Chưa rõ ngày sinh năm mất của Ngô Ngọc Du, chỉ biết ông quê tỉnh Hải Dương, hiệu là Đào Khê, từng có nhiều năm sống ở cửa sông Tô, thành Thăng Long xưa, làm nghề dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân, vào thời cuối Lê đầu Tây Sơn. Tương truyền, tiên sinh họ Ngô từng sáng tác khá nhiều, nhất là tạp ký, nhưng thất lạc, chỉ còn lại một số bài trong trí nhớ của bạn bè và học trò. “Long thành quang phục kỷ thực” là một trong những bài thơ Ngô Ngọc Du ghi lại sự kiện vua Quang Trung và quân đội Tây Sơn ra Bắc, quét sạch mấy chục vạn quân Thanh xâm lược, giành lại Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789)...
Phiên âm:
LONG THÀNH QUANG PHỤC KỶ THỰC
Hà vật nghịch tặc lai xâm phạm
Vương sư nhất nộ uy vũ dương
Trường khu trực đáo chân thần tốc
Như tòng thiên giáng nan để đương.
Hoả long nhất trận tặc phi mỹ,
Khí thành kiếp độ tranh đào sinh
Tam quân ngũ quán chỉnh đội tiến,
Bách tính tước dược phục đáo nghênh.
Vân vũ bạt khai kiến thiên nhật,
Mãn thành lão thiếu câu hoan nhan.
Ma kiên bả lý quần tương ngữ:
Cố đô hoàn thị ngã hà san.
Dịch nghĩa:
GHI LẠI SỰ THẬT
VIỆC KHÔI PHỤC THÀNH THĂNG LONG
Bọn giặc vì cớ gì điên cuồng đến đây!
Quân nhà vua phẫn nộ nêu cao uy vũ
Rồi thần tốc xông thẳng tới
Như từ trên trời kéo xuống, không ai chống nổi.
Một trận rồng lửa làm cho giặc tan tành
Chúng bỏ thành, cướp đò, tìm đường chạy trốn.
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến lên,
Trăm họ mừng rỡ, đón tiếp đầy đường.
Mây quang mưa tạnh, thấy lại mặt trời,
Đầy thành trẻ già mặt tươi như hoa,
Họ chen vai thích cánh tranh nói với nhau:
“Cố đô vẫn thuộc núi sông của ta”
DỊCH THƠ
Cớ sao giặc dữ tới đây ?
Quân ta khí uất chất đầy tâm can.
Từ trên trời xuống, ai đang,
Thần tốc, thần tốc, hiên ngang xông vào !
Lửa thiêu tan tác giặc Tàu,
Bỏ thành chạy trốn, tranh nhau cướp thuyền.
Ba quân tề chỉnh tiến lên,
Mừng vui trăm họ đứng bên đón chào,
Mây quang, trời tạnh vui sao,
Đầy thành già trẻ khác nào hoa tươi.
Tranh nhau nói nói cười cười:
“Cố đô ta vẫn sáng ngời núi sông !”
VŨ BÌNH LỤC dịch
Câu đầu là một câu hỏi. Một câu hỏi mà đã hàm chứa cái ý trả lời. Rằng bọn “nghịch tặc” kia, lũ giặc điên cuồng kia, cớ sao chúng bay lại dẫn xác tới đây! Đã thấy rõ thái độ rạch ròi của tác giả, khi chỉ đích danh bọn ngoại bang xâm lược phương Bắc là “nghịch tặc”. Mà đã là bọn nghịch tặc thì đương nhiên là vô đạo, là phi nghĩa, dù chúng có đội quân trăm vạn, hùng hổ diễu võ dương oai, ngông cuồng tàn bạo đến mấy!
Phần tiếp theo của bài thơ, chủ yếu chỉ là những ghi chép. Ghi chép khách quan những điều tai nghe mắt thấy một cách hoàn toàn trung thực, cụ thể và khái quát về một sự kiện rất lớn và hơn thế, còn là một sự kiện chính trị chưa từng có trong lịch sử đau thương và anh dũng của dân tộc. Trước hết là hình ảnh quân đội Tây Sơn, đội quân áo vải cờ đào bách chiến bách thắng, cũng là hình ảnh, là biểu tượng sinh động của ý chí anh hùng bất khuất của dân tộc Đại Việt. Tác giả viết:
Quân nhà vua phẫn nộ nêu cao uy vũ,
Rồi thần tốc xông thẳng tới,
Như từ trên trời kéo xuống, không ai địch nổi,
Một trận rồng lửa làm cho lũ giặc tan tành…
“Quân nhà vua”, nghĩa là quân Tây Sơn của vua Quang Trung, từ Phú Xuân kéo ra, hội với quân của Ngô Văn Sở và Ngô thì Nhậm vừa chủ động lui về từ Thăng long, hiện trấn giữ ở vòng cung Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Một đội quân thiện chiến, dũng mãnh, chiến đấu vì lý tưởng cao cả. Họ đầy tự tin chiến thắng dưới cờ chính nghĩa và tài thao lược của thống soái tối cao Quang Trung-Nguyễn Huệ. Hình ảnh “Vương sư nhất nộ” tỏ rõ ý chí và lòng căm thù giặc cao độ của quân đội Tây Sơn, muôn người như một. Rồi
“thần tốc xông thẳng tới
như từ trên trời kéo thẳng xuống
một trận rồng lửa làm cho giặc tan tành”.
hỉ với mấy câu thơ ngắn, đanh, sắc gọn, tác giả đã có thể tái hiện toàn bộ khí thế hào hùng không gì ngăn được của đội quân yêu nước,ngoan cường, bách chiến bách thắng. Những hình dung từ, những động từ mạnh mẽ, những so sánh ví von bất ngờ… kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, như góp phần tạo dựng sức mạnh vũ bão của quân ta, chỉ “một trận rồng lửa” mà quét sạch quân xâm lược bạo tàn. Khí thơ hừng hực cuốn theo sức mạnh ba quân, âm hưởng phơi phới tự hào.
