Kỳ 36.
Nhìn chung, các tổ chức tiểu tư sản không có hệ thống tổ chức chặt chẽ, không có đường lối chính trị rõ ràng, hoạt động rời rạc, không có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng để đủ sức mạnh giải phóng dân tộc. Phản ánh thực chất non yếu của tầng lớp tiểu tư sản ở nước ta. Phong trào đấu tranh của tiểu tư sản nằm trong trào lưu phong trào yêu nước.
Phong trào công nhân: Ra đời trong cuộc khai thác lần thứ nhất và phát triển mạnh trong cuộc khai thác lần thứ hai nên phong trào công nhân ngày càng mạnh mẽ. Thời kỳ đấu tranh tự phát, công nhân tiến hành bỏ việc, phá hợp đồng. Từ năm 1919 đến năm 1922 có 2.219 vụ bỏ việc, phá giao kèo, trung bình mỗi năm có 55 vụ, năm 1923 có 730 vụ, 1924 có 847 vụ, 1925 lên đến 1.081 vụ. Công nhân đánh bọn cai ký, đốc công gian ác, đưa yêu sách cho chủ, biểu tình. Cao hơn là hình thức bãi công, hình thức đấu tranh chỉ riêng giai cấp công nhân mới có. Năm 1920, công nhân Sài Gòn lập tổ chức Công hội đỏ do cụ Tôn Đức Thắng lãnh đạo. Mùa hè năm 1922, công nhân ở các đồn điền và viên chức ở các sở công nghiệp Bắc Kỳ bãi công đòi nghỉ ngày chủ nhật có lương. Cuộc đấu tranh thắng lợi, bọn chủ phải chấp nhận yêu sách hợp lý này. Tháng 11 năm 1922, 600 công nhân thợ nhuộm Chợ Lớn bãi công chống chủ bớt xén tiền lương. Năm 1923, công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng bãi công. Năm 1924, hàng loạt các cuộc bãi công nổ ra ở nhiều khu công nghiệp và các đô thị lớn. Tháng 7 năm 1924 bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đòi tăng lương, bãi công của công nhân các nhà máy rượu Hải Dương, Nam Định thuộc hãng rượu Phông ten. Bãi công của công nhân nhà máy cưa Biên Hoà, nhà máy tơ, nhà máy xay xát Nam Định phản đối chủ bắt làm thêm giờ và thu được thắng lợi. Đầu năm 1925 công nhân nhà máy dệt Nam Định và mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) bãi công.
Thời kỳ đấu tranh tự giác: tháng 8 năm 1925 bãi công của 1.000 công nhân công binh xưởng Ba Son do Tôn Đức Thắng lãnh đạo đòi tăng lương 25%, đòi thu hồi lại những công nhân bị sa thải. Đây là lý do kinh tế để công nhân kéo dài việc sửa chữa tàu Mi sơ lê, làm chậm thời gian nó sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Cuộc đấu tranh thắng lợi đánh dấu bước chuyển từ tự phát sang tự giác của công nhân Việt Nam. Đấu tranh kinh tế kết hợp với đấu tranh chính trị, không chỉ biết đoàn kết công nhân trong nước mà còn hành động đoàn kết với công nhân và nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời: năm 1920 tại Pa ri (Pháp) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản mà điều kiện tiên quyết cho cách mạng thắng lợi là phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Năm 1924 Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô, quê hương của cách mạng tháng Mười. Tại đây Người hoàn thiện thêm tư tưởng cách mạng của mình, ra sức chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Đông Dương .
Tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một nhóm chiến sĩ trẻ tuổi trong tổ chức Tâm tâm xã rồi thành lập một tổ chức cách mang có xu hướng Mác xít là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Mục đích của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội là làm cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ đế quốc, phong kiến, lập chính quyền công nông và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, hệ thống tổ chức gồm 5 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và Chi bộ. Tổng bộ là cơ quan cao nhất giữa hai kỳ đại hội. Tổng bộ đầu tiên bao gồm Nguyễn Ái Quốc (Lý Thuỵ), Hồ Tùng Mâụ, Lê Hồng Sơn.
Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội mở trường chính trị, bồi dưỡng cho cán bộ những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lê nin, về đường lối cách mạng, về phương pháp tổ chức quần chúng. Từ năm 1925 đến 1927 trường mở được 10 khoá, bồi dưỡng được 200 học viên. Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo chung và là giảng viên chính của các khoá huấn luyện. Huấn luyện xong một số được đi học tiếp tại Đại học Phương Đông (Liên Xô) như Trần Phú, Lê Hồng Phong v. v. Phần lớn học viên được cử về nước vận động nhân dân, truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam và vào phong trào công nhân, xây dựng cơ sở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở những đô thị, trung tâm văn hoá chính trị, kinh tế quan trọng, ở đồn điền, hầm mỏ, nhà máy. Ban đầu 90% hội viên là trí thức tiểu tư sản, 10% là công nhân và nông dân, về sau tỉ lệ công-nông tăng lên.
Tháng 6 năm 1925, Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội xuất bản tờ báo “Thanh niên” bằng chữ quốc ngữ, mỗi số in vài trăm bản. Đến tháng 4 năm 1927, báo ra được 88 số. Báo giáo dục lòng yêu nước, nêu cao truyền thống bất khuất của dân tộc, khơi sâu lòng căm thù đế quốc Pháp và tay sai, nêu lên nguyên lý xây dựng Đảng Cộng sản, phác thảo con đường cách mạng Việt Nam theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lê nin; giới thiệu chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, đấu tranh chố ng tư tưởng cải lương tư sản trong phong trào giải phóng dân tộc. Báo “Thanh niên” đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào phong trào công nhân, vào nhân dân, chuẩn bị tư tưởng cho sự ra đời của Đảng.
Một tài liệu khác đóng vai trò không kém phần quan trọng trong chuẩn bị tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng là tác phẩm “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. “Đường cách mệnh” nêu mục tiêu của cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập tự do. Dân tộc cách mạng gắn bó mật thiết với giai cấp cách mạng có nhiệm vụ đánh đổ tư bản, phong kiến, giải phóng quần chúng công nông. “Đường cách mệnh” xác định động lực của cách mạng Việt Nam là công nông, tư sản dân tộc, tiểu tư sản là đồng minh, bầu bạn của cách mạng. Tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng cách mạng Việt Nam đoàn kết với cách mạng thế giới, chỉ ra nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác Lê nin. “Đường cách mệnh” cũng chỉ ra tầm quan trọng của phương pháp tổ chức, phương pháp hoạt động cách mạng, xác lập đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng Việt Nam. Tác phẩm nêu tôn chỉ, mục đích, cách tổ chức, nội dung và phương pháp hoạt động của công hội, nông hội, phác thảo cương lĩnh của cách mạng Việt Nam.
(Còn nữa)
CVL