Mẹ

Phạm Thoa

29/09/2021 17:37

Theo dõi trên

Nhớ về mẹ, tất cả bây giờ chỉ là một nỗi xót xa chất chứa, là một tình yêu thương đầy nước mắt. Mẹ, người đàn bà không biết quê gốc của mình ở đâu, cha mình là ai, đem yêu thương chắt chiu, gói gém cả vào cho chồng cho con, cho bạn bè, và cả cho những người cơ nhỡ.

242575665-1844758589045652-8045655227131667260-n-1632882987.jpg
Ảnh minh họa - nguồn internet

Tôi chỉ biết quá khứ về mẹ những gì qua bà ngoại kể, và thi thoảng khi bố tôi nhắc đến Người; Bởi mẹ là người kín tiếng, ít nói, chẳng bao giờ thấy mẹ phàn nàn, trách móc ai. Xung quanh mẹ, ai cũng là người tốt, nếu họ bảo hết gạo, nếu nhà còn mẹ sẵn sàng chia cho họ dù chỉ còn một bữa. Mẹ hay kể bà ngoại tôi đẹp lắm, nhất là mái tóc của ngoại, mượt và dài, chứ không như tóc mẹ (vừa xoăn vừa cứng, vừa thưa). Cũng bởi bà ngoại đẹp, nên bà bị ép gả thay trả nợ cho nhà ông ngoại, món nợ mà như bà nói, họ cố tình, khi cụ ngoại, một ông giáo ốm chết, không có tiền mua áo quan, họ mang sang một cỗ cho cụ, tang ma xong, họ tính lãi, khi nợ quá nhiều, họ bày cách gả bà để xóa nợ. Bà ngoại về làm dâu, nhưng là phận tôi tớ, bởi nhà họ đã có bà cả, bà hai, họ chỉ cần bà đẻ con trai để nối dõi tông đường... Cũng bởi vậy nên một ngày cuối năm, khi nghe trâu gõ mõ về chuồng, mẹ tôi bế dì tôi chui qua lỗ hổng ở tường rào làng theo bà ngoại trốn đi. Không biết bao nhiêu ngày, bao đường đất, đến một gốc đa bên đường quốc lộ, ở vùng Bờ Đậu thuộc tỉnh Thái Nguyên bây giờ, bà tôi dừng lại, làm cái lán nhỏ bán nước cho khách qua đường nuôi mẹ và dì tôi.

Mẹ lớn lên như củ khoai, củ sắn với những người bạn thuở nhỏ ở vùng đồi trung du ngày ấy, rồi một buổi chiều đang tung tăng theo các bạn chăn trâu trên đồi thì bỗng khuỵu xuống xỉu đi không biết gì nữa, mãi sau này bà ngoại nói lại là các bạn của mẹ, cõng mẹ chạy về gọi ầm ĩ lên, bà ngoại chạy ra đỡ thì thấy người mẹ nhũn như bún, nóng như hòn than, bà nhờ người đỡ vào nhà xoa dầu, xức gió... mà mẹ vẫn không tỉnh, một tuần rồi một tháng, đúng ngày mưa to, gió bão đầu tháng 7 mẹ không thở nữa, mọi người bảo mẹ chết rồi, chỉ chờ tan bão gió là đem ra đồng chôn. Bà ngoại tôi ngồi như hóa đá nhìn con gái nằm, bà không còn sức để khóc, bà đã mất đứa con nhỏ cũng chỉ qua một cơn sốt, giờ đến lượt đứa lớn, đứa con thông minh, nhanh nhẹn suốt ngày muốn đi học, nhưng bà không cho, bà không muốn con gái bà xô vào giới có học, không hiểu sao bà ghét cái sự học, nếu không học, mù chữ, cứ lang thang trên đồi núi, nhem nhuốc chẳng ai để ý, lớn lên lấy một người hiền lành, chân quê sẽ sống an yên và tự tại... Cũng bởi cái suy nghĩ cực đoan ấy, mà bà bắt mẹ đi chơi với lũ trẻ trâu, không cho học gì cả, mười ba tuổi mà mẹ như đứa trẻ 7-8 tuổi, bé, vô tư và ngờ nghệch... cũng bởi vậy mà bà kiên quyết không cho người đàn ông nào đến gần, ba mươi tuổi, bà còn mặn mà lắm, cái duyên mái tóc đuôi gà, làn môi cắn chỉ, con mắt tròn đen sâu thẳm như nước hồ thu, đôi lông mày cong vút không cần tỉa tót (mẹ và sau này các con, cả trai lẫn gái đều được thừa hưởng gien lông mày đó từ bà), biết bao người đánh tiếng muốn bà đi bước nữa...