Người đọc có thể hình dung đội quân thiện chiến của vua Quang Trung, bằng nhiều mũi tiến công thần tốc bí mật tiến về bao vây một địa điểm lớn nhất và duy nhất, đó chính là kinh thành Thăng Long mà lũ giặc Thanh kiêu ngạo đang say sưa trong mùi men chiến thắng. Trong số những đạo quân do các vị đô đốc như Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Đô đốc Long… chỉ huy, các nhà nghiên cứu lịch sử đã dần làm sáng tỏ. Còn đạo quân do vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy tiến ra Thăng Long theo hướng nào ? Điều này cũng chưa thấy tài liệu nào khẳng định chắc chắn. Căn cứ vào nội dung của bài thơ, chúng tôi ngờ rằng đạo quân thần tốc “như từ trên trời kéo xuống, không ai địch nổi” ấy, chính là đạo quân tiến ra Thăng Long theo con đường ven núi Trường Sơn qua ngả Hòa Bình rồi từ Sơn Tây bất ngờ chọc thẳng xuống Thăng Long như sét đánh, như một nỗi kinh hoàng khủng khiếp, khiến kẻ thù khiếp đảm mà vỡ mật, không thể nào địch nổi. Rồi thì “hỏa khí” mãnh liệt công phá các cứ điểm xung quanh thành Thăng Long như những con rồng lửa, cùng với voi gầm ngựa hí, quân sĩ dũng cảm xông pha, không kẻ thù nào đương nổi.
Hình ảnh lũ giặc kiêu ngạo bại trận, tác giả chỉ cần gói gọn trong một câu thơ, mà đủ đầy tất cả:
Chúng bỏ thành, cướp đò tìm đường chạy trốn”.
Rõ là một đội quân chiến bại, hoảng loạn đến mức cực độ, tan tác trong lửa cháy tro bay, cố tìm mọi cách tự thoát thân, dẫm đạp lên nhau, dày xéo lên nhau mà chết. Chết trong tức tưởi và sợ hãi, xác giặc nghẽn cả dòng nước sông Hồng. Chỉ vẽ phác mấy chi tiết tiêu biểu về sự đại bại của quân xâm lược nhà Thanh, để so sánh với khí thế kiêu hùng và kỷ luật của quân ta “đội ngũ chỉnh tề tiến lên” , tiến vào giải phóng Thăng Long, trong sự mừng vui đón tiếp của trăm họ đang chen vai thích cánh reo hò, có lẽ cũng không cần phải bình luận gì thêm nữa.
Phần còn lại của bài thơ, tác giả tập trung miêu tả hình ảnh nhân dân ta vui mừng đón đoàn quân chiến thắng.
Trăm họ mừng rỡ, đón tiếp đầy đường,
…Đầy thành trẻ già mặt tươi như hoa,
Họ chen vai thích cánh tranh nhau nói:
“Cố đô vẫn thuộc núi sông ta”!
Cũng vẫn chỉ là một vài nét phác họa, nhưng bức tranh hiện thực của những ngày tưng bừng chiến thắng thì hiện lên thật chân thực và cảm động. Người đông chật đường, già trẻ gái trai ai nấy mặt mày rạng rỡ như hoa, “tươi như hoa”. Rồi thì tranh nhau nói, tranh nhau ngợi ca chiến thắng, lòng rưng rưng phơi phới niềm tự hào về dân tộc Đại Việt bất khuất và anh hùng vừa hoàn thành sứ mệnh quét sạch kẻ thù ngoại bang ra khỏi Thăng Long, ra khỏi bờ cõi. Thăng Long trong một khoảnh khắc u ám bóng giặc ngoại xâm tàn bạo, giờ đây đã được giải phóng, lại thuộc núi sông ta ! Chẳng phải là một sự sung sướng đến vô bờ bến hay sao !
Ngô Ngọc Du đã viết một bài thơ thật hào sảng, tươi rói niềm tự hào dân tộc, đậm màu sắc trữ tình công dân. Có lẽ không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui ngày dân tộc được giải phóng khỏi ách ngoại bang. Ngô ngọc Du, một người đương thời, trực tiếp chứng kiến những ngày hạnh phúc tràn đầy ấy, trên mỗi góc phố Kinh thành Thăng Long, trên mỗi mặt người rạng rỡ, cũng sảng khoái thốt lên:
Mây quang mưa tạnh, thấy lại mặt trời”!
Thăng Long lại thoát khỏi những ngày đen tối, đất nước lại tưng bừng sáng tươi.
Thơ có cảm hứng lớn, vô cùng hoành tráng. Tình thơ chân thật, nồng ấm, chan chứa niềm tự hào và niềm vui chiến thắng. Đó là một bức tranh hiện thực tươi ròng, một tiếng ca vui dường như bất tận, chẳng khác gì niềm vui bất tuyệt sau này, khi đội quân cách mạng của chúng ta từ chiến khu Việt Bắc trở về giải phóng thủ đô yêu dấu 10-10-1954, rồi hai chục năm trường kỳ kháng chiến quét sạch giặc Mỹ và tay sai, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối. Chỉ thương cho Thăng Long lận đận, tiếng là “phi chiến địa”, mà đã trải mấy phen binh lửa điêu tàn. May mà Thăng Long vẫn còn đó, vẫn trường tồn cùng dân tộc, dẫu cũng không ít đau thương chìm nổi ba đào !
V.B.L