Một áng văn hay có thể sánh ngang Truyện Kiều

Lâu nay, về thể thơ lục bát và viết bằng chữ Nôm, nhiều người thường biết đến Truyện Kiều, Hoa tiên.  Trong đó, Truyện Kiều được đánh giá là kiệt tác thơ. Cùng với hai tác phẩm viết bằng thể thơ dân tộc,  và có thời gian cách nhau không xa, Mai Đình mộng ký từng có nhà nghiên cứu đánh giá cao, đem ra đặt bên cạnh Truyện Kiều.
img-1410-1649688692.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Mai Đình mộng ký được hiểu là Ghi chép giấc mộng ở đình Mai. Tác phẩm này của Nguyễn Huy Hổ, là truyện thơ chữ Nôm gồm 298 câu thể lục bát có xen 2 bài thơ ngũ ngôn luật Đường. Thi phẩm được  viết vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19.

Nội dung tác phẩm kể về giấc mơ của tác giả. Theo đó, ngày xuân năm Kỷ Tỵ (1809), Nguyễn Huy Hổ đi thăm người anh ở Nam Đàn, Nghệ An. Sau đó ông ghé xem Hoa đăng tại Phù Thạch (Nghệ An).

Vào trưa, trời mưa, Nguyễn Huy Hổ thuê đò đi ngược sông Lam. Trong giấc ngủ, ông nằm mộng đến lâu đài, có vườn cây, có đình đề tên Thưởng Mai đình. Từ đây, có những câu chuyện khác kéo theo. Và nhân đó, những vần thơ lục bát được ra đời.

Về Mai Đình mộng ký, GS. Hoàng Xuân Hãn từng viết: “Thiên mộng ký này là một áng văn chương tuyệt diệu, không lời nào non, vần nào ép. Ai cũng biết Truyện Kiều, nhiều người biết Hoa tiên. Đến như Mai đình mộng ký thì không mấy ai được đọc trừ một số ít người ở La Sơn và Can Lộc. Một áng văn hay như vậy mà bị mai một trong gần trăm rưởi năm, kể cũng hơi lạ! Chúng ta há không nên sửa lại sự bất công ấy hay sao?”.

Theo nhận định trên của Hoàng Xuân Hãn, thì tác phẩm của Nguyễn Huy Hổ đã được xếp cùng với Truyện Kiều và Hoa tiên. Hoàng Xuân Hãn cũng gọi Mai Đình mộng ký là một áng văn hay. Ông cũng tỏ ra tiếc khi tác phẩm này chưa được biết đến nhiều. Và dường như hiện nay, Mai Đình mộng ký cũng không được biết đến nhiều như Truyện Kiều hay Hoa tiên.

Góc nhìn xã hội của Nguyễn Huy Hổ qua tác phẩm này, được Nguyễn Lộc nhận định: “Mai đình mộng ký thể hiện tâm sự hoài Lê của tác giả. Khuynh hướng hoài Lê hay hoài cổ nói chung trong văn học Việt Nam, giai đoạn nửa thế kỷ 19, một phần thể hiện quan niệm nhân sinh của những tác giả này, nhưng một phần cũng thể hiện sự bất mãn kín đáo của họ đối với triều đại nhà Nguyễn. Mai đình mộng ký sử dụng nhiều từ Hán và điển cố. Nói chung, lời thơ rất điêu luyện, trau chuốt, bóng bẩy, có nhiều đoạn tả thiên nhiên rất đẹp”.

Qua nhận định này, ta thấy Nguyễn Huy Hổ có tâm trạng nhớ quá khứ, tức nhớ về triều đại nhà Hậu Lê. Tâm trạng này có thể cũng là tâm trạng của Nguyễn Du. Nguyễn Lộc cũng coi Mai Đình mộng ký có lời thơ điêu luyện, trau chuốt, và nhất là những đoạn về thiên nhiên. Để giúp tác phẩm thêm một lần nữa đến với bạn đọc, chúng tôi xin trích đoạn Mai Đình mộng ký dưới đây:

Trăm năm là kiếp ở đời

Vòng trần này đã mấy người trăm năm

Cuộc phù sinh có bao lăm

Nỡ qua ngày bạc mà lầm tuổi xanh

Duyên tế ngộ hội công danh

Là hai, với nghĩa chung tình là ba

Đều là đường cái người ta

Là cầu noi đó ai qua mới từng

Tình duyên hai chữ nhắc bằng

Há rằng duyên chướng, há rằng tình si

Chuyện xưa còn có sá chi

Đêm khuya vui chén muốn ghi nỗi mình

Cho hay rằng giống có tình

Chiêm bao lẩn quất năm canh lần lần

 

+++

 

Dã men vừa sánh giọng trà

Nhà lan treo tháp, doàng la xuống thuyền

Gió xuân rút cánh buồm duyên

Thiều quang chín chục, vân yên một chèo

Bến tình nhẹ nhổ con neo

Đầu mai yến vấn, mạn chèo oanh đưa

Thảnh thơi bầu rượu túi thơ

Ngón cầm khiển hứng, nước cờ giải mê

Não nùng vượn suối hoa khe

Với người dường có vả vê chữ tình

Phong quang tám bức vén tranh

Bình non mượn khắm, gương doành lét tô

Bến Nam liễu bá con đò

Mảnh mây viễn phố, cánh cò hàn sa

Ngàn Đông khói lẫn lạc hà

Giọt mưa cổ thụ, tiếng gà cô thôn.