Nhân một môn thi lí luận văn học, khi được hỏi: “Bạn hãy nói sự khác nhau giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn?”, một sinh viên đã hồn nhiên đáp: “Thưa thầy, chủ nghĩa hiện thực giống như khi ta bảo gà trống chính là gà trống. Còn chủ nghĩa lãng mạn giống như khi ta bảo gà trống là chim ưng...”. Kết quả là vị giáo sư nọ rất đắc ý về câu trả lời độc đáo đó và cho anh ta điểm cao.
Câu trả lời của anh sinh viên kia chỉ là một cách hiểu (có phần đơn giản) về một nét nghĩa của chủ nghĩa lãng mạn. Đó là sự mơ mộng hão huyền, xa thực tế... Lãng mạn (nghĩa đen là “nước tràn bờ”, nghĩa bóng là “phóng túng, không gò bó”) là một mặt của đời sống đa chiều, là một khái niệm có chiều sâu triết lí. Chả thế mà vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19, Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học - nghệ thuật đã trở thành một khuynh hướng chủ đạo ở phương Tây, muốn phản ánh cuộc sống qua những cảm xúc mới lạ, với ước mơ nhân văn tươi sáng thông qua những hình tượng hư cấu chủ quan phóng túng của nghệ sĩ. Hẳn mỗi chúng ta vẫn còn lưu giữ trong tâm trí những trang viết hay, hấp dẫn, cảm động... của văn hào Pháp Victor Hugo qua tiểu thuyết lừng danh Những người khốn khổ hay những tác phẩm nổi tiếng khác của Alfred de Musset và George Sand,…
Nhưng đó là những vấn đề lí luận cao xa. Lãng mạn cũng có dăm bảy đường lãng mạn. Và dù có theo đường nào đi nữa, hình như người đời vẫn có một ấn tượng khá chung là, đã lãng mạn là thoát li hiện thực, thậm chí dễ đi vào mơ mộng, hão huyền. Vấn đề là, lãng mạn có cần và có nên trong một nhịp sống hối hả, nhiều chiều phức tạp, với quỹ thời gian vô cùng hạn hẹp trong thời đại ngày nay không? Khi mà mọi người đang khẩn trương, ai làm việc nấy cần mẫn, mà một anh chàng cứ nhởn nhơ ba hoa, thơ với phú, thì rất dễ bị người đời cho là... hâm đấy! Cuộc sống hiện đại (vốn thực dụng) lại càng không có chỗ cho sự bay bổng viển vông.
Song theo tôi, chính những thời điểm căng thẳng, lao động quá sức, người ta lại rất cần những khoảng thư giãn. Thư giãn không chỉ nghỉ ngơi, tạm dừng làm việc, mà lúc đó, một cử chỉ quan tâm “vượt ngưỡng”, hào hiệp,... là rất cần thiết.
Lãng mạn hợp lí là một nét “thăng hoa” của tình cảm, là sự “phá lệ” đáng yêu, một nghĩa cử nhân văn vốn không bao giờ cạn trong cuộc sống con người.
Một cô gái đột nhiên nhận từ chàng trai nọ món quà duyên dáng và bó hoa thật tươi nhân ngày sinh, kèm theo đó là một vài câu thơ tỏ tình chân thực, hơi “vụng” nhưng không kém phần tình tứ, chân tình. Hẳn là cô sẽ rất xúc động. Lại một cô gái khác, vừa qua căn bệnh hiểm nghèo. Đón cô ngay cổng bệnh viện có anh bạn cô. Đang chào hỏi, anh bạn vội bỏ áo khoác ngoài của mình choàng lên vai cô gái. Anh chợt nhận ra trời khá lạnh mà bạn mình mặc chưa đủ ấm. Lặng đi trong giây lát, mắt cô gái trẻ trung ngời sáng. Bởi qua hành vi đó, cô nhận ra sự sẻ chia - một phần giá trị của chàng trai. Một cử chỉ gallant thoả đáng, sẽ chứng tỏ sự hiểu biết, sự lịch lãm từng trải và phong cách ứng xử cần thiết của bất cứ người nào, đặc biệt đối với đàn ông. Bao chàng trai trẻ khoẻ, hái ra tiền, ấy vậy mà vẫn chưa “lọt mắt xanh” các nàng. Bởi lẽ, cách ứng xử cứng nhắc, chỉn chu nhưng đơn điệu, thiếu một chút “ga-lăng”, rất dễ bị các nàng cho là nhạt, không có chất “rồ-măng-tít” (romantic: người lãng mạn).
Albert Einstein - nhà bác học thiên tài của thế kỉ 20 - có lần, đã làm các sinh viên (và cả thầy giáo) ở Trường Đại học Bách khoa Zurich (Thuỵ Sĩ) ngạc nhiên vì ông đã mang cả cây đàn violon và “cò cưa” say sưa trong giờ học. Hoá ra, anh chàng Einstein si tình muốn làm vừa lòng cô bạn gái người Serbia là Mileva Maric mê nhạc Nam Tư. Ngay cả một bộ óc khoa học tầm cỡ như Einstein cũng lãng mạn thế cơ mà. Tại sao chúng ta lại không tìm một chút men lãng mạn, như một chất “xúc tác” cho cuộc sống thêm đẹp, thêm đáng yêu hơn nhỉ?