Bị đẩy khỏi cao điểm, bọn tàn quân địch chạy tan tác vào những cách rừng thông ẩn náu. Trung đội pháo cối của tôi được lệnh cử một Tiểu đội cùng đơn vị bộ binh truy kích địch do đồng chí Đào - Đại đội Phó trực tiếp chỉ huy. Bộ phận truy kích địch vừa rời khỏi nơi trú quân khoảng 30 phút thì đã nghe thấy tiếng súng rộ lên tại khu rừng trước mặt. Chúng tôi chẳng ai bảo ai nhưng đều nghĩ: “Đụng địch rồi”. Quả nhiên chỉ sau 5 phút đã có điện báo về Tiểu đoàn: “Ta vừa gặp bọn tàn quân địch, diệt khoảng 10 tên. Đồng chí Đào và đồng chí Thăng đã anh dũng hy sinh”.
Tôi bàng hoàng không còn tin vào tai mình nữa. Mới về chỉ huy Trung đội được ít ngày, tôi đã biết hoàn cảnh của anh Đào ra sao đâu? Còn đồng chí Thăng là lính trực tiếp của tôi nên tôi biết khá rõ. Thăng mới 19 tuổi, quê ở Quảng Ninh, bố mẹ mất sớm để lại mấy anh em nheo nhóc nuôi nhau nên người cậu ta nhỏ thó. Cả đàn em trông vào ông anh cả của gia đình!. Cậu ta lại là “Cây Văn nghệ” của trung đội, danh ca nổi tiếng với bài “Con vỏi con voi”…Đã 45 năm trôi qua, mỗi khi nghe có người hát bài “Con voi”, hình ảnh Thăng lại hiện ra trước mắt tôi cùng với lời ca tinh nghịch của cậu ấy!
Đau thương chồng lên đau thương. Ngay sau ngày Thăng hy sinh, tôi lại được lệnh trực tiếp chỉ huy Khẩu đội cối 82 chốt ở đồi Mâm Xôi để yểm trợ cho bộ binh giữ chốt. Phát hiện ra chúng tôi, bọn địch bắn hàng trăm quả đạn pháo tới khu vực trận địa mỗi ngày. Tới ngày thứ tám, tôi về báo cáo với anh Hiền - Đại đội Trưởng về tình hình tư tưởng và sức khỏe của anh em. Nghe tôi báo cáo xong, anh Hiền liền nói:
- Ngày mai anh ở nhà nghỉ ngơi, tôi lên chốt thay anh và cũng để động viên anh em.
- Anh cứ ở nhà, trên trận địa bom đạn ác liệt lắm, chúng tôi chốt lâu quen với cách sử lí tình huống, anh em chiến sỹ cũng có thêm nhiều kinh nghiệm.
- Tớ đã có hai “mụn” con gái. Có sao thì cũng có người “cúng cơm”, còn cậu thì chưa có mảnh tình rách, chết ai thương tiếc!…
Anh Hiền nói và nhất quyết lên chốt. Tôi hiểu cái cớ tôi chưa có mảnh tình rách chỉ là anh Hiền vin vào để lên chốt thay tôi. Cái chính là anh thương và lo cho tôi. Và điều lớn hơn, anh là chỉ huy cao nhất. Anh không thể ở lại phía sau giữa lúc toàn đơn vị đang hàng ngày đối diện với hy sinh gian khổ phía trước.. Nhìn dáng anh xăm xăm dấn bước về phía đồi Mâm Xôi nơi vẫn thỉnh thoảng lại vang dậy tiếng pháo địch, lòng tôi thấp thỏm không yên.
Khoảng 10 giờ trưa hôm đó xuất hiện máy bay địch. Ba chiếc bay B52 từ phía Thái Lan sang. Gay rồi! Tôi chỉ kịp nghĩ đến thế và đã bị xô ngã dúi dụi. Đất dưới chân chao nghiêng. Tôi cố trụ đứng lên. Phía đồi Mâm Xôi mù mịt khói đen. Máy bay địch đã mất hút. Vừa kịp chạy vào lán vớ lấy khẩu súng khoác lên người và vơ đại chiếc xẻng, hô to: Anh em lên chốt ngay, chốt bị ném bom rồi. Chưa kịp tập hợp đội hình đã thấy cậu Lạp từ trên trận địa hớt hải chạy về. Cậu ta chỉ nói được đúng một câu: “Chết hết cả rồi” và lăn ra đất, bất tỉnh. Chúng tôi vội dìu Lạp vào hang đá, giao người ở lại chăm sóc rồi lại vớ cuốc xẻng chạy ngược lên đồi, bất chấp pháo địch đang nã tới tấp.
