Mênh mang bản sắc cõi thơ Khúc Hồng Thiện

Phụng Thiên

15/11/2022 22:43

Theo dõi trên

Tôi đọc “Cùng nhau nhân từ” của Khúc Hồng Thiện vào một chiều cuối thu. Cảm giác những câu thơ, con chữ cứ bảng lảng vương vấn, nhẹ nhàng, man mác đượm vào trong tôi những tình cảm của một người nặng tình với quê hương, với bản sắc văn hóa dân tộc.

menh-mang-ban-sac-coi-tho-khuc-hong-thien-1668521536.jpg
Nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện làm việc tại thư phòng Minh Đạo (Hà Đông, Hà Nội). 

Sống trong một thời đại mới nhưng vẫn không quên gợi nhắc về những điều đã xa: Chí hướng cha ông, tình yêu, tình thân, tình đoàn kết; tìm lại chính mình giữa những điều được mất, khơi gợi nơi người đọc một ý hướng thiện lành, hướng đến những điều tốt đẹp.

Khúc Hồng Thiện là bậc đàn anh, học hơn tôi 2 khóa. Anh học lớp K10 khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình văn học; nay là khoa Viết văn- Báo chí ( Đại học Văn hóa Hà Nội). Thuở ban đầu nơi đây có tên là Trường Viết văn Nguyễn Du. Hiện tại anh đang công tác tại Báo Nhân Dân. Vóc người “mình hạc xương mai”,thư sinh, giao tiếp hài hước nơi anh dễ khiến mọi người ấn tượng.

Điều đầu tiên tôi thấy Khúc Hồng Thiện nhắc đến trong tập thơ này là “tiếng quê”. Với anh, “tiếng quê” ấy chính là nguồn nuôi dưỡng sự “nhân từ” trong lòng mỗi người. Mọi miền Tổ quốc trong thơ anh đều thấm đượm hồn quê: Từ thành thị đến miền núi, từ đất liền đến biển đảo xa xôi, từ đầm lầy đến miền sơn cước. Tất cả đều hòa chung trong một khúc hát ân tình: “À ơi, câu hát”. “Cái cò đi đón cơn mưa”, “Nắm xôi thằng Bờm”- lời ru ấy đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ. Hình ảnh làng quê với túp lều, đê làng, bóng trâu, đòng đong, cân cấn, ao sâu, bà ngủ ổ rơm đối lập với những khoảnh tròn chung cư, những san sát bờ tường vôi. Giữa được và mất là hai giới hạn khá mong manh. Một bên là sự ấm no, với một bên là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn. Trăn trở ấy không chỉ của riêng Khúc Hồng Thiện nữa mà đã là một lời cảnh tỉnh chung cho mỗi chúng ta hôm nay với tương lai của thế hệ mai sau: “Chỉ e, con hỏi …cánh đồng/ Trả lời có, trả lời không… thế nào!”.

Khúc Hồng Thiện đọc lại lịch sử, soi chiếu vào những năm tháng khói lửa với bao nước mắt của những “Tuổi xuân ơi tuổi xuân à/ Mộ chung với cỏ xanh và… ước mơ” (Bâng khuâng Thành cổ). Sự thổn thức trỗi dậy trong lòng người con luôn mang nặng niềm bết ơn với các bậc tiền nhân đi trước. Cái “buốt” trong tâm như một nén nhang thành kính trước những bia đá “màu vôi xương trắng”. Đứng trước vùng đất ấy, lòng anh bâng khuâng, ngổn ngang bao suy ngẫm, tự đặt ra bao nhiêu dấu hỏi “nhọc nhằn” về “mai đây”: “Cao hơn cỏ thấp hơn cây/ Là bàng bạc chữ về bay vô thường”.

menh-mang-ban-sac-tho-khuc-hong-thien-2-1668521922.jpg
Nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện với các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội

Sen Tháp Mười, Mưa Đồng Văn, Chiều rồi, Nho Quế, Tiếng đờn sông nước như làm rõ thêm hơn cái tiếng quê ấy. Dù là nơi đầm lầy hay núi đá heo hút, đã là quê hương thì mãi vẫn là xứ sở: Nơi ta sinh ra, nơi nuôi ta khôn lớn. Hình ảnh những bông sen dù lấm lem, lam lũ “vẫn cảm ơn đồng đất chua phèn”. Sinh ra trong điều kiện khó khăn nhưng không oán trách, mà vẫn “Hồn nhiên cùng bùn đen, cùng phù sa màu mỡ/ Cùng cá tôm mỗi mùa con nước nhảy/ Cho cây lúa nơi này có bầu bạn mà vươn” (Sen Tháp Mười). Hay hình ảnh vùng đất Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc: Chỉ có đá và núi, gió, sương, nương lúa gập ghềnh nhưng vẫn mang trong mình những vẻ đẹp riêng mà chỉ nơi đây mới có: “Chỉ xanh với núi chỉ ghi với chiều/ Cứ chầm chậm đá mà yêu/ Cứ vời vợi gió mà liều bước chân”, “Vẫn Hạnh Phúc một con đường/ Vẫn huyền thoại đá và sương cuối trời” (Mưa Đồng Văn), “Họ thấy núi quê mình hùng vĩ/ Họ thấy nương của họ gập ghềnh/ Và họ thấy sắc buồn tam giác mạch/ Cứ ngút trời nhan nhác tím mà xanh” (Chiều rồi, Nho Quế). Rồi khi thả mình trên sông Vàm Cỏ, lắng nghe những tiếng “đờn”, tiếng hò của những người dân chài nơi đây làm nảy sinh trong tâm hồn người lữ khách mỗi nỗi niềm vu vơ, tê tái, cứ đằng đẵng bám víu không buông.

Niềm tự hào về quê hương đã lớn mạnh và vươn ra ngoài biển đảo. Sóng gió Trường Sa: “Vượt qua trùng trùng gió”, “Vượt qua trùng trùng sóng”, “Qua trùng trùng bão táp”. Một tâm hồn người Việt trải qua hàng ngàn năm vẫn tiếp nối nhau truyền thống cha ông yêu nước, sẵn sàng bảo vệ đất nước dù phải trải qua biết bao dâu bể: “Cha Lạc Long băng khơi/ Đem gốc tre làng Gióng/ Ra giữ đảo canh trời”, “Hồn Thăng Long linh thiêng/ Gieo hạt mầm giữa biển/ Cho cõi bờ vững thêm”, “Những chàng trai Yết Kiêu/ Sẵn sàng chắc tay súng”.

Quê hương xứ sở ấy trở nên đẹp hơn, tình cảm hơn khi Khúc Hồng Thiện gắn nó với hình ảnh người mẹ. Hy sinh, tần tảo, chịu đựng tất cả chỉ để lo toan vun vén cho gia đình, nuôi dưỡng con cái thành người. Những người mẹ ấy sinh ra và lớn lên ở chính những vùng đất nhọc nhằn ấy nhưng vẫn thấy tự hào, thấy yêu mến và muốn giữ gìn nó như “Không bao giờ quên lối về quê ngoại/ Chữ tảo tần chung thủy khắc ghi”. Một tấm gương mà mọi người con nhìn vào đều cảm thấy mình phải cố gắng nghe theo và gìn giữ “Mẹ ta đầu đội nón mê/ Mà che mát cả bốn bề nước non/ Đồng quang mẹ dẫu chẳng còn/ Vẫn nguyên lời dặn cháu con nhân từ” (Mẹ ta).

Đất nước hùng vĩ, linh thiêng, đầy tự hào và đẹp đẽ. Nhưng sự gợi nhắc của người mẹ về “nhân từ” đã làm dấy lên sâu thẳm trong lòng người con là nỗi buồn. Bởi lẽ mọi thứ đang nhìn thấy trước mắt mới chỉ tồn tại ở trạng thái lưng chừng: Lưng chừng gió, lưng chừng đá, và lưng chừng ước mơ. Cho nên Khúc Hồng Thiện trong cái nóng lòng ấy đã khao khát một cơn mưa “Mưa rửa đền”: “Xin trời một trận mưa to/ Xong rồi nắng, xong rồi mơ… rõ ràng/ Soi vào giọt nước lang thang/ Thấy cha ông thuở hồng hoang dõi về”.

menh-mang-ban-sac-coi-tho-khuc-hong-thien-3-1668521996.jpg
Nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện với bạn bè bên hè phố Hà Nội

Xã hội ngày càng phát triển, mọi phương diện cũng đầy sự đổi thay. Người với người chẳng cần gặp nhau vẫn có thể giao tiếp, trao đổi công việc chỉ bằng vài thao tác đơn giản: Chấm- chạm- vuốt- ấn, xoay ngang xoay dọc. Cho nên khi con người đang chu du ở miền ảo ảnh, vô tình chạm vào một cành mai trắng khiển ta bừng tỉnh: “Làm vỡ tan tất cả/ Làm tỉnh cơn say/ Làm hoang cơn khát/ Những mảnh pha lê rướm máu/ Cứa mãi vào giấc mơ” (Một nhành mai trắng). Giữa xô bồ cuộc sống, anh tự diễn đạt lại chính mình, ghi chú, lưu lại, gác lại những điều xưa cũ, chu du tâm hồn mình dưới những con đường “Đất quẩn chân rơm/ Lõm vết xe thồ chở lúa/ Lõm vết chân tần tảo tan chợ mẹ về/ Lõm vết chân hấp tấp ngày chị lấy chồng/ Lõm vết chân em ngơ ngác” (Đường); những trầm tích sử làng bên cây đa già cổ thụ: Việc làng việc xóm, hội hè đình đám, việc sản xuất, việc tang, việc an cư lạc nghiệp giúp anh nhận ra có những thứ “Thô có vẻ đẹp nguyên khởi”. Giống như nhành mai trắng với sự tồn tại vốn có của nó: Trong như giọt sương, mát như làn nước, hồn nhiên, cả tin, nhân hậu và luôn khao khát ánh mặt trời. Mong muốn đòi hỏi thì rất nhiều. Nhưng có lẽ chúng ta cần phải chậm lại một chút, tĩnh lặng một chút để lắng nghe mọi thứ xung quanh “Tạm gác những gì xưa cũ/ Tạm lùi những gì chưa phù hợp” (Gác) để cảm nhận hết được cái thiện, cái đẹp, trong trẻo, ngây thơ và đáng yêu của sự nguyên khởi.

Tình yêu trong thơ Khúc Hồng Thiện cũng nhẹ nhàng, góp nhặt như chính con người anh vậy. “Đến những mùa hoàng lan trong anh/ Rơi đầy quãng vắng/ Hương tràn vị nắng/ Vẫn làn môi con gái đương thì” (Hoàng lan). Dịu nhẹ và đằm thắm, phảng phất hòa quyện cùng làn sương mỏng- đó là đặc trưng của hoàng lan. Không nồng nàn như hoa sữa, nên phải ai thật sự tinh tế, thực sự yêu mới nhận ra cái hương thu trong thoang thoảng xa xăm của loài hoa này. Tình yêu ý vị là thế cho nên khi không còn em dường như trong anh mùa thu chẳng còn nữa “Thời gian không bước đi/ Không gian co thắt/ Người ta bảo mùa thu là mùa của tình yêu và thơ ca/ Nhưng bên cạnh anh người yêu em tất cả đều/ Lưng chừng/ Dang dở/ Không thu” (Mùa thu vắng em). Anh đắm chìm trong tình yêu nên cứ mải miết đi tìm “Tìm người trong ca dao/ Tìm người trong cổ tích/ Và, bắt gặp một lần em ngước mắt/ Khoảnh khắc này làm vuột mất trăm năm” (Lỡ hẹn hội Lim). Bởi lỡ hẹn nên mới có tên “Những mùa thương nhớ”. Những bóng hình xưa: Áo trắng sân trường, mái tóc nghiêng e thẹn, những con đường làng trăng rải với bao điều hứa hẹn và tin tưởng, nỗi đau khi người con gái ấy đã theo chồng và chàng trai cũng bỏ lên miền ngược. Tưởng rằng tất cả đã phai nhạt dần theo thời gian nhưng mọi thứ “Vẫn dang dở như thu về xao xác/ Vẫn đắm đuối như chưa hề tiếc nuối”, bởi lẽ “Là vẫn còn thương nhớ trong nhau” (Những mùa thương nhớ). Dù xa nhau nhưng trái tim anh vẫn lắng “Nghe em hát giữa đại ngàn”. Nhìn mưa rơi dè dặt với bao nhiêu gió bụi phong sương làm anh càng thương em “Ai che mà vẫn ướt đầu em tôi”. Anh tự nhận mình là gã điên: “Phiêu du dưới sương mờ/ Lãng đãng nhặt từng bông hoa sữa” (Lỡ hẹn). “Vì- anh- còn- tha- hương/ Vì- ta- còn- tơ- vương” cho nên “Có một kẻ vẫn đi về/ Nhưng không bao giờ dám dẫm chân lên/ Lối cũ/ Sợ rối lòng người dưng” (Em có còn tha thiết gì không). Anh yêu thật và yêu sâu đậm, nhưng cái cách anh thể hiện thì lại âm thầm, dè dặt. Anh tôn trọng sự lựa chọn của người con gái ấy, không giận dữ, trách móc mà gọi em một cách vô cùng trìu mến và tha thiết: “Em có còn tha thiết gì không”, “Em có còn hay nghĩ xa xôi”, “Em có còn thầm nhắc tên ai”. Anh hỏi nhưng không mong em trả lời. “Em có còn tha thiết/ Em có còn tha thiết gì không?/ Bao câu hỏi xin gửi về phương đó/ Anh biết thương em cũng là khi trăng vỡ/ Rơi về miền ca dao”.

