Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Chủ trương và định hướng xuyên suốt của Quảng Nam là “phát triển đề bảo tồn, bảo tồn để phát triển”. Trong đó, phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ các giá trị di sản, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái. Tỉnh đã thành công trong phát triển du lịch và bảo tồn. Mặc dù là điểm “nóng” thu hút khách du lịch, nhìn chung, Quảng Nam không bị phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái và không bị vượt quá sức chứa du lịch.

Đối với Hội An, Quảng Nam chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân làm du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống người dân. Tỉnh cũng thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đẳng cấp tại khu vực biển Cửa Đại và Nam Hội An để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đồng thời giảm áp lực cho các khu di sản.

ch2khach-quoc-te-2211202145-1657449893.jpg
Du khách tham quan vùng lõi Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

 

Đối với Mỹ Sơn, khu đền tháp được bảo tồn và phát huy ngày càng hấp dẫn và chiếm thiện cảm của khách du lịch. Môi trường, vệ sinh khu đền tháp rất sạch sẽ. Con đường đỏ uốn lượn dẫn vào khu di tích với hệ thống xe điện thân thiện với môi trường, tạo khung cảnh đẹp và ấn tượng cho du khách.

Ở Cù Lao Chàm, các biện pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường được thực hiện nghiêm ngặt trên đảo, từ khâu kiểm soát lượng khách thăm đảo, kiểm soát các dịch vụ du lịch và hoạt động tham quan, trải nghiệm trên đảo đến kiểm soát rác thải nhựa, phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch.

Quảng Nam đã cho ra mắt Bộ tiêu chí du lịch xanh gồm 6 bộ tiêu chí riêng biệt tương ứng với 6 loại hình du lịch dịch vụ trọng điểm. Các tiêu chí cụ thể là: Quản lý môi trường, điện năng - nước - nước thải - chất thải rắn - chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn - hỗ trợ cộng đồng địa phương - xây dựng và quản lý sản phẩm du lịch bền vững… Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành và áp dụng bộ tiêu chí đặc biệt này.