Cái gì đến sẽ đến, hôm đó trong cơn mưa sầm sập như nhấn chìm tất cả tia hy vọng của bà vào xoáy nước của con sông trước mặt, thì ông bước vào, cả người ông sũng nước, độc một chiếc tay nải* (1) chàm nhỏ đeo bên vai, bên hông cài một con dao quắm. Bà biết ông, mẹ cũng biết ông, vì ông là một thày mo* (2) và cũng là một ông lang có tiếng, thi thoảng rẽ vào quán, khi thì điếu thuốc, chén rượu, có khi chẳng mua gì mà chỉ cho mẹ một ống cơm lam, một dây bánh mật, hoặc cái bánh lá ngải rồi đi, thi thoảng lại thì thầm với bà ngoại điều gì đó, nhưng thường là hôm đấy ông đi ngay vì bà ngoại không những chẳng cho ông uống nước mà còn mời ông ra để bà đóng quán sớm... Sau này mẹ bảo là ông muốn cưới bà. Ông vào thấy bà ngồi bên mẹ héo như tàu lá, ông cầm tay bà lắc mà không có phản ứng gì (đó là sau ông kể). Ông lại bên chỗ mẹ nằm, lật tờ giấy đậy mặt mẹ, sờ cổ tay rồi hỏi bà ngoại “Con bé bị lâu chưa, nó chưa chết đâu, có muốn chữa cho nó không?” lúc này bà mới mở mắt ra nhìn sững vào ông rồi nói như một cái máy “Ông chữa cho nó đi, nó khỏi ông muốn gì cũng được”. Ông nhìn bà rồi phẩy tay, lui cui tìm củi đốt một đống lửa cạnh chỗ mẹ nằm rồi thủng thẳng “Ái dà! Muốn cái gì chứ, tao muốn lấy mày thôi, mày giữ lửa đừng để tắt, đợi tao về nhé”. Nói xong rồi vẫn nguyên bộ quần áo ướt sũng lúc đến, ông lao ra ngoài trời mưa đi đến sớm hôm sau mới về. Trên vai ông vác một bó lá, nách cắp thêm hai cục củi to bằng đùi người lớn. Ông vứt phịch bó lá xuống bên cạnh mẹ tôi, ngồi xuống chất cả hai cây củi ướt nhẹp vào đống lửa, mặc nước ròng ròng trên mặt,trên người rỏ xuống từng vũng trên nền nhà. Ông hơ từng nắm lá trên lửa cho nóng, xếp lên người mẹ từng lớp, từng lớp rồi cuộn chặt người mẹ như bó lá. Khơi lửa to lên, rồi ông mới đi thay quần áo...