Tình yêu với Khúc Hồng Thiện như một sự cứu rỗi cho tâm hồn  “Giữa xuôi ngược xô bồ lạnh toát sống lưng”, “Em hóa thân thành nước/ Triệu triệu giọt đời/ Trôi về phía đại dương” (Mùa linh). Tình yêu xoa dịu cái gay gắt lòng người, thắp lên niềm tin trong sáng  “Vẫn nhận ra đáy mắt/ Một giọt long lanh trong trẻo tuổi thơ mình” (Hoàng lan). Bản thân ngập tràn trong tình yêu nên anh thấy dường như vũ trụ cũng đang yêu. “Lẻ những cánh chim đập vội/ Mải miết kiếm tìm”, “Những cánh én cố vít hoàng hôn để thấy mặt trời”, “Gió đuổi thời gian/ Trăng đi”, “Mặt trời lận đận kiếm tìm ánh sáng” (Khi vũ trụ yêu). Hết ngày rồi đến đêm, quy luật là vậy nên hành trình cố vít thời gian ấy sẽ là một trật tự mãi mãi không thay đổi “Từ ấy/ Những cánh chim lẻ, gió và hoàng hôn phải đi tìm/ Không biết về đâu”.

Sự thương nhớ có là do chúng ta vẫn để tâm ở trong lòng; lục lọi, tìm kiếm những điều đã qua: Một lộc biếc ngày xưa, một câu hát đò đưa đã giúp ta thức tỉnh nhận ra. Ta cần “Hãy tìm lại chính ta/ Kể gì khi được mất/ Hãy tìm trong lòng đất/ Một rừng hoa chói lòa (Đi tìm). Có những thức to lớn, đẹp đẽ nhưng nếu chúng ta  không để ý thì chẳng thấy được. Tìm trong lòng đất không phải là đào bới nó lên để tìm kiếm mà phải đào chính lòng mình để cảm nhận và khám phá ra cái sức sống, kho tàng ấy.

Hình ảnh những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ: Xa quê hương, xa cha mẹ, như búp măng non bày trước gió phải mưu sinh kiếm sống nơi thành thị, không nhà cửa. Hiện thực ấy làm trỗi dậy trái tim nhân từ trong con người anh: “Giá như em có một mái nhà”, “Thêm một con người thêm khúc ca” là niềm vui sướng hân hoan trong lòng nhưng cũng là nỗi buồn khiến anh day dứt khi nào vẫn còn nhìn thấy những số phận lay lắt ấy.

Còn nhiều điều để nói về những ý thơ hay trong tập “Cùng nhau nhân từ”. Mong sao cho mỗi chúng ta ngày càng hoàn thiện mình hơn, cùng yêu thương nhau hơn, cùng nhân từ hơn trong một thế giới đầy biến động này.

 

Bạn đang đọc bài viết "Mênh mang bản sắc cõi thơ Khúc Hồng Thiện" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn