Lỡ hẹn mùa Thu - càng nhớ về nguồn cội - quê hương Cách mạng Tân Trào

Do phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống CoVid 19, chúng tôi đành phải lỡ hẹn với đồng nghiệp TTXVN tại Tuyên Quang chuyến thăm mùa Thu về quê hương cách mạng Tân Trào (Sơn Dương).
71a-1629346149.jpg
 

Đoàn cựu sinh viên lớp sử khoá 13 (1968 - 1972) Đại học tổng hợp Hà Nội (cũ) chụp ảnh kỷ niệm tại lán Nà Nưa (trước đây gọi là lán Nà Lừa) mùa Thu năm 2019. Ảnh: Vũ Quang Đán

 

Bị lỡ hẹn, chúng tôi vô cùng luyến tiếc, càng nhớ kỷ niệm chuyến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào mà mùa Thu năm 2019  của đoàn cựu sinh viên lớp Sử khoá 13 (1968 - 1972) Đại học tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

71b-1629347391.jpg

Là những người học sử, nghiên cứu về lịch sử đến nay đều đã U70, U80, trải qua nhiều lĩnh vực công tác đã về hưu, nhưng chuyến hành hương cách nay 2 năm về với Khu di tích Quốc gia đặc biệt quê hương cách mạng Tân Trào chính là về với nguồn cội, chúng tôi như được sống lại không khí hào hùng, sục sôi của cách mạng “Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam”. Chúng tôi được lắng nghe những câu chuyện xúc động về Bác Hồ “Ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường...”, về sự gian khổ của thời kỳ đầu kháng chiến trong cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử năm xưa như một lời nhắc nhở về đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Về đây, một lần nữa, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn sự hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước để chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.

71c-1629347497.jpg
Hai ảnh trên: Các cựu sinh viên lớp sử khoá 13 (1968 - 1972) Đại học tổng hợp Hà Nội (cũ) chụp ảnh kỷ niệm tại cây đa Tân Trào mùa Thu năm 2019. Ảnh: Vũ Quang Đán.

Về Tân Trào là về với chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Ghé thăm lán Nà Nưa,  cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái…, Đặc biệt là đình Tân Trào là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17-8-1945. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng; thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định Quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra, đến ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Hà Nội và cả nước trong khí thế sục sôi cách mạng đã biểu tình thị uy chiếm Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân.

dinh-tt-1629351658.jpg
Đình Tân Trào nơi họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17-8-1945.

Qua nghe thuyết minh, chúng tôi đều cảm nhận mỗi địa danh ở Tân Trào trong chuỗi các di tích lịch sử, gắn bó với Bác Hồ từng nhiều năm sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng. Mỗi sự kiện lịch sử cách mạng nơi đây đều liên quan đến vận mệnh dân tộc trước Cách mạng Tháng 8… Chúng tôi có dịp hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc những ngày Tháng 8/1945 lịch sử, càng thêm yêu quê hương, đất nước, không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mọi thế hệ người Việt. Quê hương cánh mạng Tân Trào còn chứa đầy những dấu tích cách mạng về “cuộc đổi đời kỳ vĩ” trong tiến trình lịch sử đất nước, mở đường đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới độc lập, tự do, trải qua bao gian lao để "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.

Ấn tượng vẫn còn ghi nhớ trong mỗi chúng tôi là Mái đình Hồng Thái, Cây đa Tân Trào được xem là "trái tim", là biểu tượng của Chiến khu Việt Bắc. Ngày nay, Tân Trào trở thành một “địa chỉ đỏ” - điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang, thu hút nhiều du khách.

71d-1629347956.jpg
Đình Hồng Thái thuộc thôn Cả, xã Tân Trào (Sơn Dương- Tuyên Quang) là nơi Bác dừng chân đầu tiên. Đình Hồng Thái được chọn làm nơi đón tiếp các vị đại biểu về dự Quốc dân Đại hội vào ngày 16 và 17-8-1945. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng 

Khu di tích lịch sử Tân Trào thuộc địa phận xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, cách TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) hơn 40 km. Nơi đây có các địa danh gắn liền với những câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu: "Mình đi mình có nhớ mình/ Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa/  Mình về mình có nhớ ta/ Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào". Vùng đất Tân Trào lịch sử từng là trung tâm "Thủ đô khu giải phóng”, trung tâm “Thủ đô kháng chiến”, nơi từng diễn ra những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

71e-1629348185.jpg
Đường từ TP Tuyên Quang đi về khu di tích lịch sử ATK Tân Trào. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng

Mùa thu tháng 8 năm nay tuy chưa trở lại thăm quê hương cách mạng Tân Trào nhưng qua trao đổi và những hình ảnh truyền qua Zalo điện thoại thông minh, các đồng nghiệp TTXVN tại Tuyên Quang báo tin: 76 năm đã trôi qua, giờ đây, quê hương cách mạng Tân Trào đổi thay sâu sắc. Con đường tới quần thể di tích lịch sử Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, đến tận bản làng, ngỏ xóm đã được trải rộng, bê tông hóa, sạch đẹp. Nhà sàn mái ngói, nhà mái bằng của đồng bào các thôn bản đã khang trang, đẹp hơn trước rất nhiều, tạo diện mạo mới của quê hương cách mạng. Các điểm di tích trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào thường xuyên được đầu tư tu bổ, tôn tạo, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả để đón du khách trong nước và nước ngoài về thăm. Đó cũng chính là lý do mà Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mọi thế hệ người Việt.

Mùa thu Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, mở ra một trang sử mới, trang sử hào hùng nhất suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần cách mạng tháng Tám đã hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Dòng chảy ấy sẽ còn chảy mãi từ thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau.

VXB

Trần Nhung

Trần Nhung

12:51 19/08/2021

Bài hay. Tình cảm tâm huyết.