Một cách nhìn khác về nữ thi sĩ Xuân Quỳnh

Phụng Thiên

23/10/2022 08:25

Theo dõi trên

Sáng 22/10, tại Bảo tàng Văn học (275 Âu Cơ, Hà Nội) đã tọa đàm"Xuân Quỳnh – một cách nhìn khác". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi kỉ niệm 80 năm ngày sinh của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Đông đảo các nhà nghiên cứu và các bạn trẻ tham dự tọa đàm.

mot-goc-nhin-khac-ve-xuan-quynh-1666455115.jpg
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (bìa phải)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS. TS Lưu Khánh Thơ điều hành phiên tọa đàm kết hợp với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Một số nhà nghiên cứu có tham luận như: TS Hà Thanh Vân, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS Nguyễn Thúy Hạnh…

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hồi tưởng, tháng 10 này, nhà thơ Xuân Quỳnh 80 tuổi,nếu không xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc ở cầu Phú Lương năm 1988 trên đường Quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội.

Lâu nay, chúng ta chỉ nói tới Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ “đóng khung”trong tính nữ. Chúng ta vẫn chỉ nói tới chị Quỳnh ở vai trò người nữ, người mẹ, người chị, người vợ. Nhưng trước hết, Xuân Quỳnh là một cá thể độc lập, một nhà thơ độc lập, có giọng điệu riêng, có cá tính riêng, có phong cách riêng, có tiếng thơ riêng. Hộithảo này là “Một cách nhìn khác:”. Nói theo ngôn từ khoa học là: Một diễn ngôn khác. Khi đưa đến ý tưởng này, chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện.

mot-goc-nhin-khac-ve-xuan-quynh-2-1666455200.jpg
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân đã trình bày bài tham luận: Xuân Quỳnh và Marina Tsvetaeva: nữ tính là dám thành thật sống với cảm xúc của chính mình. Tiến sĩ Hà Thanh Vân mặc chiếc áo dài rất đặc biệt. Chiếc áo in nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh: Thuyền và biển, sóng, hoa cỏ may…

Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho biết, chị thích nhất bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của nữ sĩ. Lý do là bởi đó là một bài thơ mà ngoài tình cảm, tình yêu gắn bó cùng với những khắc khoải, hy vọng, mong ngóng còn mang một nét rất đặc thù cho những mùa thu. Và thêm điều tình cờ nữa là bởi thi sĩ Xuân Quỳnh cũng sinh vào mùa thu. Điều đó giống như là một sự tin cảm, một lời nhắn gửi của Xuân Quỳnh không phải chỉ khi bà còn đang sống và cả cho sau này nữa.

ha-thanh-van-1666455273.jpg
Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân (người đứng)

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái đã chia sẻ trong tham luận của mình: "Tôi đã để tâm nhớ về và đọc lại những bài thơ tình được tinh tuyển của Xuân Quỳnh trong tập thơ vừa được Hội Nhà văn Việt Nam, cùng công ty Nhã Nam xuất bản: Xuân Quỳnh - Không bao giờ là cuối. Bất chợt, tôi nghĩ đến một phản đề: Thơ tình Xuân Quỳnh - Độc lập và cô đơn cùng cuối, nhằm thiết lập một bài viết, theo tinh thần mà tôi yêu mến và đồng thuận của chính cuộc tọa đàm này: Xin hãy đọc thơ Xuân Quỳnh bằng cái nhìn mới và khác...

Nhớ lần cuối, tôi gặp Xuân Quỳnh vào mùa đông 1987, ở Matxcova, thủ đô nước Nga, lúc ấy là Liên Xô. Đến bây giờ, Quỳnh cùng đoàn nhà văn Việt Nam sang theo học mấy tháng cuối năm 1987, tại trường đại học về Văn học, mang tên M.Gorki. Do không hẹn giờ gặp trước, tôi với Quỳnh đã ngẫu nhiên đi bộ ngược chiều nhau, trên hai vỉa hè một đường phố lớn. Hoa tuyết mùa đông nước Nga, lạnh âm 25 độ, đang bay bời bời xiên chéo không gian âm u lúc xẩm tối. Quỳnh không thấy tôi, nhưng tôi thấy chị bên kia đường, dáng đi xiêu xiêu, vội vã thường quen mà tôi đã gặp từ hồi còn là biên tập viên NXB Văn học ở Hà Nội, suốt 2 năm, từ 1973 đến 1975. Tôi thi thoảng nhìn qua cửa sổ phòng biên tập, có cây hoa ngọc lan xòa bóng, thấy Quỳnh thường một mình đi lấy cơm ở bếp ăn của Hội LHVHNT, phía sân sau NXB Văn Học.

