Trò chuyện với nữ anh hùng từng là trung đội trưởng pháo binh

Trong đời binh nghiệp của mình, thiếu tá Tư Ánh tên thật là Nguyễn Ngọc Ánh (Ngụ tại 318A, Ngô Quyền, p. Vĩnh Lạc, tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, lập nhiều chiến công hiển hách, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014. S

1-co-anh-1682722573.jpg

Thiếu tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Ánh

Mưu trí, anh dũng, hy sinh không nuối tiếc

Cô Tư Ánh sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Hoà Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng có cha là Nguyễn Hùng Khánh làm bí thư xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc năm 1947, chị Hai là Nguyễn Kim Liên cùng em trai là Nguyễn Quốc Hùng tham gia đoàn dân công từ năm 11 tuổi. Hoà với hào khí Đông A của dân tộc, của gia đình, với tình yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 1965 cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Ánh không hề run sợ trước mũi tên, hòn đạn của kẻ thù đã viết đơn tình nguyện xung phong đi bộ đội, khi ấy cô 16 tuổi. Thấy cô Ánh tuổi còn nhỏ nên Huyện ủy Gò Quao phân công làm chiến sĩ giao liên và y tá cho cơ quan đồng thời tham gia huấn luyện. Trong vai trò là một người giao liên, y tá, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Nữ địa phương quân huyện Gò Quao cô luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn chuyển điện khẩn, công văn, tài liệu,... bảo đảm kịp thời, chính xác, an toàn tuyệt đối, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên, đồng đội tín nhiệm và cô vinh dự được kết nạp Đảng năm 1967.

Chiến trường "miền Đông gian lao mà anh dũng", cô cùng 09 chị em gồm Sáu Hồng, Năm Oanh, Hai Thủy, Nguyệt, Thu, Dung,  Định, Thu Ba, Mỹ Châu viết đơn tình nguyện tham gia C112 (Đi Miền Đông) nhưng được Tỉnh ủy Kiên Giang giữ lại để thành lập Đội Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 207 tiến về thị xã Rạch Giá trong đợt 1 tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tháng 02 năm 1968, Đội nữ Thanh niên xung phong được bổ sung vào Đại đội pháo 617 của tỉnh và thành lập Tiểu đội nữ pháo binh, người lớn tuổi nhất 24 tuổi, người nhỏ tuối nhất 14 tuổi, cô vinh dự được tổ chức phân công làm Tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ của Tiểu đội nữ pháo binh là vác pháo, tham gia chiến đấu cùng với các đơn vị của C617 đánh bức rút đồn bót của địch như đồn Gò Đất, Xà Xiêm, Soa Đũa, cầu Pơ He, Phen Cà Tưng, Tắc Cậu, Máy Nước,...làm nức lòng nhân dân tỉnh nhà, tạo nên niềm tin, động viên, khích lệ giới nữ trong vùng tham gia kháng chiến.

Từ tháng 2 năm 1968 đến cuối năm 1971, Tiểu đội nữ pháo binh của cô Ngọc Ánh tham gia chiến đấu trên 40 trận, diệt hàng trăm tên địch và bắn rơi 2 máy bay, đơn vị đứng chân vững chắc trên những vùng chiến sự nóng bỏng như Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, Vĩnh Thuận,… Trong thời gian này, cô được tổ chức phân công làm Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng Trung đội Nữ Pháo binh thuộc Đại đội 617 Pháo binh, Chính trị viên phó Đại đội - Kiêm Trung đội trưởng Trung đội Nữ Pháo binh Đại đội 617 Pháo binh. Cuối năm 1971, do điều kiện tình hình chiến trường, Tỉnh ủy Kiên Giang chủ trương giải thể đơn vị nữ pháo binh. Đây là một điều tiếc nuối rất lớn đối với đơn vị nữ pháo binh bởi trong chiến đấu chị em trong đơn vị luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cô Tư Ánh tâm sự. Sau đó, năm 1972 cô làm cán sự Quân lực, Tiểu đoàn Bộ binh 207, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang. Năm 1980 đảm nhận Trợ lý Quân lực, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang. Năm 1988 giữ chức vụ Thiếu tá, Trưởng ban Đăng ký nghĩa vụ quân sự Phòng Động viên - Tuyển quân Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang. Từ tháng 3 năm 1988 đến tháng 10 năm 1993 cô chuyển ngành giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Tháng 11 năm 1993 đến tháng 3 năm 2003 đảm nhận chức vụ Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối cơ quan Tỉnh Kiên Giang. Cuối năm 2003 cô nghỉ hưu.

Tâm sự cuộc đời binh nghiệp của mình, có một vài trận đánh mà cô Tư Ánh nhớ mãi, thể hiện rõ sự mưu lược, anh dũng, quyết đoán, tinh thần trách nhiệm cao, dẫu có hy sinh cũng không từ nan, đó là sáng ngày 13/02/1969, đơn vị tập trung tại một trường học để rút kinh nghiệm sau trận đánh Chi khu Gò Quao thì bất ngờ có 03 chiếc trực thăng từ Chi khu Thứ Ba bay tới bắn xối xả vào trường học. Bình tĩnh, tự tin, cô đã cơ động đơn vị tiếp cận công sự an toàn triển khai đội hình chiến đấu. Tại đây, cô mở thùng đạn pháo, lắp liều phóng chuẩn bị sẵn sàng. Nhận được tin địch đang tập trung tại khu vực Đập Đất, do điều kiện địa hình và cự ly không cho phép sử dụng chân pháo nên cô đã dùng hai tay đỡ nòng pháo 82, lấy tọa độ rồi yêu cầu đồng đội bắn ứng dụng 15 quả đạn pháo vào khu vực địch tập trung. Trận này, tin của ta báo về 30 tên địch bị tiêu diệt, trong đó có 02 cố vấn Mỹ, buộc chúng phải lên máy bay rút chạy về Chi khu Thứ Ba.