Mẹ tôi được cứu sống, bà ngoại về sống với ông, sau này mẹ lấy bố tôi, chúng tôi chỉ biết có mỗi ông, gọi ông là ngoại. Mãi sau này khi tôi lớn lên, mỗi lần bới tóc sâu cho bà, bà kể rủ rỉ dần dần chuyện của mẹ, tôi mới biết những chỗ lõm sâu trên bắp tay, bắp đùi của mẹ là do ông bắt con sâu xương ra... Mẹ yêu bố, lấy bố, bà ngoại không đồng ý, bà bảo bố đã không cha, không mẹ, không nhà cửa, quê hương thì thôi, l vừa già (hơn mẹ những hai mươi tuổi), vừa nghèo, lại là thương binh sọ não... Nhưng ông thì bảo:  Ây da! Thằng khươi* (3) này tao thích vớ, nó vừa hiền lành lại biết quí người... Bà giận ông, đuổi mẹ, vứt quần áo của mẹ ra đường (vỏn vẹn mỗi một bộ bà ba (ấy là bố tôi bảo). Mẹ nhặt quần áo vào trại thương binh với bố. Cả trại thương binh B2 ngày ấy, bố bảo hơn 600 người, ai cũng vui mừng vì cô cấp dưỡng, kiêm hộ lý nhỏ nhắn, duyên dáng, nhanh nhẹn như con chim sẻ ai cũng yêu, cũng quí đã làm dâu của trại. Ông giám đốc trại đứng ra tổ chức đám cưới cho bố và mẹ theo nếp sống mới. Bên nội có hẳn 600 anh em, có ông bố nuôi làm giám đốc trại thương binh, bên ngoại chỉ có một mình ông bố dượng của cô dâu... Rồi cô bé con là tôi ra đời trong một đêm, giữa những tháng ngày bận rộn cả nước nhộn nhịp lo cho cuộc kháng chiến, trại thương binh có thêm nhiều bệnh nhân, buổi sáng sau đêm mẹ sinh, trại thương binh cử người ra tìm bố và mẹ, vì đã sáng rồi mà chưa thấy bóng dáng của đôi vợ chồng chim chích không có mẹ, có chú không chịu ăn. Khi nghe tin mẹ sinh, các bác, các chú ai cũng vui, tíu tít gửi đường, sữa (tiêu chuẩn mà chỉ có các thương binh nặng mới có) cho con bé Tẹo (bố bảo mày bé như cái kẹo, nên mọi người gọi chệch đi là tẹo). Bố còn bảo tôi sướng nhất vì chẳng bao giờ phải nằm một mình, ai bế mà ọ ẹ là bị mắng luôn, bị đòi không cho bế nữa... Đường, sữa, chiến lợi phẩm thu được của bọn Pháp, bồi dưỡng cho thương binh ai cũng cho, ăn không hết... Rồi trại thương binh chuyển đi sau chiến thắng Điện Biên.

Mẹ già, con nhỏ... bố mẹ tôi được phân công ở lại trông nhà của trại đợi khi con cứng cáp... Thời thế thay đổi, bố tôi chuyển ngành vào công nhân, mẹ chuyển về làm ruộng, lần lượt sáu đứa con ra đời, mẹ cũng theo bố vào mỏ... bận rộn mưu sinh, đời sống khó khăn, cô hộ lý năm xưa mất dần sự tươi vui, năng động... có chăng chỉ còn sự lầm lũi, cam chịu, chăm chỉ, khéo léo trong công việc và bếp núc... Yêu chồng, thương con, bữa cơm mẹ chỉ nhặt sắn, khoai nói rằng mẹ thích, nhà có công việc, gà vịt giết ra, chồng con ăn thịt, mẹ chỉ ngồi nhìn, và gặm chiếc đầu gà... mẹ ví von: Nhất thủ nhì vĩ. Đàn con gà vịt lớn dần, chiến tranh, chồng thương binh, đau yếu, con gái lớn đi dạy học, vào tự vệ, đi tối ngày, thằng hai đi bộ đội... việc công, việc nhà, một tay mẹ lo toan. Sau ngày toàn thắng 1975, thằng hai hẹn mãi không về. Rồi biền biệt tin, nỗi mong mỏi chờ đợi, mẹ ôm mãi trong lòng, chất mãi trong tim, bệnh tình khởi phát... mẹ đã ra đi khi còn hai năm nữa mới tròn sáu mươi vào đầu tháng, của một ngày chớm lạnh.

Mẹ ra đi trong khắc khoải chờ mong tin đứa con trai mẹ yêu thương nhất. Mẹ ra đi mà các con không dám nói với mẹ rằng em, anh của chúng không về. Mẹ ra đi khi mái nhà tranh chưa có nổi một ban thờ trang trọng. Mẹ chưa được một bữa ngon thật sự, một giấc ngủ đủ đầy. Giờ đây các con mẹ đã hạnh phúc đầy đủ, cháu con quây quần ấm áp, chỉ vắng bóng mẹ để chúng được đáp đền, báo hiếu. Thương lắm, hơn bốn mươi năm rồi mà nước mắt đứa nào đến ngày giỗ mẹ cũng tràn bờ mi.

___________________

*1- Chiếc túi làm bằng vải

*2- Thầy cúng gọi theo tiếng dân tộc miền núi phía Bắc

*3- Con rể (dịch theo tiếng Nùng)

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Mẹ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Thoa phạm

Thoa phạm

17:54 29/09/2021

Cảm ơn ban biên tập chuyên mục văn hoá xã hội , tạp chí VĂN HÓA PHÁT TRIỂN và nhà báo Phạm Việt Long