Lối ứng xử văn hoá thời Cảnh Hưng

Cảnh Hưng là niên hiệu của vua Lê Hiển Tông (20 tháng 5 năm 1717 – 10 tháng 8 năm 1786). Thời này, nhà Hậu Lê đã mất thực quyền. Thời Cảnh Hưng, giai đoạn nhà Hậu Lê còn có tên gọi khác là thời Lê Trung Hưng. Tuy đời sống chính trị có nhiều biến động, nhưng việc cư xử thời này được cho là rất văn hoá.
cb8b29cb868b6fd5369a-1649172091.jpg
Hình minh hoạ vua Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng). Nguồn internet

 

Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ, danh sĩ nổi tiếng sống vào thời Cảnh Hưng, cho biết, khi ông còn nhỏ, đương về thời thịnh “phong tục hãy còn chuộng về trung hậu, mọi người hàng ngày giao tiếp với nhau vẫn có ý dễ dàng, giữ thói khiêm nhượng; ai làm điều gì xằng bậy chỉ sợ người ta biết mà chê cười”.

Đoạn này cho thấy, thời Cảnh Hưng, con người sống đôn hậu, khiêm nhượng, không dám làm điều xằng bậy. Phạm Đình Hổ cũng nói rằng, những kẻ hoạn quan quý thích và những kẻ con em vô lại, cũng chưa dám công nhiên làm càn; có kẻ nào không theo lễ pháp mà làm càn thì những bậc phụ lão nhà lương gia ngầm đem những chuyện ấy răn con cháu.

Như vậy, không những bậc thường dân sống có phép tắc, mà đến quan, người nhà quan cũng sống theo lễ pháp, chưa dám công nhiên làm càn. Còn khi có họp hành hương đảng, hay yến ẩm, thì con cháu, tức những người ít tuổi thường không được dự.

“Chỉ những người cao tuổi, đầu đã hoa râm trở lên, mới được dự ; còn trai trẻ trở xuống, giá có mời đến dự cũng đều nhút nhát lùi lại cáo từ. Có việc gì bàn luận thì chỉ bậc tôn trưởng cao tuổi quyết định, còn những hàng dưới thì chắp tay nghe theo”, Phạm Đình Hổ viết.

Không chỉ viết về lối ứng xử, Phạm Đình Hổ cũng cho biết rằng, khi làng xóm vào đám xuân thu tế tự, hoặc có gọi con hát đến hát thờ thần, thì cỗ bàn và tiền thường không xa xỉ lắm. Người nào làm hơi quá, thì ai ai cũng cười mà bác rằng không phải thành lệ của tiền nhân.

Còn khi thết rượu khách, chén cũng dùng chén nhỏ, uống có vài chén, vì nếu say thì sợ người ta chê cười. Tuy thời Cảnh Hưng được ca ngợi là thế, nhưng Phạm Đình Hổ còn cho rằng, từ đời Long Đức, Vĩnh Hựu trở về trước, cho là đời ấy phong tục còn hồn hậu hơn nhiều.

Qua bàn luận của Phạm Đình Hổ về lối ứng xử của người Việt thời phong kiến, mà ở đây là thời Cảnh Hưng, ta thấy rằng, lối ứng xử có văn hoá luôn làm cho cuộc đời đẹp hơn. Đọc lại người xưa để biết đời nay có bằng không, mà ứng xử sao cho đúng, cho phải phép, và phải lễ.