
Giữa tháng 4, Nghị quyết 60-NQ/TW của Trung ương Đảng được ban hành như một dấu mốc lớn trong tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Với chủ trương tổ chức lại 52 tỉnh, thành để hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới, Việt Nam sẽ có 34 tỉnh, thành thay vì 63 như hiện nay. Đó là một thay đổi lớn, không chỉ về mặt hành chính, mà còn là sự thay đổi về cách nhìn nhận và tư duy quản lý đất nước trong bối cảnh mới.
Kể từ năm 1975, Việt Nam đã nhiều lần sáp nhập và chia tách các tỉnh, với đợt sáp nhập lớn nhất vào năm 1976, giảm từ 72 xuống còn 38 tỉnh. Sau đó, từ năm 1989 đến 2004, nhiều tỉnh lại được tách ra, thành 63 tỉnh, thành. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ sáp nhập các đơn vị hành chính, giảm còn 34 tỉnh, thành để tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý.
Nay, trong thời đại công nghệ, giao thông và thông tin không còn bị chia cắt bởi đèo núi hay sông ngòi, việc thu gọn để tinh giản, hiệu quả hơn là điều tất yếu.
Có người hỏi: “Liệu sáp nhập có làm phai mờ bản sắc?” Câu hỏi ấy chính đáng. Nhưng nếu nhìn sâu, bản sắc không nằm ở tên gọi hành chính hay ranh giới địa lý, mà nằm trong tâm hồn, nếp sống, văn hoá… Những điều ấy không mất đi khi sáp nhập, mà có cơ hội lan tỏa, giao thoa, làm giàu thêm hồn cốt vùng miền.
Việc hợp nhất cũng là cơ hội để xóa bỏ sự cồng kềnh, trùng lặp trong tổ chức bộ máy, tiết kiệm ngân sách, tập trung nguồn lực cho phát triển. Thay vì nhiều trung tâm hành chính phân tán, giờ đây mỗi vùng sẽ có một điểm nhấn, một “thủ phủ” mới - nơi hội tụ trí tuệ và điều hành hiệu quả hơn. Như cây tre Việt Nam, đứng vững giữa bão gió nhờ sự gắn bó.
Từ sự thay đổi ấy, ta có thể rút ra một ý nghĩa sâu sắc: Cái lớn không phải là số lượng, mà là chất lượng. Cái mạnh không nằm ở việc đứng riêng, mà là biết hòa nhập để phát triển chung. Đất có thể đổi tên, nhưng lòng người phải hướng về nhau; chỉ có vậy, sự sáp nhập mới không chỉ là phép cộng hành chính, mà là sự cộng hưởng của tình đất, tình người, và khát vọng vươn lên.