Tới đỉnh đồi, một cảnh tượng thương tâm bày ra trước mắt chúng tôi. Quả bom rơi vào đúng giữa hầm pháo. khắp bãi cỏ tranh là từng mảng xương thịt đồng đội. Trung đội có hai Khẩu đội. Chỉ một quả bom đã xóa sổ một Khẩu đội rồi. đại đội 12 cả đại đội Trưởng Hiền và đại đội Phó Đào đều hy sinh.
Sau khi chôn cất phần xương thịt còn lại của sáu đồng đội, ngồi bình tĩnh lại nghe Lạp kể, chúng tôi mới biết cụ thể sự việc xảy ra. Hôm đó anh Hiền lên thay tôi chỉ huy đã phân công Lạp ôm khẩu tiểu liên ra đầu núi gác, đề phòng địch tập kích. Dứt trận bom, Lạp chạy về trận địa thì chỉ thấy hầm pháo là một hố bom…Điều buồn hơn nữa là tuy Lạp thoát chết trong trận bom tọa độ ở chiến trường Lào nhưng chỉ sau ba tháng cậu ấy lại hy sinh tại mặt trận Quảng Trị.
Sau chiến tranh, tôi được điều đi công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, mỗi ngày mỗi xa đơn vị cũ. Tới năm 1992 được nghỉ hưu tôi mới có điều kiện tìm về Sư đoàn. Cũng may còn nhớ cả tên và ngày hy sinh của bẩy anh em nên tôi dễ dàng tìm ra quê quán và tên cha mẹ các anh. Và cũng đến lúc này tôi mới biết chính xác trong số bẩy anh hy sinh chỉ duy nhất có anh Hiền đã có vợ và hai con gái. Các cụ sinh ra các anh khác hiện chỉ còn một ông bố và hai bà mẹ.
Tôi chỉ ước mơ có một ngày nào đó tìm về quê hương các anh để thăm hỏi động viên cha mẹ và người thân các anh.
Cuối năm 1992, lần mò mãi tôi mới tìm được gia đình anh Hiền. Ngày đó mẹ sinh ra anh (Bà Nguyễn Thị Trúc) đã tròn 84 tuổi. Tôi cứ ngồi lặng yên như một khúc gỗ để mẹ và vợ anh Hiền (Chị Nguyễn Thị Lý) ôm ghì lấy tôi, khản tiếng kêu khóc: “Hiền ơi! Hiền ơi sao hôm nay con mới về với mẹ…!”. “Anh Hiền ơi! Anh ra đi mà không nhắn cho em lấy một lời!..”.Tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hai người đàn bà khóc, hơn kém nhau cả mấy chục tuổi mà có mái tóc bạc trắng như nhau.
Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đất nước dù đã được thống nhất sáu, bảy năm nhưng lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đời sống người dân khó khăn thiếu thốn trăm bề. Ở nhà mẹ Trúc và chị Lý chơi được mấy ngày, tôi trở lại Sài Gòn mà ruột gan nặng trĩu. “Mình thì một lũ con thơ, ốc chưa mang nổi mình ốc nhưng so với hoàn cảnh chị Lý thì gia đình minh còn khá hơn nhiều”. Ngày đêm tôi cứ dằn vặt với bao ý nghĩ. Vào một buổi tối, tôi đem những suy nghĩ của mình bàn với vợ.
- Như em đã biết đấy, Khẩu đội pháo do anh phụ trách đã hy sinh 6 người ở cánh đồng Chum và một người ở Quảng Trị. Trong 7 anh em thì chỉ có anh Hiền (đại đội trưởng) là có vợ và 2 cô con gái. Vừa rồi anh về thăm nhà thấy hoàn cảnh của gia đình anh khó khăn quá, liệu mình có thể giúp một cháu có công ăn việc làm được không?.