Tôi quen Quỳnh ở nhà thi sĩ Chế Lan Viên, bạn thơ đàn anh của chị Quỳnh. Và tôi giữ được tình chị em, bằng hữu, từ đó cho đến khi cùng Lưu Quang Vũ làm "ký giả kịch trường" cho Tạp chí Sân Khấu; từ năm 1977, cho đến tận lúc... đi ngược chiều năm 1987, trước tháng 8 năm 1988, khi chị Quỳnh mất, cùng chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ – trong một tai nạn giao thông hy hữu. Nhìn Quỳnh đi cô độc bên kia đường, dáng vẻ vội vã, trí nhớ tôi bất chợt quay về hình ảnh xa xăm của chính Quỳnh ở Hà Nội, trong những câu thơ chênh chao tâm trạng tìm kiếm và săn đuổi - thứ mà cả đời Quỳnh khao khát - như người đi săn mải miết tìm kiếm con mồi- tình yêu và hạnh phúc".

Tiến sĩ Phạm Thị Hương Quỳnh đến từ Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã có tham luận “Ẩn dụ ý niệm về đôi bàn tay trong thơ Xuân Quỳnh” (The conceptual metaphor of hands in Xuân Quỳnh poems). Đáng chú ý từ phép ẩn dụ: Đôi bàn tay là bầu chứa đựng tình cảm. Qua khảo sát tác phẩm của nhà thơ Xuân Quỳnh, phạm trù chiếu xạ cơ thể (đôi bàn tay) <= bầu chứaxuất hiện tương đối nhiều. Có 3 nguyên nhân lý giải cho điều này. Thứ nhất, ẩn dụ ý niệm là cái chung của nhân loại nhưng trong mỗi dân tộc thì không phải mọi đặc điểm của miền nguồn gốc đều được chiếu xạ đến miền đích mà chỉ một số đặc điểm phù hợp mới xuất hiện. Dưới tác động cảu văn hóa và sự nghiệm thân mà mỗi ý niệm sẽ nổi trội hay không nổi trội ở các quốc gia khác nhau. Đối với người Việt, đôi bàn tay của người phụ nữ gắn liền với chức năng của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Thứ hai, từ góc độ văn hóa, xuất phát từ tín ngưỡng và quan niệm mẫu hệ, người phụ nữ chiếm vai trò rất quan trọng trong gia đình. Vì thế đôi bàn tay của người phụ nữ thể hiện cho việc chăm chút, cho việc xây dựng tổ ấm chẳng hạn như: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm; sảy cha thì ăn cơm với cá, sảy mẹ thì nhặt lá đầu đường; đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp… vì vậy đôi bàn tay của người phụ nữ được tri nhận giống như một bầu chứa cho tất cả mọi vui buồn, hạnh phúc…

Sau thành công lớn với Đêm thơ – nhạc – kịch Hoa Cúc Xanh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tiếp tục là người khởi xướng cho buổi tọa đàm văn học Xuân Quỳnh – một cách nhìn khác, chia sẻ với Dân Việt, nữ đạo diễn cho biết: "Đêm thơ – nhạc – kịch Hoa cúc xanh là một lời đặt hàng từ báo Dân việt và gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh. Hoa cúc xanh là nơi sâu lắng, các vở kịch cùng nhiều tiết mục âm nhạc, biểu diễn được tạo dựng bởi những nghệ sĩ hết sức chuyên nghiệp cùng vốn đầu tư rất lớn và sẽ rất lâu nữa mới được thực hiện lại.

Tuy nhiên, ở “Se sẽ chứ”, khán giả sẽ thấy được đây là một lễ hội thi ca dành cho cộng đồng và nó cần phải được diễn ra hàng năm với một quy mô có thể lớn hơn. Tuy nhiên, công chúng sẽ dễ dàng tiếp cận hơn vì đây là sự kiện mở cửa cho tất cả mọi người và sẽ không có một rào cản liên quan đến vé hoặc là thu nhập. Thông qua buổi tọa đàm lần này, chúng tôi kỳ vọng có thể tạo nên một diễn ngôn mới trong cách đọc, cách nhìn về di sản thi ca của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Khác với mọi năm, chúng tôi cũng đã lựa chọn một địa điểm rộng hơn để đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả và những người yêu thơ.

Thông qua tọa đàm lần này, chúng tôi muốn truyền tải về mặt bản chất, cách đọc và cách hiểu của diễn ngôn truyền thống đối với chị Xuân Quỳnh. Với cách đọc lại và cách đọc khác mà tọa đàn mang tới sự phá vỡ những khuôn mẫu cũng như những định kiến về giới. Điều này không chỉ có ích trong trường hợp của thơ Xuân Quỳnh mà nó sẽ có ích cho những người đọc cũng như những nhà nghiên cứu trong việc nhìn vào di sản của tất cả các nhà văn, nhà thơ mà không phải phân biệt là nhà thơ nhà văn nam hay nữ.

Bạn đang đọc bài viết "Một cách nhìn khác về nữ thi sĩ Xuân Quỳnh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn