Lưới quác

Lưới quác là loại nghề ven bờ, đánh bắt ngay trên khu vực biển của làng mình; là loại nghề huy động số lao động đông nhất. Trên mỗi thuyền có đến bốn năm chục người nam nữ, già trẻ, lớn bé của vài chục gia đình cùng tham gia. Có nghề này, các làng chài bãi ngang vui hẳn lên trong những ngày đầu năm. Lưới quác làm cho dân chài yêu biển, yêu người hơn thông qua lao động trên sóng nước.
bien-quang-nam-1654788192.jfif
Chú thích ảnh

                                      

Tái hiện nghề này bằng ngôn ngữ nhằm để các thế hệ mai sau biết được các loại nghề biển truyền thống đã từng tồn tại trên xứ biển ngang đất Quảng.

Không biết từ thời nào, trên bãi biển ngang Quảng Nam xuất hiện nghề lưới quác. Đây là một loại nghề đánh bắt có nhiều nét văn hoá biển khá đặc sắc, nhưng do tính hiệu quả, do sự  phát triển nên hiện nay dáng dấp, cách thức của nghề lưới quác chỉ còn trong sự tiếp biến và hình thành các loại hình nghề biển khác.

Trước đây khoảng 40 năm, đầu tháng Giêng đến giữa tháng Ba từ Non nước, Điện Dương ở phía Bắc Quảng Nam vào tới cửa An Hoà phía mút cánh Nam đất Quảng, ở các vạn chài nam-phụ-lão-ấu đều có mặt trên bãi biển, dưới mặt nước gần bờ để làm nghề lưới quác. Mỗi làng biển ngang có chừng chục chiếc ghe làm nghề lưới quác. Không có ghe chuyên làm lưới quác mà đó là nghề đánh bắt kết hợp gần và xa bờ. Trong những tháng giêng, hai, ba trời thường nổi lên những trận tố bất ngờ, ngư dân không dám đi khơi. Những chiếc ghe mành dắt, mành chốt được chủ ghe tổ chức làm lưới quác ven bờ.

Chủ ghe huy động khoảng trên 20 ngư dân góp lưới, góp trủ tạo một giàn lưới dài độ 1 km. Ở hai đầu mút giàn lưới là lưới sưa, xỏ lọt bốn ngón tay, lần vào trong là lưới ba, lưới hai, lưới một, ngay chính giữa là trủ và đảy. Trủ dệt bằng chất liệu tơ tằm thô, mắt trủ hình vuông, xỏ lọt đầu đũa. Đảy bằng nhợ gai, mắt lưới rất nhỏ. Đảy và trủ là phần chắc nhất của giàn lưới. Mỗi năm lưới được nhuộm một lần. Giàn lưới được tháo ra, phần của ai thì đem về tự nhuộm lấy. Sau đó tập trung, sươn lại (kết lại) đúng vị trí ban đầu. Luới nhuộm bằng lá thị. Ngư dân lên nguồn mua lá thị đem về bỏ vào cối đá giã nhỏ, ngâm ra màu nâu sẩm, gạn lấy nước để nhuộm. Nhuộm nhiều nước, phơi khô lưới đen bóng, sươn thành giàn, chất lại thành đống và được bảo vệ trong một cái khum lợp bằng tranh sen, đặt tại nơi cao ráo trên bãi biển.