Trong trận đánh diệt Chi khu Giồng Riềng để tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 207 đánh đồn Đập Đất năm 1970. Trước trận đánh này, cô Tư Ánh được đơn vị cho nghỉ phép dưỡng bệnh nhưng vì số lượng pháo kiềm chế tương đối lớn (40 quả đạn pháo), mặt khác trận địa pháo tiếp quản từ đơn vị pháo 23-11 của Quân khu đã bị lộ nên cô xin được tham gia chiến đấu cùng đơn vị. Quá trình cơ động bằng xuồng tiếp cận vị trí chiến đấu, đơn vị đến khu vực vàm Cả Đuốc Lớn bị súng máy 12,7mm của địch từ đồn vàm Cả Đuốc Lớn bắn dữ dội, phải vòng tránh nên đơn vị bị lạc đường. Hiểu rằng nếu không quay trở lại, không có pháo của đơn vị kiềm chế, hỏa lực của địch ở Chi khu Giồng Riềng dễ dàng chi viện cho đồn Đập Đất sẽ gây tổn thất, hy sinh cho Tiểu đoàn 207, đơn vị sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Cô phân tích, đánh giá tình hình cùng đồng đội rồi tìm đường quay lại trận địa. Sau hơn 3 giờ hành quân, đơn vị đến được trận địa theo đúng kế hoạch hiệp đồng tác chiến. Đúng giờ G, tiếng súng ĐKZ57 và thủ pháo của ta nổ vang trời phía đồn Đập Đất. Chi khu Giồng Riềng bị đơn vị nữ pháo binh khống chế nên không chi viện cho đồn Đập Đất được, đã tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 207 tiêu diệt nhiều sinh lực địch và rút lui an toàn.

2-kien-giang-1682722743.jpg

Cô Ánh kể  chuyện sự nghiệp của mình với thế hệ trẻ

Nặng lòng với những cảnh đời bất hạnh

Không chỉ tham gia Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh và thành phố Rạch Giá cô còn tham gia Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang, bởi cô nhận thấy, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh và thành phố Rạch Giá là những đơn vị từ thiện xã hội, là cầu nối giữa các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ người nghèo, bệnh nhân nghèo và những nơi khó khăn nên cô đã nhiệt tình tham gia. Đồng chí Trương Thắng Trận, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang cho biết, khi tham gia Hội, cô Tư Ánh phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở hội, vận động tài trợ, Ban thi đua khen thưởng, tổ chức Đảng của Hội. Trong xây dựng cơ sở Hội, cô đã cùng với Ban lãnh đạo Hội tích cực vận động xây dựng, phát triển hội cơ sở, hội viên, đến nay toàn tỉnh đã có 27 hội cơ sở với trên 700 hội viên, đồng thời đề xuất với Hội đồng Thi đua Khen thưởng của đơn vị phát động phong trào thi đua yêu nước tạo tinh thần đoàn kết, tương trợ, tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “ thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, toàn tâm, toàn ý phục vụ người nghèo góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của tỉnh. Từ năm 2004 đến năm 2021, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã vận động nguồn lực tài trợ được trên 995 tỷ đồng, năm 2022 vận động được 69 tỷ đồng.

Trong công tác vận động tài trợ, bằng các mối quan hệ quen biết của mình cô luôn tích cực vận động bạn bè, doanh nghiệp, doanh nhân, mạnh thường quân giúp đỡ người nghèo tại địa phương như: xây nhà tình thương, làm đường, xây cầu nông thôn, giếng nước sạch, tặng quà, gạo cho người nghèo, “ Trao xe lăn cho người tàn tật ”, “Mổ mắt cho người nghèo mù ”, “ Điều trị bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo”, “khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo”. Cô tâm sự, trong 16 năm hoạt động thiện nguyện, hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân nghèo, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, cô thấy lòng mình xót xa, thương cảm trước mỗi hoàn cảnh khó khăn của họ nên bản thân luôn tâm niệm cố gắng hết sức mình giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh để họ vơi bớt nỗi khó khăn trong cuộc sống. Với cô, được giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh đó là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Vì thế, trong hoạt động từ thiện cô luôn cùng tập thể Hội thực hiện những chương trình thiện nguyện tại các xã, huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh và nước bạn Campuchia mà không nề hà mọi khó khăn, gian khổ, luôn nỗ lực cố gắng vì ngày mai tươi sáng của người nghèo, bệnh nhân nghèo.

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thiếu tá Nguyễn Ngọc Ánh luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ Đảng viên 56 tuổi Đảng, 74 tuổi đời của người quân nhân cách mạng, luôn nỗ lực hết mình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đã đạt được trong chiến đấu, năm 1968, 1969 cô được Tỉnh đội Kiên Giang tặng Bằng khen. Năm 1975 được Chủ tịch nước tặng 03 Huân chương Chiến sĩ giải phòng hạng Nhất, Nhì, Ba và 03 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba. Trong công tác vận động từ thiện, cô nhiều năm liền được Uỷ Ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen, Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen, Năm 2010 Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014.