Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 33)

27/01/2023 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 33.

Như vậy, công cuộc khai thác lần thứ nhất và lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng làm cho nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế thuộc địa phong kiến, kinh tế tư bản đan xen với kinh tế phong kiến, quan hệ tư bản đan xen với quan hệ phong kiến trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Những giai cấp cũ còn tồn tại, những giai cấp mới ra đời trong hoàn cảnh mất độc lập. Giai cấp phong kiến cấu kết với đế quốc thực dân, làm tay sai trung thành cho thực dân Pháp. Xã hội thuộc địa nửa phong kiến cũng in đậm trong cơ cấu chính trị, trong nhà nước thực dân thuộc địa. Từ đó xã hội Việt Nam tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa toàn dân tộc Việt Nam mất độc lập với đế quốc Pháp xâm lược, mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản thứ nhất, Việt Nam phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đánh đuổi đế quốc Pháp. Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản thứ hai Việt Nam phải tiến hành cuộc cách mạng dân chủ tư sản, đánh đổ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân. Hai cuộc cách mạng này phải tiến hành đồng thời, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong các cương lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Đông Dương gọi gộp hai cuộc cách mạng này là hai chiến lược cách mạng hay là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đó là cương lĩnh giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Có nghĩa là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo, được tiến hành bằng phương pháp cách mạng vô sản và sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp. Như vậy cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới, tức là làm nhiệm vụ cách mạng tư sản nhưng do giai cấp vô sản lãnh đạo.

IV:PHONG TRÀO ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TỪ 1900 ĐẾN 1919.

Phan Bội Châu và cuộc vận động giải phóng dân tộc. Phong trào Đông du (1901-1908). Vào đầu thế kỷ XX, do cuộc khai thác lần thứ nhất của Pháp, kinh tế xã hội Việt Nam chuyển biến đã làm chuyển biến tư tưởng, từ đó xuất hiện những xu hướng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Vả lại, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo xu hướng và phương pháp cũ đã rhất bại. Một số sĩ phu phong kiến thức thời tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản Tây Âu đã khởi xướng lên phong trào giải phóng dân tộc theo xu hướng tư sản mà người tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu.

b1a7122010hoai12153249650-1674718633.jpg

Cụ Phan Bội Châu (1867-1940).Ảnh tư liệu

 

       

 Phan Bội Châu sinh năm 1867 ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tháng 5 năm 1904 Phan Bội Châu thành lập Hội Duy tân ở Quảng Nam. Tham gia Hội có các sĩ phu như Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Kỳ ngoại Hầu Cường Để (cháu 6 đời vua Gia Long) được tôn làm Hội chủ. Mục đích của Hội Duy tân là dùng vũ trang bạo động đánh đuổi giặc Pháp, thành lập quốc gia độc lập theo chế độ quân chủ nghị viện. Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật Bản để đánh Pháp. Hội tổ chức phong trào Đông du, đưa thanh niên Việt Nam sang du học ở Nhật. Ngày 20 tháng 1 năm 1905 Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ sang Nhật, tiếp xúc với Khang Hữu Vi, Lương Khải Sưu, Tôn Trung Sơn. Chính do sự tiếp xúc này mà cụ Phan Bội Châu hiểu thêm về tư tưởng dân chủ tư sản. Năm 1908, số du học sinh Việt Nam  ở Nhật Bản tăng lên 200 người trong đó 100 người ở Nam kỳ, 50 nguời ở Trung kỳ, 50 người ở Bắc kỳ. Với sự giúp đỡ của các chính khách Nhật Bản Khuyển Dưỡng Nghị, Phúc Đảo, Đại Ôi bá tước, du học sinh Việt Nam được vào học trường Đông Á đồng văn thư viện của  Đông Á đồng văn hội-một tổ chức truyền bá văn hoá của Nhật Bản. Ở trong nước, Phan Bội Châu liên kết với nghĩa quân Yên Thế của cụ Đề Thám, tranh thủ các nhà hào phú, quyền quí quan lại, tín đồ Thiên chúa giáo, binh lính thuỷ quân, lục quân ngưòi Việt trong quân đội pháp, các đảng, hội, giới phụ nữ, con em các tầng lớp trên và học sinh hải ngoại. Như vậy, Phan Bội Châu là người đầu tiên đưa ra tư tưởng đoàn kết rộng rãi để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, do hạn chế của nhãn quan chính trị, Phan Bội Châu chưa thu hút được công-nông vào mặt trận và chưa thấy được họ là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Phan Bội Châu cũng là người đầu tiên gắn đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh thống nhất đất nước. Dù đã nhìn thấy sự thối nát của giai cấp phong kiến nhưng Phan Bội Châu không thấy được giai cấp này là đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng. Ông đề cao dân quyền và đề cập đến quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Phan Bội Châu tuy chủ trương bạo động chống Pháp nhưng ông không bài xích xu hướng cải cách ôn hoà của cụ Phan Chu Trinh. Ông là người đầu tiên mở ra xu hướng hướng ra bên ngoài để tìm con đường giải phóng đất nước. Ông và các đồng chí của ông đã để lại những áng văn chương tràn ngập tinh thần yêu nước, cổ vũ nhân dân đứng dậy đánh đuổi quân thù, giải phóng dân tộc.