- Anh là người lính còn em thì là vợ lính lại là một công nhân viên Quốc phòng sao em không hiểu tâm nguyện của anh. Câu chuyện tiểu đội pháo của anh bị bom tọa độ hy sinh hết bảy người, anh đã kể với em hàng mấy chục lần. Đến em còn nhớ từng tên các anh và gia đình các anh đang ở tỉnh nào. Sao em không muốn giúp đỡ các cháu con đồng đội anh đã hy sinh để họ có cuộc sống gia đình như chúng ta ngày nay. Riêng với anh Hiền, em hiểu anh vẫn coi anh Hiền như anh trai ruột. Bởi chính anh Hiền đã hy sinh thay anh. Nếu anh Hiền không nhất quyết bắt anh ở lại tuyến sau và lên chốt thay anh thì anh chắc cũng không còn được trở về gia đình như ngày hôm nay. Em hiểu anh, hiểu cái ân lớn của anh Hiền với anh và cả tấm lòng cũng như trách nhiệm của anh với đồng đội… Có điều anh thì vừa nghỉ hưu xong, mẹ già cũng trên 70 tuổi rồi, các con thì đang học phổ thông...
Mặc dù vợ tôi đưa ra một lô những khó khăn như: Đón cháu vào đến cái giường không có mà ngủ, chưa nói gì đến công việc làm. Thành phố hàng vạn người thất nghiệp đang phải buôn thúng bán mẹt vậy mình làm sao kiếm được việc làm cho cháu…Nhưng cũng chỉ sau ít phút cô ấy cũng nhất trí để tôi xin mẹ Trúc và chị Lý cho các cháu vào ở với gia đình tôi.
Khi tôi ngỏ lời xin cháu Tuyến vào ở với gia đình tôi thì chị Lý cũng băn khoăn lắm. Suốt bao năm trời mẹ con rau cháo nuôi nhau, no đói có nhau, bây giờ cháu Tuyến đã tròn 20 tuổi mẹ con lại phải xa nhau. Dù thương con nhưng lại nghĩ đến tương lai của con nên chị đã đồng ý cho con đi. Chị nói:
- Cháu chú đã lớn rồi, giờ được vào ở với chú thím cũng như ở với bố nó nên tôi rất yên tâm. Có điều hiện nay cháu đã yêu anh Tuấn, Trung úy bộ đội mới phục viên. Nếu tổ chức đám cưới cho các con rồi cho chúng nó cùng vào ở với chú được không?
- Vậy thì mừng quá chị ơi. Cùng lúc em lại được cả cháu gái và cháu rể.
Vậy là việc tổ chức đám cưới cho hai cháu Tuấn Tuyến được diễn ra mau lẹ.
Ngày đó khó khăn lắm, chẳng những thiếu phương tiện đi lại mà còn không có cả tiền. Tôi ở Sài Gòn không trực tiếp ra tham dự đám cưới của hai cháu nhưng tôi đã viết thư về báo cho Ban chỉ huy Sư đoàn 312 (Sư đoàn cũ của tôi) là có cháu Tuyến, con Liệt sĩ đại đội trưởng Nguyễn Văn Hiền tổ chức đám cưới, mong các anh về chia vui với gia đình và 2 cháu. Nguyện vọng của tôi được Ban chỉ huy Sư đoàn quan tâm và đã cử một đoàn cán bộ về dự đám cưới tại gia đình chị Lý. Một vinh dự nữa là Thiếu tướng Nguyễn Chuông nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 312 đã nghỉ hưu ở Hà Nội cũng về tận Phú Thọ tham dự đám cưới của cháu Tuyến. Vậy là hơn 20 năm trời từ khi cháu Tuyến lọt lòng mẹ đến khi cháu đi lấy chồng cháu không được gặp mặt cha. Nhưng trong ngày vui trọng đại này cháu được các ông, các bác, các chú là người đơn vị cũ của bố đến dự. Đó là niềm động viên và là một hạnh phúc lớn lao đối với cuộc đời của cháu.
Ở Sài Gòn không trực tiếp được tham dự đám cưới của cháu, lòng tôi như lửa đốt. Tâm trạng tôi lúc này lo lắng như ngày cưới của chính con mình. Và tôi luôn mường tượng linh hồn anh Hiền cũng sẽ về lo cho con gái trong đám cưới hôm nay.
Sau đám cưới cháu Tuyến ít ngày, cả hai vợ chồng cháu đã có mặt tại nhà tôi ở Sài Gòn.
Ngày ấy mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, bà cứ lân la đến gần cháu Tuyến hết nhìn cháu lại hỏi đủ thứ chuyện. Buổi tối hôm đó bà gọi vợ tôi ra một chỗ vắng và nói.
- Con xem thế nào chứ mẹ thấy nghi lắm. Ngày xưa mẹ cũng nghe người ta đồn thổi là chồng con có con riêng ở đâu đó, có lẽ nó lấy cái cớ là nuôi con đồng đội rồi đưa con của nó về. Vợ tôi chỉ còn nước bò lăn ra mà cười. Câu chuyện được vỡ lở ngay từ phút đầu nên cả nhà cũng được mẻ cười ngặt nghẽo. Nhân sự kiện này, tôi cũng tập trung gia đình và tuyên bố luôn với các con và hai cháu:
- Chị Tuyến là con của bác Hiền, đại đội trưởng đại đội 12, Tiểu đoàn 6, hy sinh năm 1972 ở chiến trường Lào. Ngày đó bố là cán bộ trung đội và ít tuổi hơn bác, nên bây giờ bố coi chị Tuyến là cháu và cả gia đình ta có trách nhiệm giúp đỡ vợ chồng chị Tuyến. Các con hãy coi anh Tuấn và chị Tuyến là anh chị cả trong nhà.
Kể từ đó các con tôi luôn bám sát bên anh chị Tuấn- Tuyến và thường được anh chị đưa đón đi học hàng ngày.
Đã lên kế hoạch trước, tôi cho cháu Tuyến đi học may Công nghiệp còn cháu Tuấn thì học lái xe ô tô. Sau thời gian học, hai cháu đã có việc làm nhưng công việc không đều, bữa làm bữa nghỉ. Hơn nữa nhà cửa chật chội, việc đăng ký hộ khẩu tạm trú cũng có nhiều phiền phức. Cái khó nhất là các cháu đều sinh ra và lớn lên ở nông thôn, việc ăn ở, làm việc, tiếp xúc với xã hội có hạn chế. Hơn nữa các cháu cũng cần có một mái ấm gia đình riêng. Công việc hợp với các cháu bây giờ phải là những việc dính dáng đến nông nghiệp. Tôi bàn với vợ tập trung tiền và vay thêm bạn bè mua một vườn cây chôm chôm ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ngày đó đất ven thị xã chủ yếu trồng cây ăn quả và cà phê, giá đất thì còn rẻ. Mảnh đất tôi mua gần 1 ha, có cây ăn trái, có 3.000 mét vuông ruộng trồng lúa mỗi năm 3 vụ, đủ thóc ăn cho một gia đình 4 nhân khẩu, có sẵn nhà ở và điện thắp sáng. Tôi báo với Chính quyền địa phương cháu là con Liệt sĩ nên ngay từ bước đầu địa phương cũng tạo điều kiện cho cháu nhập hộ khẩu và mời cháu Tuấn tham gia một số công tác ở địa phương. Có nhà ở, có đất đai canh tác, có cuộc sống ổn định hợp với khả năng của mình, Tuấn và Tuyến đều chăm chỉ làm ăn, lại tích cực tham gia các công tác ở địa phương nên chẳng bao lâu đã hòa nhập với quê hương mới. Ngoài việc chăm sóc vườn cây ăn quả và 3 sào lúa nước, hai vợ chồng còn chăn hàng trăm con heo, gà, dê, thỏ…, trồng nấm, trồng rau. Ngoài ra sẵn có nghề may, Tuyến còn tranh thủ nhận vải cắt sẵn về may gia công nên cuộc sống ngày một ổn định dần.
