Mối thâm giao của ba vị từng là Thị trưởng, Đô trưởng, Đốc lý Thành phố Hà Nội – Sài Gòn – Hải Phòng

Trân trọng những kỷ niệm của ba vị đã từng là Thị trưởng, Đô trưởng, Đốc lý của ba thành phố lớn của Việt Nam, tôi xin hồi tưởng và kể lại với mọi người tình bạn khăng khít của những con người gắn với lịch sử một thời ở mỗi địa phương. Cùng chung tình yêu Tổ quốc, cùng chung chí hướng, mối thâm giao của các cụ như gắn kèm với yếu tố “cảm giác tâm linh” khi chưa cần nói đã hiểu về nhau.
1-tranh-ve-cu-tham-hoang-tin-1647793488.png

Tranh vẽ cụ Thẩm Hoàng Tín

 

Ông Phan Văn Chương (1892- 1985) là Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1947; Ông Vũ Trọng Khánh (1912-1996) là Đốc lý thành phố Hải Phòng từ tháng 7/1945; Ông Thẩm Hoàng Tín (1909 – 1990) là Thị trưởng Hà Nội những năm 1950 – 1952.

Thật kỳ diệu trong lịch sử khi ba vị từng đứng đầu ba thành phố lớn nhất của Việt Nam lại có những mối quan hệ thân tình với nhau suốt quãng đời cống hiến cho Tổ quốc. Cùng chí hướng, cùng cảm nhận, các ông đã giữ mối quan hệ thâm giao khiến cháu con mãi xúc động và ghi nhớ.

Ông Phan Văn Chương quê ở Vĩnh Long. Năm 1912 ông tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat với hạng tối ưu, được bổ nhiệm làm Phó soái Nam Kỳ, Quận trưởng tỉnh Sóc Trăng, Cần Giuộc, Tân Uyên. Năm 1947, ông làm Đô trưởng Sài Gòn- Chợ Lớn và làm Đốc Phủ sứ.

Ông Phan Văn Chương đã bỏ công danh ở chốn phồn hoa, vào chiến khu theo cách mạng. Trước khi đi, ông đã viết tâm thư gửi lại những đồng liêu: “Người Pháp từng bị mất nước trong thế chiến, chắc chắn hiểu rõ thế nào là cái nhục mất nước. Tự do của một quốc gia phải được giành lại bằng máu của bao người… Để giành lại tự do cho đất nước chỉ có kháng chiến và phải kháng chiến. Tôi hy vọng sẽ gặp lại các ông vào một ngày gần đây với tư thế khác”.

Trong kháng chiến chống Pháp ông giữ các chức vụ : Cố vấn Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, Chủ tịch UBKCHC tỉnh Rạch Giá, Giám đốc Sở Ngân khố Nam Bộ, Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Phan Văn Chương đã được trao tặng nhiều Huân chương cao quý của Nhà nước.

Ông Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13/2/1912 tại làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Đông. Ông học trường Lycée Albert Sarraut Hà Nội, 1936 tốt nghiệp cử nhân luật. Thời kỳ Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm quyền (1936-1938), ông tham gia nhóm làm báo Le Travail ( Lao Động), cùng tổ nghiên cứu Mác xít với các ông Đào Duy Kỳ, Vũ Đình Huỳnh, Phan Tử Nghĩa…1939 ông là luật sư tập sự được phân công bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng tại toà án của chính quyền thực dân Pháp. Mùng 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Tháng 7/1945, ông được bổ nhiệm làm Đốc lý Hải Phòng (tương đương Thị trưởng).

Trong hồi ký ông Vũ Trọng Khánh có viết : “Lý do cấp bách tôi phải nhận làm thị trưởng là sau khi Nhật đảo chính Pháp, thành phố như con ngựa đứt cương, công chức và nhân dân tụ tập bàn tán, nghe ngóng, không ai cầm đầu. Viên Lãnh sự Nhật Nô-mi chịu trách nhiệm hành chính thực ra chẳng biết làm gì, quân đội và hiến bình Nhật nắm chặt an ninh. Những tên Việt gian tống tiền, dịch vụ hốt rác đổ thùng trì trệ, nước điện chập chờn… Không có người lương thiện ra nắm quyền chỉ huy thì kẻ bất lương chạy chọt sẽ nhảy vào ghế thị trưởng để dựa vào Nhật làm hại dân. Nhất thiết tôi phải nắm ngay ghế thị trưởng ». Đêm 21/8/1945, Vũ Quốc Uy, cán bộ Việt Minh đến nhà ông ở số 9 ngõ Thuận Thái, đường Cát Dài, Hải Phòng, bàn việc chuyển giao chính quyền và quyết định khởi nghĩa vào sáng 23/8.

Ngày 2/9/1945 ông được cử làm Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 4/6/1946 ông làm cố vấn cho phái đoàn Việt Nam sang đàm phán tại Paris (Hội nghị Fontainebleau). Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày nhưng ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ, xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hoà non trẻ.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1994), Huân chương Kháng chiến hạng nhất (1961), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1996). Ông mất ngày 22/1/1996, hưởng thọ 84 tuổi.

Thẩm Hoàng Tín, Thị trưởng Hà Nội 1950 - 1952.

2-tranh-ve-cu-phan-van-chuong-1647793488.png
Tranh vẽ cụ Phan Văn Chương

Trong cuốn sách về Hội Tam Điểm do tiến sĩ Trần Thu Dung viết, có một đoạn xin trích : “Năm 1950, Thẩm Hoàng Tín, một thành viên Tam Điểm, lúc đó được bầu làm Thị trưởng Hà Nội, đã đề nghị các huynh đệ Tam Điểm trao trả độc lập hoàn toàn trong vòng 18 tháng cho Việt Nam. Chức sắc Tam Điểm Grenber phản đối kịch liệt và báo cáo về Đại dưỡng (Trung ương Hội Tam Điểm) việc có những huynh đệ đang hăm hở chống Pháp. Ta có thể coi Tam Điểm ở miền Bắc hoàn toàn không tồn tại nữa vì những thành viên Tam Điểm Việt Nam đã hiểu được thực chất của các chữ tự do, bình đẳng mà các huynh đệ Pháp tuyên truyền. Họ ý thức là phải đấu tranh giành độc lập mới có được sự tự do bình đẳng thật sự”.

Làm Thị trưởng thành phố Hà Nội dưới chính thể Bảo Đại, song ông Thẩm Hoàng Tín luôn kín đáo ủng hộ Việt Minh đấu tranh giành độc lập. Ông thường xuyên gửi thuốc men, tiền nong, dụng cụ y tế ra chiến khu cho Chính phủ VNDCCH.

Trong chức trách Thị trưởng Hà Nội, ông ban hành quy chế đặt tên phố Hà Nội; thiết lập các chợ thuận tiện cho buôn bán ở Ngã Tư Sở, Ô Yên Phụ, đường Lò Lợn; lập quỹ tín dụng bình dân, khuếch trương thương mại để kinh tế phát đạt, xây dựng phố xá rộng rãi hơn, phát triển các ngành nghề tiểu công nghệ.

Tết Nhâm Thìn 1952, cầu Thê Húc dẫn lên đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm bị sập do quá cũ và bị quá tải khi dân đến vãng cảnh đền. Là người được sinh ra tại Hà Nội, nặng lòng với Hà Nội, ông muốn nhân dịp này đóng góp sức mình cho cảnh quan Hà Nội. Để có chiếc cầu xứng với văn hiến Thăng Long, ông đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu cho chiếc cầu được xây mới. Đây cũng là lần đầu tiên Chính quyền tổ chức thi thiết kế mẫu cầu để tìm ra thiết kế cầu xứng đáng với di tích lịch sử - văn hóa quan trọng nhất trên hồ Hoàn Kiếm. Hơn 30 mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia. Mẫu của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm được chọn. Thiết kế cầu Thê Húc được làm mới, có độ cong tạo dáng rồng và về lực, sẽ chắc chắn vững chãi hơn thiết kế mặt cầu phẳng như cũ. Hệ thống dầm ngang, dầm dọc, mặt và thành cầu đều làm bằng gỗ thay bằng sắt thép xi măng – những vật liệu xây dựng thời hiện đại. Cầu có những con sơn, mộng gỗ để phục dựng truyền thống kiến trúc và vật liệu kiến trúc của tiền nhân. 16 hàng cọc tròn được giữ nguyên, các đầu trụ được vuốt nhọn hơn, nhằm gợi nhớ chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938.

Hoà bình lập lại 1954, ông ở lại với Hà Nội và làm thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội. Ngôi nhà to đẹp và là cửa hiệu thuốc Thẩm Hoàng Tín nằm ở số nhà 5 – 7 phố Cửa Nam, Hà Nội đã được ông hiến tặng cho Nhà nước năm 1959. Năm 1960 ông Thẩm Hoàng Tín làm Trưởng phòng Xét nghiệm và Trưởng phòng Đông y của Bệnh viện Việt Đức. Về hưu, ông nghiên cứu liệu pháp chữa bệnh “Vi lượng đồng căn” (Homéopathie). Liệu pháp này đã được Bộ Y tế cấp phép, chữa các bệnh mạn tính có hiệu quả và được ông hoàn toàn chữa miễn phí cho người bệnh. Năm 1980 ông được Nhà nước cấp phép sang Pháp chữa bệnh tim. Năm 1991, ông qua đời tại Paris, thọ 81 tuổi.

3-anh-cu-vu-trong-khanh-1647793487.png
Ảnh cụ Vũ Trọng Khánh

Các bác Phan Văn Chương (Thực ra anh em chúng tôi đều gọi là cụ vì cụ Chương tuổi rất cao), bác Vũ Trọng Khánh rất thân thiết với bố tôi (Dược sỹ Thẩm Hoàng Tín). Lần nào từ Hải Phòng lên bác Khánh đều đến nhà tôi ở 13 Cửa Nam dự bữa cơm gia đình và chuyện trò rất vui vẻ. Khoảng 1958, gia đình tôi đi nghỉ mát ở Đồ Sơn, bác Khánh giữ lại ngủ một đêm ở nhà bác tại Hải Phòng. Bác còn cho bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một quả bóng cao su màu đỏ to hơn quả tennis một chút để chơi nghịch ở biển.

Bác Chương tập kết ra Hà Nội 1954. Bác ở một mình trên tầng 2 ngôi biệt thự Pháp cổ đường Lý Thường Kiệt gần nhà tôi. Hầu như cuối tuần nào bác Chương cũng đến nhà tôi dùng bữa. Bác thích nhất món “cuốn” bà nội tôi làm. Bà tự làm mắm tép, cho tép và các thứ vào một lọ thủy tinh, đậy vải màn, phơi nắng trên nắp giếng trong sân vài ngày, ăn cùng với thịt lợn thái chỉ, chuối xanh, gừng, khế, các loại rau sống. Khoảng năm 1962, bác Chương đi nghỉ mát cùng hai bố con tôi ở Bãi Cháy. Tôi được đi do ưu tiên là út ít nhất nhà. Được ở ké tiêu chuẩn của bác, tôi nhớ mãi bác hay phê bình tôi: “ Thanh niên gì mà chậm chạp thế!”. Thực ra lúc ấy tôi mới 10 tuổi…

Trân trọng những kỷ niệm của ba vị đã từng là Thị trưởng, Đô trưởng, Đốc lý của ba thành phố lớn của Việt Nam, tôi xin hồi tưởng và kể lại với mọi người tình bạn khăng khít của những con người gắn với lịch sử một thời ở mỗi địa phương. Cùng chung tình yêu Tổ quốc, cùng chung chí hướng, mối thâm giao của các cụ như gắn kèm với yếu tố “cảm giác tâm linh” khi chưa cần nói đã hiểu về nhau. Dù tôi đang sống xa Tổ quốc nhưng tôi tin rằng cũng như tấm gương của các cụ, khi đã cùng chí hướng, cùng tình yêu Tổ quốc Việt Nam, chúng ta sẽ mãi bên nhau.

_______________________________

*Con trai ông Thẩm Hoàng Tín, gửi về từ Paris – Cộng hòa Pháp