          Phong trào Đông du lên mạnh làm cho thực dân Pháp lo ngại. Chính quyền Pháp đã thương lượng với chính phủ Nhật. Tháng 9 năm 1908 chính phủ Nhật giải tán Đông Á đồng văn thư viện và trục xuất 200 du học sinh Việt Nam về nước. Phong trào Đông du thất bại vì cụ Phan Bội Châu dựa vào Nhật  chống pháp là điều không tưởng .

Do ảnh hưởng của cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc năm 1911 (Cách mạng Tân hợi), Phan Bội Châu chuyển từ lập trường quân chủ lập hiến sang tư tưởng cộng hoà. Tháng 5 năm 1912 tại Quảng Đông (Trung Quốc) Phan Bội Châu thành lập tổ chức cách mạng Việt Nam quang phục hội với tôn chỉ mục đích đánh đuổi quân Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập Cộng hoà dân quốc Việt Nam (Phan Bội Châu niên biểu). Việt Nam quang phục hội không có cơ sở trong nước nên ngay từ đầu hoạt động của Hội đã bộc lộ tính chất phiêu lưu. Trong niên biểu Phan Bội Châu viết: Bây giờ chúng tôi tìm đường sống qua muôn vàn cái chết, chỉ nghĩ có bạo động mà thôi. Xuất phát từ đó, Việt Nam quang phục hội thấy phải làm một cái gì đó kinh thiên động địa để đánh thức đồng bào, “kêu gọi hồn nước”. Việt Nam quang phục hội đã gây ra một số vụ nổ. Ngày 13 tháng 4 năm 1913, người công nhân lái xe Phạm Văn Tráng  gây ra vụ nổ, giết chết tên tuần phủ Nguyễn Duy Hàn. Ngày 26 tháng 4 năm 1913, người công nhân lái xe lửa Nguyễn Văn Tuý  ném tạc đạn vào khách sạn Hà Nội (phố Tràng Tiền) giết chết hai tên trung tá Pháp. Thực dân Pháp khủng bố bắt giam hàng trăm người, xử tử 7 chiến sĩ yêu nước. Giữa thảng 1 năm 1916, Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam. Việt Nam quang phục hội thất bại.

          Giữa năm 1924, Phan Bội Châu về Quảng Châu gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó cụ cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng phỏng theo chương trình và điều lệ của Quốc dân đảng Trung Quốc. Ngày 30 tháng 6 năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải và đưa cụ về xử ở Toà án đề hình Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh rầm rộ của nhân dân, Pháp phải đưa Phan Bội Châu về giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Ông mất năm 1940 tại Huế.

          Phan Bội Châu là người tiêu biểu cho một giai đoạn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông là người yêu nước, nhiệt tình cách mạng và luôn điều chỉnh quan điểm, hành động cho phù hợp với thực tế, với thời cuộc thay đổi. Từ lập trường quân chủ nghị viện năm 1904, Phan Bội Châu chuyển sang xu hưóng cộng hoà năm 1911. Năm 1924 khi tiếp xúc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được biết cách mạng tháng Mười Nga, ông rất cảm tình với đất nước Xô Viết. Phan Bội Châu tìm ra một trong những nhân tố thành công của cách mạng Việt Nam là đoàn kêt dân tộc để tạo nên sức mạnh. Ông cũng là người đầu tiên chỉ phương hướng ra nước ngoài tìm con đường cứu nước.

Xu hướng ôn hoà cải cách của Phan Chu Trinh: Phan Chu Trinh sinh năm 1872 ở Tiên Phước, Quảng Nam, đỗ Phó bảng năm 1901, 1903 làm Thừa biện Bộ lễ. Trong khi Phan Bội Châu chủ trương bạo động để giải phóng dân tộc thì Phan Chu Trinh muốn dựa vào thực dân Pháp, đánh đổ nền quân chủ chuyên chế, giành tự do dân chủ cho nhân dân. Theo Phan Chu Trinh nhờ dựa vào Pháp cải cách mà trình độ dân trí, dân khí của nhân dân ta được nâng cao, khi đó mới nói đến việc giành độc lập dân tộc. Chủ trương của Phan Chu Trinh được sự ủng hộ của Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên (Quảng Nam), Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Thiết, Nguyễn Mai, Lê Đình Cẩn (Quảng Ngãi), Đặng Nguyên Cẩn (Nghệ An). Vì chủ trương ôn hoà cải cách nên Phan Chu Trinh kịch liệt phản đối chủ trương bạo động chống Pháp của Phan Bội Châu.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 33)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn