Miền Trung,  Tây Nguyên sẵn sàng ứng phó thiên tai

  Trong tuần lễ cuối tháng 10-2021, các tỉnh miền Trung,  khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã có nhiều phương án thích hợp để ứng phó với nạn thiên tai do tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu.

vuon-quoc-gia-bach-ma-1635417096.jpg
 

Vườn quốc gia Bạch Mã bị sạt lở

 

        Sáng 27-10-2021, một cơn áp thấp nhiệt đới hình thành ngay sát  bờ biển tỉnh Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mưa to đến rất to, có nơi trên 200mm. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa dự báo ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ khoảng 100-150mm, có nơi trên 180mm. Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 100-220mm, có nơi trên 250mm. Suốt trong những ngày cuối tháng 10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông. Ông Trần Quang Hoài, Phó Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên diện rộng nên nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, thượng lưu sông Đồng Nai, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Đáng chú ý, một số khu vực đang còn ngập như Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành tỉnh Quảng Nam và Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phải tiếp tục hứng chịu lượng mưa to trên diện rộng đợt này nên nguy cơ xảy ra tình trạng ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao.

    Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, hiện ở Quảng Ngãi còn 200 hộ dân vẫn trú mưa lũ chưa về được nhà. Theo dự báo, sắp tới sẽ tiếp tục có mưa nên tâm lý bà con đã mệt mỏi. Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cần đảm bảo an toàn cho người dân, tránh tình trạng chủ quan, buông xuôi gây ra những sự cố thiệt hại về sinh mạng và vật chất. Lượng mưa lớn do áp thấp nhiệt đới đã gây ngập lụt cục bộ một số tuyến đường nội đô thành phố Huế như Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Đức Kế, Đặng Dung, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Trãi, Phạm Thị Liên, Phan Anh. Tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy, Hương Trà có hàng trăm nhà dân bị ngập lụt ở mức từ 0,2 đến 0,5 m. Một số tuyến giao thông bị ngập sâu, gây gián đoạn và nguy hiểm cho giao thông đi lại. Các tuyến đường liên xã, thôn bị ngập từ 0,3 đến 0,6 m, đoạn ngập sâu đến gần 1m.

phong-dien-hue-1635417096.jpg
 

           Mưa lớn làm hai tuyến đường liên thôn ở bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền bị sạt lở 

 

      Mưa lớn còn làm hai tuyến đường liên thôn ở bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền bị sạt lở với chiều dài khoảng 40 m. Tuyến đường thôn Tân An, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc sạt lở đất tại vị trí Km 96+170. Lãnh đạo UBND xã Lộc Bình đã tiến hành kịp thời di dời 33 hộ, với 120 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ sạt lở đất nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, tình trạng sạt lở còn xảy ra nghiêm trọng ở tuyến đường lên vườn Quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của mưa lũ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, UBND tỉnh TT-Huế đã có công điện chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và TP Huế, các cơ quan, ban ngành liên quan khẩn trương tổ chức triển khai sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị trọng điểm, các vùng ven biển, cửa sông, ven sông, ven sông suối… chuyển đến nơi an toàn. Tuyến quốc lộ 1A qua địa phận huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam bị ngập nặng, đơn vị chức trách phải áp dụng phương án tạm dừng lưu thông, hướng dẫn các phương tiện chuyển hướng lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến tuyến đường dẫn vào cao tốc bị ùn ứ hơn 3 km.

ngap-lut-1635417096.jpg
 

      Dự báo từ nay đến hết tháng 10-2021, các tỉnh miền Trung sẽ tiếp tục có mưa lớn, trong thời gian này, khả năng bão, áp thấp nhiệt đới cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh Trung Bộ. Thủ tướng Chính phủ  yêu cầu các đơn vị phòng chống thiên tai phải chủ động, tích cực ứng phó với tình hình mưa lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và sinh mạng của người dân.