Liệt sĩ, Nhà báo, Nhà thơ Thôi Hữu - Tác giả bài thơ "Lên Cấm Sơn"

Liệt sĩ, Nhà báo, Nhà thơ Thôi Hữu (1921 – 1950) tên thật là Nguyễn Đắc Giới, bí danh là Trần Văn Tấn, bút danh Tân Sắc, sinh năm 1921 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Thôi Hữu tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1943, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1944, Thôi Hữu bị giặc bắt, kết án 5 năm tù, giam ông tại Hỏa Lò. Ông trốn tù, tham gia hoạt động cách mạng tại ngoại thành Hà Nội theo phân công của tổ chức. Xông xáo, can đảm, Thôi Hữu lập được nhiều chiến công, là một trong những người lãnh đạo tài giỏi của Đảng bộ Hà Nội thời đó…

dt1av-1711072605.jpg
 

dt2abn-1711072685.jpg

Nhóm Họa sĩ trẻ của “Trái tim người lính” vừa phục dựng màu cho di ảnh thờ của Liệt sĩ, Nhà báo, Nhà thơ Thôi Hữu.

 

Từ năm 1946, Thôi Hữu bắt đầu gắn bó với báo chí Cách mạng. Kháng chiến bùng nổ, Thôi Hữu gia nhập quân đội, cũng tham gia làm báo kháng chiến. Lên Việt Bắc, Thôi Hữu là thành viên Ban biên tập các Báo Vệ Quốc Quân và Báo Sự Thật. Ông luôn tâm niệm rằng: Khi đã dấn thân vào nghề báo cần phải dành tất cả tâm sức cho nghề, cho sự sống và chiến đấu của nhà báo cách mạng. Và ông nhanh chóng trở thành một nhà báo chiến sỹ và thành công trong công việc. Ở mảng văn xuôi, chính luận, ký, tùy bút, bình luận… Thôi Hữu là cây bút viết khỏe, chắc, giàu cảm xúc của con người lăn lộn và trưởng thành từ thực tiễn phong trào cách mạng; cùng Trần Đăng, Trần Độ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Thâm Tâm… là những Nhà văn, Nhà báo tên tuổi thời đó, làm nên một diện mạo văn nghệ, báo chí đậm đà, rực rỡ… Về báo chí, Thôi Hữu ghi đậm nét tên tuổi khi ông được phân công về Báo Sự Thật, tiền thân của Báo Nhân Dân ngày nay.

dt3akh-1711072763.jpg
 

Ủy viên Ban biên tập Báo Sự Thật Nguyễn Đắc Giới - Nhà báo, Nhà thơ Thôi Hữu, anh dũng hy sinh ngày 16/12/1950, tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, trên đường đi công tác khi mới chớm tuổi 30. Mộ của ông hiện đặt trong Nghĩa trang liệt sỹ Vô Tranh… Ông không được chứng kiến sự kiện đáng nhớ là chỉ sau ngày ông hy sinh hơn 3 tháng, ngày 11/3/1951, Báo Sự Thật nơi ông làm việc đã được Bác Hồ cho đổi tên thành Báo Nhân Dân để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Theo số liệu thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam: Trong các cuộc kháng chiến, hơn 500 nhà báo đã hy sinh khi tác nghiệp ở khắp các chiến trường. Thôi Hữu là một trong số đó. Nhà báo Thép Mới trong bài "Thương nhớ Thôi Hữu", viết sau ngày ông hy sinh, đăng trên Tạp chí Văn nghệ, số 25, đã khẳng định: Thôi Hữu là một nhân cách đặc biệt của làng báo, làng văn trẻ tuổi của chúng ta hiện nay…

Thôi Hữu còn là một Nhà thơ. Nhiều bạn đọc còn nhớ bài thơ “Lên Cấm Sơn” (đăng Báo Vệ Quốc Quân, số 21, ngày 15/4/1948) nổi tiếng của Thôi Hữu. Đây là bài thơ hay bởi ở đó toát lên hơi thở của tự do, hiện thực khắc nghiệt của cuộc kháng chiến gian khổ, là sự thật xót xa, rung động và tinh thần chiến đấu:

Tôi lên vùng Cấm Sơn

Đi tìm thăm bộ đội

Đây bốn bề núi, núi

Heo hút vắng tăm người

Đèo cao rồi lũng hẹp

Dăm túp lều chơi vơi

Bộ đội đóng ở đó

Cách xa hẳn cuộc đời

Ngày ngày ngóng đợi tin xuôi ngược

Chỉ thấy mây xanh bát ngát trời

Họ đã từng dự trận

Từ Tiên Yên, Đầm Hà

Về An Châu, Biển Động

Thấm thoắt hai năm qua

Cuộc đời gió bụi pha xương máu

Đói rét bao lần xé thịt da

Khuôn mặt đã lên màu tật bệnh

Đâu còn tươi nữa những ngày hoa!

Lòng tôi xao xuyến tình thương xót

Muốn viết bài thơ thấm lệ nhoà

Tặng những anh tôi từng rỏ máu

Đem thân xơ xác giữ sơn hà

Quây quần bên nến trám

Chúng tôi ngồi hàn huyên

Bao giờ vinh nhục

Bao nhiêu phút ưu phiền

Của đời người chiến sĩ

Đêm thâu kể triền miên:

"Có khi gạo hết tiền vơi

Ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng

Có đêm gió bấc lạnh lùng

Áo quần rách nát lá dùng che thân

Khó khăn đau ốm muôn phần

Lấy đâu đủ thuốc mặc dần bệnh nguôi

Có phen chạy giặc tơi bời

Rừng sâu đói rét, không người hỏi han".

Đến nay họ về đây

Giữ vững miền núi Cấm

Thổ phỉ quét xong rồi

Đồn Tây xa chục dặm

Kiến thiết lại bản xóm

Bị giặc đốt tan tành

Trên nền tro đen kịt

Vàng hoe màu mái gianh

Họ đi tìm dân chúng

Lẩn trốn trong rừng xanh

Về làm ăn cày cấy

Tiếp tục đời yên lành

Tiếng hát lừng vang trong gió núi

Ngày vàng ngân giọng trẻ ê a

Ở đây bản vắng rừng u tối

Bộ đội mang gieo ánh chói loà

Ở đây đường ngập bùn phân cũ

Xẻng cuốc khua vang điệu dựng nhà

Ở đây những mặt buồn như đất

Bộ đội cười lên tươi như hoa.

Họ vẫn gầy, vẫn ốm

Mắt vẫn lõm, da vàng

Áo chăn chưa đủ ấm

Ăn uống vẫn tồi tàn

Nhưng vẫn vui vẫn nhộn

Pháo cười luôn nổ ran

Lòng tôi bừng thức tình trai mạnh

Muốn viết bài thơ nhộn tiếng cười

Tặng những anh tôi trong lửa đạn

Qua nghìn gian khổ vẫn vui tươi.

Hà Nội, ngày 22/3/2024

Trái Tim Người Lính (Sưu tầm và biên soạn)

Bùi Thế Giang

Bùi Thế Giang

20:35 22/03/2024

Bài thơ “Lên Cấm Sơn” thấm đẫm tình người. Bài viết cũng thật giàu cảm xúc; sẽ hay hơn nhiều nếu không có những hòn sạn lớn như viết rằng Thôi Hữu hy sinh ngày 16/12/1950 trong khi bức ảnh chụp bia mộ Thôi Hữu ghi rất rõ ngày Thôi Hữu hy sinh là 06/12/1950!