Đầu năm 1993, tin vui đến với cả gia đình tôi và gia đình chị Lý. Cháu Tuyến đã sinh con gái đầu lòng, tôi chính thức được làm ông ngoại ở cái tuổi chưa đầy 50. Tôi nói cháu Tuyến mời mẹ vào thăm cháu. Trong những ngày vui trọng đại này hai chị em mới có thời gian để dãi bày tâm sự. Chị Lý kể cho tôi nghe những kỷ niệm để đời về những ngày tháng ngắn ngủi sống bên chồng. Tôi kể cho chị nghe về những năm tháng được sống và chiến đấu cùng anh Hiền, người anh hiền hậu như chính cái tên của anh…
Ngay sau khi được thông báo chuẩn bị nghỉ hưu, tôi đã xin về làm Phóng viên Báo Cựu Chiến Binh Việt Nam, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong những lần ra Hà Nội công tác, tôi tranh thủ tìm đến gia đình các anh Cảo ở Bắc Giang, anh Nghiêm ở Hà Nam…nhưng bố mẹ các anh đã qua đời. Tôi xin phép những người thân của gia đình các anh đưa ra phần mộ để thắp hương viếng linh hồn các cụ. Riêng chỉ còn cụ Gái là mẹ của anh Hồi ở Bắc Ninh còn sống.
Tháng 4 năm 2011, cụ Gái - mẹ của liệt sĩ Hồi là bà mẹ cuối cùng trong số 14 ông bố bà mẹ của 7 liệt sĩ trong trung đội của tôi đã về giời. Trước khi qua đời cụ Gái còn dặn con cháu đưa vào quan tài chiếc túi đan bằng cước do anh Hồi tự đan ở chiến trường Lào gửi về tặng mẹ. Cụ đã giữ chiếc túi kỷ vật của con để đựng trầu suốt 39 năm và còn muốn mang theo về cõi vĩnh hằng.
Hôm nay là ngày đầu xuân năm 2017. Cũng là dịp chuẩn bị đến ngày làm đám giỗ anh Nguyễn Văn Hiền lần thứ 45, và là ngày kỷ niệm 25 năm vợ chồng cháu Tuấn Tuyến về sinh sống trên mảnh đất này. Ngồi tại phòng khách ở ngôi nhà 1 trệt 2 lầu của vợ chồng cháu Tuyến, tôi lần hồi tưởng những gì xảy ra trong suốt 45 năm qua và viết những trang sách này.
Trong lúc tôi đang chăm chú viết thì cháu Trang con đầu của cháu Tuyến đến chào tôi để đi bán thuốc tại cửa hàng Dược thị xã và cháu Dương con thứ 2 đến chào tôi để đến lớp 12. Mẹ cháu tươi cười nói với tôi.
- Ông chuẩn bị xin cho cháu Dương vào học ở trường Đại học nào gần nhà để cháu đi lại cho tiện nhé.
Tôi cười và bỗng thấy mắt rưng rưng.
Ở phía Tây đang có một đám mây trắng như bông mải miết bay về tỏa bóng râm xuống căn nhà. Tôi cứ nghĩ như linh hồn anh Hiền đang hiện về che chở cho chúng tôi.
Nhưng vẫn còn một điều nữa tôi băn khoăn: Đã mấy chục năm qua các gia đình có người thân hy sinh trong trận bom tọa độ tháng 2 năm 1972 tại đồi Mâm Xôi, khu vực Sam Thông, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào - đều có nguyện vọng thiết tha nhờ tôi đưa đến địa điểm các anh hy sinh. Dù chỉ bốc được nắm đất làm Kỷ vật nơi các anh đổ máu. Tôi luôn coi đây là món nợ của đời mình chưa trả được. Nhưng với khả năng của mình tôi chưa làm được điều này.
Tôi hiểu nếu làm được việc này cần phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban chỉ huy Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, Bộ Quốc phòng và các ngành chức năng cùng các CCB của Sư Đoàn 312 và CCB quân tình nguyện Việt Nam ở Lào nữa.
Nếu làm được việc này thì khi tôi nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng.
Trái tim người lính
Trịnh Duy Son
11:29 09/12/2021
Cảm ơn Ban biên tập tạp chí