Mùa giêng hai, trời yên biển lặng, cá áp sát chớn câu đục, cách bờ độ non cây số, các vạn chài đều đồng loạt ra biển đánh lưới quác. Sáng sớm, ngư dân gánh ghe ra mép sóng, bơi đến những chỗ thường có cá áp sát bờ. Một người khoẻ mạnh cầm mối dây lớn bằng nửa cổ tay được kết vào đầu giàng lưới lội vào bờ, buộc mối dây vào đòn gánh ghe. Có mấy người đàn bà chờ sẵn trên bờ, liền ngồi dằn trên cây đòn, giữ cố định giàn lưới không bị trôi dạt. Ngoài khơi, ghe bơi nhanh thả lưới bao tròn một khoảng mặt nước độ 1 ha. Khi lưới thả hết xuống biển, một người bơi giỏi nhảy xuống nước, bơi kéo múi dây vào bờ. Trên bờ, đàn bà, trẻ con, người già lập tức xúm kéo mối dây. Mỗi người thủ sẵn một đoạn dây nhỏ buộc ngang thắt lưng, ở đầu kia mối dây đó có một cái gút, móc cái gút mắc cứng vào dây thừng nối với giàn lưới ngoài khơi. Họ xếp thành hàng dọc, cách 2 mét một người, chân tì chắc vào đất, nghiêng người phía sau, đi thụt lui, kéo căng dây thừng đưa lưới vào gần bờ. Bọn đàn ông cũng nhảy xuống nước, bơi  vào cùng kéo lưới. Lưới được kéo đến mực nước thích hợp, người còn trên ghe ra hiệu cho người trên bờ chéo hai mối dây, kéo tiếp cho hai đầu giàn lưới gần lại, ghì lưới cố định vào khoan ghe. Sau đó mở dây lưới nối lưới với người kéo trên bờ. Người trên bờ đang kéo căng dây, bất ngờ bị thả lỏng ở đầu kia, ngã ngửa trên cát. Họ lại ngồi dậy, tiếp tục kéo dây không vào bờ. Đàn ông trai tráng bơi lại ra ghe, kéo lưới.

 Giàn lưới bao quanh, chì kéo triên (viền) đáy sát đất, phao là những ống tre một, hai, ba lóng căng triên trên nổi ngang mặt nước, cá không thoát ra được. Kéo đến đoạn lưới một, vòng lưới thu hẹp, bạn lặn lấy găm làm bằng tre dài độ hơn gang tay, hai đầu có móc, ngậm vào miệng, kẹp hai triên đáy vào đùi, lặn xuống nước, kéo đáy kết lại. Bạn thợ khẩn trương kéo lưới, bạn lặn liên tục lần theo triên đáy găm lưới, găm trủ tạo thành cái lòng chảo giữa biển. Lũ cá bị vây kín, không thể qua triên trên, triên dưới cũng bị hàn kín. Cá quần tụ sít rịt, nhất là những lúc vây được những món (bầy) cá ngừ, cá sòng, cá trích… áp sát bờ thì càng đặc nước. Một người giỏi nhất bọn, lặn lộn đảy từ phía trong ra phía ngoài để cá chui vào đó. Cái đảy rất to, cá đầy đảy xúc được cả ghe. Gặp những bầy cá lớn, đảy nặng cả tấn không thể trục lên ghe được, người ta dùng vợt xúc bớt cá từ dưới nước. Những lúc như vậy, phải vẫy ghe khác đến vây một lớp lưới bên ngoài, đề phòng toạc đảy, toạc trủ cá thoát đi hết. Nếu được cá nhiều, bạn thợ đe nón ra hiệu, đàn bà ở trên bờ quắn quíu chạy về nhà đem gióng, thúng ra gánh.

Được cá, ngư dân tổ chức chia phần. Phương thức ăn chia khá phức tạp. Phần công, phần tài sản như: ghe, lưới, trủ đều qui ra điểm như công điểm hợp tác xã nông nghiệp hay cổ phần xí nghiệp.

Phần công phụ thuộc vào chất lượng lao động: thợ chính 15 điểm; thợ chính cộng thêm công lặn thành 18 điểm; Phụ nữ kéo dây trên bờ 7 điểm; trẻ con dưới 14 tuổi 5 điểm, đứa nào khoẻ mạnh làm giỏi ăn ngang điểm với phụ nữ…

Phần tài sản, phần ghe 25% tổng số điểm, phần lưới, trủ ngang phần ghe. Căn cứ từng loại lưới trủ sưa dày, tốt xấu mà định số điểm theo đơn vị chiều dài là sải. Ví dụ mấy sải lưới ba được tính một điểm; mấy sải trủ được một điểm…cộng dồn tất cả, qui 5 điểm thành 1 phần (cổ phần), ghi vào sổ làm căn cứ ăn chia. Vào sổ cho có lệ vậy thôi, bạn thợ thuộc lòng hết công điểm của từng người. Khi ăn chia thực tế, đôi khi có phần phát sinh của  những người đi phụ, đi hôi. Những người này cũng được ăn công từ 5- 7 điểm.

Mỗi ghe lưới quác thường chỉ có một vài người được tín nhiệm đứng ra chia phần. Đó là người “chí công vô tư” nhất bọn. Ai là người nhắm phần trội hơn để hốt thì không những không được đứng chia phần mà còn bị cộng đồng dị nghị, không ai ưa. Khi chia phần người ta luôn trí lại phần chung, dành làm quỹ để chi phí cúng bái đột xuất và cuối năm…

Nghề lưới quác chỉ tập trung vào mùa xuân. Khi ấy biển ngang ở Quảng Nam nhộn nhịp lắm. Mỗi vạn chài có khoảng vài chục chiếc ghe lưới quác. Và mỗi sáng, từ lúc chưa tỏ đất, dân chài đã xếp theo mối dây, đứng hàng dọc dày bãi biển kéo lưới. Khi mặt trời lên vài ba sào, ghe đã cập bờ. Trong lúc kéo lưới họ đứng gần bên nhau rất dễ nói chuyện. Thôi thì các ông, các bà biển tha hồ kể chuyện tiếu lâm, cao hứng còn hát đối đáp nam nữ. Lúc ngồi đợi ghe cập bờ, các bà xúm lại treo chọc lẫn nhau, vui lắm.

Sau khi ghe cập bờ, bãi biển ở các vạn chài được phủ kín bằng lưới quác. Lưới được trải trên cát, phơi khô. Chiều đến, khi mặt trời còn vài sào, ngư dân lại ra biển ngồi trên cát tìm chỗ lưới rách, trủ thủng để vá, để mạn. Tất nhiên phần lưới của ai thì tự sửa chữa lấy. Nhưng phải có người kiểm tra chung, nhất là ở phần trủ và đảy. Bởi rủi bị toạc ở đâu đó, đều thiệt hại chung cả ghe. Sau khi kiểm tra xong, họ lại vác lưới chất lên ghe thành một đống vuông xủn ở khoang giữa.

Đó là nói chuyện lưới quác hành nghề theo lối bình thường. Nhưng tuỳ theo con nước, cá lại áp sát vào bờ vào buổi chiều. Trong khoảng thời gian thường có cơ hội như vậy, ngư dân khẩn trương vác lưới lên ghe lúc già trưa, quay ghe sát mép nước, leo lên gò cao ngồi ngắm ra biển. Nhiều ngư dân lão luyện, tỏ mắt phát hiện từ rất xa những món cá áp sát bờ. Họ hú rân, bạn thợ chạy nhanh, tập trung xô ghe, bơi nhanh vây món cá. Các bà ở trong nhà cũng quơ nón, chạy vội ra bãi kéo lưới. Đánh xong vác lưới trời tối mịt, ghe cập bến phải đốt đèn gió chia phần. Được cá nhiều, đàn bà vạn chài thức cả đêm muối cá, hấp cá, gần sáng chạy chợ. Trẻ con theo lời cha mẹ xách cá đi cho những gia đình không có người làm biển hay những nhà cập ghe không chiều hôm ấy. Và, những đêm như vậy, làng chài thật chộn rộn, sáng rực như đêm 30 tết.

Lưới quác là loại nghề ven bờ, đánh bắt ngay trên khu vực biển của làng mình; là loại nghề huy động số lao động đông nhất. Trên mỗi thuyền có đến bốn năm chục người nam nữ, già trẻ, lớn bé của vài chục gia đình cùng tham gia. Có nghề này, các làng chài bãi ngang vui hẳn lên trong những ngày đầu năm. Lưới quác làm cho dân chài yêu biển, yêu người hơn thông qua lao động trên sóng nước. Người xa quê, xa biển mỗi khi nghĩ về biển là hình ảnh sinh động của vạn chài thân thương trong những ngày mùa lưới quác lập tức hiện lên trong tâm trí. Sự biến dạng và mất đi của loại hình nghề lưới quác là tất yếu trong quá trình phát triển. Song từ khi nghề lưới quác biến mất, làng biển ít dân dã và buồn tẻ hơn.

Lưới quác là loại hình nghề truyền thống hàm chứa sâu xa tinh thần hợp tác, tình nghề, tình người góp phần hình thành nhiều tập tục tốt trong cộng đồng và tính cách người dân biển xứ Quảng. Có lẽ, trong tương lai nghề này cần và sẽ được phục hồi trên các bãi ngang Quảng Nam, khi mà du lịch văn hoá biển phát triển mạnh mẽ.