Lý kéo chài : Lời ca hào sảng giữa trùng khơi

Thể loại lý Nam bộ thường gắn liền với cuộc sống lao động nơi ruộng đồng, sông nước, nhưng riêng lý kéo chài là niềm vui của những ngư dân giữa trùng khơi.

 

keo-chai-1652513549.jpg
Cảnh kéo chài – Ảnh minh họa

 

Khắp ba miền đều có thể loại lý, nhưng phong phú nhất vẫn khu vực Nam bộ. Có khoảng 200 điệu lý mà người dân Nam bộ thường dùng hàng ngày trong lễ hội, trên sông nước và đề tài cũng rất phong phú. Chẳng hạn về món ăn có lý bánh bò. Muông thú và vật nuôi có lý quạ kêu, lý ngưạ ô, lý con chim manh manh, lý con trâu… Địa danh thì có lý Năm Căn, lý cảnh chùa… Giao duyên thì lý chiều chiều, lý con sáo sang sông, lý con sáo Gò Công, Lý qua cầu, lý cái mơn… Có những điệu lý tưởng như nói về cây cối, loài vật nhưng nội dung lại nói về tình nghĩa phu thê như lý con sam, lý bụi chuối…

Một điểm chung của những điệu lý là ca từ ít khi trau chuốt và thường mộc mạc giống như tính cách người Nam bộ, miền sông Tiền, sông Hậu hay miệt rừng Cà Mau. Những bài lý nói về nghĩa vợ chồng, trong bài lý con sam kết lại bằng một lời khuyên rằng "cái duyên là nhờ vợ nên đừng quên nhau". Lý bụi chuối là câu chuyện về anh chồng nằm say chỏng vó ngoài bụi chuối kêu "bớ vợ" và vậy là chị vợ đem mền ra đắp cho và hai người cùng ngồi hàn huyên.

Nhiều người cho rằng, dân ca Nam bộ và những điệu lý của miền đất này mộc mạc, chân chất như vậy là bởi hoàn cảnh ra đời của phần lớn thể loại này là từ cuộc sống lao động, làm ruộng, bơi thuyền, đánh cá, săn bắt… Thiên nhiên trù phú tạo nên cốt cách con người ngay thẳng và thể lý cũng chân chất, đi thẳng từ trái tim người hát đến trái tim người nghe. Lý Nam bộ thường gắn liền với miền sông nước, đồng ruộng, thắng cảnh, chin thú, cây cối… Song trường hợp của bài lý kéo chài thì có phần khác biệt. Đó là điệu lý của những người đi biển thường ít thấy trong thể loại dân ca này ở Nam bộ.

Người đi biển thú nhất là những ngày trời trong ấm nắng. Ngày nắng biển lặng, lúc phù hợp dong buồm ra khơi, thể nào rồi cũng cá nặng đầy khoang và khoái cảm đến như câu hát mở đầu điệu lý vậy: "Nắng lên rồi căng buồm cho khoái". Lời ca nghe rất Nam bộ đầy phóng túng và hào sảng. Buồm căng lên no gió mang lại một miềm hào hứng, một lạc thú. Lời ca tươi tắn cùng nhịp 3/5 của bài hát khiến người nghe như lạc trong sóng biển giữa trùng khơi và trong cuộc chống chèo vật lộn với sóng cả. Nhưng người thủy thủ trên con thuyền nhỏ nhoi bất chợt trở nên mạnh mẽ khác thường. Nhịp điệu của ca khúc cũng khá khác thường trong thể loại lý. Nó khiến người ta nhớ đến thể hò như hò kéo chài, hò hụi - cũng là bài ca của những ngư dân Nam bộ.

Lời ca khỏe khoắn, sảng khoái như thế có lẽ chỉ được cất lên sau những giờ lao động mệt nhọc nhưng hiệu quả giữa biển cả. Đó là lúc "gác chèo lên ta nướng khô khoai". Nếu ai từng đi biển với những ngư dân sẽ cảm được niềm vui khi thưởng thức hải sản được làm khô giữa nắng và gió biển. Những mực "một nắng", cá "một nắng" sẽ mang lại trải nghiệm khó quên giữa biển cả bao la trong những ngày êm trời lặng sóng. Theo những ngư dân miền biển tỉnh Kiên Giang mà tôi từng tiếp xúc thì cá khoai phơi khô trong lời bài hát không phải là một thứ sản vật quá đặc biệt về hương vị nhưng khó kiếm vì nó chỉ xuất hiện về cuối năm cho đến ra Tết. Chính vì thế bắt được cá khoai cũng được xem là cơ may. Có lẽ vì thế mà nó xuất hiện trong bài lý.

Nhưng điều đó chẳng phải quan trọng gì cho cam. Chủ đích mà những nghệ sĩ ngư dân muốn hướng tới đó là niềm vui được mùa cá, niềm sảng khoái khi con người nhỏ nhoi làm chủ được biển cả bao la. Vì thế cứ "bỏ ghe mà nghiêng ngả", mặc cho "không ai chống chèo". Đó là những phút lênh đênh phiêu du nhưng đang tự tin.

Bài lý kết thúc có vẻ như là một ca khúc chưa mấy hoàn thiện. Người nghe hiện đại ưa sự xuôi tai và thậm chí là phải thời thượng. Chính vì thế mà có những lúc ta thấy đâu đó vẫn có những phần lời thứ hai, thứ ba được soạn mới cho bài lý trở nên dễ nghe, đỡ cụt ngủn. Thế là bóng dáng những anh chàng say khướt trên thuyền xuất hiện trong ca khúc. Nghe có vẻ logic với cảnh gác chèo lên nướng khô khoai rồi bỏ ghe mà nghiêng ngả mặc cho không ai chống chèo. Nhưng kỳ thực là say khướt là điều khá kỵ với những người đi biển thực thụ. Trên một chiếc thuyền đánh cá, mỗi thủy thủ đều là yếu nhân. Chỉ một người say khướt thôi đã khiến công việc bị trễ nải chứ chưa nói đến những hiểm nguy có thể ập đến lúc nào giữa biển khơi.

Ừ thì nhiều khi người ta vẫn chấp nhận những thứ ngoài logic, thiếu thực tế trong những ca khúc. Đó cũng là một thứ cuộc sống của âm nhạc và thậm chí cần cho sáng tạo. Chỉ là với bài lý mộc mạc này thì sự chưa hoàn thiện đó sẽ giúp chúng ta hình dung được phần nào cuộc sống lao động của ngư dân ngày xưa khi điều kiện đánh bắt thiếu thốn mà không hề thiếu niềm vui.