Mấy lời vào sách Triệu Vết Chân Kiến

Nhà NCPB Văn Giá

30/09/2021 08:24

Theo dõi trên

Quan sát trong giới nhà văn Việt Nam, riêng nhà văn viết cho thiếu nhi chiếm số lượng khá khiêm tốn. Giải thích cho điều này, không phải như ai đó nói rằng văn học thiếu nhi chưa được coi trọng.

trieu-vet-chan-kien-phung-thien-1632930741.jpg
Bìa cuốn sách Triệu vết chân kiến của nhà văn Phụng Thiên

Tôi vẫn cho rằng, viết cho thiếu nhi, không phải cứ muốn mà được. Tôi biết có không ít nhà văn cũng muốn viết cho thiếu nhi, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, và hễ động bút vào là hỏng chuyện.

Thì hóa ra, lý do chỉ ở một điểm này thôi: anh phải có “căn”, nghĩa là sinh ra là để viết và được viết cho trẻ thơ. Thật vậy. Đừng ai cho tôi là thần bí hóa công việc viết cho tuổi thơ. Nhưng rõ ràng, viết cho tuổi thơ vẫn là một vùng ánh sáng kỳ diệu và thanh khiết vào bậc nhất mà nhiều người dẫu muốn cũng không dễ bước chân vào.

Nói vậy để tôi muốn bày tỏ tình yêu của tôi đối với cây bút trẻ Phụng Thiên, tác giả của tập truyện dài Triệu vết chân kiến này.

Truyện tập trung kể về cuộc phiêu lưu của chú kiến vàng, nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm. Trong suốt hành trình của mình, kiến ta gặp nhiều biến cố, va chạm nhiều loài vật khác nhau, va chạm cả với thế giới con người (được gọi là thế giới người khổng lồ).

pgsts-van-gia-va-phung-thien-1632931076.jpg
Nhà NCPB Văn Giá và Phụng Thiên (áo trắng)

Trung thành với tinh thần “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, tác giả đã để cho chú kiến ưa phiêu lưu, khám phá này một niềm đam mê, một ý hướng được mở rộng tầm mắt, được thám hiểm vào thế giới ngoài mình. Từ đây, nhiều tri thức về động vật học, côn trùng học của tác giả được huy động, làm nên những trang viết thú vị.

Nhưng “sàng khôn” ở đây cũng còn là những trải nghiệm, ứng xử mang tính nhân văn, trong đó có nhiều bài học về đạo lý, về chiêm nghiệm, về lẽ ăn lẽ ở ở đời. Những nhắc nhớ có tính đạo lý nhẹ nhàng mà không kém phần thấm thía.

Đọc sâu vào tác phẩm mới thấy ngoài chú kiến vàng đáng yêu này, hiếm  thấy “đồng loại” nào có cùng niềm đam mê phiêu lưu như chú. Sau này có chú Kều theo chân chú kiến vàng đi được mấy hành trình, nhưng cuối cùng cũng sớm chia tay. Phiêu lưu được hiểu như một đức tính, một năng lực, một phẩm giá của nhân loại. Mọi phát minh lớn của nhân loại bao giờ cũng là kết quả của những cuộc phiêu lưu quả cảm và đẹp đẽ. Có lẽ tác giả cũng muốn ngụ ý điều này?

Tôi vẫn cứ nghĩ: phải có một tâm hồn thánh thiện và mẫn cảm lắm mới có thể viết hay được về/cho tuổi mới lớn. Lòng không trong veo, không cực bén nhạy với thiên nhiên, tạo vật sẽ không thể có nổi những trang  văn “hài đồng” như thiên truyện này.

Liệu đã phải là quá sớm khi nói rằng Phụng Thiên dường như có căn viết cho tuổi mới lớn chăng?

Thiên truyện Triệu vết chân kiến là một món quà xinh xắn dành cho tuổi thơ. Nhưng không chỉ tuổi thơ, đối với người lớn, cũng sẽ có không ít những ý vị xôn xao…

 

Bạn đang đọc bài viết "Mấy lời vào sách Triệu Vết Chân Kiến" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn